Nguyễn Trí
Ở Mỹ Long, sau tết Đoan Ngọ thiên hạ sẽ tra hạt giống xuống rẫy đón mưa. Đó là thời kì lúa Thượng còn đắc dụng. Loại lúa nầy từ lúc xuống hạt đến lúc thu là sáu tháng. Làm giống lúa nầy đúng nghĩa đánh bạc với ông trời, thậm chí ba ăn bảy thua, lúc lúa lên đòng và trổ là mưa đang mùa thêm cái gió bấc lạnh lẽo thổi cắt thịt da.
Mùa mưa ở đây, cỡ cái xứ Huế mà ông Nguyễn Bính than thỉ Trời mưa ở Huế sao buồn thế. Cứ kéo dài ra đến mấy ngày mới có cơ bì nổi. Nó ầm ầm cả tiếng đồng hồ rồi lê thê, lướt thướt, rỉ rả, nỉ non suốt cả ngày, cả tháng. Lạnh đến độ mấy thằng trẻ trai, cả già luôn không ai thèm tắm, da dẻ nổi vảy như tắc kè bông. Có thằng nhịn tắm cả tuần, ngứa ngáy quá phải nổi lửa làm nồi nước sôi. Sạch sẽ họa chăng chỉ các cô, còn các bà có người cũng như cánh đàn ông.
Thời tiết vậy chỉ có ba xi đế tọng vô mồm mới gọi là hạnh phúc. Tưởng tượng ba bốn thằng bên một bàn với miếng khô đuối và chén nước mắm me. Đàn hát, ngâm thơ chán thì ta đấu láo. Uống cho tới bến Ninh Kiều rồi lăn ra ngủ, xét cần đi một mạch về trình diện diêm vương cũng chẳng chi ân hận. Nói chơi thôi, ở xứ nầy mà chết trong mùa mưa gió thì nhiêu khê lắm lắm.
Nói sơ sơ cho anh em cô bác rành về tình hình địa lí của Mỹ Long. Xưa kia nó điệp trùng rừng núi. Dân cư đổ về phá rừng làm nương rẫy. Người ta hô biến cái thung lũng có tên Đất Lỡ hóa thành ấp Mỹ Long. Dân cũng hơi nhiều nhiều, chia thành sáu xóm nằm vắt hai bên bờ một con suối. Một con suối nhưng có nhiều tên, đoạn chảy ngang qua Xóm Một có tên Suối Bên Tỷ, vòng qua Xóm Hai có tên Suối Bến Bứa, Suối Mười Khủng, Suối Ông Bàng vân vân. Dân bờ Tây gồm năm xóm. Bờ Đông chỉ một là xóm Sáu. Dân bên Tây bán các cái làm ra từ nông đến lâm nghiệp cho dân bên Đông. Mùa nắng họ đi qua con suối. Đi là bởi nước chỉ đến mắt cá chân, còn mùa mưa thì – mẹ cha ơi – lòng con suối bình thường chỉ ba mét, nhưng đến tháng gió bấc có nơi nước tràn cả hai mươi mét ngang và chiều sâu cắm lút cây sào năm mét, và nước chảy tầm thác Niagara bên Canada chứ không ít. Tháng ấy có cho vàng người ta cũng không qua dòng nước hỗn như gấu ngựa nầy. Hỗn thật, không hề đùa. Năm mới thành lập ấp nó xơi tái hai người, may mà còn tìm được xác. Lúc đem đi chôn mới thấm đời, đường sá bùn là bùn, một cỗ áo quan phải tám thằng khiêng, mười mét là đổi vai. Té oành oạch nên vui không thể tả, đám ma không kèn, không trống, không nhạc nhẽo mà vui là dạng hiếm.
Vui thì vui thật, nhưng mấy thằng sống mong mình không ngoẻo vào mùa gió bấc. Tội nghiệp anh em lắm. Anh em còn có thể cho qua, nhưng vợ con hoặc cha mẹ thì, ôi thôi, lầy lội dưới mưa dầm giá rét đưa hòm lên đò, qua suối, ra nghĩa địa thảm đạm lắm trời ơi.
Vậy mà Bằng – chồng Lựu – lại lăn ra chết vào một chiều cao điểm gió bấc.
