Từ giã Kinh Tế Mới Long Thành

Từ Mạnh Long

Cuộc sống lam lũ và khó khăn trảỉ dài lên miền Nam sau biến cố 1975.

Bố đã đi học tập, nhớ ngày ra trình diện tại đại học Vạn Hạnh với bẩy ngày lương khô.

Ngồi trên xe Honda, bố quay lại ngậm ngùi cầm tay mình mà nói:

” Con là người con trai lớn trong gia đình mà Bố tin tưởng, con thay Bố mà lo cho gia đình lúc Bố vắng nhà!

Quyền huynh thế phụ con nhớ lấy câu này!”

Gạt nước mắt nhìn bố khuất dần theo tiếng bô xe Honda nhỏ lần theo con ngõ hẹp.

Chương trình đẩy đi kinh tế mới, nhắm vào những gia đình công nhân viên chức chế độ cũ và tư sản bắt đầu không lâu sau ngày Bố đi trình diện.

“Nên tình nguyện đi KTM tự túc” là lời khuyên của người bà con làm cán bộ cấp cao từ Hà Nội vào thăm để giữ lấy căn nhà nếu không sẽ bị nhà nước lấy mất.

Mình với đứa em trai nhỏ hơn mình 3 tuổi, để lại mẹ, bà xã và các em nhỏ lại Sài Gòn. Đi kinh tế mới Long Thành.

Trong lúc hai anh em chật vật với 5 sào đất như chuyện “đội đá vá trời”.

Mẹ và các em ở lại Sài Gòn, mỗi lần về thăm thì lại thấy trong nhà đồ đạc cứ vơi đi.

Lần đầu thì bộ bàn ăn, lần sau thì cái tủ gỗ, cái giường gỗ, cái xe Honda 67, rồi cái đồng hồ 3 cửa sổ và những nữ trang của Mẹ để nuôi những miệng ăn như đàn chim nhỏ chỉ biết há mồm kêu đói.

Mẹ đêm nào cũng phải đi họp tổ dân phố để được nghe những lời dậy bảo của cán bộ phường kể về tội ác Mỹ Ngụy, học tập là đường lối nhân đạo mà nhà nước dành cho Bố, hãy khuyên chồng học tập thật tốt để được nhà nước khoan hồng , sớm về lại với gia đình.

(Có lẽ Bố mình học không tốt hay tội ác quá lớn nên học tới 12 năm.

May mắn về lại với gia đình sau khi trải qua những ngày tháng cam khổ đọa đày ở trại “Hoàng Liên Sơn Mồ Chôn Quân Ngụy”.)

Mẹ sau chuyến đi thăm ngoài Bắc lần đầu về, học được cách mua bán thuốc rê của những người đồng cảnh ngộ nên từ đấy bán hết những gì còn lại làm vốn, mua đủ các loại thuốc rê ngồi nhờ ở lề đường trước nhà của một người quen (cũng có chồng đi học tập) gần chợ mua bán đắp đỗi qua ngày.

Có những ngày dân phố và công an đi dẹp lề đường, một mình Mẹ phải vất vả thu dẹp chạy trốn, cũng may ai ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh của nhau nên đầu kia thấy là hô hoán cho nhau biết để cùng nhau dẹp hàng chạy toán loạn, cứ như…chạy giặc!

Nói về phần mình thì những ngày đầu tuy còn xa lạ nhưng rất hăng hái với năm sào đất vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Mấy tháng sau bà xã ở Sài Gòn thương chồng nơi đèo heo hút gió, chẳng biết Long Thành, lại còn xã, ấp là chốn nao, cũng quyết định khăn gói nhất định đi về KTM với chồng cho vui với suy nghĩ giản đơn:

“Một Túp Lều Tranh Hai Quả Tim Vàng”.

Hôm ấy mình đèo bà xã với ít đồ đem theo bằng chiếc xe đạp cải tiến, trong tâm trạng hớn hở của hai đứa trẻ nhìn đời vẫn còn mầu hồng phóng ra đường, vượt cầu Sài Gòn cao vời vợi mà chẳng thấy nhọc mệt gì, có lẽ ngày ấy bà xã còn…gầy quá!

