Tình Bằng Hữu-Bạn Già

Nguyên Thủy (Sưu tầm)

tinh huu

(“Có bạn tốt, tốt cho sức khỏe”- Irvin Sarason)

Tục ngữ Mỹ có câu nói: “Tiếp tục kiếm thêm bạn mới nhưng hãy duy trì bằng hữu cũ, vì bạn mới là bạc mà bạn cũ lại là vàng”.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với:

“Trong đời mấy bậc cố tri,
Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm.”

Nhà thơ Lê Đại Thanh viết:

“Bạn là một nửa bản thân tôi
Nửa da thịt, nửa trái tim, khối óc”

Còn sau đây là diễn tả tình bạn trong Nhị Độ Mai:

“Nghĩa bằng hữu bậc trung trinh,
Thấy hoa mai bỗng động tình xót xa”

Nhiều vị tuổi cao cũng có ý nghĩ rằng khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.

Vậy thì bạn hữu là gì?

tinh huu1

Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người thường thì không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống.

Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau.

Họ thân với nhau để chia xẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau.

Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một gắn bó của sự thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.

Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong công việc hàng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn, kết nối khác nữa để chuyển sang tình bằng hữu.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dung chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ông bà chủ lấy lòng nhân viên, sai bạn ơi làm hộ tôi cái này, cái kia sao mà ngọt như mía lùi. Để rồi sa thải nhau cũng mau như cắt.

Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm.

– Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần đến ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp, nếu không có thể quên đi dễ dàng. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn. Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc mấy.

– Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì có gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân. Cho nên họ buồn tiếc khi mất. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.

– Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.

Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác.

Khi đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau.

Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều.

Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không bền và rất giới hạn.

Đặc điểm của bằng hữu.

Khác với tình anh em, vợ chồng, bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên hiểu ngầm thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng tràn đầy thiện tâm, thiện ý.

Vì tự nguyện, có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt.

Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó. Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Tác giả người Pháp J Delille đã nói: “Cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn ”.

Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn rất đẹp nẩy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo.

Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư, tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt chủ -nô hoặc khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.

Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn.

Vì khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.

Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần thành thật với nhau, không mầu mè, che đậy.

Để có bằng hữu

Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.

Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia xẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.

Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giáo. Nó nẩy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn.

Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.

Bằng hữu nẩy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm.

Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã dành cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đoán là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nẩy nở sau này.

Sự bá vai, chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta thường nói: “Thấy sang bắt quàng làm họ”.

Đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.

Một vấn đề tế nhị là sự xét đoán và chấp nhận trong tình bạn: nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ.

Bạn Già

Giống như khi mới mở mắt chào đời và trong thời kỳ thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác, nhất là sau khi đã có nhiều mất mát. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.

Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không đáp ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau từ thuở xa xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn qua lại. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như khi còn để chỏm, mấy chục năm về trước.

Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.

Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến cho tình bạn gặp trở ngại.

Kém sức khỏe đưa đến không cùng nhau sinh hoạt.

Quá phụ thuộc vào bạn trong các công việc hàng ngày thì đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần.

Lại còn người già giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm đều dễ dàng rơi vào cảnh cô lập.

Cũng nhiều người già không có thì giờ dành cho bạn bè vì bận rộn chăm sóc cho sức khỏe của mình hoặc để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, có trường hợp khi dư giả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại thưa vắng qua lại. Như tình huống của Nguyễn Hữu Chỉnh:

“Đã hẳn ai là mặt cố tri;
Giầu sang tìm đến, khó tìm đi”

Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian đơn côi, góa bụa.

Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy lẻ bóng nhiều hơn vì đã mất người bạn đầu gối tay ấp cả dăm ba chục năm.

Bình thường quý lão bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn hiền ra đi, thì cụ bà thấy quan hệ với bằng hữu cũ của vợ chồng giảm dần. Cũng may là các bà dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cách tham dự vào nhiều sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo. Đa số bạn của cụ bà khi đó là cô quả cùng cảnh ngộ, chỉ có một số nhỏ có gia đình.

Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi ở góa sẽ có nguy cơ cô đơn. Nhất là khi chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.

Kết luận

Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế cái khoảng trống tình cảm đó.

Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết:

“Cái chết của người bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

42 bình luận

Filed under Sưu tầm

42 responses to “Tình Bằng Hữu-Bạn Già

  1. Meocon

    “Có bạn tốt ,tốt cho sức khỏe” Meocon thít câu nì ghơ đó Nguyên Thủy úi ùi ui!

  2. Chào Nguyen Thuy,
    Bài sưu tầm của em thật sâu sắc, thật hay…chi hoàn toàn đồng cảm với quan điểm của em, bên cạnh mái ấm gia đình , ta cần có tình bạn để gắn bó, để chia sẻ ” những khoảng lắng ” trong cuộc sống , nhất là lúc tuổi về chiều em nhỉ !
    Chúc em vui khỏe.
    Thân ái.

    • Nguyên Thủy

      Cảm ơn chị Nguyệt Vân đã chia xẻ..Thực tế cho thấy khi hoạn nạn, bạn tốt giúp được rất nhiều thứ mà người trong gia đình họ hàng không có đìều kiện giúp được

  3. Cà Kê Dê Ngỗng

    (“Có bạn tốt, tốt cho sức khỏe”- Irvin Sarason) ,,,Lỡ bạn họ trở mặt hại cho sức khoẻ rùi làm sao đây NT wơi ?

    • Nguyên Thủy

      Nếu bạn trở mặt…hại cho sức phẻ…thìền cho đỡ tức anh wơi…chớ chẳng lẽ cắn na..?

      • Nguyen Thuy than men Rat ly thu khi sang nay a doc bai suu tam cua Nguyen Thuy trich dan mot bai y nghia ve Tinh ban cua Bs NNY. Tuoi nao di nua thi trog cuoc song voi bon be lo toan vat va cung can co bang huu, ban be Nhat la tuoi gia thi can co ban be de tam su, chia se nhieu hon Do la dieu tat yeu fai ko Thuy he. Tim mot nguoi ban “Tri Ky ” trong cuoc doi cho minh la rat kho Co nguoi suot ca cuoc doi ko tim ra dc mot bang huu tri ky. cho minh Ngay nay “Ban thi rat it ma be thi rat nhieu ” Kho co the tim dc mot tinh ban tuyet voi nhu Luu Binh Duong Le, hay cua cu Nguyen Cong Tru va cu Duong Khue. .
        Dong thanh tuong ung Dong khi tuong cau. .Kho nhu vay nen de co dc mot vai bang huu tri ky hieu nnhau la rat qui va hiem Thuy ha. .Cam on Thuy da cho doc mot bai suu tam that y nghia. .Chuc Thuy mai vui Khoe Than ai. …
        .

        • Nguyên Thủy

          Anh CaThu wơi…
          Bi giờ là đỡ lắm rầu…chớ NT nhớ có một thời bạn bè nhìn nhau nghi hoặc, xa cách…Kiếm miếng ăn nhọc nhằn..Hổng có wỡn mà làm thơ đâu…Chúc ahh tận hưởng niềm vui với bạn bè, tri kỷ…