***
Bằng ra đi để lại cho vợ cái nghèo to sụ và một bầy những sáu đứa con. Lựu than rằng sao mà ông tàn nhẫn dữ ông Bằng ơi? Tui biết làm sao, lấy cái gì mà nuôi sấp nhỏ ông ơi? Kiểu nầy chắc tui cũng chết theo ông luôn quá. Rồi quay qua than trời trách đất sao giết kẻ tận cùng. Láng giềng bu lại tháo tanh banh các cánh cửa nhà ghép lại cho Bằng một cỗ áo. Đã nghèo mà dám chết giữa tháng gió bấc lạnh lẽo kể ra cũng gan. Mà cha Bằng nầy thiệt vô trách nhiệm quá, để cho vợ một bầy hạm há mồm là sao? Đúng là có ba giọt rượu vô là bình loạn bậy bạ quá đi thôi. Nói vậy chứ đám ma không tếu táo thì buồn lắm.
Thằng Cọp – trưởng nam – mười hai tuổi phải xếp bút nghiên lo việc áo cơm cùng mẹ. Con Thìn mười tuổi ở nhà lo cơm nước. Học với hành làm sao được trong hoàn cảnh nầy? Bốn đứa còn lại nguy cơ không được đến trường nếu bà má và ông anh không chạy ra cái để đút vô mồm. Thời một nuôi một còn chết lên chết xuống, hai nuôi sáu như cái gia cảnh nầy thì sự học nghe rất chi là xa xí phẩm. Tạm thời ở nhà, con Thìn và thằng Ngọ đứa lớp năm đứa lớp ba thì mang ba cuốn vở cũ ra kèm cho con Thân. Vậy đi. Với lại sao cho Út Tý thằng Chó Con đừng khóc là được rồi.
Thiên hạ rất chi ái ngại cho cảnh của Lựu. Ba mươi tuổi ôm một bầy con quả là quá sức một con người. Vậy mà mạnh mẽ như một con tê giác, Lựu và bầy con vẫn qua được cái thì khốn khó. Đã nói sức chịu đựng của con người là ghê gớm lắm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người đàn bà, nhất là những bà mẹ vẫn có thể đưa được bầy con của mình qua bến dữ. Chả phải là ông Trịnh Công Sơn đã viết rằng mẹ ra đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ đó sao? Đói rách khổ thua chi chiến tranh. Qua được là giỏi, bù lại bầy trẻ thiếu trầm trọng cái chữ và con số. Nghe thằng Chó Con hỏi ba lần bảy là bao nhiêu vậy lũ bay mà buồn muốn rơi nước mắt. Không đi học ai đâu mà dạy cho chúng biết lễ để có phép tắc với người ta?
Ra đời sớm nên Hai Dần phong trần từ thuở thiếu niên. Mười ba tuổi hút thuốc, mười bốn biết say, mười lăm văng tục hơn cả bụi đời xóm chợ. Con Thìn chạy chợ nên cũng hơn đời khoản mép giải mồm loa. Bầy con của Lựu nói chung là khôn trời sợ. Ở cái tuổi hai mươi, ơn trời, Thìn được một cậu trai đem lòng say đắm. May quá, thằng rể tuy không giầu có hơn ai nhưng Lựu không phải cắt đất chia cho con gái. Là mẹ nên bà Lựu không có cái kiểu con gái ngoại tông. Nhưng may mắn quá, con gái bà đứa nào lấy chồng cũng không đến nỗi. Chỉ có ba thằng trai, vợ của chúng bà không ở được với đứa nào. Vậy nên bà cho mỗi đứa một sào đất trong tổng số bốn sào mà vợ chồng bà đã ra công thuở khai thiên. Một sào còn lại bà tuyên bố cho hai con Ba Thìn và Út Tý. Riêng Năm Thân lấy chồng xa xứ nên không màng đất đai hay tài sản của của mẹ. Nhưng tất cả đều biết bà má để cái nhà và hai trăm mét thổ cư cho Năm Thân. Kể ra vậy cũng công bằng. Bà Lựu sống bằng ngọn rau cọng cỏ trong vườn nhà, lâu lâu bầy con ghé qua cho má tí tiền còm gọi là ăn trầu, hoặc mua cái kẹo cho cháu nội ngoại làm quà.
Ba Thìn ghét mấy bà chị em dâu lắm. Cả ba bà dâu cũng không ưa chi nhau. Chuyện lo cho bà má già nua họ đùn đẩy cho nhau, còn giả đò quên nữa mới ác. Hai bà em nói đó là chuyện của Hai Dần. Nay mai bà già có về đất thì thổ cư thuộc về anh hai, vậy thì mắc chi tui phải lo. Hai vợ chồng tui nghèo mướt. Tui cuốn gói theo không đâu có ai cho tui đồng bạc nào… Thiên hạ đa sự méc lại với Thìn và Ngọ. Hai chị em chụm đầu lại mà tố khổ từ anh em ruột cho chí chị em dâu. Đại loại là thứ chồng đội vợ lên đầu, thứ dâu con mắc dịch. Tất nhiên từ sợi ong ve dệt ra tấm. Chả đầu cua tai nheo gì mà chị em thiếu cái không nhìn nhau. Cứ đến ngày giỗ cha, sau no say là chúng xực nhau tại chỗ. Hai Cọp ỷ thế anh. Thêm cái bụi đời nên mở miệng là đù cha đù má. Đe rằng;
– Thằng chồng mày bộ tốt lắm sao Thìn? Nó có hơn gì tao đâu? Mày về mà dạy nó, ở đây tao là anh, mày không có quyền dạy tao à?