Ngồi sau ôm eo ếch cứ nhìn hết chỗ này chỗ kia và hay hỏi han chỗ này là chỗ

nào..vân…vân…

Buồn cười và ngạc nhiên nhất là lúc bà xã hỏi mình khi đi ngang qua đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ bên đường,

_ Anh ơi, con này là con bò hay là con trâu?

_ Trời ạ, em không biết thật sao?

Mình thấy thương cho vợ vì bị nhốt kín trong những bức tường và cánh cửa sắt, phì cười mà giải thích sự khác nhau giữa trâu và bò.

(Nói ra thì khó tin, nhưng sự thật là như vậy đó!)

Giữa trời nắng chang chang như thiêu đốt trên đường về, Long Thành lại có nhiều ruộng mía hai bên, loại mía để làm đường.

Thân tuy nhỏ nhưng rất ngọt, mình bèn nảy ra ý định giải khát…không tốn tiền.

Tấp xe vào vệ đường,

_ Em chờ anh tí.

_Anh làm gì đấy?

Mình chẳng nói tiếng nào phóng như bay vào sâu trong ruộng mía, bẻ ngay lấy mấy cây mía trước mặt rồi phóng ra xe.

_ Chạy nhanh em à!

Bà xã bấy giờ mới hiểu, một đoạn xa không thấy ai theo đuổi, mình vừa đạp xe vừa tước từng đốt mía đưa cho nàng tiểu thư, mía ngọt vô cùng nhưng cái mắt mía thì cứng như gỗ, may mà răng của mình ngày đó rất tốt.

Cứ như vậy mà nhâm nhi giải khát cho đến chợ Long Thành, bây giờ rẽ vào là con đường đất mà xe Lam là phương tiện chính đi sâu vào xã Bình sơn và những vùng sâu hơn, thỉnh thoảng cũng có xe đò nhưng ít thấy.

Mỗi lần có chuyến xe đi ngang, bụi vàng đỏ bay mù mịt chạy dài theo phía đuôi xe như một con quái thú!

Bà xã nhìn tất cả những gì đang diễn ra 2 bên đường tò mò và ra điều thích thú, cho đến khi chỉ thấy toàn lau sậy hiện ra hai bên con đường mòn đủ để xe 2 bánh chạy vào.

_ Sắp đến chưa anh?

_ Còn chừng 2 cây số nữa em ạ.

Vào đầu ấp mình chỉ cho bà xã xem những lô đất đầu tiên đang dần hiện ra, khá thoáng vì họ đã đến trước nên khai khẩn nhiều hơn, đã có thu hoạch bằng những cây khoai mì to cao xanh tốt, những vồng rau lang, những giàn dưa tây xanh dờn trái to nặng trĩu, chung quanh lại có tiếng gà gáy bên cạnh đấy là những đàn gà vừa lớn vừa bé chạy đầy sân trông rất dễ thương, tạo nên một bức tranh an bình, và…”no ấm”!

Mình chậm lại và đỗ ngay xe trước cổng vào,

_Đây là “Túp Lều Lý Tưởng Của Anh và Em”.

Ngơ ngác nhìn quanh như tìm hiểu rồi buột miệng:

_Còn nhiều cây quá anh nhỉ!?

_Ừ, từ từ anh làm thêm.

Mình giới thiệu cho bà xã trong nhà rồi chung quanh nhà với những gì sẵn có, nàng chợt hỏi:

_ Thế cái….cầu tiêu ở đâu?

Mình nói trong khi tủm tỉm cười:

_Theo anh.

Mình dắt vào những chỗ cỏ đã bị rạp xuống rồi chỉ cho bà xã:

_Đây là cầu tiêu ở rẫy đó em, mình cuốc lên một cái lỗ và “tự nhiên” vào đấy, xong lấp lại!

_Eo ơi, em làm sao cuốc! Lúc nào em cần anh dắt em ra và cuốc cho em xong lấp lại luôn nhé, khiếp quá!!

Hôm ấy lần đầu tiên bà xã nhóm bếp, vì chưa quen dùng ống tre thổi lửa, hút khói ngược vào ho sặc sụa.

