Nguyễn Kim Tiến
Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi về thăm lại Qui Nhơn sau hơn 30 năm xa cách, nhưng tôi luôn nhận ra những cảm nhận của tôi có khác nhau ở mỗi lần về! Bởi mọi vật đều biến chuyển thay đổi không ngừng. Chúng ta, dù muốn hay không, cũng phải chấp nhận sự thay đổi này! Nếu bảo là buồn thì cũng không đúng, mà bảo rằng vui thì không biết có vui? Vậy thì trong buồn có vui, và trong vui có buồn. Buồn vui với những đổi thay không tránh được.
Tôi mướn xe Honda đi dạo một vòng thành phố. Tưởng là có thể nhớ từng góc nhỏ của thành phố, nhưng rồi tôi đã đi lạc. Có lẽ vì tôi đi vào buổi chiều lúc trời vừa bắt đầu ngả bóng tối nên mức độ nhận diện có giảm đi chăng? Tôi biết là tôi đã lạc. Tôi dừng lại và hỏi thăm. Bất ngờ nhận ra trường cũ. Tên trường đã đổi rất nhiều năm rồi. Cổng trường cũng đã được xây lại. Nhìn vào bên trong cột cờ cũng mới. Tất cả đã trở thành xa lạ với ký ức của tôi. Nhưng có một điều lạ lùng là bỗng nhiên những khuôn mặt bạn bè cũ lại hiện về trước mặt tôi tưởng như mới hôm qua. Ở góc này một chút kỷ niệm, ở góc kia một chút thương yêu. Rồi bất ngờ, cay cay nơi đầu mũi. Nhìn qua phía bên kia đường, bãi cát dài với những hàng thuỳ dương đã không còn nữa nhường chỗ cho một công viên đầy cây xanh – đẹp hơn – dù thế trong tôi vẫn là những ngậm ngùi.
Trời Qui Nhơn nắng nóng. Tôi muốn nói đến cái nắng nóng làm tôi mệt mỏi! Nắng đến tối mặt tối mày. Nắng làm tôi thở muốn hụt hơi. Cũng may Qui Nhơn không như Sài Gòn, sự ồn ào và bụi bặm còn chừng mực chứ nếu giống nhu Sài Gòn chắc tôi chết mất! Lần đi về Việt Nam kỳ này, tôi thấy mệt quá, không biết vì sức khỏe tôi yếu đi hay tôi đã bắt đầu có tuổi! Nhưng tôi cũng cố gắng đưa gia đình đi chơi ở Hầm Hô và thăm viếng đền thờ của vua Quang Trung và một ngày tôi dành cho việc thăm viếng. Hầm Hô và đền thờ là hai nơi mà tôi nghĩ là thú vị nhất trong chuyến đi về quê lần này. Dù mệt lắm, tôi luôn cố gắng để không bao giờ hối tiếc là mình đã không cố gắng thêm chút nữa!
Lần về Việt Nam này, tôi muốn đi thăm thầy Phạm Xuân Ẩn.
Tôi biết thầy vào năm 2011 qua những tấm hình anh Xuân Hiền chụp chung với thầy hôm các anh đi thăm thầy đăng ở cuongde.org. Nhìn thầy lom khom, từng bước dựa vào anh Thái Thôn, lòng tôi xúc động quá và bỗng nhiên tôi muốn viết thư thăm hỏi thầy. Tôi nhờ cuongde.org chuyển lá thư đến thầy và kể từ đó tôi quen thầy và thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại về thăm thầy, nhất là vào dịp Tết. Nói là gọi về thăm thầy chứ thật ra thầy không còn nói chuyện được nữa, tôi hầu chuyện với cô thôi. Tôi nói với cô đó là duyên, duyên hạnh ngộ.