  4. Tìm một tình bạn giống như BÁ NHA – TỬ KỲ ở đời này , khó quá phải không NT , nhưng không phải là không có ? Hiếm !

    • Nguyên Thủy

      Chắc cũng hơi khó kiếm đó chị Bích Sơn…kể chị nghe chiện Bá Nha ngày nay nghen…
      Vào thời nay…Khi Bá Nha một năm sau quay lại Quận Cam để hội ngộ với Tử Kỳ trong quán cà phơ nghèo…mới hay Tử Kỳ đã dzề Việt Nam hổng hẹn ngày trở lại…Bá Nha buồn wá, định đập cây đờn cho rầu vì còn đâu tri kỷ..!Bỗng một nhi nữ rất nghèo, xiêm y thiếu thốn, thỏ thẻ dzới Bá Nha: sao lại định đập dờn dzẫy anh..?Hay là quynh đờn cho thiếp nghe đi.?
      Từ lúc thấy nàng, Bá Nha nghe rần rần cả ngừ, mặt đỏ, tháo mồ hâu trán, râu cứ giựt giựt…Sau đó, Bá Nha đờn và hát cho nàng nghe…
      Dzừa nghe xong bài đầu tiên..nàng nói:”Em biết ý quynh rầu, bài này có âm hưởng bài chòi…quynh than thở hổng có tri kỷ chớ gì..?
      Bá Nha hứng chí…chơi tiếp một bài nữa..Nhi nữ la lên :” Úy trời, dzẫy quynh là ngừ Phù Mỹ na..?
      Bá Nha nghe vậy phái chí vì lại có ngừ hiểu mình…Bá Nha ngầu ở quán càphơ, uống hết mấy bình trà lớn…đến lúc dzề lòng cứ bịn rịn:
      “Ta tìm được tri kỷ mới hiểu được lòng ta, làm ta lâng lâng thật khác Tử Kỳ chỉ bàn chiện trên trời dưới biển…bi giờ ta chán rầu..” Bá Nha hẹn nàng mùa thu sang năm sẽ tái kiến…

      Chiện còn nhiều khúc lâm ly…có dịp sẽ kể tiếp cho chị Bích Sơn nghe nghen…

      • Tao Lao

        Ha ha ha… Dung la Ba Nha thoi nay !!!

      • HA HA…!!! dzui thiệt , nhớ kể tiếp nghen , đừng có “xù” chị dận đó . Không ngờ NT cũng lắm tài … tiếu lâm !

        • Nguyên Thủy

          “Bá Nha thời đại nầy thuộc loại Hai Lúa”…Quynh Tào Lao dziết wa chữ hai llúa…làm anh Hai Lúa ách xì kìa…

        • Nguyên Thủy

          Hổng xù đâu chị Bích Sơn..Chiện Bóa Nhoa hổng hấp dẫn bằng chiện của Tử Kỳ thời nay đâu…Hôm nào trời mát chút xíu, em kể cho chị dzới bà con nghe chơi…Bi giờ còn nóng…kể nhìu ngừ tháo mồ hâu ..tậu lém…

      • Hũ Chìm

        Nguyên Thủy nhớ để dành chai rượu “Johnnie Walker Blue Label” đó, hôm nào tui dẫn Bá Nha thời nay qua cưa rùi NT dân đi quán cà phơ nghèo có mấy em xiêm y thiếu thốn cho Bá Nha tháo mồ hâu trán chơi nghen ,

        • Nguyên Thủy

          Quyết định dzẫy đi…Kỳ trước cùng đi dzới Bá Nha có hai quan nhìn cũng rằn ri dữ lém ..Hổng biết lúc này có phẻ hông hén…Quynh HC nhắn lời hỏi thăm giùm nghen…

      • Khà Khà

        Nguyên Thủy kể hay nhứt là cái đoạn Bá Nha dòm ngừ đẹp nghèo khổ, rầu tự nhiên ” nghe rần rần cả ngừ, mặt đỏ, tháo mồ hâu trán, râu cứ giựt giựt…”
        Riêng chữ “ngừ rần rần”, “râu giựt giựt” là nghe nó đã nhứt hạng!
        Tậu Bá Nha gơ gốm!?… khà khà…

        • Tào Lao

          Bá Nha thời đại nầy thuộc loại Hai Lúa, nhà quơ lên thành thị nên dòm ngừ đẹp nghèo khổ, rầu tự nhiên ” nghe rần rần cả ngừ, mặt đỏ, tháo mồ hâu trán, râu cứ giựt giựt…”

        • Nguyên Thủy

          Quynh Khà Khà nghe kể thâu mà đã “rần rần”, “giựt giựt”..Thiệt “nhạy” dữ dzẫy na…?
          Quynh mà thấy Bá Nha mồ hâu mồ kê thì mới biết ngừ nghèo đáng thương như thế nào….