– Chồng tui làm sao? Ổng đâu có vì rượu mà bê tha như ông. Vợ ông là dâu trưởng trong nhà mà không đến phụ đám là sao? Bộ quăng vài đồng bạc là xong hả? Ông ngó được không? Ông, thằng Bốn Ngọ và vợ chồng Chó Con chả ai quan tâm đến bà già. Hôm bả đi nhà thương chỉ có tui với vợ chồng Năm Thân và con Út Tý. Nếu không chắc bà già ra nghĩa địa với ông già rồi.
Vậy là cả nhà ỳ xèo lên. Cánh đàn ông thì ra sức phân trần. Bốn Ngọ nói hôm đó con tui bị bịnh. Chó Con thì không có một xu nên đành bất hiếu. Ba Thìn nạt:
– Mày im miệng lại. Cả đi thăm, vợ chồng mày cũng không? Mày nghe lời vợ vừa thôi, thứ đàn ông coi vợ lớn hơn mẹ là đồ bỏ.
– Bà đừng có làm trời. Lâu lâu ghé một chút mà làm như hăm bốn trên hăm bốn. Lúc không có bà bồ tưởng bọn tui bỏ má hả?
Bà Lựu than với xóm giềng răng:
– May mà tui không của nả chi. Nếu có dám bầy con tui giết nhau quá.
Y như rằng.
***
Dù đã lường trước mọi việc bằng cách lên văn bản. Có mặt cả bầy con từ dâu đến rể. Tất cả các thành viên đều đồng ý ký tên và có người chứng hẳn hoi. Như đã nói ba ông con trai ba sào. Hai bà con gái một sào. Năm Thân hai trăm mét có cái nhà rách. Chả ai phàn nàn chi. Thiệt nhất là Năm Thân nhưng cô cũng cười. Lấy chồng xa xứ, có tí chút nên không màng lắm, cô nhận chẳng qua để mẹ cô vui. Bầy anh chị em thấy vậy cũng hợp lý
Và mọi chuyện, nhiều lắm cũng chỉ ba cái cãi cọ vặt vãnh rồi đâu lại vô đó. Cả thế giới nầy chả nhà nào không bị lôi thôi làm cho sứt mẻ. Không chuyện thì tẻ nhạt lắm người hỡi. Chuyện của nhà bà Lựu diễn biến rất buồn. Trước là buồn cười, sau là nát hết ruột gan bà con cô bác.
Trước tiên là Năm Thân từ dưới quê chạy lên vắn dài nước mắt với anh chị em rằng, chồng cô bị vướng vô lao lý vì thâm lạm của công. Muốn yên chuyện phải có ngoài trăm triệu để khắc phục hậu quả. Mô phật. Toàn thể anh chị em chấp tay lạy tám phương trời có đánh họ một trăm búa cũng không ra lấy một đồng. Chồng cô làm sao mà lạm dữ vậy? Cứ lấy của công mà đi ăn phở thì lãhujkl, nh đạn là phải quá. Bà Lựu triệu tập khẩn cấp bầy con về nhà tìm cách cứu đứa con gái tội nghiệp. Nhưng ba cậu trai ai cũng nghèo, Thìn và Út Tý cũng không hơn. Bà má nói:
– Má tính vầy, bây nghe thử được không. Tao đem sổ đỏ miếng đất bốn sào đi thế chấp ngân hàng vay cho con Thân trăm triệu, thiếu bao nhiêu sẽ chạy thêm sau. Nó mượn lo cho chồng ra tù, về là tụi nó bán nhà trả lại. Bây nghĩ sao?
Cả nhà lặng như tờ. Có loại yên lặng là đồng ý, nhưng yên lặng kiểu nầy chả biết nói sao. Ai cũng muốn nói mà ngại. Bà má sao, bây nghĩ sao cả ba lần Hai Dần mới lên tiếng:
– Nó nói nhà nó đang thế chấp, bây giờ chuộc ra mới bán được. Tui hỏi bà, cứ cho rằng nó bán được thì có còn đủ trả để bà lấy lại sổ đỏ không? Bà tưởng bán một căn nhà bộ dễ lắm sao?