Hè vừa rồi, trước khi về Việt Nam, tôi gọi cô và hứa sẽ ghé thăm thầy cô. Tôi liên lạc với anh Hiền, rủ anh cùng đi thăm thầy (một tai nạn khá lớn đã xảy ra cho tôi. Khi thư cho anh Hiền, thay vì ghi anh Hiền thân mến, tôi ghi tên anh Lệ thân mến, ui trời, tôi bối rối đến chín người khi biết ra là mình đã gọi nhầm tên. Tôi biết đó là một nhầm lẫn khó mà tha thứ được. Mong là hai anh rộng lòng từ bi hỷ xả mà tha thứ cho tuổi già của tôi). Dù đã xin lỗi anh, nhưng tôi suy bụng tôi ra bụng người nên tôi nghĩ chắc là anh giận và không muốn đi cùng với tôi nữa. Tôi nghĩ tôi sẽ đi thăm thầy một mình. Nhưng vì sao mà tôi lại rủ anh Hiền mà không là ai khác? Bởi vì anh Hiền là người chuyển lá thư của tôi đến thầy cách đây 3 năm. Anh là người luôn tin cho tôi biết về sức khoẻ của thầy. Anh đã không giận mà còn ghé nhà tôi chở tôi đi thăm thầy. Anh Hiền là số “1” đó nghen! 🙂
Thời gian ở Qui Nhơn của tôi ngắn quá. Tôi chỉ có một ngày để đi thăm bà con, thầy cô và bạn bè vì thế tôi cố gắng hết sức để làm theo dự định của mình, nhưng rồi mới biết rằng, dự định thì nhiều, mà thực hiện chẳng được bao nhiêu. Nhưng tôi tự an ủi tôi là ít ra tôi cũng đã dự định, bởi khi dự định là mình cũng nghĩ đến, cũng bỏ nhiều tâm tư tình cảm vào đó rất nhiều rồi. Tôi hay nghĩ đến chiều hướng tích cực như thế để tha thứ cho mình dễ dàng hơn!
Anh Hiền và tôi ngồi ở phòng khách. Cô vào phòng trong đưa thầy ra. Thầy đã không còn đi đứng gì được nữa. Thân xác hao gầy bởi căn bệnh Parkinson. Những tế bào não đã lần lần bị tiêu huỷ, ảnh huởng trực tiếp đến những cơ quan vận động như bước đầu là một hay hai tay run rẩy, không cầm được, rồi đến hai chân không di chuyển nhanh nhẹn được. Đến một lúc mọi cử động sẽ không còn uyển chuyển nữa. Hệ thần kinh của thầy đã suy nhược dần kéo theo những triệu chứng như thế. Những triệu chứng mỗi ngày mỗi nặng thêm. Và đôi mắt, đôi mắt của thầy đã xa xăm. Tôi nhìn mà muốn khóc! Khóc cho thầy và khóc cho thân phận con người ở đoạn cuối đời.
Khi thấy thầy ra khỏi phòng, tôi chạy đến giúp cô dìu thầy đi. Thầy nói rất nhỏ : “áo, áo”. Tôi biết là thầy muốn mặc áo để tiếp khách đây! Cô đưa tôi cái áo của thầy. Tôi loay hoay mãi mà không thể mặc áo cho thầy được. Tôi không có kinh nghiệm. Tay chân thầy đã cứng, không dễ dàng dịch chuyển qua lại, nên tôi sợ thầy đau. Thấy vậy, cô nói để cô mặc cho, vì cô quen rồi. Sau khi mặc áo xong, thầy lại lắp bắp nói “quần, quần”. Tôi nghĩ chắc không dễ mặc cho thầy cái quần dài Tây nên tôi nói đùa với thầy “Thầy ơi, thầy không cần mặc quần nữa đâu, cái áo nó rộng và dài đủ để thầy làm người lịch sự rồi”. Hình như thầy có hơi mỉm cười (không biết có đúng không hay tôi tưởng tượng). Rồi cô dìu thầy đi đến ghế sa lông. Cô dùng chân của cô hích nhè nhẹ vào cái gót chân của thầy để thầy nhích lên từng chút, từng chút một. Cứ chầm chậm từng bước rồi thầy cũng đi tới gần chỗ cái ghế sa lông. Cô phải dùng sức xoay thầy hướng cái lưng thầy về cái ghế sa lông để giúp thầy ngồi xuống nhưng mọi hành động đều rất chậm và đầy kiên nhẫn vì người thầy đã cứng, không còn uyển chuyển nữa. Vậy đó mà ngậm ngùi!