          • Chích Chòe

            Kể Khà nghe chơi, chòe mới lụm
            Hai vị sư trẻ, sau khi lo chuYện thầy giao xong trên đường về chùa, qua một khúc sông cạn. Đang chuẩn bị xăn quần lội thì có cô gái thật đẹp đến thưa
            Thưa hai thầy, em không biết lội lại sợ nước vã laị trời gần tối rồi em rất sợ !
            Sau một hồi suy nghĩ , người sư đệ trả lời- Cô hãy leo lưng tôi, tôi sẽ cõng cô qua sông
            Đến bên kia bờ, sư thầy thả cô gáí xuống, và hai người chia tay…đường ai nấy đi
            Trên đường đi về chùa, vị sư huynh không tiếc lời trách móc- Tại sao sư đệ là người xuất gia laị cõng cô gái kia ? Và cứ thế trách cho đến khi về tới chùa… Cuối cùng vị sư đệ mới trả lời
            – ĐỆ ĐÃ BỎ CÔ GÁI ẤY BÊN BỜ SÔNG, CHÍNH SƯ HUYNH LÀ NGƯỜI CÕNG CÔ GẤI VỀ ĐẾN CHÙA
            Hihihihii, chòe dzọt

            • Nguyên Thủy

              Chít sư quynh Khà Khà rầu…Chiến này dzề đến chùa thì phải biết…Chắc phải gánh nước, bửa củi dài dài…
              Mới nghe kể đã rần rần…lòng trần thiệt còn nặng lắm..!

      • HƠ HƠ …Nguyên Thỉ ui …
        Bá Nha ly biệt Tử Kỳ …
        Nào hay lại có nữ nhi tới liền ..
        Nhìn em quá dã như tiên ..
        Bá Nha quên mất ưu phiền đắng cay ….
        Quên mất Tử Kỳ những ngày ..
        Giờ dây chỉ một em đây thâu mà …
        .Cảm ơn NT đã kể cho Nam Thu đc nghe ké câu chiện Bá Nha .Tử Kỳ thời nay hén ..Thật ý nghĩa đó ..Hê hê ……

        • Nguyên Thủy

          Cảm ơn anh CaThu cảm tác bài thơ thật hay..về Bóa Nhoa..
          Nhắc đến Tử Kỳ…Chiện là như dzầy….Lúc Bóa Nhoa đờn hát dzới người tiều phu ở Hán Dương..sau đó hỏi về danh tánh..
          Người ấy buồn buồn:”Cứ gọi tiểu dân là Tử Kỳ” Bóa Nhoa cảm thấy như có điều gì ẩn ức trong Tử Kỳ, nhưng sơ giao nên không tiện hỏi…Sau khi về lại nước Sở, Bóa Nhoa bí mật cho người điều tra mới biết được tâm sự của Tử Kỳ…
          Thâu, mai kể tiếp nghen anh CaThu…Chúc anh dzui…

      • Nguyên Thuỷ ơi !
        Ngồi buồn đọc lại chiện “Bá Nha ngày nay” sao thấy dúng”Bá Nha M Thén ” quá , cũng ngừ “Phì Mũ” , cũng quán cà phơ nghèo …phải không dẫy Nguyên Thỉ ? Lộ tẩy rồi nha … HÌ HÌ…!!!

