CHUYỆN DỮ Ở XÓM SÔNG

Nguyễn Trí

XomSong

Xóm sát bờ sông nên gọi xóm Sông. Về sau danh xưng nầy chỉ còn trên văn bản hành chánh, còn cư dân gọi xóm dữ. Dữ ở đây đúng nghĩa đen ngoài một trăm phần trăm.

Thuở khai thiên, nói nghe có vẻ lâu đời, thực ra Ấp xóm sông cũng mới hình thành chừng ba mươi năm đổ lại. Thuở ấy rừng mịt mù ra tận lộ, vào cái năm nào đó nghe đâu kiếm ăn khó lắm nên thập loại chúng sinh trên ta bà tràn vô phá rừng làm nương rẫy. Loại thượng thượng thì ngon lành sát lộ, thượng trung thì sau thượng thượng, thượng hạ đi bộ hộc gạch mới đến rẫy nương. Loại hạ hạ thì chui vào mí sông che chòi sống tạm đi làm mướn. Chòi trại thì hẹp té. Về sau khi hoá thành xóm định cư, có những căn chỉ mười lăm mét vuông. Ai được chiều ngang bốn, dài mười mét là bảnh nhứt xóm. Nhà nầy liền nhà kia bởi một vách lá. Nói dại, cháy một phát là cả xóm lâm cảnh cơ hàn liền.

Cư dân xóm nầy đến từ tám hướng. Nam nhân kiếm sống bằng rừng hoặc bốc xếp ở bến. Có hai bến là bến xe và bến sông. Nông sản chất lên đò qua sông,  xuống đò lên xe. Nghe tưởng tất bật lắm, ai ngờ cả ngày được tấn bắp vài tạ đậu mà những một chục vai u thịt bắp bu vô, mỗi anh mang về cho  vợ con đủ mua hai kí gạo là mừng, còn lại thì hùn vô kêu lít rượu, ngồi không chờ việc không có rượu chịu sao thấu?

Đó là dân có sức, còn yếu hoặc mấy mụ thì làm chi? Sông nước và bến xe thì buôn bán vặt cũng kiếm được cái ăn. Người mẹt tôm cá vụn, kẻ gánh đậu hũ chén hoặc bún riêu… Nói chung không vốn thì chả ai không vất vả, cơ cực. Và xưa nay khi đã lâm cảnh cơ hàn, nói cho văn hoa thì tiêu cực phát sinh, còn nói kiểu đá cá lăn dưa là bà nội mẹ nó, phú quý sinh lễ nghĩa bần cùng sinh đạo tặc, không ăn cắp vặt lấy con… gì ăn?

Túng cùng thường mộng hão. Một trong những cái có thể biến hão thánh thực là số đề. Dân xóm sông mười đủ mười chơi môn nầy. Con Phượng vợ thằng Lợi là dân xếp sòng kiếm hoa hồng ghi số. Nhàn lắm, chỉ việc ghi, lấy tiền, giao phơi cho huyện rồi ăn mười phần trăm, ngày Phượng kiếm chục kí gạo là xoàng. Quan trọng là làm sao đừng để bị bắt. Phượng dữ dằn khét lẹt cơm khê. Mẹ cha ơi, nó chửi chồng như con không đẻ, mẹ chồng nó xớt luôn. Nó chơi thằng em chồng một vố bị tù hết sáu tháng.

Anh thằng Lợi  buồn buồn bèn từ giã trần gian lên bàn thờ ngồi chơi. Bà má goá chồng nuôi con đến năm bốn mươi lăm tuổi thì bước thêm với lão Lý ba thằng Danh. Danh không đồng ý cho ba nó đặt bàn thờ chồng con của vợ mới trong nhà. Vậy là Lợi phải rinh ảnh thờ và bát nhang về một căn chòi ngang hai dài ba mét. Lợi có con vợ biết kiếm tiền nên nó bê tha tí chút. Có hôm Lợi tới luôn bác tài không có một xu mang về cho vợ. Chuyện Phượng tới  sòng nhậu cho Lợi ăn dãi lụa đào thường đến độ bà con ai cũng rành. Lợi tương đối sợ vợ, với lại có lỗi nên nhịn mà qua ải cho rồi. Hôm đó con Phượng bị tổ trác, nó ghi đề nhưng chơi luôn, không phải chơi thường mà ôm, kiểu nầy không bỏ vốn  mà chắc nụi cái sự lời. Không phải sao? Một trăm con chắc gì ra con mình ôm? Ngờ đâu nó ra thiệt, lỗ đến sút quần. Chung xong là sạch bách vốn lời. Chồng mang mặt rượu về không một đồng, Phượng nổi tam bành lên chửi thôi thì không từ một sơ bà cố nào của Lợi. Bà má chồng nghe con dâu chửi cha chồng bèn ra miệng rằng ổng chết rồi mày chửi làm chi. Điên gan Phương lôi ảnh thờ, bát nhang quăng ra đường. Dân xóm sông bu lại phán rằng trước sau con Phượng không bị sét đánh cũng bị ma da kéo cẳng chết chìm. Phượng chửi luôn cả xóm.