Nước giếng làm bếp và tắm rửa mình quay giúp cho vợ vì sợ…tiểu thư lọt xuống, hết cứu!

Từ ngày có em về, không khí như vui hẳn lên.

Hai anh em đặt ưu tiên là làm ngay một cái chuồng xí, chọn một chỗ xong cứ thế mà đào.

Lúc mệt quá mình đi vào gọi em trai ra đào tiếp, nằm vật vờ ngủ lúc nào không hay cho đến khi bà xã đánh thức, bảo là nghe như có tiếng ai kêu sau vườn, mình định tâm và sực nhớ có thằng em đang đào đất.

Ra sau thì đúng như thế, chàng ta hăng say đào, rồi lại đào… cho đến khi sâu quá không cách nào leo lên được nên gọi cầu cứu.

Nghĩ cũng buồn cười và cũng tội cho đứa em trai.

Ngày hôm sau, lấy cây rừng gác lên chừa một khoảng trống trên mặt hố.

Trồng cột, lợp phên lá và cánh cửa lửng để nhìn ngắm….mây trời.

Có lẽ bà xã là người thích cái “nhà nhỏ” này nhất.

Rồi đi vào rừng chặt cây về làm giàn chung quanh trồng dưa tây, dưa tây lên tốt và nhiều quả, trời nắng ăn rất thơm và mát.

Trồng thêm mướp ngọt, trồng thêm chuối dọc theo con mương nhỏ dẫn nước thải ra từ bếp.

Trồng thêm đậu xanh, đậu đen. Trồng thêm hai cây ớt, trái ơi là trái đỏ hết cả cây.

Lại có thêm mấy con gà tí hon chạy lăng xăng làm bạn

Căn nhà tự dưng xanh và mát, sinh hoạt cũng nhộn nhịp hơn trước.

Bà xã thích nhất là ăn khoai mì chấm với đường nước, ngày nào cũng ăn.

“Đang có bầu mà ăn nhiều khoai mì, mơi mốt đẻ con ra sài không nhen mày!”

Cô hàng xóm người Nam nói thế, sau này con gái ra đời mới thấy cô hàng xóm nói đúng.

Một hôm đang đạp xe về Sài Gòn xin viện trợ “Nhân Đạo” thì thấy một người đang chở than về Sài Gòn, mình chợt nghĩ sao mình không thử nhỉ!?

_ Anh ơi mua than ở đâu vậy, chỉ cho em với em muốn đi bán than.

Ông ấy nhìn mình từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên như đang đối diện với người từ hành tinh, dò xét nét mặt rất nghiêm nghị.

_Anh có muốn đi bán than thiệt hông, anh ở đâu mà đòi đi bán than?

_Dạ, em ở KTM Long Thành.

_Gia đình có người đi học tập hả?

_ Dạ có anh.

_ Dzẫy nếu anh muốn, mai 6 giờ sáng tui chờ anh ở ngã ba hồi nãy mình mới đạp qua đó.

Hôm sau mình dậy sớm ra điểm hẹn sợ người ta phải chờ, nhưng thật không ngờ trước 6 giờ đến ngã ba đã có người đỗ xe ven đường chờ mình.

Rất chân tình đưa mình vào tận những lò than và giới thiệu xong anh ta vội vã ra đi.

Cho đến bây giờ mình cũng chưa bao giờ có dịp gặp lại ân nhân này!

Cám ơn anh, dầu chỉ một lần gặp gỡ.

Lò than lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cứ như một gò mối thật to, chỉ khác là có cột ống khói nhỏ. Có những cái ống, khói còn bốc lên, đấy là đang còn trong thời gian hầm than.

Lò than được đắp bằng đất sét, có lỗ to cho người đem củi vào, khi đầy thì người ta mồi lửa và lấp đất lối vào. Lửa được điều chình chỉ đủ để cháy liu riu cho củi thành than. Nhớ không lầm thì cũng phải 2, 3 ngày gì đó rồi người ta bịt kín hết tất cả ống khói để tránh bắt cháy thành tro, mình chỉ còn nhớ lờ mờ có vậy. Bạn nào biết rõ nói thêm hộ cho mình!

