Con chim gõ kiến

Truyện Cổ Phật Giáo 

Chim gõ kiến

Trong một khu rừng nọ, có một con chim gõ kiến thực hành từ bi tâm và Bồ Tát đạo.

Con chim gõ kiến này khác với mấy con chim khác, bẩm sinh nó thông minh sáng láng, lại lông cánh tuyệt đẹp. Khi nó bay, trông nó uy nghi trang trọng, thật là vua của loài chim rừng !

Trong rừng có những thân cây bị mọt ăn thủng lỗ, thì loài chim gõ kiến hay đi tìm bắt sâu mọt trong những lỗ thủng ấy ăn để mà sống. Nhưng con chim gõ kiến này nhân từ quá nên chỉ ăn các mầm chồi non mềm hay uống nước các thứ trái cây, chứ không nỡ mổ những con mọt nhỏ bé kia để mà nuôi thân. Ðồng thời, nó cũng mà một vị y sĩ rất thông minh, nó có thể trị bệnh cho loài chim và cho cả loài thú đi trên mặt đất nữa.

Có một lần, chim gõ kiến bay qua cánh rừng, gặp một con sử tử nằm dài bên vệ đường, lớn tiếng kêu rống, rên rỉ đau đớn. Chim gõ kiến ngừng xuống hỏi :

– Hỡi vua của loài thú ! Ai làm cho bạn đau đớn như thế ? Có phải là bị tên của thợ săn bắn trúng ? Hay mắc phải một chứng bệnh nguy ngập ? Hay là mới gây hấn với loài voi ? Hay tại đói quá nên đau đớn ? Xin bạn hãy nói cho tôi biết, không chừng tôi có thể giúp bạn được !

– Hỡi vua của loài chim ! Tôi không phải bệnh, cũng không phải gây hấn với voi, mà chỉ tại tôi mắc xương ngang cổ họng. Cái đau đớn cùng cực này, so với cái đau bị trúng tên cũng không thấm gì. Nó làm cho tôi không nuốt vào được, nhổ ra cũng không được, nếu bạn có thể giúp tôi thì xin bạn hãy ra tay làm phúc !

– Tôi có thể giúp bạn, miễn là bạn nghe lời tôi dặn bảo.

Sư tử gật đầu ưng thuận, chim gõ kiến bèn đi tìm một cành cây thật chắc chắn, bảo sử tử há miệng thật to, to đến mức không há nổi nữa mới thôi, rồi mới kê nhánh cây vào miệng sử tử. Xong đâu đó, chim mới bay vào miệng sư tử, khôn khéo làm cho hai đầu miếng xương nông ra một chút, rồi dùng hết sức lực ngậm xương trong mỏ kéo ra. Sau đó, nó từ từ xê dịch khúc cây ra khỏi miệng sư tử. Con chim gõ kiến hoàn thành sứ mạng trong lòng rất khoan khoái, lúc ấy mới cáo biệt sư tử mà bay đi.

Sư tử không còn đau đớn nữa, trong lòng cũng rất cảm khái, tạ ơn chim gõ kiến rồi cũng từ biệt mà quay về.

Một thời gian sau, chim gõ kiến kiếm không thấy thức ăn được nữa vì mấy ngày trước đó trời hạn hán, không có lấy một giọt mưa, chồi cây và hoa quả cháy sém khô cằn, chim gõ kiến kia đói quá ngày một tiêu mòn, chỉ mấy ngày nữa nếu cứ thế này mãi thì chắc là chết đói mất !

Toàn thân rã rời, nó mệt mỏi tìm kiếm cái gì ăn thì đột nhiên thấy dưới một gốc cây to, con sư tử mới cứu hôm nọ, đang mải miết ăn một con cừu béo mập săn được. Nó ngấu nghiến nhai nhai nuốt nuốt, không màng tới bất cứ chuyện gì khác.