Lúc đó có mặt thằng Hiền em thằng Danh con trai út già Lý. Chướng mắt bên trái nên ra miệng (con mắt phải bị chột nên gọi Hiền Chột)-

– Mày đập cho nó một trận coi Lợi. Sao mày gà mái quá vậy?.

Phượng có tí thù với Hiền chột. Chột cũng ghi đề. Chuyện cạnh tranh nghề nghiệp là không tránh khỏi. Người mua lâu lâu đổi tay lấy hên thì Phượng cho rằng Hiền giựt mối. Oán đang ắp trong lòng nên khi nghe Hiền ra miệng dạy đời Phượng liền xỉa mũi dùi:

– Ê… thằng đui, mày chỉ là em thôi nghe mậy. Cà chớn tao trùm quần lên đầu à.

Chỉ chột mà bị gọi đui què mẻ sứt, Hiền xáng cho Phượng một bạt tai. Ôi chu cha mẹ ơi… Con Phượng lồng lên như hổ sút chuồng nó túm thằng em chồng, thò tay xuống hạ bộ mà bóp. Đau quá thằng Hiền cho vô hồi kì trận cú đấm. Bà con cô bác nhào vô can, xóm sông được một bữa vui như hội. Xong cuộc Phương đe:

– Tao không cho qua đâu, cha con mày liệu đó.

– Tao thách mày đó con đĩ. Mày làm gì tao coi thử.

Bị gọi đĩ Phượng lồng lên, nhưng bà con giữ chặt quá nên thôi. Nói chung dân tình từ thượng thượng đến hạ hạ chả ai không sợ Phượng. Sợ nhất là chuyện Hiền bị công an bắt khi đang ghi đề, tang vật gồm phơi đề và hai triệu bạc. Tiền tuy không lớn nhưng cờ bạc thì tội không nhỏ. Hiền bị tống lên huyện làm lao cãi hết sáu tháng. Về mới biết Phượng là đầu têu. Chuyện do đích thân Phương kể.

Rằng Phượng bị chứng tiểu đường. Hôm đó đi ngang lô Giá tỵ buồn quá nên nhảy vô một đám rậm rậm để giải quyết, vừa ngồi xuống chưa kịp chi thì, một chiếc xe đạp thắng cái kít ngay chỗ Phượng đang ngồi. Trên xe là Hiền chột, nó không đái đường mà lại rút cái bao nhựa bọc ghi đông xe moi ra phơi đề và cây bút đứng ghi ghi chép chép. Vậy là Phượng biết chỗ bí mật của kẻ thù. Ngay chiều hôm đó Hiền bị bắt. Biết chuyện lão Lý -cha chồng ghẻ- cay lắm. Ai mà không cay, chém nhau bằng lưỡi như vầy ai chịu được?

Lý Già loay hoay tìm cách báo thù, chưa nghĩ ra mưu chi thì xẩy ra vụ xung đột giữa Hải Lì và Phượng. Phượng nguỵ trang chuyện ghi đề bằng cách bán kem. Phượng chế biến kem bịch là thần khóc quỷ rơi lệ. Nó xuống sông xách lên xô nước, cho đường và phẩm màu xanh đỏ tím vàng, quậy đều rồi cho vô bịch. Bỏ muối hạt và đá cục vào rồi lắc đều, nữa tiếng là hợp chất nước sông nguyên chất không đun sôi cùng phẩm màu và đường thùng đông lại là ra kem. Con nít xóm sông khoái lắm. Bấy lâu Phượng cứ vậy mà làm, chả hiểu làm sao hôm đó con nít toàn xóm bị Tào tặc rượt chạy khắp bến. Con trai Hải Lì bị nặng nhất, liền ba chân bốn cẳng ôm con chạy lên phòng mạch bác sĩ Hùng.