Mình mua hơn 100kg cho vào một bao gạo, cứ thế mà nhồi nhét vào, chưa đủ thì cho vào bao nhỏ hơn để trước ba-ga xe đạp.

Lòng hớn hở đạp về Sài Gòn với hy vọng sẽ kiếm được chút tiền lời để đáp ứng cho những nhu cấu đang thiếu thốn.

Nhưng khi về tới chân cầu Sài Gòn thì thực tế hoàn toàn trái ngược, chẳng vựa than nào mua của mình vì họ có mối lái bỏ số nhiều và giá rẻ hơn.

Thất vọng, đạp bao than hơn 100 ký về ngang qua chỗ Mẹ bán thuốc rê.

Chống xe than và tà tà vào chào Mẹ.

Thấy Mẹ nhìn mình như một người xa lạ cho đến khi mình nói thêm lần nữa, nghe giọng nói mẹ mới bật dậy ôm chầm òa khóc.

_ Mẹ, tại sao Mẹ lại khóc. Con đây mà!

Rồi lại cô cho Mẹ mượn chỗ ngồi bán trước nhà chạy đến ôm mình cũng khóc trong sự ngỡ ngàng của chính mình.

Có biết đâu rằng thì là:

Lúc vào lò than mình không có kình nghiệm nên cứ lôi hết than này qua than kia để chọn, cứ cây to mà lấy nên bụi than bám đầy trên mặt, đen còn hơn kem đánh răng Hy Nốt thủa nào, chỉ trừ 2 con mắt!

Chả trách Mẹ không nhận ra con trai, còn cô hàng xóm chỉ biết ngậm ngùi mà nói:

_ Đổi đời cho nên Hoàng tử phải bán than!

Chính cô đã giúp cho mình mua chuyến than đầu đời.

Cô dược sĩ Nhự, nếu cô có đọc được những giòng chữ này, có lẽ cô cũng hiểu là sau bao năm, cháu vẫn chưa bao giờ quên được sự giúp đỡ của cô ngày đó, không những thế và còn nhiều hơn về sau. Cháu Cám-ơn cô.

Nghĩ lại tội cho cô Nhự vì giúp mình lần đầu, cô đã mua phải những loại than tệ nhất mà mình vì không có kinh nghiệm đã mua về.

Cháy tới đâu nổ đến đấy, cô cũng chính là người chỉ cho mình thêm chút kinh nghiệm về than.

Sau này than cầy và than đước là 2 thứ mình mua, cũng bằng giá nhưng thân than chắc, nặng và bóng như than đá. Cháy bền, không nổ.

100kgs than phải dùng cả tháng mới hết, mình bán cho bà con quen biết cũng như hàng xóm và có khi những người đi ngang thấy mình chở than hỏi mua, thấy giá cả phải chăng nên cũng tạm qua ngày. Và cứ thế mà xoay vần.

Có lần đang đạp xe than vừa thả xuống cầu Sài Gòn, hôm ấy đem than về cầu may vì chưa ai cần than cả. Bỗng dưng có người chạy xe Vespa Sprint qua mặt, rồi ngó lại xong chậm chậm chờ mình, khi ngang qua anh ấy hỏi:

_ Chú bán than hả?

_ Dạ phải.

_ Bao nhiêu một ký?

Mình nói giá xong anh ấy cho mình địa chỉ quán cơm tấm để mình đi đến, vì phải vội đi ngay.

Đến nơi thấy quán cơm khá to lại đông người, có người chỉ chỗ cho mình bỏ than vào sau quán.

_Có cần cân lại không?

_Không cần đâu anh.

Mình dắt chiếc xe đạp ra trước quán tìm một chỗ ngồi chờ…trả tiền!

Bỗng dưng đâu có người đem đến cho một dĩa cơm tấm thật to, hai cái hột vịt ốp la, hai miếng sườn nướng, dưa leo, cà chua, rau xà lách và nước mắm đi kèm, cộng thêm ly cối trà đá làm mình giật bắn cả người.

_Ơ….Ơ…tui đâu có gọi đâu!

_ Anh mới bỏ than phải không?

_Đúng rồi!

_Dạ, ông chủ nói làm cho anh ăn.