Thầy có nói gì đâu, chỉ tôi và cô nói chuyện với nhau mà thôi. Thỉnh thoảng thầy gật gật như hiểu, thỉnh thoảng ầm ừ vài chữ. Tôi ngồi bên thầy, nắm bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương của thầy mà thấy lòng xót xa. Đôi bàn tay đã từng cầm không biết bao nhiêu là viên phấn trắng, say sưa trên bục giảng. Đôi bàn tay đã từng dìu dắt biết bao nhiêu thế hệ. Và giờ đây, đôi bàn tay với những đường gân xanh mét đang nằm trong tay tôi vào một ngày hè thật oi bức, mà sao tôi vẫn thấy lành lạnh. Cơ thể đã không còn hơi ấm?
Tôi ghẹo thầy : “Giờ mà thầy còn đẹp trai như vầy chắc hồi xưa ác chiến luôn, chắc là có biết bao nhiêu học trò nữ thương thầm nhớ trộm thầy”. Tôi lại thấy hình như thầy mỉm cười. Nhờ vậy mà cô thổ lộ “Cô là học trò của thầy đó”.
Chuyện bệnh của thầy, chuyện trước, chuyện sau cứ thế mà nối đuôi nhau không muốn dứt. Nhưng rồi tôi cũng phải nói lời chia tay với thầy, với cô. Hai anh em đã xin phép ra về vì tôi còn phải đi thăm nhiều nơi khác nữa. Trước khi chia tay thầy, tôi hỏi, «Thầy cho con ôm và hôn thầy nghen”, bởi tôi nghĩ, đó là một trongnhững cử chỉ yêu thương và quan tâm mà chúng ta cảm nhận được rõ ràng nhất khi chúng ta không còn khả năng nghe và nói nữa. Tôi lại cũng có cảm tưởng như thầy mỉm cười và gương mặt thầy lộ nét vui mừng khi tôi hỏi thế. Rồi tôi nghe thầy reo lên “Vui quá, mừng quá! Vui quá, mừng quá!” Lần nữa tôi lại muốn khóc. Tôi ôm thầy và hôn thầy. Thầy cũng cố gắng hôn lên má tôi nhưng thật là khó cho thầy vì cái cổ của thầy cũng đã cứng rồi, thầy không còn cúi xuống được nữa. Bỗng nhiên tôi lại nghĩ, thầy đã từng cúi xuống nhìn vào những quyển sách để soạn bài, những bài làm của học trò để thầy chấm điểm, từng cúi xuống để nâng học trò thầy lên! Giờ thì tất cả đã không còn như xưa.
Tôi hỏi cô là có cần tôi giúp đưa thầy vào phòng trở lại không. Cô nói để thầy ngồi ở phòng khách cho thầy khuây khỏa bớt chứ nằm trong phòng hoài cũng không tốt. Anh Hiền và tôi cất bước, và cô đứng lên theo sau ra đến tận thềm nhà để tiễn đưa chúng tôi. Tôi vừa leo lên chiếc xe Honda, tôi vừa quay mặt vào trong để vẫy tay nói lời từ biệt cuối cùng với cô, thì bất ngờ ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt của thầy. Thầy đang đứng ở nơi cánh cửa và vẫy tay chào tôi. Tôi giật mình chưa kịp nói gì thì cũng vừa lúc anh Hiền rồ ga cho xe chạy. Tôi quá ngạc nhiên và nói với anh Hiền là tôi thấy thầy đứng ngay cửa và vẫy tay chào hai anh em mình, sao thầy có thể một mình đi ra tới ngay bậc cửa được. Anh Hiền nói : “Có thể lắm, vì hôm nay thầy vui”. Không biết anh Hiền có tin lời tôi nói không? Hay anh nói để làm vui lòng tôi.