Bác sĩ Hùng là dân thượng thượng. Nhưng ông bác nầy bị mấy vố từ dân xóm sông nên biểu Hải đưa lên tuyến trên. Lương y mà vậy thì tệ quá, gì gì cũng phải ra tay chớ, anh có cái nghề để chữa bệnh, nay có bệnh không chữa thì bác cái con khỉ khô gì? Bộ có tiền mới chữa sao? Thì đồng ý ai không vì tiền, không tiền lấy đâu mua thuốc bán cho bệnh nhân, nhưng mà bác Hùng nầy công an không can thiệp là bị thằng Quốc Muối nó phân thây rồi.

Quốc tuy ở xóm Sông nhưng nghề nghiệp hẳn hoi. Từ Tiền giang Quốc đưa lên một nữ nhi đẹp tầm á hậu giới thiệu vợ. Cả hai mua lại ba căn chòi rách liền kề ở xóm Sông, cãi tạo lại cho ra một căn làm lò nấu muối. Hai vợ chồng khá ung dung với nghiệp nầy. Con trai Quốc ba tháng tuổi bị sốt nên vợ chồng nhờ bác sĩ Hùng ra tay tế độ. Được ba ngày Hùng cho chuyển đi bệnh viện Huyện vì thằng cu không bớt mà xụi lơ. Lên trên mới một ngày cu con đi luôn, tuyến trên nói chuyển quá chậm. Điên gan Quốc xách dao bầu đến phòng mạch bác Hùng xin tí huyết. Sợ quá Hùng chạy thục mạng đến công an… Quốc bị bắt về tội phá rối trật tự trị an, may mà con chết vợ khóc không thì Quốc theo Hiền Chột lao cãi chắc luôn. Từ đó  Hùng ta không dám chữa hay bán thuốc cho ai ở xóm Sông nữa… Vậy nên khi Hải Lì ôm con đến nhờ Hùng giúp cho vụ Tào tặc rượt, Hùng liền lịch sự khuyên lên huyện mà chữa.

Con chết. Nguyên nhân do cái kem bịch có màu của Phượng. Hải Lì lừng lững xuống bến, nó trùm bốc xếp nên to như bò, lôi cổ Lợi cho mấy cú đấm. Con vợ nghe chồng bị du côn sông đánh liền mồm loa mép giãi lên. Không kể chi đàn bà con gái Hải làm luôn, được cái, đàn bà nó không đấm mà vả vô miệng. Con Phượng bị tét môi, răng cửa gãy hai cái… Hải Lì bị gô cổ lên huyện làm cỏ mía không hẹn ngày về. Thiệt mà nói xóm xiếc chi mà kinh dị quá.

Nhưng chừng đó thì có chi mà gọi xóm dữ?

Xin thưa, chuyện đâu dừng ở đó. Sau cái oan mạng của con Hải Lì là một lốc cái chết rất là kinh thiên động địa. Khởi đầu là thằng Sơn con ông Hớn thường gọi Sơn Hớn. Hớn tuy rượu chè bê bối nhưng thằng Sơn trốn học là no đòn. Bà con cô bác tuy kiết xác nhưng ai cũng cho con cái ê a chữ nghĩa, cha mẹ dốt rồi đâu thể để hậu duệ tiếp tục đời ôn dịch. Kẹt cái học hành làm sao khi chòi lá vách lồ ô hỡi trời? Rồi cha mẹ mắc kiếm ăn và dốt thì lấy chi kèm cặp? Tất cả khoán trắng cho trường, mà thầy cô thì cũng mong cho mau hết giờ đứng lớp đề về chạy chợ kiếm cái ăn. Bầy trẻ xóm Sông sau tan trường là cởi áo ùm xuống sông. Vậy nên mới ra chuyện cười chết bỏ của thằng Tình:

– Má nó – Tình chửi thề – Thằng Nùng con tao ba năm lớp ba mà không cho lên lớp, đáng lý mấy cha thầy phải ưu đãi vì gia đình tao là người thiểu số chớ.

– Mày cũng ngu như thằng Nùng, lớp ba nó học không nổi, cho lên lớp mà tế bà mày hả? Ba năm lớp ba thì nên nghỉ cho rồi mày ơi.