Con chim gõ kiến bay xuống, khép nép đứng bên cạnh sư tử, nhìn nó bằng cặp mắt cầu khẩn như xin ăn mà không mở miệng nói một lời nào. Nhưng con sư tử vô tình vẫn nhồm nhoàm nhai nuốt miếng thịt cừu của mình, không thèm ngó ngàng gì tới con chim gõ kiến, giả vờ như không thấy.

– Chắc anh chàng này không nhận ra mình.

Chim gõ kiến nghĩ như thế, mới bèn tiến tới gần con sử tử, cầu cứu một cách khiêm tốn :

– Hôm nay tôi đến gặp bạn như một kẻ ăn mày, xin bạn cho tôi một chút gì ăn, tôi đói quá rồi bạn ạ. Nếu bạn thuận lòng thí xả một chút thức ăn cho một kẻ sắp chết đói, thì công đức của bạn rất lớn !

Con sư tử hung dữ gầm lên :

– Mi to gan thật, trong lúc ta đang dùng bữa thì mi táo bạo dám đến gần, ý mi muốn hiến thân làm thức ăn cho ta phải không ? Cái lúc mi bay vào miệng ta lấy miếng xương ra khỏi họng, là do vì ta cho phép mi làm, chẳng có gì đáng kể công hết ! Ta không có lòng nhân từ, mi có cút đi không!

Con chim gõ kiến không nói không rằng, lặng lẽ ôm nỗi thất vọng trong lòng, sửa soạn bay đi.

Thần cây thấy con sư tử vong ân bội nghĩa như thế, trong lòng hết sức bất bình, bèn hỏi chim gõ kiến :

– Tại sao bạn không mắng cho vào mặt của cái phường vong ân ấy ? Không lẽ bạn không đủ sức đối phó với hắn hay sao ? Bạn là ân nhân của hắn mà hắn lại đối xử vói bạn một cách hung dữ như thế, tại sao bạn không tới mổ vào hai con mắt của hắn, mà lại chấp nhận cho hắn tàn nhẫn ngược đãi bạn ?

– Ðừng nhắc tới hắn nữa. Xử phạt con sử tử vong ân bạc nghĩa ấy không phải là việc của tôi. Trong tương lai, hắn sẽ tự nhiên lãnh lấy hậu quả của sự vong ân bạc nghĩa ấy. Nếu có một ngày nào đó gặp nạn, sẽ không ai đến cứu hắn nữa. Nhưng tôi không bao giờ ân hận đã thi ân cho hắn. Nếu như tôi nghĩ đến sự báo đáp rồi mới thi ân, thì đó là một việc mua bán vay trả, chứ không phải là một hành động đạo đức cao cả.

Thần cây nghe chim gõ kiến nói như thế, cảm động mà khen ngợi rằng :

– Bạn thật là một người nhân từ, đạo đức cao thượng. Bạn không giống như một con chim, mà lại giống một con người khoác lên một bộ lông cánh tuyệt đẹp. Trí huệ phúc đức của bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ thiếu sót !

Thần cây tán thán xong cáo biệt mà đi. Con chim gõ kiến cũng rời bỏ con sử tử vong ân bạc nghĩa. Một vài ngày sau, con sư tử bị thợ săn bắn chết.

Không bao lâu, trời rưới xuống một trận mưa pháp cam lồ, làm cho khắp mặt trái đất được tưới nhuần tươi tốt, hoa nở, lá non, và con chim gõ kiến nhân từ kia được cả trái đất ca tụng và khen ngợi.

11 bình luận

Filed under Sưu tầm

11 responses to “Con chim gõ kiến

  1. Nhỏ

    Bài sưu tầm hay , rất là tình người . Cám ơn người đã sưu tầm.

  2. Một câu chuyện thật thú vị nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc .Bây giờ trong cuộc sống quanh chungsta không thiếu những người có thái độ và hành xử như con sư tử kia .Nhưng ở đời Luật nhân quả vẫn còn ,rõ ràng và sẽ báo ứng tức thì .Do vậy chúng ta phải sống như thế nào để lòng thanh thản ,vì cuộc sống tốt đẹp ,chan hòa lòng yêu thương với tất cả mọi người ,,,Nhân nào thì quả nấy ,đó là một bài học chắc chắn kg bao giờ cũ trong chúng ta ,,Cảm ơn BBT đã sưu tầm và cho đọc một câu chuyện thật ý nghĩa để cho chúng ta cùng suy gẫm …/..