Về đến nhà mới sực nhớ ra là tôi đã đến thăm thầy tay không. Chẳng có lấy ít trái cây hay hộp sửa, hay chục trứng gà mà ngày xưa chúng ta hay có mỗi khi thăm viếng thầy cô bị bệnh. Tôi không khéo léo trong việc này, nhưng mà thầy ạ, mình gặp gỡ viếng thăm nhau như thế cũng quá vui rồi thầy nhỉ?
Sáng hôm sau, tôi lên đường đi về Bình Dương, nơi tôi sinh ra, và là nơi mộ của ông bà, ba mẹ và người thân tôi đang nằm ở đó. Hai ngày ở đó với bao nhiều chuyện phải làm, bao nhiêu điều đáng nhớ cứ trổi dậy trong lòng tôi làm tôi thật bùi ngùi! Đi thăm mộ thắp nến nhang. Đi thăm bà con, chút tình chia sẻ, rồi hai ngày cũng qua thật nhanh. Cuộc hành trình cứ thế tiếp tục cho đến trạm chót là Huế, quê nội của hai con tôi. Rồi tôi cũng bận rộn với việc thăm viếng, cũng bận rộn với việc đi thăm mộ, bận rộn với những lần họp mặt anh chị em và bà con, bạn bè thân quen, tôi chẳng có dịp gọi hỏi thăm bạn bè, gọi hỏi thăm thầy thêm lần nào nữa. Về lại đây đã gần 2 tháng rồi, mọi sinh hoạt đã trở nên bình thường và tôi lại bắt đầu nhớ đến người thân, bạn bè và thầy cô. Tôi gọi về hỏi thăm thầy cô, sẵn dịp tôi muốn biết điều tôi thấy có đúng không vì bạn bè cứ bảo tôi tưởng tưởng chứ làm sao mà thầy đứng dậy và đi được nhiều bước như thế.
Tôi đã không tưởng tượng. Thật vậy, thầy đã tự một mình đi ra tới cửa để tiễn đưa hai anh em tôi. Ánh mắt ấy, đôi mắt buồn xa xăm ấy luôn ở mãi trong tôi.
Và tôi biết rằng tình yêu thương, sự quan tâm và niềm vui làm ta thêm sức mạnh.
Thầy ạ, dù em chưa bao giờ có dịp là học trò của thầy ngày nào nhưng chúng ta đã cảm thấy gần gũi nhau biết dường nào. Một tình thân tình cờ mà em cảm nhận được là một niềm hạnh phúc vô biên. Cho em gửi lời thăm cô và mong thầy thêm sức mạnh để chống chọi với những cơn đau cuối đời! Em lại đang nhớ đến một bài thơ “Footprints in the sand” của bà Marguerite Fishback Powers. Em đọc cho thầy nghe nhé! Em đọc bản tiếng Anh trước rồi em đọc lời phỏng dịch ý thơ qua tiếng Việt cho thầy nghe nhé!
Footprints in the sand
One night I dreamed a dream.
As I was walking along the beach with my Lord.
Across the dark sky flashed scenes from my life.
For each scene, I noticed two sets of footprints in the sand,
One belonging to me and one to my Lord.
After the last scene of my life flashed before me,
I looked back at the footprints in the sand.
I noticed that at many times along the path of my life,
especially at the very lowest and saddest times,
there was only one set of footprints.
This really troubled me, so I asked the Lord about it.
“Lord, you said once I decided to follow you,
You’d walk with me all the way.
But I noticed that during the saddest and most troublesome times of my life,
there was only one set of footprints.
I don’t understand why, when I needed You the most, You would leave me.”
He whispered, “My precious child, I love you and will never leave you
Never, ever, during your trials and testings.
