THÌ THẦM (5) – THEO BƯỚC CHÂN TÙ 

Nguyễn Bích Sơn

Hai mươi mốt năm xa xứ
Tháng Tư Đen lại quay về…

Sau khi trình diện ở trường ĐH Sư Vạn Hạnh về, trông anh buồn bã và trở nên ít nói, khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó tôi cũng không tiện hỏi.
Đêm đó anh ôm tôi vào lòng và nói : – Em à, sáng mai anh đi xem thử có xe hay tàu lửa gì đi Qui Nhơn, anh sẽ dẫn mẹ con em về ngoài đó gởi ông bà ngoại rồi anh trở vô lại trong này trình diện “học tập” xong mười bữa nửa tháng gì đó anh về.
Tôi bật khóc : – Không, em ở đây đợi anh .
Anh lau nước mắt cho tôi rồi nói : – Không được đâu em, ở đây với hai con còn nhỏ, em làm sao săn sóc chúng được ? Anh không yên tâm, anh rất lo cho con và em, nếu cô người làm còn ở đây thì anh không đưa mẹ con em về ngoài đó đâu (Cô người làm xin nghỉ khi tan hàng). Đêm đó cả hai chúng tôi đều trằn trọc khó ngủ, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình…
Sáng hôm sau chúng tôi dậy muộn, anh nói : – Em cho con ăn sáng đi rồi anh đưa mẹ con em đến chơi nhà Cô chú Ba (Bà con của anh)
Tôi “dạ”, cho các con ăn rồi thay đồ cho chúng đi theo anh
Ở nhà Cô Chú một lúc thì anh nói : – Cô Ba, cho cháu gởi mẹ con S. ở đây, cháu đi có chút việc rồi về.
– Ừ, đi đi rồi về ăn cơm, trưa nay mấy đứa ăn cơm với cô chú , anh “dạ” rồi đi nhanh ra ngoài.
Cô hỏi: – S. nó đi đâu mà vội thế ?
– Dạ, ảnh đi hỏi thăm coi có xe cộ, hay tàu lửa gì đó để ảnh đưa mẹ con cháu về QN rồi trở vô đi “học tập cải tạo” gì đó cô.
– Rõ khổ, nó tính thế cũng phải, chứ một mình cháu chăn làm sao nổi hai đứa bé ?
– Dạ, cháu cũng biết vậy, nhưng cháu cứ lo lo làm sao ấy cô à !
– Ai mà chả lo, tình hình này, ai cũng thế thôi, chả riêng gì các cháu… Chả biết đâu mà đoán được…

Thế rồi, vài hôm sau anh đưa mẹ con tôi về QN.
Về đến nhà được vài tiếng đồng hồ, chưa kịp lên thăm nhà ông bà nội các cháu thì có hai tên du kích và một công an vào hỏi :
– Đây có phải nhà của thiếu tá giặc lái Nguyễn Hữu Nghề không ?
Ba tôi nói : – Phải, rồi gọi anh ra .
– Anh là Nguyễn Hữu Nghề, thiếu tá giặc lái ?
– Phải, tôi là Nguyễn Hữu Nghề, nhưng “giặc lái” là gì, tôi không hiểu.
– Không hiểu giặc lái ?
– Không !
– Là lái máy bay cho giặc đó hiểu chửa ?
– À, là vậy !
– Sao tới giờ này mà anh không ra trình diện để học tập cải tạo, định trốn hả ?
– Đâu có, tôi ở Sài Gòn đã trình diện rồi, đưa vợ con về đây, rồi trở vô lại SG đợi lịnh gọi đi học tập, chớ có trốn đâu.
– Thôi đi lên đồn CA làm việc.
Thế là họ dẫn anh đi kèm hai tên mang súng , anh như một tên tội đồ, cả nhà nhìn theo anh xót xa, ái ngại. Tôi bàng hoàng bật khóc, má và hai con tôi khóc theo, tôi quẹt vội nước mắt :
– Má, cho con gởi hai đứa nhỏ, con lên đồn CA coi thử.
Ba nói : – Con ở nhà với tụi nhỏ, để ba đi cho.
Tôi không an tâm, nên vội vã bước theo. Lên tới đồn, tôi thấy có vài bà đứng dáo dác ngoài cổng nhìn vào, tôi tiến tới đứng sát vào cổng nhìn vào trong, tôi thấy anh và vài người nữa đang nói gì đó với bọn chúng. Tôi đứng đợi nghe ngóng tin tức, thỉnh thoảng thấy một vài anh đi vào, gần hai tiếng CA bước ra nói :
– Mấy bà đi về lấy ít quần áo cho mấy ổng, mấy ổng ở lại đi “học tập cải tạo”. Tôi chợt thấy anh , anh bước ra tiến về phía tôi đứng ngoài hàng rào :
– Anh bị bắt giữ lại không cho về, em về lấy cho anh vài bộ đồ dày dày, với đồ dùng cá nhân, đại khái thôi, đừng lo cho anh, lo cho em và hai con. Nước mắt tôi sắp trào ra… vừa lúc đó công an ra đuổi anh vào.Tôi ra về với nỗi buồn phiền tê tái, lo sợ, suy nghĩ mông lung… Vào nhà tôi soạn vài bộ đồ, kem, bàn chải đánh răng, khăn, vài gói thuốc Winston, thuốc aspirin, và không quên chai dầu gió, một ít tiền lẻ… rồi mang lên đồn CA đưa cho anh ; khi đi ngang qua bến xe mua thêm cho anh ổ bánh mì thịt.