Năm Thân vắn dài rằng nhà cô bán xong là dư để trả. Anh chị em thương chồng cô mà giúp cho. Nhưng câu trả lời vẫn là sự yên lặng. Sau đó ai cũng thoái thác nhà có việc xin kiếu. Bà Lựu thương con lắm, nhưng đâu dám qua, mà có muốn qua cũng không xong. Đâu phải cứ chủ hộ rồi muốn sao cũng được. Năm Thân đành chịu sầu. Bí kế, cô phải ôm hai đứa con về nhờ bà Lựu rồi tần tảo thăm nuôi chồng.
Đời là vậy đó. Đói nghèo đã làm bẩn chật tâm hồn. Thiên hạ vẫn thường nghiêng mình luỵ vật chất phù hoa, sẵn sàng làm mọi cái để lợi lộc về mình, và cũng sẵn sàng nhe nanh khi một cái gì đó của mình bị xâm hại. Nếu trước đây hai bà con gái xem chuyện chăm lo mẹ già là một tất yếu, tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng có. Từ khi Năm Thân và hai đứa cháu ngoại về thì thái độ của họ nhạt đi. Lời nói ra tuy xa xôi nhưng dại khờ cách mấy cũng xót xa, rằng đang có tu hú nhờ đỡ tổ chim di. Năm Thân cay đắng lắm. Mới ngày nào vợ chồng cô trên xế hộp về thăm. Anh chị em thôi thì ân tình biết mấy. Bìm bìm leo thì tường bê tông còn hoang phế nói chi bờ giậu trời mưa dầm giá rét. Đó là chị và em gái ruột, còn chị em dâu thì họ cạch luôn. Ba ông con trai sợ vợ và mê rượu thì không quan tâm chi chuyện vặt.
Biết làm sao khi tất cả bị một cái nghèo vây bủa? Con cái của tất cả còn nhao nhác thì ai thèm quan tâm đến con của Năm Thân. Con của Hai Dần lớp năm là nghỉ, chữ nghĩa làm sao vô đầu khi bụng rỗng? Với Dần thì chữ không làm no bụng. Con Năm Thân từng có cha là quan, chả ông cha quan nào muốn con mình thất học. Nhìn con lê chân đến trường Năm Thân sa nước mắt. Thôi thì ráng cho qua cái thì nầy con ơi.
Nhưng có câu họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Đùng một cái hoạ khác đến, cái nhà và lô đất hai trăm mét vuông, trong đó bẩy nươi mét là thổ cư – cái mảnh mà – Năm Thân được chia bị quy hoạch để giải toả làm công trình quốc gia. Thông báo đến từng hộ và tất cả được mời lên uỷ ban để công khai quyết định. Họ sẽ được đền bù ra làm sao, có thoả đáng không?
Tất nhiên là phải thoả đáng rồi, nếu không dân đâu có đồng ý. Đất đai nhà cửa sẽ được đền bù theo đúng quy định. Những hộ bị giải toả được cấp thổ cư mới. Thật là hoang mang, thật là rắc rối. Nhưng phải đi vì thiên hạ đã và đang đi. Công trình quốc gia ai dám cưỡng và chả ai phiền toái chuyện đền bù. Thậm chí cái nhà rách của bà Lựu cũng được mấy chục triệu bạc. Thiên hạ cả cười:
– Bà mẹ nó… Bà Lựu vô mánh nhứt à nghe.
Nhưng bà Lựu và Năm Thân cười không nổi. Mấy chục triệu bạc thì làm sao cất lại chỗ chui ra chui vô? Trong khi đó quy định của khu dân cư là phải cất nhà theo quy hoạch, nếu chưa có lực thì anh chị để đó, không được cất nhà lá. Và quan trọng nhất là cấm mua bán, sang nhượng đất đai. Cầm mấy chục triệu bạc trong tay bà má và cô con gái bóp trán suy tưởng. Bầy con cũng ghé mắt xem qua. Danh chánh thì tiền nầy là của Thân, nhưng má là của chung. Bây giờ má sẽ về đâu? Đứa nào sẽ rước má về ở chung? Bà Lựu tuy già nhưng khoẻ chán, nói:
– Phận ai nấy lo, tao không ở với bây đâu.
Không lý ở với con gái? Hai thằng rể luôn la đà trong rượu, say lên mẹ ruột nó còn cãi lại thì má vợ nào có nghĩa chi. Bầy con dâu thì có điên mới ở, chồng con còn rên siết thì má chồng nó bóp cổ làm mắm ăn dần chớ sợ gì ai. Trong khi chưa tìm được nơi ở mới ta cứ tạm thời ở đây, chừng nào công trình khởi công thì đi cũng chưa muộn. Nghe cũng có lý nên bầy con yên tâm rút về. Má nói với cô con gái đang thời suy vi:
– Cùng lắm mình thuê trọ ở tạm, chờ chồng mày về rồi tính.