When you saw only one set of footprints,
It was then that I carried you.”
by Margaret Fishback Powers
Những dấu chân in trên cát
Một đêm kia tôi nằm mơ. Chúa và tôi đã cùng nhau đi dạo dọc bờ biển. Những lúc mà cuộc đời tôi không còn điểm tựa nữa, những lúc mà cuộc đời tôi chỉ toàn là bóng tối, lúc nào tôi cũng thấy có hai cặp dấu chân bên nhau in trong cát. Tôi biết chắc đó là một cặp dấu chân tôi và một cặp dấu chân của Chúa
Một ngày kia, bỗng nhiên, khi quay nhìn lại cuộc hành trình của cuộc đời tôi, trong những đoạn đời mà ở đó tôi khốn khổ nhất, tôi chỉ thấy còn có một cặp dấu chân in trên cát. Tôi thắc mắc và hỏi Người: Vì sao ? Người nói, một khi con tin theo Người, Người sẽ ở bên cạnh con suốt đời? Vì sao mà những lúc con tuyệt vọng nhất, những lúc con đau khổ nhất, Người ở đâu? Sao con chỉ thấy có dấu chân của con in trên cát mà thôi. Trả lời cho con đi? Vì sao những lúc con cần Người nhất, Người lại bỏ con mà đi?”
Chúa thì thầm “Con của ta ơi! Ta không bao giờ bỏ con, không bao giờ và không bao giờ bỏ con khi con đang bị thử thách. Chính những lúc con thấy chỉ có một cặp dấu chân đó là lúc ta ẵm con vì con đã kiệt sức.”
Em xin mượn bài thơ này như một lời cầu xin ơn trên che chở và ẵm bồng thầy trong giờ phút tuyệt vọng và đau khổ nhất như bà Marguerite đã có lần thắc mắc và được Chúa của bà giải thích cho bà.
Em chào thầy. Kính mong thầy mọi điều may mắn.
Nguyễn Kim Tiến
Mùa thu 2014
Giấc mơ , cuộc viếng thăm thầy, sự ra đi của thầy, điều báo trước tất cả là từ tấm lòng nhân hậu và yêu thương mà ra. Cuộc viếng thăm của gia đình Nguyễn Kim Tiến thật cảm động, khó quên. Rất mến chị!
Mình cảm ơn anh Hiện đã chuyển bài viết đến chia sẻ với các bạn nơi đây. Cảm ơn các bạn đã ghi lại những cảm nghĩ chân tình về nỗi mất mát này. Mình tin vào chữ DUYÊN các bạn ạ. Mình đã có duyên gặp gỡ thầy. Thay lời cảm ơn các bạn đã chia sẻ với mình, mình gửi đến các bạn bài:
Tiễn Đưa Thầy Phậm Xuân Ẩn
Thứ Hai vừa qua, tôi nằm mơ thấy thầy, lòng hơi lo lo không biết có chuyện gì xảy đến với thầy. Tính gọi về hỏi thăm cô, nhưng rồi sáng dậy, đi làm quên gọi. Không nhớ gọi điện thoại hỏi thăm, nhưng sao lòng lại muốn ghi chép vài dòng cảm nghĩ còn đọng lại trong tôi sau lần viếng thăm thầy hôm 7 tháng 8 hè rồi.
Về đến nhà loay hoay với chuyện cơm nước, dọn dẹp xong cũng gần đến 11 giờ đêm. Tôi mở máy ra, làm công việc bỏ dấu thanh vì viết ở hãng không có dấu. Phần mệt, phần buồn ngủ, với lại công việc bỏ dấu là công việc nhàm chán nhất nên tôi quyết định tắt mắt đi ngủ. Giấc ngủ đã không đến dễ dàng. Tôi nằm nghĩ ngợi lung tung. Tôi đấu tranh với chính tôi có nên dậy bỏ dấu cho xong bài viết? Mấy phút sau, tôi ngồi dậy bật đèn lên, mở máy ra. Tôi đã thắng tôi. Xong tôi gửi ngay đến anh Hiền vào lúc 11:28 khuya ngày 20 tháng 10 tức 11:28 sáng ngày 21 tháng 10 giờ Việt Nam. Và tôi đã đi vào giấc ngủ thật ngon.
Sáng hôm sau, theo thói quen, trước khi đi làm, tôi mở hộp thư ra thì nhận được thư anh Hiền cho biết thầy mới vừa qua đời. Tôi bàng hoàng đến không tin được! Mới biết rằng đời sống quá mong manh và dễ vỡ! Tôi lại nghĩ đến giấc mơ và bài viết. Nó nói lên được điều gì? điều gì?
