HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN (Phần 1)

Nguyễn Đức Diêu

HRCN1

Nắng chói chang ! Quái ! Giờ nầy rồi mà chẳng thấy nó đâu cả, cái thằng Phan chết tiệt nầy.
Tôi liếc nhìn cái đồng hồ hai cửa sổ không người lái, cái di chứng thằng đế quốc để lại, đã 11 giờ trưa rồi. Mẹ, sắp hàng từ sáng giờ, sắp đến phiên mua vé mà cũng chẳng thấy nó đâu, thế mà đêm qua nó thề xe lửa cán đường rầy nữa chứ, dễ điên thật !

Được rồi, không có mầy , tao cũng đi luôn, đợi đấy, tao về rồi tính sổ với mầy sau.

Cầm ̣được chiếc vé xe trong tay, tôi tót lên xe tìm chỗ ngồi, thả cái bịch xuống ghế, sắp hàng từ 5 giờ sáng đến giờ, đứ cả người !

Cũng khá đói bụng, sáng giờ chưa ăn gì cả mà, thôi gặm quách khúc bánh mì, làm bịch trà đá nữa là chịu tới tối luôn.

Vừa lim dim mắt thì bị khều nhẹ̣ vô tay, một thằng nhỏ lem luốc đứng trước mặt,

– Chú, chú , thuốc lá chú. Tôi lắc đầu. Thằng nhỏ cũng chưa chịu tha tôi:

– Chú, chú mua cái nầy chú, xài nhiều thứ lắm chú.

Thằng nhóc chìa ra một cái dao xếp đen xỉn màu.

– Mua thứ nầy làm gì mầy !

– Mua dùm con kiếm tiền ăn cơm chú, đói quá chú ơi !

– Thôi được, lấy dùm tao bọc nước mía nghe.

Thằng nhỏ mừng rơn, cười ỏn ẻn, tót cái rột xuống đất.

Chiếc xe rồi cũng lăn bánh, lạy trời! Nó đứng thêm chút nữa chắc xỉu quá, nóng bức, ngột ngạt…

Xe nhanh chóng rời thành phố, Thủ Đức, cầu Đồng Nai… lùi lại phía sau, đưa người thanh niên đi vào một cuộc phiêu lưu lạ lẫm. “Nathalie, Nathalie” , tên em dễ thương quá, như em vậy, anh đang đến với em đây. Dòng hồi tưởng của tôi cũng chạy ngược về sau theo những hàng cây hai bên đường….

Tháng 9 năm 1976, ngày khai giảng niên khóa mới của Trường Cao Đẳng Y Tế Thành phố, tôi cũng là một sinh viên mới của trường. Hôm đó, chúng tôi, những sinh viên mới và thầy cô bắt đầu làm quen nhau. Lớp chúng tôi gồm 40 người, cả nam và nữ. Chủ nhiệm lớp là một cô giáo người Bắc, nhìn cô có vẻ khó, không được vui vẻ lắm. Trong khi cô giáo nói chuyện cùng chúng tôi thì một cô gái bước vào lớp,

– Chào cô .

– Em là …?

– Dạ, em là H’Nathalie Kpă , học sinh lớp nầy ạ, xin lỗi cô em đã đến trễ.

– À ra là em, tôi cũng đang đợi em, không sao, nhưng sao em đi học mà mang gì nhiều thế ?

Không riêng gì cô giáo, mà cả lớp học đang nhìn cô sinh viên đến trễ nầy vì cái đẹp có phần khác lạ của cô gái.

– Dạ, em từ Darlac đến thẳng đây, nên phải mang luôn cả vật dụng ạ.

– À ra thế ! Thôi em xuống lớp đi.

Cô gái mang cả một cái ba-lô to tướng trên lưng, cô bỏ cái balô xuống rồi quay tìm chỗ ngồi. Hôm nay, tôi cũng là người đi trễ, nên phải vào ngồi chung với hai học sinh nữ, dù là tôi không thích mấy. Mỗi bàn bốn người, tất cả đều đã đầy, chỉ trừ bàn tôi là ba người, hai cô học sinh nữ và tôi. Cô bạn học mới nhìn quanh rồi nhận ra, cô bước lại và tôi cũng hiểu ý liền (lại mừng thầm nữa), nên đứng dậy nhường chỗ cho cô bước vào, ngồi kế bên tôi, trước ánh mắt ghen tị của các bạn khác.