Thằng Lộc con Phượng Lợi thì đỡ hơn, lên lớp đều đều, lớp năm mà hôm đó con Phượng biểu nó viết cho cái đơn xin xoá đói, chữ kính thưa nó viết ra khính chưa. Học vậy mà cũng lên lớp sáu như ai. Nó còn kể bữa thi cô Hà chỉ bài bằng cách viết ra giấy đưa cho cu sao y lại. Dân bốc xếp vừa chặt hẻo vừa bình loạn:

– Yên tâm. Chỉ tiêu lên lớp chín mươi lăm phần trăm thì chỉ có con thằng Tằng ở lại thôi.

Vậy nên Sơn Hớn dừng chân ở lớp chín. Nghỉ học là nó bị đưa đi giáo dưỡng về đủ thứ tội, nặng nhất là đi giao xì ke giúp cho Hai Cải. Sau hai năm giáo dưỡng Sơn lại đi cai nghiện. Hai mươi bốn tháng vợ chồng Hớn đã không thăm nuôi còn nói:

– Cho chết mẹ nó luôn cho rồi.

Về, Sơn thật sự tu. Nhờ xinh trai nên một em ở thượng trung ban cho tí tình. Hôm trước đám cưới anh em bè bạn tụ lại sương sương cái tiệc trà thì thằng Sơn lăn ra chết. Sau mới biết nguyên nhân do thằng Hùng con Chiến Liên cho độp một mũi, choác đang lúc xĩn rượu nên bị sốc mà đi luôn. Cỡ vậy mà chưa có chi dữ đâu nghe. Thằng Hùng chết mới dữ kìa.

Hùng con trai út Chiến Liên. Dám đảm bảo dưới gầm trời nầy chả ai đẹp bằng Liên. Nàng xưa là vợ một sĩ quan không quân. Gã kịp thời là công dân Huê kỳ vào năm 75. Nàng ở lại Việt nam với đứa con ba tuổi. Sài gòn đẹp lắm sài gòn ơi nhưng không tiền cũng xấu ình, Liên dậm trường thân gái đến Lâm trường nầy bán nước é kiếm cơm. Gì gì cũng vợ sĩ quan một binh chủng sang cả chuyên đi mây về gió, nàng dư sức có một căn ở vùng thượng thượng. Biết bao huynh trưởng quyền chức bám theo nàng xin chút tình vụn. Liên là gái một con, lăn lộn sàn nhẩy ba cái vũ trường thời li loạn nên rành lắm tâm tình đàn ông. Cho là mấy anh xù liền, ngu gì trăm năm, biết đâu nường là gián điệp đối phương cài lại thì bao nhiêu năm đấu tranh để bỏ được rừng về phố tiêu vong à? Liên cao ngạo búng tay cái tróc kiểu em rành anh sáu câu và ba mươi bản nhỏ anh trai ơi.

Nhưng trẻ và đẹp quá, dễ gì bọn đàn ông cho qua. Một trong những gã trai làm Liên té cái oạch vô vũng ái tình là Chiến Lùn. Tuy thấp hơn Liên nửa cái đầu nhưng Chiến đẹp và hào hoa hếp phép. Anh chỉ là công nhân nhưng làm ra tiền hết sức bảnh. Lâm trường thuở mới thành lập cần lắm anh thợ cơ khí. Ba cái máy cày chuyên san đồi trọc lấp hố bom hư hao là có Chiến. Thợ giỏi kèm tay tài xịn Chiến là con cưng. Ngoại trừ lương, Chiến còn kiếm thêm khoản dầu dư, thuở phó dân nằm lòng câu yêu xe như con quý xăng như máu Chiến bán ngày đôi chục lít dầu là thường. Có tiền anh ghé quán em Liên. Đàn bà xưa nay luôn bị đẹp trai và tiền chinh phục, Chiến còn ga lăng nữa mới ngon.

Vậy rồi họ ra một cặp. Trong sáu năm nàng cho ra ba trự, hai gái một trai. Con nàng đẹp như tiên sa. Con trai út là Hùng như hoàng tử trong phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem. Chúng được nàng mời cô thầy kèm sát từng môn học một. Liên nhiệt tình lắm với chuyện học của con. Nàng, ngoại trừ là là hội trưởng phụ huynh cấp một và hai của xã, lại là thành viên của câu lạc bộ đờ-rim. Thành viên của hội nầy phải là chủ của một đờ rim mết in nhựt bổn mười cây bốn con chín một chiếc. Trường sở tại, Hiệu trưởng còn hạ mình bắt tay Liên mời ngồi ghế danh dự thì giáo viên được kèm cho con nàng ai cũng xem là vinh dự lớn. Nghiệt ngã thay bầy trẻ học cũng không ra ôn dịch gì. Bọn hạ hạ xóm sông lại loạn bình:

–  Không là hội trưởng cha mẹ thì con Chiến Liên đừng hòng tiên tiến.