Thật vậy, thầy ra đi để lại trong lòng chúng ta nhiều thương tiếc, nhưng tôi tin chắc một điều rằng thầy đã không còn nằm một chỗ, đau đớn đến hụt hơi để mong chờ ngày ra đi nữa. Cái cảm giác chờ đợi này, theo tôi, là cảm giác mệt mỏi nhất của một đời người !
Nhớ dáng thầy tựa cửa vẫy tay chào hai anh em tôi, lòng thật bùi ngùi! Nhớ ánh mắt thật xa xăm, buồn nhưng chắc chắn là thầy đang vui mừng lắm! Tôi nghĩ vậy. Giờ thì tôi đang nhớ thầy. Nhớ khuôn mặt thầy. Khuôn mặt với lòng nhân hậu, vị tha của một người chồng, người cha, người bạn. Khuôn mặt thông thái của một người thầy! Tôi đã cảm nhận được như thế và tôi vui lắm khi tôi đã thăm viếng được thầy. Nếu không chắc là tôi sẽ nuối tiếc lắm, đã về đến nơi mà không cố gắng ghé thăm!
Thật tình thì tôi cũng nghĩ là thầy sẽ ra đi một ngày không xa nhưng lòng tôi cũng thật bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin thầy không còn nữa. Một chút cố gắng dành thì giờ ghé thăm, một chút cố gắng bỏ dấu cho xong bài viết hôm qua đã mang lại cho tôi sự bình an. Chúng ta luôn đi tìm niềm vui và hạnh phúc, nhưng phải chăng hạnh phúc thật gần, gần lắm ở phía ngực trái của chúng ta? Thật vậy tôi rất bình an. Cảm nhận hoàn tất và trọn vẹn là một trong những cảm nhận bình an nhất. Tôi tin vậy!
Vĩnh biệt thầy! Một người thầy mà em chưa có lần nào được học với thầy dù chỉ một ngày. Nhưng em tin vào tình người. Nó là những sợi dây nhiệm màu mà Thượng Đế đã nố kết chúng ta lại với nhau.
Thầy ơi ! Lần chia tay này là lần chia tay vĩnh viễn! Có phải thầy đang được ơn trên che chở ẵm bồng như lòng em đã thiết tha mong muốn!
Em xin vĩnh biệt thầy!
Nguyễn Kim Tiến
Ngày 22 tháng 10 năm 2014
Thật cảm động khi đọc những dòng tâm sự của Tiến. Tiến ơi, có lẽ thầy cũng quý mến Tiến nên muốn ghé thăm Tiến trong giấc mơ để nói lời vĩnh biệt đó. Thần giao cách cảm mà !Mong Tiến luôn bình an nhen.
Đọc bài viết của Kim Tiến chị thật xúc động , nghẹn lời … Làm chị nhớ đến chuyến viếng thăm thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn , trường SPQN cùng nhóm bạn đồng môn ở Nam Cali hôm tháng 7/2014 vừa qua … Tình trạng cũng giống như K.Tiến thăm thầy X.Ẩn của em … Biết nói gì đây ??? … Ngoài giọt nước mắt đang thầm rơi ….với lời cầu nguyện cho NGƯỜI đã ra “Đi” và NGƯỜI còn “Ở lại” … Thầy ơi …!!!
Bài viết của Tiến thật cảm động !
Mặc dù chưa học với thầy ngày nào, nhưng tấm lòng của Kim Tiến đối với thầy thật trân trọng và quí hóa vô cùng ,,, cảm ơn KT nhiều & chúc cho Kim Tiến luôn nhiều niềm vui và sức khoẻ !
Đọc bài viết của Kim Tiến -bạn hiền mình vô cùng xúc động!Tấm lòng của KTiến thật đáng trân trọng!Lần gặp gỡ Thầy cũng là lần vĩnh biệt Tiến ơi!Như một nén nhang cầu mong hương linh Thầy an nhàn thanh thản nơi chốn vĩnh hằng!