Thời mà giá cả bắn lên trời với tốc độ phản lực, làm ra đồng bạc khó như đeo đá hộc. Đồng lời làm ra đâu đủ chi. Vốn cứ teo dần theo năm tháng, cái nguy cơ trắng tay hiện diện ngày một rõ thì đùng một cái như pháo đại nổ giữa trưa.
Đúng là cùng tắc biến, biến tắc thông. Vụ cấm mua bán đất được dỡ bỏ. Anh lấy đất của tôi làm công trình. Nay buộc tôi phải cất nhà theo ý anh vậy đến ba kiếp nữa tôi cũng đành ra xó chợ ở thôi. Phải cho tôi bán rồi lấy tiền đó mua một mảnh đất đâu đó xa xôi, dư chút đỉnh tôi làm cái cấp bốn kiếm chỗ chui ra chui vô. Vậy mới là hợp lý, đúng không thưa quý cán bộ?
Lô đất của mẹ con Lựu Thân tương đối đắc địa. Có tiền mà làm một căn, mở cái quán nhậu là trên cả tuyện vời. Dân chơi phố thị trên xế hộp đời mới nhất, ghé qua khu dân cư kiếm miếng đất đèm đẹp làm quà sinh nhật cho bà nhỏ bả dzui. Họ chạy qua chạy lại rồi đứng lại, ra khỏi xe ngắm mảnh đất của Thân rồi gật gù ra chiều đắc ý. Giá cả nghe qua mà kinh tâm, chỉ nghe thôi mà bà Lựu còn trẻ lại cả chục tuổi nói chi ai. Năm trăm triệu, rồi năm trăm rưởi hôm sau có người nâng lên sáu trăm. Chỉ ừ là tiền giao tận tay.
Nếu bà Lựu mừng đến trẻ lại thì bầy con của bà ai cũng chấn động tâm can.
Họ tụ lại dưới mái nhà rách.
***
Ba gã trai đến cùng lượt, thằng nào cũng ngà ngà hơi men. Chả là sáng nào chúng cũng sương sương đôi xị như hầu hết nam nhân xứ ruộng nầy. Từ khi giở bỏ cái lịnh cấm mua bán đất ở khu dân cư, cả bọn nghiêng tai nghe ngóng dữ lắm. Rồi ở quán nhậu thiên hạ hươu vượn rằng chuyến nầy Năm Thân lên tận đỉnh trời xanh. Kẻ bảo đúng là hết cơn bỉ rồi thời lại thái, kẻ rỗi nghề thì nói anh em như tay với chân, phải chia nhau mà sống đâu có chuyện kẻ đi xe hơi người đi bộ. Suy cho cùng thì Năm Thân mới khổ đây thôi, chứ khi chồng còn tại vị nó là bà chứ đâu phải con. Bây giờ của nả từ trên trời rơi xuống thì phải chia cho đều, đúng không?
– Thôi cha, cha biết con khỉ già gì. Đất đai nhà cửa bà Lựu đã chia cho con cháu từ khuya rồi. Muốn biết hỏi tui nè.
– Làm sao mày biết?
– Cha tao viết giấy, làm chứng chớ ai mậy?
– Ba cái giấy tay có nghĩa lý con mẹ gì mày ơi, cha mày là trưởng ấp chứ chủ tịch xã mà giấy tay cũng bỏ. Mà xưa kia đất đai là đồ bỏ nên chia vậy, bây giờ xí bùm bum rồi chia lại mấy lăm hồi.
Có vậy ba thằng trai và hai bà con gái mới rắp tâm chia lại cơ đồ. Đang kình nhau xoay quanh chuyện tao không ra chi thì chồng mày cũng chẳng ra gì. Tui không ra gì thì vợ ông cũng chẳng ra chi, năm cái đầu chụm lại rồi bàn. Đã bàn là ra chuyện.
Hai Dần mở đầu bằng cái giọng lè nhè:
– Má à – e hèm – lô thổ má tính bán hả?
– Ừ. Của con Thân nó tính bán lấy tiền mua chỗ khác cất nhà tao với vợ chồng nó ở.
– Giờ má tính làm sao?
Bà Lựu già nhưng đâu đã lẫn. Cả Năm Thân cũng đâu có điếc. Chuyện lô thổ có giá và tâm tính bầy con bà rành lắm. Không phải bà đã chia cho yên chuyện rồi đó sao? Nhưng tình thế nầy lui tới đều khó cho bà bước. Không để bà trả lời, Năm Thân lên tiếng:
– Ai có phần náy hết rồi, cái nầy của tui, anh biểu tính là tính làm sao?