Thầm nghĩ, thôi chết rồi. Lấy tiền trừ xong đĩa cơm coi như hôm nay phải cắt tiêu chuẩn thịt cho bà xã rồi.

Thôi, thân này kể bỏ, nhất là dĩa cơm mầu mỡ đầy quyến rũ như biết kêu mời.

_Tới đâu tính tới đó.

Mình vừa ăn vừa suy nghĩ lung tung, hết ly nước cũng là lúc anh chủ quán cơm bước đến.

_ Xin lỗi nhen, giờ trưa đông khách quá làm chú phải chờ. Ăn cơm có ngon không?

_ Dạ quá ngon! (Mình trả lời mà như người mắc nghẹn!)

_Chú chắc có gia đình đi học tập hả?

_Ủa, sao anh biết!

_ Hồi sáng nhìn thấy chú, tui đã đoán như vậy rồi. Chớ chú đâu phải dân bán than. Bây giờ dzầy nè, cứ cách 2 ngày chú lại đem cho tui 100kg. Nói thiệt, làm ăn thì mối lái có sẵn nhưng mối này tui dành cho chú.

Trả tiền cho mình xong, quày quả bước đi,

_ Anh ơi, cho em trả tiền dĩa cơm.

_Hỏng sao, tui mời mà.

Trên đường về, đạp xe như bay.

Người như vừa được uống xong một liều thuốc tăng lực cực mạnh.

Những lần sau đó anh đều đối đãi với mình giống như vậy.

Và anh cũng là một một vị ân nhân nữa trong cuộc đời mình. Cám -Ơn anh.

Lúc này cũng là lúc cuộc sống quay qua một khúc quanh có phần khá hơn.

Mỗi lần bán được than, trên đường về ghé qua chợ mua thêm tí đồ cần thiết, như mua thêm mắm, đường thẻ và đặc biệt là 100 gram thịt heo về cho bà xã bồi dưỡng vì đang có bầu.
Còn hai anh em thì bà xã nấu gì ăn nấy!

Ngay tại bến đỗ xe Lam tại xã Bình Sơn, có một quán nước bên đường bán cà phê, nước ngọt và những đồ gia dụng cần thiết cho những ai ghé qua.

Mình dĩ nhiên là một trong những người đó, biết anh chủ quán tên Sang.
Người miền Bắc di cư rất hiền hòa và nhẹ nhàng dễ mến.
Thời gian không lâu 2 anh em trở thành thân lúc nào không biết.

Có lần anh mời đến nhà chơi, anh đưa đi xem chung quanh nhà, đất rất rộng, chung quanh toàn là cây ăn trái, cây trái xum xuê nhưng riêng mình thì lại để ý đến chuyện khác, rất khác lạ trong vườn.

Đó là có một đàn gà nòi rất đẹp, với con mắt có chút kinh nghiệm về loại gà chọi mình biết ngay kho tàng đang ở trong khu vườn này.

Ngõ ý mua một vài con về làm giống, anh từ chối vì đàn gà này là từ một người bạn của ông cụ đã vì lời hứa không chơi gà chọi nữa mà gửi về đây, anh chỉ biết giống gà tốt nhưng không biết tốt như thế nào!

Mình đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục và cuối cùng anh đã cho mình một con trong đàn gà như cho đứa em một món quà yêu thích, mình đã chọn con gà mái tốt nhất.

Người xưa có câu: Chó giống cha, Gà giống mẹ. Lấy con gà mái là như thế đó!

(Cám ơn anh Sang, em lúc nào cũng nhớ đến anh.)

Và cũng từ ngày đó máu nuôi gà nòi của mình vùng dậy, vốn đã biết về gà nòi từ lúc còn nuôi gà cho ông cụ những ngày ở Gò Công nên mình biết xem tướng gà, vảy gà cứ như mấy thầy gà, nói ra thì nhiêu khê lắm.