Đúng là bọn lắm mồm, kệ mẹ người ta đi. Đúng không?

Đúng sao được. E là do nuông quá trớn mà bầy trẻ đẹp như tiên và thông minh rờ rỡ nầy, chả đứa nào lên được lớp mười. Riêng thằng Hùng, vì nó mà một ông thầy hợp đồng nghỉ dạy. Kẻ nói bị đuổi người nói ông ta tự nghỉ việc. Đầu đuôi thì mãi về sau ông thầy kể rằng, Hùng chủ yếu chơi là chính, nhưng được lên lớp là vì mấy cô thầy kèm cặp ưu ái cho. Riêng ông hợp đồng thì đã nghèo còn bướng, chả kèm cặp thêm thắt gì sất lại cứ nguyên tắc mà làm. Thi học kì ông coi thi phòng Hùng. Ông con giở tài liệu lần một ông hợp đồng cảnh cáo, lần hai đánh dấu bài đến lần ba ông con bỏ luôn không thèm thi nữa. Nó ra sân trường hút thuốc lá vặt, thấy vậy thầy hiệu trưởng mới hỏi ông hợp đồng. Nghe chuyện, tưởng sao, ngờ đâu cả hiệu cả chủ nhiệm cho ông con trở lại phòng thi. Ông hợp đồng chán quá nên nghỉ dạy. Chưa hết, ra về ông hợp đồng bị anh cùng mẹ khác cha của Hùng chận lại.

Không nói không rằng thằng du côn cùng đồng bọn ra tay. Ông thầy dân tha phương nên cũng biết tí chút phòng thân, tiếc cái mảnh hổ địch sao lại quần hồ, ông bị tụi đời bụi cho một cây vô đầu máu chảy ướt áo. Bà con liền đưa ông đến trạm xá. Nghe nói ông thầy sẽ phát đơn kiện, vợ chồng Chiến Liên vội thân chinh đến gặp mong thầy cho qua. Thầy nói:

– Anh chị yên tâm, tôi chả kiện cáo chi, cũng không thường bồi gì. Nhưng anh chị đừng nuông bầy trẻ vậy. Hại lắm, và chỉ tội cho anh chị thôi.

Y như rằng. Cuối năm tuy tiên tiến Hùng vẫn không sao vào được lớp mười. Nó cũng chả cần, ăn xong lưng tưng đi làng trên xóm dưới. Mới mười lăm mà bồ bịch yêu đương đầy. Còn rành cả thơ ca kiểu dao cạo ông trời ăn ở bất công, kẻ hai bình sữa người không bình nào(1). Bầy con gái cười ré lên khen anh Hùng có duyên tợn. Từ mười lăm đến mười bảy Hùng bám riết lấy em Thuỳ Dung, con gái rượu của ông bà Mẫn Phụng giàu khét tiếng khu Thượng Thượng.

Ông Mẫn cha em Dung là dân bộ đội đi B giải phóng miền Nam. Công lớn lắm nên lên đến cái giám đốc lâm trường. Trước khi hưu non ông cho bà xã Phụng đứng tên năm hecta đất bazan trồng quýt. Ông sở hữu một xe khách chạy kiếm vàng vụn cho vợ con đeo chơi lấy le. Tuy giàu có nhưng vợ chồng Mẫn Phụng đau khổ lắm chứ chẳng sướng ích chi. Con gái rượu yêu đương với thằng ma tuý, lấy của cho bồ hút chích không đau thì là gì? Nhưng cũng không bằng ông con trai dạng phá gia thứ dữ. Nghe đến thằng Đạt con ông Mẫn là ai nấy lắc đầu le lưỡi dài cả thước.