Sau đó họ đưa các anh vào Trung Tâm Cải Huấn Quy Nhơn. Sáng nào một nhóm chị em chúng tôi cũng đến, đứng ngoài hàng rào kẽm gai đợi các anh đi lao động, khi thì dúi ổ bánh mì, lúc thì gói xôi, cái bánh… Thật là đau lòng !
Và cứ thế… ngày này… qua ngày khác. Khoảng chừng một tháng rưỡi thì vào một buổi sáng chúng tôi thấy các anh xếp hàng mang theo túi xách đùm túm của mỗi người, chúng tôi rất hoang mang, không biết họ đưa các anh đi đâu, chính các anh cũng không rõ.
Họ dẫn đoàn người đi bộ từ trại cải huấn đến một địa điểm nào đó, chúng tôi, những người vợ, người mẹ, người cha, người con, người anh, người chị đi theo chồng, theo con, theo cha, theo anh, theo em của mình để biết họ đưa đi đâu, về đâu… bên cạnh những tên CA vác súng đi kèm.
Tôi cũng đi trong đoàn người đó, vì bị thương tật nên tôi đi theo một cách khó khăn mệt nhọc, đến ngang bến xe thì anh nói với tôi :
– Thôi em về đi, đừng đi theo nữa, đến nơi nào đó, anh sẽ tìm cách liên lạc về, em theo không nổi đâu. Tôi chỉ biết khóc… và bị tụt dần… tụt dần phía sau, xa dần đoàn người phía trước. Anh ngoái đầu lại nhìn tôi, tôi đứng nhìn theo cho đến khi đoàn người khuất dạng. Tôi lê bước, thất thểu về nhà với cõi lòng tan nát, buồn chán, thương yêu anh vô cùng…