Mọi người không ganh tị với tôi sao được khi cô sinh viên ̣đến trễ nầy có một vẻ đẹp lạ lùng, vừa có chút gì đó thánh thiện nhưng lại cũng vừa có nét man dại của núi rừng cao nguyên. Cô có làn da hơi ngâm, nhưng mắt mũi rất thanh tao, đặc biệt, mắt của cô xanh biếc như mặt hồ thu. Cái tên của cô cũng lạ nữa, ” Nathalie” là một tên Pháp mà, lạ thật !

Rồi những tháng ngày dài sau đó, chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân từ lúc nào không biết. Nathalie rất dễ thương, từ hình dáng đến cả tính tình. Nàng rất cởi mở, tự nhiên, không e dè như những người con gái Việt khác. Đặc biệt là nàng ca và múa rất hay, là một con cưng của ban văn nghệ trường. Tuy vậy, tôi thấy nàng vẫn có một vẻ bí ẩn gì đó mà tôi chưa hiểu được. Nàng chỉ cho tôi biết nàng là người dân tộc Êđê ở Darlac. Báo hại tôi phải đi lùng mua cho được cuốn sách về các dân tộc ở Việt nam. Cũng không biết được gì nhiều, chỉ biết chính yếu đây là một dân tộc theo mẫu hệ , có văn hóa phong phú và lâu đời.

Tất cả những gì tôi biết về Nathalie chỉ là vậy. Nhưng trái tim tôi hầu như đã chết theo sóng mắt, giọng ca của nàng, những bài ca lạ lùng bằng tiếng Êđê, nghe nửa ai oán, nửa dỗi hờn những đêm thâu tôi ôm đàn.

Có những lúc, tôi không thể kiềm nổi trái tim nữa và tôi nhất định sẽ phải nói ra tình yêu của tôi đối với nàng. Nhưng, có lẽ là nàng hiểu được giây phút đó của tôi nên nàng tìm cách tránh né một cách thông minh và rồi tôi vẫn chưa tỏ tình với nàng được.

Nathalie học rất giỏi. Nàng tuy là người dân tộc nhưng học hành và làm việc có giờ giấc, tổ chức chứ không như chúng tôi, hứng đâu thì làm đấy. Một hôm, trong giờ học, thầy dạy hôm đó là một bác sĩ cũ từ trước 75, ông nầy giỏi nhưng có vẻ như “bị” dạy chứ không phải được dạy. Trong lúc thực tập, có nhiều người còn chưa hiểu bài học và thực hành không được. Ông thầy lắc đầu rồi xổ ra một câu tiếng Pháp ” Les idiots qui savourent la paix “. Tất cả đâu hiểu thầy nói gì, chỉ trừ một người…Nathalie đã trả lời lại thầy bằng tiếng Pháp ” Mon Prof. Avant d’être docteur vous étiez la même chose “. Ông thầy trợn mắt, từ đó không dám coi thường chúng tôi nữa. Sau đó, tôi hỏi Nathalie về hai câu đối đáp của nàng và ông thầy thì nàng viết ra cho tôi hai câu như vậy nhưng không chịu giải nghĩa, bảo tôi tự tìm hiểu đi, làm tôi phải về nhà tra tự điển dịch, may là cũng còn nhớ chút đỉnh cách chia động từ nên mới hiểu được. Tôi hỏi nàng tại sao biết tiếng Pháp giỏi vậy, nàng chỉ cười, nói lấp lửng là một ngày nào đó tôi sẽ biết.

Hai năm học qua mau, rồi đến ngày mãn khóa, tôi và Nathalie sắp phải xa nhau, hay là chỉ tôi sắp phải xa nàng ?