– Tao không hỏi mày. Mày lấy chồng, quê mày đâu còn ở đây nữa. Hộ khẩu nhà này đâu có tên mày. Mày biết điều thì còn có phần, bằng không là mất hết à.
– Mày muốn sao? – bà má lên tiếng.
– Bán xong má phải chia đều cho tất cả. Ai cũng phải có phần.
Bà má thở dài:
– Mày nghĩ sao hả Thìn?
Ba Thìn yên lặng.
Bà má nhìn cả bọn rồi tiếp tục:
– Nói đi, tụi bây nói hết đi. Sao yên vậy?
Kỳ dị thật. Bọn mồm loa mép giải cả ba quân đều sợ mà nay yên đến nghe cả tiếng ruồi bay. Bà mà tiếp bằng một giọng buồn rầu:
– Tao dựng vợ gã chồng cho bây vậy là ổn. Của cải chia như vậy kể cũng ổn, nếu không bây đâu có đặt tay vô ký. Cho dù nó không có con dấu của chính quyền, nhưng nó có cái danh của con người và cái tình của anh chị em. Nay nếu bây muốn thì tao chia lại. Tất cả đều phải chia ra bảy phần. Sáu anh chị em bây và tao. Tao nói vậy bây thấy công bằng không? Nếu đồng ý vậy thì mai bây trở lại đây, tao kêu ông chính quyền tới chứng một lần cho tiện.
Cả bọn lại yên lặng nhìn nhau. Ái chà. Sự thể có vẻ căng à. Như vậy có nghĩa là bà già chẳng những buồn mà còn giận nữa. Không phải sao? Bây giờ lấy thước ra mà đạc lại, rồi phân ranh. Trước mắt là thiên hạ sẽ cười cho thúi mũi. Họ sẽ bảo chỉ vài chục triệu đồng bạc mà cả họ nhà bà Lựu không nhìn nhau. Ừ, sáu trăm triệu chia bảy, mỗi em hơn tám mươi triệu một chút chứ bao nhiêu lắm. Vụ nầy nghĩ cho tận là làm trò cho thiên hạ cười cả ba kiếp chứ chẳng chơi. Nhưng tất cả đâu muốn sự thể xẩy ra theo chiều hướng nầy, làm chi mà có chuyện xé đất ra chia lại. Không. Năm Thân có chồng xứ lạ, đất đai của nó không ở đây. Nó không có quyền được hưởng, ân sủng dành cho nó là cái phần đất bán ra là may rồi. Ý của tất cả là vậy, nhưng chả ai nói ra, ai cũng lầm lầm kiểu không thích cái kết mà bà má đề ra. Năm Thân lại càng không thích vậy. Cô lên tiếng:
– Mấy người đừng có xử ức tui. Tui lâm cảnh cùng về đây nhờ anh chị em, ai cũng ngoảnh mặt quay lưng, ai cũng chê cười xem mẹ con tui như đồ báo cô. Đất đã chia, tui được phần thiệt thòi nhứt. Tui giả dụ nếu đất đai mấy người vô quy hoạch thì liệu mấy người có bày chuyện ra như hôm nay không? Tui không chia cho ai hết và tui cũng không bán, tui sẽ cất nhà trên đó thử xem mấy người lấy gì mà chia?
Ái chà… đòn nầy kể còn cân não hơn đòn của bà già à. Rõ ràng là bà má một phe với con Năm đây mà. Từ bấy đến nay nay bà ở với nó chia ngọt sẻ bùi không cùng cánh là gì? Bả mà không đồng ý bán thì có mà ăn cám hấp. Mấy cái nầy dễ giận lắm à nghe. Hai Dần sửng cồ:
– Mày câm họng, mày có quyền gì?
– Anh cùng như tui thôi. Anh và chị Ba Thìn lớn mà tranh dành với em út. Anh là đồ tham lam.
– Mày nói ai tham? Nói không ra tao đập vô mặt à.
– Tui thách anh đó… nè… mặt nè… anh đập tui coi thử.
Nóng gà vì mọi chuyện không như ý. Lại có bạ sợi làm lăn tăn cái đầu. Hai Dần đâu sợ chi con em, thẳng cánh Dần xáng cái bốp. Năm Thân té ngang vô liếp cửa lồ ô, tóc tai cô xổ tung ra trông thảm hại hết biết, bà má vụt đứng dậy chỉ tay vô mặt thằng con, nhưng Dần xô tay bà ra:
– Bà xê ra để tui trị con nầy cái tội hỗn.