Sau này, chúng tôi được biết, các anh bị đưa đi Gò Bồi để đắp đê. Chúng tôi rủ nhau đi thăm, đi thăm anh ở Gò Bồi, chúng tôi phải đi bằng ghe, đi với Hoa (vợ anh Hậu), Hoa lại mang bầu, ngồi trong ghe chòng chành, chao đảo, nước sát mí ghe. Vì lần đầu đi ghe nên chúng tôi sợ vô cùng… Rồi nỗi sợ hải cũng qua đi, khi nghĩ đến sẽ được gặp anh , nhìn thấy anh…một thoáng tươi vui, hạnh phúc ấm lòng…
Có một hôm, khoảng chín – mười giờ sáng, trông thấy anh lù lù bước vào nhà, tôi như bị á khẩu nhìn anh không tin vào mắt mình. anh đến ôm tôi, tôi oà khóc, giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc vô cùng…
– Anh được thả ra, người ta cho anh về ?
– Không, anh về đây nhận ghe, ghé nhà thăm em và con vài tiếng rồi đi, năn nỉ thằng CA, nó dẫn anh về đây, rồi nó trở lại đón anh .
Ôi ! Cả nhà nhộn nhịp theo anh, tôi gọi người làm đi mua thức ăn về cho anh chứ làm sao nấu cho kịp, rồi chuẩn bị vài thứ cho anh mang theo và không quên phần quà cho tên CA, để hy vọng có lần sau. Anh kể thật vui, anh nói cán bộ trại hỏi :
– Anh nào biết chèo ghe, đi theo tôi xuống QN nhận ghe về.
Nghe nói đi QN anh liều giơ tay liền, chứ thật ra anh chưa bao giờ chèo ghe. Anh nghĩ chắc cũng dễ thôi, mình lái máy bay còn được mà, vậy mà không dễ em ơi, anh chèo không thấy nó đi tới mà ghe cứ lòng vòng, đành nhảy xuống đẩy ghe thay vì ghe đưa mình, vui thật ! Cũng may trong tốp đi có đứa biết chèo…
Đắp xong đê ở Gò Bồi mấy tháng thì các anh bị chuyển đi đến trại An Trường, chính thức làm người tù. Tôi nhớ, mỗi đợt thăm nuôi, chị em chúng tôi phải đi lên đồn CA xin giấy phép thăm nuôi, cũng may nhóm chúng tôi ở ngay thành phố nên ít gặp trở ngại việc xin giấy tờ, chỉ thương các chị ở quận, huyện cũng gặp lắm nhiêu khê trong việc này…

Thường chị em chúng tôi rủ nhau đi xe ben của vợ chồng chị Bé, xe chứa khoảng mười mấy hai mươi người. Chuyến thăm nuôi đầu tiên, trại qui định mỗi người tù chỉ được nhận ba ký thức ăn mà thôi, lần đó tôi dư ra mấy tán đường đen nhỏ xíu, tôi năn nỉ thế nào cũng không cho, thầm chửi đồ độc ác…đồ cà chớn… đồ…Nói chung ai cũng bị dư và cũng không ai được xin thêm. Sau một thời gian có lẽ vì thấy các anh làm nhiều ăn ít, nhiều người không chịu nổi nên cho chúng tôi tự do đem thức ăn… Hằng tháng chúng tôi thăm nuôi các anh đều đặn, tình yêu thương dành cho các anh, chúng tôi không hề chểnh mảng…
Ở trại An Trường, khoảng mười ba – mười bốn tháng thì họ cho về, chúng tôi vô cùng hạnh phúc…

Nghỉ ngơi một thời gian thì anh tìm kiếm việc làm, trong khi chờ có việc làm thích hợp, Ba tôi nói : – Nhà mình buôn bán guốc, dày dép, thôi thì con nói tụi thợ nó chỉ cho làm, chứ không tụi CA nó để ý thì phiền.
Hồi đó đang thịnh hành loại dép cao su làm bằng vỏ lớp xe hơi, nhưng làm kiểu, chứ không phải loại “dép râu” của mấy ông bộ đội đâu. Với tính chịu khó và khéo léo của anh, không bao lâu loại dép của anh làm được nhiều người ưa thích. Anh chế quai dép bông hoa đủ màu sắc, nên bạn hàng ở nhà quê rất chuộng (nhà tôi bán hàng vừa sỉ vừa lẻ) nên họ mua về bán lại vừa đẹp, rẻ và bền…
Cuộc sống coi như tạm ổn, chúng tôi an phận bên nhau, hạnh phúc êm đềm bên cạnh cha mẹ và các con…