Ngày cuối gặp nhau, tôi buồn vời vợi. Trông cái bản mặt của tôi, dĩ nhiên Nathalie hiểu tâm trạng tôi như thế nào. Còn nàng, nàng rất bình thản, nàng còn đùa với tôi :

– Nầy, anh làm gì như đưa đám ai vậy, gặp em không vui chứ gì, thôi em đi nhé ?

Rồi nàng quay đi, tôi vội vàng chận nàng lại :

– Khoan, em vội thế, anh còn chưa nói hết những gì anh muốn nói mà.

– Đã hai năm rồi, còn gì nữa mà chưa nói hết hả anh ? Nàng cười giòn giã.

Tôi chưa kịp phản ứng thì nàng lại tiếp :

– Nhưng nếu anh vẫn còn gì muốn nói thì anh vẫn còn cơ hội mà .

Tim tôi lại đập rộn ràng,

– Sao , em nói sao ? Anh vẫn còn cơ hội chứ ? Tôi ngớ ngẩn nhắc lại.

– Anh còn muốn gặp lại em không ?

– Em, em sẽ xuống lại đây à ? Tôi lại vội vàng,

– Không, em sẽ không xuống đây nữa đâu. Nếu anh muốn gặp em, thì anh phải lên chỗ của em .

– Chỗ em, Darlac à ?

– Phải rồi đó anh, nếu anh muốn đi thì em sẽ chỉ dẫn cho anh. Còn nếu anh không muốn… thì thôi vậy, em chúc anh may mắn.

Nàng nói câu cuối nầy với giọng run run.

– Anh sẽ đi, em biết là anh sẽ đi mà.

Nàng lại cất tiếng cười reo vui rất tự nhiên như tiếng chim kơna giữa núi đồi cao nguyên.

– Anh giữ miếng giấy nầy nhé, làm theo nó và anh sẽ gặp em. Bây giờ em phải đi rồi, mẹ em bị bệnh nên em phải về gấp thôi.

Tôi ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Nathalie nhắc đến mẹ, trước đây thì tôi có biết là cha nàng đã mất cách nay vài năm rồi.

– Em nhận được thư à ?

– Không, em chỉ biết tin qua cái nầy thôi.

Vừa nói nàng vừa chỉ vào đầu nàng.

– Là sao ? Anh không hiểu gì cả !

– Rồi anh sẽ hiểu thôi mà. Em đi đây, chúc anh mạnh khỏe nhé.

Rồi kỳ diệu thay, nàng ôm tôi và hôn vào má của tôi, trước sự ngẩn ngơ của tôi và của bao người qua lại trên đường phố. Đến khi tôi tỉnh người ra thì bóng nàng đã mất hút theo chiếc xe buýt cuối đường…
Tuần lễ sau, tôi rủ Phan- thằng bạn thân nhất trong lớp, đi Darlac với tôi. Để hối lộ nó, đêm rồi tôi còn phải đãi nó một chầu bia hơi tới bến, nó hứa lấy hứa để sáng mai sẽ lên đường cùng tôi. Vậy mà…

Bây giờ, ngồi trên xe rồi tôi mới thấy lo lo. Huyện Lak, một cái tên quá lạ lẫm với tôi, sao mình lại liều thế nhỉ ? Mình không biết gì về nàng cả, gia đình cũng như nơi chốn…tôi cũng thoáng thấy lo, hình như tôi đang bước vào một cuộc phiêu lưu hay sao ấy. Nhưng rồi ánh mắt trong veo của Nathalie làm tôi bình tâm trở lại, tôi thật cảm thấy nhớ nàng…

Xe chạy đến Dầu Giây rồi rẽ lên Quốc lộ 20 về hướng Đà lạt, tôi đã từng đi chơi Đà lạt rồi nên biết con đường nầy. Túc Trưng, La Ngà, Định Quán, Phương Lâm…Những địa danh quen thuộc dần lùi qua, xe đã lên Đèo Chuối, khí hậu bắt đầu lành lạnh, sương mù loanh quanh triền núi…

Xe dừng lại nghỉ ỡ Bảo Lộc cho hành khách ăn cơm tối rồi tiếp tục hành trình một cách nhọc mệt với người và hành lý nặng trĩu. Qua khỏi Liên Nghĩa, Liên Khương , xe rẽ trái để vào Quốc Lộ 27, là đường về Buôn Mê Thuột. Theo lời chỉ dẫn của Nathalie thì từ đây, xe còn phải đi khoảng ba tiếng nữa mới tới Huyện Lak và tôi sẽ xuống xe ở đó.