Thân đứng lên, trong tay cô là đoạn tầm vông gài cửa, cô nhào tới và đánh lại ông anh. Giận chớ. Ai mà không giận. Đang không xáng bạt tai vô mặt người quả là không phải. Cô vụt một cây, thêm một cây nữa và khi giận lên cũng như ba quân cô đù thôi là đù. Bị ăn liền hai cây vô một chỗ Dần cũng điên lên chụp lấy đoạn tấm vông và giằng lại. Đàn bà con gái sao lại đàn ông có rượu. Có vũ khí trong tay Dần thằng tay vụt xuống cô em.
Sự việc xẩy ra đâu có nhanh, vậy mà cả mấy anh chị em cứ trố mắt ra nhìn, mặc kệ bà má bài hãi la dậy làng dậy đất. Nghe động thiên hạ bu lại thì Năm Thân đã yên một bề dưới đất. Về sau khi ra trước toà. Thẩm phán hỏi Bốn Ngọ và Chó Con sao không can thì cả hai nói tại có rượu nên không xoay trở kịp. Còn Ba Thìn với Út Tý thì cúi mặt không nói được câu nào.
Còn nói chi nữa khi ông anh ôm án mười lăm năm tù vị tội giết người. Bà má yên lặng nhìn hai đứa cháu ngoại cha tội tù mẹ chết với đôi mắt vô hồn. Nhưng mà vì sao vậy? Thiên hạ hỏi vì sao?
Ai mà biết.
Nguyễn Trí
Gửi anh Nguyễn Trí…
Cảm ơn anh cho đọc một truyện ngắn hay, miêu tả những thực tế đau lòng mà không dễ gì sửa được..! Khi con người “bị” xã hội bắt sống theo kiểu thuần vật chất…Tất cả giá trị trong đời sống đều có thể mua bằng tiền..!
“Ai mà biết”…Khi nào mà mỗi người còn nói câu này thì mọi thứ đã lỏng lẻo lắm rồi….
Đọc bài của N.Trí thấy đạo đức con người ngày càng suy giảm , buồn , thương , xót xa …cho một xã hội … Chuyện gì cũng có thể xảy ra … Đời mà ! Phải vậy không NT ? – Đời là bể khổ ! Đúng vậy .
Thực ra xã hội chúng ta nhìn tổng thể thì thời nào có cái đâu của thời ấy Bích Sơn ạ. Tuy nhiên thời nầy nhìn trong chùa còn có ác tăng .
Đành chịu vậy. Rên rĩ được tiếng nào hay tiếng đó
Một câu chuyện xã hội, quan lại bóc lột ,,, không có tình người,,,sao nghe quen qúa !
Cảm ơn Nguyễn Trí .
Xin chào bạn Nguyễn Trí.
“Ai mà biết”, đọc xong truyện của Nguyễn Trí và tác giả chấm hết bắng ba chữ ấy. Thực ra đúng là: Hết biết!
Từ xưa nay người ta, có chăng, là chỉ nói “Bần cùng sinh đạo tặc” đã là quá lắm rồi. Giờ đây cái “đã quá lắm rồi” ấy chẳng nhằm nhò gì! Khi mà đạo đức đang tuột dốc như xe không thắng?! Khi mà chính anh em ruột rà đã bị đồng tiền che mất lương tri.
Trí thân mến, tôi tin chắc là bạn viết truyện ngắn này bằng những tư liệu người thật viêc thật. Bạn biết sao hông? Đây- đó, những vùng ven đô mà “con sóng đô thị hóa” mười mấy năm trở lại đây, đã làm nghiêng ngã, thậm chí có vụ đã làm sụp đổ Nghĩa Họ Tộc, Tình Phụ Tử.
@ Tình máu mủ Họ Tộc vì miếng đất lên giá, đã chưởi bới, xỉ vả, ẩu đả nhau…Chưa hết, lôi nhau ra tòa!
@ Con ruột đâm chết cha mình!!! Cũng chỉ vì tranh giành với người cha, mảnh đất nhỏ, tự dưng có giá do có con đường đô thị phóng ngang qua!
Vân vân và vân vân…Kể sao cho hết!
Chẳng lẽ bây giờ tiếp cận ánh sáng văn minh, con người lại xa lìa nhân ảnh?! Thiệt khổ Nguyễn Trí hả?
Bạn viết một đề tài thật đau lòng- dẫn dắt lôi cuốn. Tôi thích.
Thân mến.
Xin lỗi anh Lân nhé. Hôm náy mới trả lời được còm của anh. Hổm ráy tôi bấn lắm anh ạ. Hoàn cảnh đang lúc goảnh càng.