Anh em nhà Đạt Dung cũng đến trường như ai, cũng tiên tiến như ai luôn. Thằng Đạt trùm vé số, nó không kiến thiết, không đóm đề mà chơi vé số cạo và cắt, trúng chung liền tại bàn. Ngày nó thua vài trăm ngàn là chuyện bé tí hin. Nó còn thua vụ đá gà nữa. Buổi sáng bà Phụng bỏ trong tủ sắt năm chục triệu bạc, chiều tri hô mất mười triệu. Ai cũng biết thằng Đạt, vậy mà ông Mẫn lại đuổi con ôsin. Thiệt buồn cười, dân hạ hạ nói:

– Tại con osin được ông con cho năm trăm nên không báo cho bà chủ.

Ông Mẫn cực lực phản đối chuyện con gái cặp kè với thằng Hùng. Tuy chung hội đờ-rim nhưng bà Phụng cũng phản đối, nghe chuyện bà Liên cười nhếch mép:

– Con gái nó mê con tao, không tiền con tao nó ị vào.

Đôi trẻ vẫn gặp nhau. Nàng say chàng lắm. Một đêm kia chàng đến nơi hẹn để tâm tình. Chàng kê cục đá chẻ rồi nhảy lên bám lấy bờ tường. Vào nhà em nó khó thế đấy, nhưng khi yêu anh cũng chả nề hà chi. Xong hò hẹn đợi em vào nhà, anh rút xi lanh, bật đèn di động, chơi một mũi rồi trèo tường phi về. Xui cho anh, từ bờ tường nhảy xuống bị té, ngực đập vô cục đá chẻ. Anh nằm yên và chết luôn.

Đến sáng bà con đi chợ sớm la làng lên, Liên Chiến đến thì Hùng đà giá lạnh.

Xóm vậy gọi dữ là quá đúng.

***

Nhưng mà cái chết của con Dung mới làm mọi người tá hoả, mới rùng mình rởn gáy, da gà nổi từ gót chân lên đỉnh đầu và ai ngó qua cũng ụa mữa liên tu. Con nhỏ chết mà những mười lăm ngày sau mới được phát hiện. Mà đâu phải xa xôi chi cho cam. Kẻ thủ ác giết Dung xong dìm xuống ao sau nhà. Vậy mà ông bà Mẫn Phụng không hay thì có lạ, có vô tâm không hỡi trời cao đất dầy? Sao lại để cho cô ấy bị tay hung tàn thế kia?

Người phát hiện ra cái xác là mụ Bốn Thanh, dân chuyên xắn măng… trộm. Canh me vườn ai vắng là Bốn Thanh lẽn vào xin vài mụt kiếm tiền đánh… đề. Vườn nhà Mẫn Phụng khó vào vì tường rào bao quanh, phải có thang mới trèo lên được và phải biết thuật khinh công bằng không gãy giò khi nhảy xuống chứ chẳng phải chơi. Hôm đó Bốn Thanh đi ngang qua ao thì thấy một cái xác liền la làng lên. Nghe động thiên hạ nhào lại bu quanh bờ tường, chả ai dám vô. Cổng khoá, tường cao vô là dính tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp liền.

Lúc ấy Mẫn Phụng đang trên đường đến bến Miền Đông. Nghe tin dữ Mẫn thả khách, quay xe phóng như dân đua thể thức một, vừa kịp Pháp y huyện xuống lập vi bằng. Xác chết được xác định là Dung bởi một đoá hoa hồng xâm nghệ thuật trên vai cô. Thiên hạ hãi hùng đến chết chứ giỡn sao? Trời ơi, bụng, ngực, mặt mày cô gái bị biến dạng khủng khiếp. Hôm đó chợ xóm sông cá bị ế. Dân tình thiệt buồn cười, cả cá biển cũng không ngó nói chi cá sông, còn cá ao thì chịu chết.

Kẻ tình nghi bị di lí từ Đà lạt về phục vụ điều tra. Chả ai lạ, đó là người tình của Dung. Sau khi Hùng chết Dung điểm phấn lại và bồ bịch tiếp. Không hiểu làm sao mà cô đẹp gái là một, có tiền là hai, ông bà Mẫn Phụng cũng không chê chi thằng bị tình nghi. Vậy mà sao ra cái cớ sự nầy? Cả thượng thượng, thượng trung, thượng hạ và hạ hạ chờ một câu trả lời từ phía công quyền. Và nghe đâu thằng bồ con nhỏ đã thừa nhận tội ác.

– Tử hình chắc luôn. – Dân bến Sông lại loạn bình.