Nhìn màn đêm dày đặc hai bên đường, tôi cảm thấy rờn rợn. Tôi dặn bác tài khi nào tới Huyện Lak thì cho tôi xuống. Bên đường, trải dài cả mấy chục cây số không một ánh đèn, chỉ là một màn đêm đen nghịt, bóng những ngọn cây rũ lờ mờ qua ánh sao trông thật quái dị. Tôi bắt đầu đâm lo, giờ mà thả tôi xuống đây chắc có nước khóc ròng, sợ không cũng đủ chết.

Rồi xe cũng tới Lak ! Tôi đành phải bước xuống với tâm trạng như bị đuổi xuống giữa biển khơi.

Trời ạ ! Đây là huyện lỵ à? Chỉ lèo tèo xóm nhà xơ xác, may quá, có ánh đèn. Tôi bước lại phía ánh đèn, có vẻ như là một cái quán. Có vài cái bàn, ghế trước sân. Quán lợp tranh, ba phía, trước và hai bên trống lốc, ngọn đèn dầu trên bàn vẫn leo lét. Có lẽ đây là quán Bà Năm, như trong giấy chỉ dẫn của Nathalie, giờ nầy chắc ngủ hết rồi. Tôi ngồi bịch xuống cái ghế gỗ, thôi đành chờ sáng thôi. Tôi đốt điếu thuốc, nhìn ra bóng đêm nghĩ ngợi bâng khuâng.

Bỗng tôi có cảm giác nhột nhạt sau gáy, tôi quay phắt lại và chút nữa rú lên – một người đàn ông đang đứng nhìn tôi từ lúc nào không biết. Ông ta khoát bàn tay lên, ra hiệu cho tôi đừng sợ,

– Cậu Duy đi đường có mệt lắm không ?

Chút nữa thì tôi bật ngửa ra xỉu, chưa kịp phản ứng gì thì ông ta lại bồi thêm cho tôi một đòn :

– Cậu muốn tôi chở vô ông Râysan ?

Tôi lại giật thót người, nhìn ông ta như quái vật:

– Sao…sao…ông biết ?

– À, tôi phải biết chứ . Chú uống cà-phê nhé, cà-phê Ban Mê đấy, rồi nghỉ chút sáng tôi sẽ đưa đi.

Ông ta đi vòng bên hông nhà, rồi một lát sau, xuất hiệ̣n bằng cửa trước với ly cà-phê trên tay.

– Cậu mệ̣t thì nằm võng nghỉ lát, để tôi đưa cậu cái chăn, trời gió không có muỗi đâu.

Rồi ông ta lại biến mất vô trong nhà, cái ông nầy cũng khá là bí hiểm !

Tôi cũng khá mệt nên uống xong ly cafe là nằm ịch xuống võng, nằm lơ mơ nghĩ tới Nathalie. Không biết nàng có hiểu được cho tôi, giờ này đang nằm chèo queo nơi đây. Đêm cao nguyên se lạnh, tôi mệt mỏi chìm vào giấc mơ mộng mị với khuôn mặt Nathalie mờ mờ ảo ảo trong bóng đêm.

Tôi mở mắt ra thì trời đã mờ mờ sáng, tiếng gà gáy chan chát tứ phía. Đã có vài người đàn ông ngồi uống cafe, nói chuyện rôm rả. Tôi ngồi dậy, lại cái lu nước bên hông nhà múc nước rửa mặt. Quay vô, thì đã thấy một tô mì nóng hổi trên bàn, người đàn ông lúc đêm, giờ tôi mới thấy rõ, trông ông cũng bình thường, không có gì ghê gớm mà, tôi nhủ thầm.