Nhưng (lại nhưng) vào cuối tháng 8/1978 Anh bị bắt trở lại cùng với một số đông các anh mà chúng gọi là “ngụy quân”, ngay hôm sau các anh bị đưa đi đến trại Kim Sơn. Ôi ! Nói làm sao hết những nỗi nhọc nhằn của kẻ ở người đi ! Và, cũng bắt đầu từ đó, các chị bước vào con đường đơn độc trong cuộc chiến mưu sinh, làm đủ mọi ngành nghề để nuôi chồng và đám con thơ dại, tôi may mắn không phải bươn chải kiếm sống như các chị em khác, vì là con một nên được ba má bảo bọc, bao che. Nhưng cũng có một dạo tôi bán thuốc tây, nói bán thuốc tây cho oai vậy chứ thật ra là chỉ bày một cái thùng giấy nhỏ dán trên đó tên những loại thuốc đặt ở vỉa hè rồi ai cần gì mình vô nhà lấy bán, chứ để thuốc trong thùng sợ CA “vồ” mất. Nghĩ lại cũng vui, nhiều lần bị CA rượt tôi làm sao chạy kịp, CA tới đầu đường là các bác xích lô báo động, chị em chúng tôi lo dẹp ngay, (hai bên vĩa hè đều có “tiệm thuốc tây di động”) tản mác mỗi nơi, có lần bất ngờ chị em dẹp không kịp, bị hốt hết; phần tôi được bác xích lô ôm thùng quăng lên xe bỏ chạy rồi lát sau bác đem trả lại, cũng vui. Ba tôi cằn nhằn la hoài, thật ra ba tôi đâu hiểu nổi khổ tâm của tôi, mà tôi cũng không nói ra. Mỗi lần đi thăm anh , anh nói thỉnh thoảng đi thôi, anh không muốn phiền ba má nhiều. Tôi nói anh an tâm đi, đi thăm anh là tiền em bán thuốc đó, anh không vui lắm, nhưng đỡ áy náy phần nào…

Ở trại Kim Sơn được mấy tháng thì các anh lại chuyển đi trại Nghĩa Điền, đi thăm trại này vất vả nhiều. Ở trại này có ba kỷ niệm mà tới bây giờ tôi vẫn không làm sao quên được. Một lần có lệnh, ai mang đồ thăm nuôi thì tự mang vào, cấm không được xách giùm. Trời ơi ! Tôi phải làm sao đây với hai giỏ đồ đầy ắp nặng trịch ? (Thường thì có mấy ông xe thồ xách giùm đến chỗ đợi thăm).Tôi đi đến cổng xin người gác cổng cho tôi nhờ người xách giùm, mong cán bộ thông cảm trường hợp tàn tật của tôi.
– Không được, đây là lệnh, đem được thì đem không thì thôi.
Thấy thái độ khó ưa, tôi quay ra không thèm năn nỉ. Trời nắng, cái nắng của vùng núi gay gắt lại đường dốc, tôi chuyền từng giỏ một, đi vài bước để xuống, quay lại xách giỏ kia, cứ vậy mà tôi chuyền đến chỗ thăm, muốn đứt hơi xỉu luôn. Lúc đó cũng có vài anh tù tự giác (tự do ra ngoài) thấy tôi một tay xin cán bộ xách giùm mà không được, đúng là gian ác , không có tình người .Còn một lần mưa lụt không có xe ra lộ chính tôi phải đi bộ ba mươi bảy cây số mới đón xe về cũng là ngày ở nhà con tôi chết. Lần thứ ba, nhớ lại cũng vui thật, lần đó chúng tôi vào trại trễ đã chạng vạng tối, phải lội qua con suối nước chảy khá mạnh, phải làm sao đây ? Ở bên suối thì sợ cọp, mấy chị nói phải lội qua thôi và đề nghị cởi quần ra để trên giỏ đồ đội trên đầu lội qua chứ để ướt quần đêm tối lạnh chết. Thế là các chị cởi tuốt luốt ngoại trừ tôi, không phải tôi mắc cở mà vì tôi cởi khó khăn nên đành chịu ướt, hai giỏ đồ tôi các chị đội qua giùm. Còn tôi các chị tìm khúc cây tôi giữ một đầu, đầu kia một chị nắm giữ bước từng bước một qua bên kia bờ vì nước chảy mạnh sợ tôi bị cuốn, có chị pha trò : “Các nàng tiên tắm suối… ”, gặp cán bộ trại la : “Các bà đi tự tử chứ thăm chồng gì”. Phần tôi vì quần bị ướt nên lạnh vô cùng, cũng may gặp cán bộ tên Công còn chút tình người, ổng đợi tối chút nữa, đi tới khu ở của chồng tôi, gọi chồng tôi ra nói lấy cái mền để ông đem ra đưa cho tôi. Sáng ra khi thăm nghe kể lại, khi cán bộ gọi tên chồng tôi đi ra ai cũng sợ ảnh bị đem đi thủ tiêu, vì có bao giờ chúng tôi đến vào giờ đó, làm một đêm các anh khó ngủ. Đúng là các chuyến đi nhớ đời…
5f7984eb-e2ae-4dee-a63f-6c57d18e415a.jpg