Anh thông cảm nhé và cám ơn anh đã thích.
“goảnh càng” là sao Nguyễn Trí hè?
Hổm nay có lên SG hông sao không thấy alô, hữ bạn?
Chào nhà văn Nguyễn Trí
Đọc tựa đề “AI MÀ BIẾT” nghe rất đơn giản nhẹ tựa mây trời thế mà càng đọc càng…nặng lòng và kết thúc với tiếng thở dài ! Một người phụ nữ một nách sáu đứa con mà chồng chết khi tuổi không quá ba mươi…Không liếc ngang liếc dọc ( nếu có anh đã cho biết rồi ) lặn lội nuôi đàn con trưởng thành nhưng lực bất tòng tâm, chỉ lo được cái ăn nhưng vấn đề giáo dục lại không có ( măng không uốn thì tre trổ vòng ) là đương nhiên rồi ! Tôi không trách bà mẹ vì lực bất tòng tâm nhưng tôi ước ao…giá như…những cảnh đời khốn khó như nhà văn đã viết sẽ được xã hội, đoàn thể quan tâm ( có nhiều nước họ đã làm rồi ) chăm sóc phụ bà mẹ thì biết đâu…Ừ, biết đâu sẽ tốt hơn…
Để không có ba từ ” AI MÀ BIẾT ” đầy vô cảm như vậy ! Xin lỗi, đây chỉ là nhận định cá nhân mà thôi !
Vậy bà ấy hơn Mây Lang Thang 1 đứa con !
Em Mây còn trẻ, còn sung…
Thim chồng, em đẻ tưng bừng lo chi……………hè?!…khà khà…
Trời ơi, em 5 đứa con hổng chồng rùi , mệt muốn chết nè anh Khà Khà!
Em Mây noái dzẫy …Anh Khà Khà nỡ nào làm ngơ..?
An Khê ơi. Xã hội chúng ta như Trịnh Công Sơn đã viết trong Huyền thoại mẹ ;’ Trong đời nay thanh bình, mẹ chìm dưới hoang vu” dù trước đó “mẹ ra đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ”
Anh Trí,
Đọc xong câu chuyện của anh, lòng NV chùng lại thật buồn, hình như ngòi bút anh đang lột tả bản chất con người “mang mác hiệu thời đại” mà sao xử sự mọi việc lạnh lùng vô cảm và lại đặt trên thước đo của tiền tài vật chất…đên đây NV chợt nhớ đến xhpk ngày trước, các tên quan lại bóc lột người dân và tiền là mấu chốt giải quyết mọi vấn đề, đó là những tên sâu dân mọt nước , xh không có tình ngưới, cần phải đấu tranh loai trừ…ây vậy mà ngày nay , điều này vẫn diễn ra trong cái xh đươc tô vẻ là thời đại…lai còn quá nhiều hạt sỏi ngáng chân làm khó bước, xh mà tiền tài, vật chất giữ thế độc tôn, còn tình người rẻ như bèo nếu không muốn nói là vô cảm. Thật đáng buồn.
Cám ơn anh đã mang đến trang nhà câu chuyện thật ý nghĩa.
chúc anh vui khỏe.
Nguyet Van thân mến. Tôi đang viết một truyện ngắn cúng đề tài nầy nhưng anh em kéo nhau đi đến chỗ chê lại là những trí thức. . Người đại học, kẻ xong cao đẳng… mà lại là sư phạm nữa mới đáng buồn. Truyện nầy dù sao cũng còn có chỗ để bao dung vì tất cả đều không được giáo dục trong một môi trường tốt… Nguyet Van đợi nhé, viết xong tôi sẽ gửi lên trang nhà cho anh em cùng đọc
Doc bai cua A Nguyen Tti ma thay buon Cau chuyen cua a sao giong nhu bay gio qua Gia dinh ,dao duc suy doi Tat ca chi vi tien Vi dat dai dang len con sot .vi tien ma tinh nghia kg con du la tinh yeu thuong mau mu ruot .ra Ngay xua dau ngheo kho ma van yeu thuong nhau Ngay nay sao lai nhu vay Xin dung do loi cho tat ca vi ngheo Chang qua bay gio tim duoc mot chut tinh kho qua Con nguoi bay gio vo cam voi tat ca .Trong gia dinh tham canh nhu vay thi noi gi den xa hoi .Cam on a Tri da cho doc mot bai viet that su dau long ma sau sac ,mot cau chuyen rat mang tinh thoi dai de chung ta cung suy gam Chuc a mai vui ,khoe Than ai …..
Xin cám ơn Nam thu đã đọc và chia sẻ nổi đau lòng nầy với Nguyễn Trí