– Cậu ăn đỡ mì , rồi tôi đưa đi.

Thấy tôi còn có vẻ ngại, ông ta lại tiếp:

– Tôi ăn rồi, cậu đừng ngại.

Tôi ngồi xuống ăn một mạch bay vèo tô mì, làm thêm ly nước trà, khá là no. Ok! Giờ thì tôi lại có thể chiến đấu tiếp rồi.

Ông ta đẩy ra chiếc xe đạp, loại xe đạp thồ, sườn được nẹp dọc thêm hai thanh tre cứng cho chắc.

Rồi ông bắt đầu chở tôi đi xa dần cái xóm nhà huyện lỵ buồn hiu nầy để đi vào …rừng. Con đường đất nhỏ xẻ ngang giữa rừng sâu hun hút. Buổi sáng, rừng thật yên bình, chỉ có tiếng chim ríu rít sau những tàng cây xanh mướt.

Có những chỗ phải xuống xe, dắt xe qua một cây cầu làm bằng một thân cây, bắt ngang con suối nước róc rách trong veo. Dọc hai bên bờ suối, những chùm phong lan tuyệt đẹp khoe sắc trên cao, lượn lờ sau tàng lá xanh.

Trên đường đi, tôi cố gắng hỏi ông ta về Nathalie nhưng hầu như tôi cũng chẳng biết được gì thêm, hoặc là ông ta không biết, hoặc là ông ta không muốn nói. Tôi chỉ ghi nhận được một điều là khi tôi hỏi về Nathalie thì ông ta gọi là cô Hai với một vẻ kính cẩn lạ lùng. Sao ở đây, cái gì cũng có vẻ bí hiểm thế nhỉ ? Từ Nathalie cho đến cái ông nầy, ai cũng có vẻ bí ẩn gì đó. Thôi kệ, cứ gặp được Nathalie rồi hẵng hay, việc gì phải lo cho mệt.

Phải nói là ông ta khỏe thật, dù là ông ta cũng phải ngoài 50 rồi. Đường đất, nhiều đoạn hơi bị lầy nhưng ông ta vẫn đạp xe băng băng. Có lúc, tôi nói để tôi chở ông thì ông nhất định không chịu, bảo tôi cứ ngồi cho ông đưa đi, và ông rất sung sướng được làm việc nầy.

Đã hơn 9 giờ sáng, con đường bỗng rộng và sáng hơn. Rồi một xóm nhà xuất hiện xa xa.

Tới gần, tôi ồ lên một tiếng. Những ngôi nhà sàn thấp và dài, thoạt trông như những chiếc thuyền giữa biển khơi là rừng xanh bao quanh. Thật đẹp ! Tôi tự nhủ thầm.

Ông ta dừng xe trước một ngôi nhà sàn khang trang ở trung tâm.

Ngôi nhà có kiến trúc thật lạ. Đánh vào mắt tôi trước tiên là hai chiếc cầu thang dùng để leo lên nhà. Hai chiếc cầu thang này khác nhau cả về kích thước lẫn hình dạng. Chiếc bên phải, bề ngang khoảng tám tấc, những bậc thang được đẽo lõm từ trong một thân cây. Chiếc bên trái lớn hơn một chút, bậc thang cũng giống vậy nhưng lạ kỳ là trên phần đầu lại có tạc hai phần tròn nhô lên như hai nhũ hoa của người phụ nữ.

Tôi nhìn một vòng qua những căn nhà sàn. Đây là một loại nhà sàn thấp và dài. Sàn nhà chỉ cách mặt đất chừng một thước, nhưng lại có chiều dài khá dài, như căn nhà nầy dài cũng khoảng 30m, có vài căn còn dài hơn nữa.