    • Trúc Sơn

      Tôi thấy hành vi con Sư tử kể ra thật đáng trách, là “Ân không đền”, đó là nói về đời xưa.
      Còn thời nay tôi thấy tồi tệ và bi đát vạn lần. Đôi khi “người thi ân” lại bị “báo oán”. Ôi chao! Đạo đức nhân sinh không phải tuột trên con dốc nữa mà dương như đã chui vào tận âm phủ rồi!?
      Môn ĐỨC DỤC, môn CÔNG DÂN GIÁO DỤC đã vắng bóng trong chương trình giáo dục ở lứa tuổi thiếu niên- là lứa mầm non của đất nước!
      Phải thế chăng? Anh Cá Thu hè? Các bạn hè?

    • TT Hiếu Thảo

      Sao bài này cá Thu phân tích hay hè 10/10 hihhihi. Nói thiệt đó không phải khen lấy lòng đâu đánh Thảo thì Thảo chạy hihhih

      • Hi hi ,cám ơn HT đã khen anh nhé ..Bình và nhận xét cũng như làm thơ dzậy đó HT ơi .khi ngẫu hứng ,cảm xúc dâng đầy thì thơ tuôn ra lai láng và còn thì ngược lại .Vậy thôi có gì lạ đâu HT hè ..Chúc vui Thảo nha ..Thảo khen thì phải thưởng chứ ai lại đi quánh Thảo đâu hè ..Hi hi …

  3. TT Hiếu Thảo

    Câu chuyện này đọc rất thú vị tội cho chim gõ kiến giàu lòng nghiã hiệp cứu giúp Sư tử lúc hoạn nạn lâm nguy, nhưng khi Sư tử có cuộc sống no ấm lại ích kỷ không nhận ra người mình từng hàm ân…Nhưng cuối cùng thảm bại gởi vào cST và chim gõ kiến nhận lấy một muà xuân thật đẹp được đất trời ban tặng… Nhưng ở đời mỗi sinh linh đều mang một kiếp sống và tâm hồn , nàng tiên ra nàng tiên phù Thủy ra phù thủy, cá biển ra cá biển, cá sông ra cá sông .. Bông cúc ra bông cúc, bông giấy ra bông giấy….Đây chỉ là một câu chuyện từ bi .. Câu chuyện đáng ngưỡng mộ về chủ đề tư tưởng hay.. Xin chia sẻ cảm nhận.

  4. “Con chim gõ kiến”, truyện cổ Phật giáo. Sau khi đọc xong … NV thấy vui, trân trọng hành động “thi ân bất cầu báo” của chim gõ kiến…bên cạnh đó là suy nghĩ, hành động của con sư tử, xử sự bất nghĩa với chim gõ kiến, vốn là ân nhân của nó. Và kết quả cuối cùng, chim gõ kiến, con vật nhân hậu làm ơn, không cần sự hồi báo, được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Còn kẻ vô ơn bạc nghĩa, con sư tử, phải lãnh lấy một hậu quả thê thảm , mất mạng.
    Bài học rút ra từ câu chuyện trên “phàm khi ta làm hoặc giúp ai điều gì…đừng cầu mong sự đáp trả…Và nhân quả không sai một ly.” Đó là những bài học đời mà tất cả chúng ta nên nghiển ngẫm đễ sống tốt…Cám ơn BBT đã chuyển tải đến Trang nhà, một câu chuyện sưu tầm thật hay, ý nghĩa.

  5. Cảm ơn bài viết rất tình người…

  6. Trúc Sơn

    Quả là hành vi mang triết lý:”Thi ân bất cầu báo”! Trìết lý sống của một loài chim nhỏ bé thôi, đáng để chúng ta suy nghĩ biết bao!
    Phải không các anh chị?

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.