– Vợ chồng cha Mẫn làm cái đếch gì mà con cái vắng nhà cả nửa tháng lại không biết?

– Mày biết khỉ mẹ gì? Con Dung hoang phế lắm mầy ơi. Nó cùng bè bạn đi chơi cả tháng là chuyện thường. Ông Mẫn không biết cũng phải thôi.

– Mày nói vô lý quá. Ít ra cũng phải liên lạc điện thoại hằng ngày chớ.

– Sao lại không? Mày có biết vì sao bà Phụng lại xác định thằng bồ con Dung là thủ phạm không? Vì mỗi lần bã gọi là thằng nầy bắt máy nói con Dung đang đi chơi với nó. Bà Phụng giao nhà cho con Dung với thằng bồ, tụi nó như vợ chồng nên bã đâu phòng bị chi.

– Vậy thì sao ông con lại giết nó vậy kìa?

– Chờ đi. Câu trả lời có liền nay mai thôi.

Nhưng tất cả đều không bao giờ biết được nguyên nhân vì sao thằng khốn kiếp đang tay giết người tình. Ngày hôm sau gia đình kẻ thủ ác nhận hung tin ông con tự sát trong tạm giam. Nói chung là cả công quyền cũng không rõ nguyên nhân vì sao cô gái oan mạng. Mà giam giữ làm sao để xảy ra tình trạng tự sát? Bốc xếp, số đề xóm Sông chán ngán:

  • Chắc tao bán nhà về quê quá.

– Đâu có thằng nào bị khùng mà mua. Tao e là có cho cũng chả ai dám lấy xóm dữ nầy để hát bài quê hương là chùm khế ngọt.

Có biến thì người ta thở than vậy, nhưng qua rồi thì xóm Sông lại ì ì xèo xèo số đề, bốc xếp và kình lộn.

Và trên văn bản hành chánh người ta viết xóm Sông, nhưng đời thường thì:

– Bà má nó, con Thuý con Phượng Lợi ở xóm dữ đẹp ác liệt luôn.

(1) Ý của An Lưu.

ΦΦΦ

17 bình luận

Filed under Nguyễn Trí, Tác Giả, Truyện Ngắn

17 responses to “CHUYỆN DỮ Ở XÓM SÔNG

  1. Nguyên Thủy

    Câu chuyện với nhiều nhân vật có quan hệ tròng tréo…nhưng xóm lao động nghèo nào mới thành lập với dân tứ xứ đều như vậy…
    Gút của câu chuyện thật ra chỉ đơn giản trong một chữ : nghèo…!
    Cảm ơn anh Nguyễn Trí đã cho đọc một truyện u ám, rất thực… như bế tắc của xóm Sông…

  2. Nguyên Thủy

    “Anh thằng Lợi buồn buồn bèn từ giã trần gian …”
    Hình như trong câu này phải là “Ba thằng Lợi ….” mới đúng phải không anh Nguyễn Trí..?

  3. Tào Lao

    Nguyễn Trí viết về những tệ nạn, những đạo đức suy đồi & lối sống của hiện thực rất tuyệt,,,

  4. Anh Nguyễn Trí,
    Đây là lần thứ hai, NV đến với tác phẩm của anh, càng đọc NV càng thấy rõ , dường như nó mang hơi thở, màu sắc của dòng văn học “hiện thực phê phán”. Tuy nhiên, mảng hiện thực anh thể hiện rất rõ thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật với những nét tính cách sắc cạnh , gai góc…đan xen tình tiết …phơi bày ra trước chúng ta một xã hội phức tạp với nhiều vết ố lem luốc …làm cho bức tranh xã hội thật buồn…Riêng phần phê phán , đề ra một hướng để làm cho bộ mắt xã hội thay đổi hoàn toàn theo một chiều hướng tích cực thì phần này chưa rõ lắm…
    Cám ơn anh Nguyễn Trí đã đến với trang nhà bằng một tác phẩm phản ánh được bộ mặt xh thu nhỏ tại một xóm sông.
    chúc anh vui.