Trong nhà bước ra một người đàn ông với chiếc áo màu đen, dài phủ gối, trên ngực áo là một khung vải màu đỏ, hình chữ nhật, quần ông ta cũng màu đen. Người đàn ông chở tôi và ông chủ nhà- tôi tạm gọi thế- trao đổi với nhau bằng tiếng của họ. Rồi tôi thấy ông già nhìn tôi, cặp mắt ông ta thật sắc :

– Mời Cậu lên nhà ạ.

Tôi cũng “Dạ” một tiếng rồi sửa leo lên bằng cầu thang bên trái, phía có hai cái nhũ hoa gỗ. Nhưng người đàn ông đã nói với tôi :

– Bên nầy cậu .

Thật là rắc rối, cái nào cũng là cầu thang mà. Nhưng, nhập gia thì phải tùy tục mà thôi, tôi bước lên nhà bằng cầu thang bên phải.

Lên trên là một cái sân sàn hình vuông lát gỗ, mỗi chiều độ 5m, tôi chào ông già và hỏi:

-̣ Chào Bác, Bác chắc là bác Râysan ?

– Phải rồi, mời Cậu Hai vô nhà uống nước.

Người đàn ông chạy xe đạp quay qua chào tôi:

– Thôi tôi về.

– Khoan đã chú, để tôi gởi chi phí cho chú đã.

– Không sao đâu, cậu cứ tự nhiên, cậu là thượng khách mà.

Tôi giật mình, “thượng khách” là sao nhỉ ? Tại sao tôi lại là thượng khách, thật khó hiểu quá !

Còn lại ông già với tôi, ông và tôi dò xét lẫn nhau. Ông mời tôi ngồi xuống một cái ghế bằng cây được đẽo khắc rất khéo. Đây chắc là phòng khách của căn nhà. Vách được làm bằng những cây tre đập dập ra, trên vách treo cung tên, những ngọn giáo và cả những cái liềm cắt lúa nữa. Giữa phòng, đối diện với chỗ tôi ngồi, có một cái ghế, cái ngai thì đúng hơn, bằng gỗ đen bóng và cũng được chạm khắc rất đẹp.

Một người đàn bà bước ra trong trang phục đen với những đường viền màu vàng quanh cổ áo và tay áo. Váy cũng màu đen có ba viền vàng ngang thân váy và dưới lai váy, chia thân váy làm ba phần.

Người đàn bà ngồi xuống cái ngai và nói :

– Tôi là Hơbia Abbel Niê, Trưởng buôn nầy, xin chào Cậu.

Tôi phân vân tự hỏi hay bà nầy là mẹ của Nathalie, thì người đàn bà Trưởng buôn đã cười :

– Tôi không phải mẹ của bạn cậu đâu, cậu nghỉ, ăn cơm trưa với chúng tôi rồi sẽ có người dẫn cậu đi gặp Nathalie.

Thật là bà đi guốc trong bụng tôi mà !
(còn tiếp)
ΦΦΦ

72 bình luận

Filed under Nguyễn Đức Diêu, Tác Giả, Truyện Ngắn

72 responses to “HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN (Phần 1)

  1. Còm cho NĐD mà nó nhảy xuống cùng D tìm đọc nhen

  2. Nguyễn Đức Diêu ơi!
    XH đọc hết mấy cái com cúa anh chị em bạn bè com cho NĐD.Bi chừ XH mới ung dung tự tại trả lời cho NĐD đây: Chắc chắn là ra hồn rồi đấy, vì Diêu câu khách được rồi. XH thấy ai ai cũng giục Diêu nhanh nhanh, mau mau …trong í có XH đứng vị trí số 1 đó.Thật lòng mà nói muốn biết kết thúc câu chuyện tình….chỉ là cái cớ thôi. XH nghĩ các bạn cũng như XH rất thích văn từ và ý tứ trong truyện lối diễn đạt tự nhiên, biểu cảm và rất phong cách của NĐD trong Hương Rừng Cao Nguyên..Hy vọng sẽ được NĐD viết nhanh và admin đăng nhanh để bạn bè bớt chờ đợi nhé. Thân ái!