        • Nguyên Thủy

          Hổng ngờ chị Bích Sơn lại là đệ tử Quỷ Cốc tiên sinh…nhưng chị làm em tương tượng cảnh ngừ Phì Mũ mà hát bài chòi ở quán cà phơ nghèo thật không nhịn cười được…Ha…ha…
          Hôm nào sẽ kể chiện Quỷ Cốc tiên sinh cho chị nghe

          • Nguyên Thủy

            Truyện Tàu kể Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học với Quỷ Cốc tiên sinh. Tẫn chất phác hiền lành, còn Quyên hẹp hòi xảo trá. Quyên vì ham công danh phú quý xin xuống núi trước. Khi Tẫn xuống núi, Quỷ Cốc cho Tẫn 2 bức mật thư, dặn khi nào cùng đường mạt lộ thì giở bức thứ nhất xem rồi làm theo, nếu không thoát được thì giở bức thứ hai…

            Quả nhiên, Tẫn xuống núi bị Quyên đố kỵ tài năng, hại Tẫn bằng cách chặt chân đến què. Tẫn sợ quá giở bức thứ nhất, chỉ thấy một chữ “cuồng”, nghĩa là điên. Tẫn làm theo, giả điên, mới thoát được, về sau làm nên nghiệp lớn…Còn bức thư thứ hai hình như sau này được truyền lại cho đệ tử khác…

            Ngày nay, một đệ tử chân truyền khác là Bích Sơn, có thể chỉ nghe hai chữ là biết thân thế, tên họ, gốc gác…Qủa nhiên trên đời có một không hai…

  5. Nhỏ

    Hành trình của cuộc sống sẽ dể dàng hơn rất nhiều khi bạn nghe thấy tiếng bước chân của một người bạn bên cạnh
    Đúng không NT hử ?

    • Nguyên Thủy

      Đúng rầu…Nhỏ chắc mới ăn hai tô bún bò …nên tiếng chân ai rõ hơn nhiều,,?

    • từ mạnh long

      Đi ban đêm mà nghe có tiếng bước chân bên cạnh thì không biết là cuộc sống có..dễ dàng không vậy Nhỏ?

      • Nhỏ

        Hừ Hừ ….thiệt đúng là anh Từ …thông minh nghỉ ra cái chiện mà Nhỏ …hông nghỉ tới . Thui sửa lai chút chút ha ? ….Hành trình của cuộc sống sẽ dể dàng hơn rất nhiều khi ban ngày bạn nghe tiếng bước chân của người bạn bên cạnh…hihi chắc ăn . anh Từ khỏi có bắt bí nhen. Gặp Nhỏ là vua sợ ma , tự nhiên hỏi cái nghe…ớn ớn.

        • từ mạnh long

          Ừ, thì Nhỏ sửa như thế cũng được
          nhưng ban ngày thì THẤY rồi đâu cần phải NGHE tiếng chân làm gì nhỉ !?

          • Nhỏ

            Troiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii, có ai kiú Nhỏ hông ta ? Nguyên Thủy biến đi đâu rùi ???? Cái dấu chấm than dzà cái dấu chấm hỏi của anh Từ thấy mà…….ghét quá nè trời ?

            • Nguyên Thủy

              Nhỏ wơi…
              Dấu chấm hỏi (?)…ngừ ta gãi đầu…
              Dấu chấm than (!)..Ngừ ta lầu bầu;” Cứ dzẫy wài làm sao khá nẩu”…

          • Nguyên Thủy

            Anh Từ wơi…
            “Trông mặt mà bắt hình dong” có khi hổng chính xác…nên Nhỏ mới cần nghe tiếng chưn mới biết “nậu lực” ra sao đó mà…

            • từ mạnh long

              Nghe Nhỏ than Troiiiiiiiiiiiiiiiii, thấy mà thương.
              Thôi tha, không bắt lý nữa kẻo không lại bị Nhỏ…”ghét quá nè trời!”
              Chúc Nhỏ luôn vui nhé.

  6. từ mạnh long

    “Bạn mới là bạc, bạn cũ là vàng”
    Thấy cái lá Phong( tượng trưng cho Canada) bằng vàng, dzậy có phải là người ở Canada là bạn tốt phải không NT?

    • Nguyên Thủy

      Đã nhứt là dzừa uống rượu đỏ dzừa được nghe người ở Canada hát giọng não nùng…
      Chiếc lá đó hình như giúng lá bồ đề hơn đó anh..?Nẫu muốn rủ “thiền” đó mà…
      Dzừa uống rượu dzừa thiền …có được hông ta..?

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.