    • nguyễn trí

      Nguyet van thân mến.
      Tôi không biết phải đề xuất một hường gì để thay đổi xã hội đâng rất nhiễu nhương của chúng ta.
      Tôi bày ra và xin mọi người cùng nhập cuộc để nêu ý kiến

  5. An Khê

    Chào anh Nguyễn Trí
    Hôm qua tới giờ, tôi cứ đọc đi đọc lại ” CHUYỆN DỮ Ở XÓM SÔNG “. Những mảnh đời “trôi nổi” gom lại thành …một xóm mà lại…XÓM DỮ ! Dữ dội thật ! Đủ thành phần, đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố… của cuộc đời, dưới ngòi viết của anh hình như…chưa lột tả được ” kết cấu ” các nhân vật ( xin lỗi, chỉ cảm nhận riếng mà thôi ! ) đọc nó cứ rối tung…
    Sau 75, ba má tôi đã từng ” xách ” mười đứa con chạy ” dzòng dzòng ” tìm…”XÓM HIỀN” để ở…Giờ có gia đình, con cháu mới biết được nơi mình ‘ cư ngụ ” quan trọng như thế nào…
    Lối viết hình như cỡ…năm 1990, năm đó ai mua đựơc chiếc “Đờ-rim của Nhật là ” oách lắm, hihi. Tôi nhớ năm 1993, vợ chồng tôi mua chiếc Dream ( tem lửa ) của Thái, ui chao…
    Hôm nào anh ” đổi tông ” đề tài, cũng như cho độc giả ” ăn món mới ” được không nhà văn ? 🙂

  6. He he he,,, Nguyễn Trí cũng lăn lộn ở xã hội đủ tầng lớp hén , có khuynh hướng như Nguyễn ngọc Tư ,,, hay lắm Trí ơi !

  7. NĐD

    Hê hê đúng rồi Cát Lân, thiệt là “rối loạn tiền đình ” khi đọc truyện nầy. Lối viết của NT thì đọc rất đã, khinh khỉnh, huỵch tẹt mọi sự đời nhưng cốt chuyện thường được kết cấu trên rất nhiều nhân vật mà đời sống phức tạp đan xen nhau nên khiến cho người đọc dễ quay cuồng. Nhưng đó cũng chính là một cái “riêng” của tác giả, muốn đưa cả một xã hội thu nhỏ vào câu chuyện.

    • nguyễn trí

      Tôi cúng muốn phát điên khi ngồi mà nghiệp để viết truyện nầy đó NĐD. Cám ơn đã theo dõi nhé

      • A Trí ơi Lần này a đến với trang nhà với bài viết đúng là quá dữ luôn đó. NT đọc ma muốn hoa mắt luôn, đầu óc quay mòng.mòng theo nhân vật của a giống như ca sĩ chạy sô vậy đó Nó rối rắm và phức tạp làm sao. Nhưng cũng ráng mà đọc và cũng tạm hiểu là cái xóm sông của a fức tạp thiệt Đúng như cái tựa đề của a đã đưa ra. .Vâng một xóm sông không hiền với thật nhiều tệ nạn. Rất mong gặp a trong bài viết sau nó hiền hơn nhẹ nhàng hơn và ít nhức đầu hơn. .Hi hi. …Chúc anh Khoẻ. .Thân ái. …

  8. Đúng như Cát Lân nói “Bến sông ” quá phức tạp , “Xóm dữ” dữ thiệt ! Đọc thấy ớn luôn . Không biết trách ai bây giờ ? – Con người hay xã hội đây hả Nguyễn Trí ?

  9. Trần Cát Lân

    Câu chuyện “Bến sông” quá phức tạp, đúng là “xóm dữ”! Tui bảo đảm là ông bạn Nguyễn Trí “ngiễng chiện” ra mà viết cho nó rối tung rối mù, cho người đọc điên đầu chơi quá?
    Nhân vật trong truyện nhiễu loạn, đan xen… quả là phức tạp! Tui đọc thiệt chậm để cố thống kê nhân vật, mà cho tới lúc này, đang ngồi đánh lốc cốc nói chuyện với ông đây, tui vẫn thấy rối như canh hẹ!!! Xin bái phục.
    Nhức đầu quá trời ơi! Nguyễn Trí ơi là Nguyễn Trí?!
    Bữa nay ông cho đổi món… toàn xương không! Lần sau làm ơn cho đọc truyện nào êm êm chút- hén?
    Thân mến.

    • nguyễn trí

      Quả tình là tôi đã cố dơn giản hoá một bến sông- nơi mà – tôi đã sống suốt nhiều năm. Nếu tôi mà trấn trụi thì cón phức tạp lắm anh Lân à. Biết sao được khi đời sống của chúng ta vốn dĩ nó vậy.

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.