Bài viết của Tiến thật cảm động ! Tấm lòng của Tiến dễ thương quá Tiến ơi ! Chúc cho Tiến luôn được nhiều hạnh phúc, nhiều niềm vui và thật là nhiều sức khỏe nhen.
Tiến ơi ! Trưa nay Hiện cùng vài người bạn vừa viếng Thầy về . Bài viết của Tiến về Thầy , đã gây nhiều xúc động cho anh em khi đọc . Như vậy , chuyến về thăm VN vừa rồi , coi như lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Tiến đã gặp Thầy . Một nghĩa cử cao đẹp hiếm hoi , một tấm lòng từ bi bác ái của cô học sinh trường Nữ Trung Học Quy Nhơn . Tuy rằng , không học Thầy ngày nào , nhưng đã làm cho Thầy vui và gật đầu bằng lòng nơi chín suối . Một sự trùng hợp kỳ lạ , một điều báo trước chăng ? Thầy đã ra đi sau một ngày , khi bài viết của Tiến vừa hoàn thành và cũng vừa gởi đi . Tiến đã làm cho anh em ở đây thán phục về tấm lòng của mình . Xin cảm ơn Tiến thật nhiều , khi đã thăm và viết về người thầy của chúng tôi , cho chúng tôi biết được những ngày cuối của cuộc đời Thầy . Mong mọi niềm vui và sức khỏe sẽ mãi bên cạnh Tiến & gia đình .
Hôm nay được tin thầy Phạm Xuân Ẩn mất…Dù không học với thầy, trong lòng vẫn thấy ngậm ngùi..Bây giờ, đọc bài viết của chi Kim Tiến về một lần thăm thầy, có lẽ là lần duy nhất (?).Thầy chắc rất vui trong dịp đó và chị Kim Tiến cũng hạnh phúc và mãn nguyện làm được điều mình ấp ủ…
Thành thật cảm phục và chia xẻ với chị.
Thầy đã đi rồi, đã xong kiếp người
Bài viết đọc rất cảm động … Những người lớn tuổi già đi,rất muốn chúng ta bỏ chút thời gian thăm họ,Họ có thể mừng rỡ vô cùng, vui buồn lẫn lộn chảy nước măt cũng như chúng ta,,,Xin chiasẻ với người viết NKT
Được tin Thầy vừ ra đi hôm qua ,thì sáng nay đọc bài viết của chị ,Thật ngậm ngùi xót xa ,Thầy đã ra đi và ra đi mãi mài về chốn vĩnh hằng mà có lẽ khi chị viết bài viết này trước lúc Thầy ra đi ,Thầy đi rồi và hôm nay lại đọc bài viết của chị càng làm lòng Thu thật nghẹn ngào ,dù biết rằn SINH ,LÃO ,BỆNH .TỬ đó là qui luạt của trời đất ,Trong mỗi chúng ta rồi ai cũng phải ra đi ,,Nhưng bao giờ sự chia ly vĩnh viền là một sự chia ly nghẹn ngào nhất trong lòng mỗi người chúng ta ,,Hôm nau ,ngồi đây ,đọc những giòng chữ của Chị trong giờ phút Thầy đã đi xa ,một nỗi tiếc thương vô hạn ,một nỗi mất mát nghẹn ngào dâng lên trong Thu mà kg nói được thành lời ,Nơi đây em xin thắp nén nhang lòng .Cầu mong linh hồn Thầy đươc an nhàn ,tự tại Phiêu diêu nơi cõi Vĩnh Hằng .Thầy đã làm tất cả ,dã dành trọn một đời ,dành trọn tâm huyết cho đàn em ,cho học trò yêu dấu ,giờ đây xin Thầy hãy thanh thản mà ra đi ,vì tấm lòng ,tình yêu thương các em mãi luôn luôn cháy bỏng và thắm đẫm trong lòng chúng em hôm nay Thầy ơi ..Xin một phút tưởng niệm cho Thầy yêu dấu của chúng em .Xin cảm ơn Chị Kim Tiến đã có một bài viết thật cảm động về người Thầy thân yêu của chúng ta ,Thầy PHẠM XUÂN ẨN …