Rồi đến tháng 3/1980 chúng chọn khoảng 42 người, chúng gọi là thành phần “ác ôn” để chuyển trại khác. Anh là “giặc lái” nên được nằm trong danh sách “ác ôn” đó.
Bốn mươi hai người được tống trên một chiếc xe chở cát nhỏ (xe ben) chật ních, tay thì bị trói dính người nọ vào người kia. Anh than với người bạn : – Tao trông xe lật chết cho xong… Bạn anh làm thinh thở dài, không nói gì…

Sau bao nhiêu ngày hỏi thăm tin tức về anh , tôi biết được anh bị chuyển vào trại Xuân Phước, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, còn có tên là trại A 20, (trại này khắc nghiệt nhất ở miền Nam, tương đương như trại Lý Bá Sơ ngoài Bắc) do Bộ Nội Vụ quản lý , trại này còn có tên gọi là : Thung Lũng Tử Thần – Tầng Địa Ngục Cuối Cùng hay Trừng Giới….

Tôi lại nối gót theo anh trên mọi nẻo đường “tù”, không mệt mỏi.
Gần hai tháng sau được giấy phép thăm nuôi, tôi lo chuẩn bị vài thứ để đi thăm, đêm trước ngày đi thăm tôi bồn chồn lo lắng, lo để mà lo, chứ chẳng biết lo cái gì, và có quên cái gì không ? Đêm đó giấc ngủ đến chập chờn…
Chúng tôi đi tàu lửa đến ga La Hai rồi thuê xe Honda ôm đi vào trại…
Ngồi trước mặt tôi anh đây sao ? Khuôn mặt anh thay đổi nhiều má hóp, da sạm đen, đôi mắt sâu hoắm ẩn chứa nỗi buồn phiền khó tả, mặc dù gặp tôi anh cố nở nụ cười. Ôi ! Còn đâu bóng dáng oai phong của chàng Không Quân ngày nào ? Nỗi xót thương anh dâng trào, tôi cố nén nhưng không làm sao ngăn được giọt lệ chảy dài. Anh nhìn tôi với đôi mắt buồn ngấn lệ : – Nín đi em, anh vẫn khoè mà, chỉ có điều anh nhớ em nhớ con thôi, em biết không ! Anh bị bắt ở đây, vậy mà hên đó em, nếu ở trong Nam có khi bị đưa ra ngoài Bắc thì khổ cho em vô cùng. Ở đây gần nhà tiện cho em thăm anh hơn, được nhìn thấy em thế này tuy ốm hơn nhưng anh yên tâm rồi, lo sức khoẻ cho em và con, đừng buồn nữa em, ai cũng vậy thôi. Anh có viết những thứ anh cần, lần sau đi thăm, nhớ đem vào cho anh , anh nhìn quanh rồi đưa cho tôi cuộn giấy cuốn chặt như điếu thuốc tôi cầm lấy rồi bỏ nhanh vào túi áo.

Nhìn xung quanh những khuôn mặt mọi người, buồn vui hội ngộ, những giọt lệ ngắn dài, những lo âu buồn bã… Còn các anh, những người tù “cải tạo” nhìn thấy mà đau lòng, thân hình tiều tụy xác xơ, quần áo bạc màu, nét ưu tư, lo lắng, buồn phiền hiện lên khuôn mặt mỗi người. Nhưng những khuôn mặt đó còn tiềm ẩn nét hiên ngang, và bất khuất… của người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Nói làm sao hết những vất vả khi đi thăm Anh, nhất là tôi, một người tàn tật, nhưng tôi không vì vậy mà buồn phiền, trái lại rất vui khi đi thăm anh được tận mắt nhìn thấy anh …
Có lần vào thăm anh , tôi không được phép vào thăm bởi lý do anh phạm quy luật của trại và bị cấm thăm nuôi ba tháng, tôi ra về với bao nhiêu là nước mắt, nỗi oán hận căm thù, lo lắng cho anh , nhưng tôi làm được gì cho anh đây ? Càng nghĩ tôi càng thấy thương xót anh vô cùng, tự trách cũng vì mình mà anh kẹt lại, lâm cảnh tội tù…
Còn phần anh sau này nghe kể lại, thì bị tống giam vào căn biệt phòng, phòng tối 100%, chân bị cùm tréo lại, mỗi ngày chúng cho ăn khoảng 200 gr. cơm hoặc mì lát, một lon Guigoz dùng để uống nước và đi tiểu… Sau một tuần thả ra, anh đi không vững người xiu vẹo, ốm và xanh xao, nghe mà thương xót anh vô cùng…