  3. Thùy Dương

    Thân chào anh Nguyển Đức Diêu
    Truyện anh Diêu viết rất lôi cuốn và gợi cho TD sự tò mò khủng khiếp…về chuyến đi Tây Nguyên tìm cô Nathanie của anh.
    Ước gì TD sẻ được đọc tiếp câu chuyện của anh Diêu trong thời gian gần nhất,..ví dụ như là ngày mai chẳng hạn…..

    • NĐD

      Chào Thùy Dương ! Cám ơn TD đã đọc truyện và …tò mò để đọc tiếp nghe, hy vọng là báo sẽ ra sớm để phục vụ độc giả .

  4. Tào Lao

    Tặng cả nhà bài hát “Sơn Nữ Ca” do CS Khanh Ly hát nè …

  5. Mỹ Thắng

    Chào bạn Nguyễn Đức Diêu, mừng gặp Diêu với bài “HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN” , Thắng thích cốt truyện và lối viết hấp dẫn cùng nhiều bí ẩn của Diêu !.

  6. Lần đâu được đọc truyện của Nguyễn Đúc Diêu. Câu chuyện rất tây nguyên, tình tiết khá chân thật.Khiến người đọc dễ cuốn theo…Hy vọng sẽ được đọc hết truyện trong thời gian nhanh nhất để biết kết thúc câu chuyện tình lãng mạng của anh chàng sinh viên trường y này ra sao!…

    • NĐD

      Cám ơn XH đã đọc truyện nghe. Đọc lời còm của XH nhớ lại ngày xưa đọc truyện chưởng hay chuyện tình ướt át trên báo , cứ tới chỗ hấp dẫn là (còn tiếp ) hay xin quí vị đón đọc số báo ngày mai …Bi giờ mình cũng muốn bắt chước caau khách mà ko biết có ra ôn gì ko đây !

  7. từ mạnh long

    Lúc nào chuyện của Diêu cũng hấp dẫn người đọc( và người nghe, không biết các bạn có ai đã nghe Diêu kể chuyện chưa? mình có nghe Diêu kể chuyện rồi hay lắm cơ!)
    Bạn hiền làm ơn đăng lên bài kế tiếp liền nhen, chứ chờ lâu quá lại mất công ……xem lại từ đầu.
    Be…heeee!!!!

  8. Nhỏ

    Chèn ơi ? Im hơi lặng tiếng hơi lâu….té ra anh mình dzìa Tây Nguyên. Nàng Nathalie của TÔI tuyệt vời ghê. Coi chừng bị rinh mất đó, Bây giờ thì …tiếp…tiếp…đi anh Diêu ơi. Đang hồi gay cấn .

  9. Nguyên Thủy

    Truyện đọc lôi cuốn ngay từ đầu…Một cô gái Êđê xinh xắn trong trường cao đẳng y khoa khóa 1976 (có lẽ là khóa đầu tiên sau 75..?)
    Sau 2 năm học chung mà cô nàng vẫn còn rất bí ẩn và câu chuyện lúc này mới bắt đầu…
    Có những chi tiết thú vị mà chỉ có thực tế tác giả mới kể lại cho người đọc…
    “Có những chỗ phải xuống xe, dắt xe qua một cây cầu làm bằng một thân cây, bắt ngang con suối nước róc rách trong veo. Dọc hai bên bờ suối, những chùm phong lan tuyệt đẹp khoe sắc trên cao, lượn lờ sau tàng lá xanh.”
    hoặc khi tả về ngôi nhà sàn…
    “Ngôi nhà có kiến trúc thật lạ. Đánh vào mắt tôi trước tiên là hai chiếc cầu thang dùng để leo lên nhà. Hai chiếc cầu thang này khác nhau cả về kích thước lẫn hình dạng. Chiếc bên phải, bề ngang khoảng tám tấc, những bậc thang được đẽo lõm từ trong một thân cây. Chiếc bên trái lớn hơn một chút, bậc thang cũng giống vậy nhưng lạ kỳ là trên phần đầu lại có tạc hai phần tròn nhô lên như hai nhũ hoa của người phụ nữ. ”
    Mong được đọc tiếp liền đó anh Diêu.

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.