Sau đó tôi lại đi thăm anh, nhìn anh tôi thấy lòng chùng xuống, thương cho cánh chim trời bị nhốt trong khung trời chật hẹp, trong xiềng xích lao tù, gãy cánh theo vận nước điêu tàn vào Tháng Tư Đen – còn đâu nữa nét oai hùng, phóng khoáng của người lính binh chủng Không Quân ? Ôi ! Cả một tương lai u tối… biết đến bao giờ anh mới được thả ra, mới được tự do đây, hay phải gục chết trong chốn lao tù ?Tôi bỗng rùng mình lo sợ…
Với những bước chân tập tễnh tật nguyền mang theo trong lòng một biển yêu thương, một trời nhung nhớ nên tôi đã vượt qua, chịu đựng mọi sự gian khổ suốt gần chín năm thăm nuôi anh trong các trại tù; nhưng so làm sao được với anh vì thương vợ thương con anh đã âm thầm chịu đựng. Sợ tôi lo buồn nên không bao giờ anh kể nỗi khổ nhục, đói no, những ấm ức trong lòng khi tôi đến thăm… Cho đến khi ra tù, đêm nằm anh hồi tưởng lại kể cho tôi nghe những năm tháng ở trong tù. Tôi đã khóc nhiều… thương cảm cho sự nhẫn nhục, chịu đựng của anh .
Sau khi thả anh về, chúng tôi bị đuổi đi vùng kinh tế mới, tôi lại tập tểnh theo anh đi đến vùng kinh tế mới ở Long Thành tỉnh Đồng Nai, lo hai chỉ vàng để có tờ hộ khẩu (có tờ hộ khẩu đem về trình công an ở Quy Nhơn, một hình thức kiểm soát để biết anh ở đâu), rồi về tạm trú ở Sài Gòn, đến năm 93 đi Mỹ theo diện HO.

Bây giờ đây Tháng Tư Đen lại quay về, không còn anh một mình tôi nơi đất khách quê người, hồi tưởng lại những năm tháng đau buồn đã qua với cõi lòng nặng trĩu, nhớ thương tiếc nuối…
Đêm về, chỉ mỗi mình tôi trong căn phòng lẻ bóng, cô đơn… nằm gặm nhấm nỗi buồn phiền, thương nhớ về anh, nhớ những ngày huy hoàng, hạnh phúc bên nhau…
Tôi chìm vào giấc ngủ… theo bước chân anh đi vào chốn hư vô…

Nguyễn Bích Sơn
(Houston TX, tháng 4 / 2014)
*******

4 bình luận

Filed under Nguyễn Bích Sơn, Tác Giả

4 responses to “THÌ THẦM (5) – THEO BƯỚC CHÂN TÙ 

  1. Long Manh TU

    Nỗi buồn khó phai!!!!!! 😭😭

  2. Tào Lao

    Thật xót xa cho những hoàn cảnh sau năm 1975 , đất nước chia lìa , gia đình ly tán ,,, không thể diễn tả hết cho những chuyện thật đau buồn 😎

  3. maylangthang

    Biết bao nhiêu gia đình bị chia lìa sau ngày 30/4, thương đau, uất hận chồng chất, chừng như không thể nào quên. Cứ mỗi tháng tư đến lại thấy lòng đau đớn như vết thương sâu cứ trở mùa là mưng lên nhức nhối , phải không chị?

  4. Nhỏ

    Đọc không biết bao nhiêu lần, vẫn cứ một cảm xúc dâng trào . Chị ơi?

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.