Đại khái nuôi một con gà chọi đúng nghĩa, cũng như nuôi một đứa con, cũng phải thang thuốc cho gà khỏe mạnh, thóc phải lược lấy hạt tốt, ngâm cho nẩy mầm, ăn uống có giờ. Sáng phải cho gà đi ăn sương, tức là thả gà cho gà đi ăn cỏ khi sương đang còn đọng trên lá. Về cho ăn sáng với lúa đã ngâm, trưa ăn xong thì thoa thuốc nghệ ngâm với rượu và mã tiền cho da săn chắc cũng như chân khô rút lại như ống tre đá mới thấm đòn đối phương. Chiều cho ăn xong còn tập thể dục. Đêm cỡ 9 giờ lại cho gà ăn, gọi là ăn đêm…trò chơi nào cũng lắm công phu!

Nhưng ở Long Thành mình không có nhiều thời gian để nuôi gà chọi đúng nghĩa, có nghĩa là nuôi gà đá cá độ ăn tiền.

Nuôi cho vui để có dịp ngắm nghía những cái đòn hay và đẹp của gà mình nuôi thôi.

Mỗi lần đi than cũng là những lần mở mắt để tìm gà giống, cũng tìm được vài con kể cả trống lẫn mái về gầy giống.

Mình thì ngày nào cũng chạy than về Sài Gòn, đàn gà ở rẫy lớn rất nhanh. Chỉ 3, 4 tháng sau là đã có mười mấy con gà con.

Bà xã kể những con gà này dễ thương lắm,

_Buổi sáng em cho nó ăn chủ yếu là củ mì bằm trộn ít cám, buổi trưa em lên nằm nghỉ là tụi nó kéo hết vào nằm dưới giường không ồn ào chắc ngủ trưa hay sao đó!? Trưa em dậy là cùng lúc tất cả dậy theo chạy hết ra vườn, càng để ý càng thấy thương.

Chiều thì tự động dắt nhau vào chuồng.

Vắng chồng bà xã tìm vui là chăm nom mấy con gà, nói chuyện vui buồn với đứa em trai. Hai chị em rất thân nhau.

Mình chỉ cho cậu em đi giúp cho mình những mối than trong chòm xóm đã quen, nên bắt đầu có ngày nghỉ ở nhà với bà xã.

Lúc này mới biết ra là vài ngày lại bị mất gà mà bà xã không nói.

Mình không biết chồn hai chân hay chồn bốn chân là thủ phạm, thôi quyết định làm hàng rào cho gà không chạy qua được 2 bên hàng xóm cho yên.

Muốn như thế phải vào rừng tìm cây về làm hàng rào.

Ngày hôm sau mình đi vào rừng tìm cây, bà xã có dịp…”đi chơi” nên đòi theo cho biết.

Thế là mình cứ đèo bà xã ngồi sau theo con đường mòn trước mặt hướng vào rừng mà đi.

Càng đi sâu vào con đường càng hẹp lại, những loại cây mình muốn tìm lại phải đi sâu vào hơn nữa, càng vào sâu ánh sáng như tối dần và không khí càng lúc càng oi bức vì cây cao đan nhau che khuất đi ánh mặt trời cũng như không khí. Nhìn lên thấy mầu xanh của lá thình thoảng có những tia nắng chiếu thành từng đường sáng dài trông rất ngoạn mục. Không gian tĩnh mịch chỉ còn nghe tiếng rọt rẹt của từng vòng đạp qua sợi dây sên.

Đang tìm kiếm thì nhận ra có một đám cây đúng như ý mình mong muốn không xa lắm cách con đường.

Mình vội dừng xe.

_Em ạ đây rồi, em ngồi chờ anh nghỉ ngơi uống nước đi.

Mình luồn lách đi vào, đi đến đâu chặt cây đánh dấu đến đấy để còn biết đường đi ra.

Nhớ trước đó không lâu lúc bà xã chưa vể, có lần mình buồn đi lang thang vào rừng tìm gò mối đem về cho mấy con gà, bị lạc không biết đường ra. Loay hoay mãi vẫn không biết phương hướng, thỉnh thoảng có nghe tiếng xe đạp ngang qua đâu đó, muốn gọi đến cứu nhưng tự ái to hơn ..con bò. Chợt nghĩ ra ra cách chia làm bốn hướng để tìm đường, đi đến đâu chặt cây đến đây làm dấu, không thấy thì theo dấu về lại điểm khởi hành. May mắn lần thứ nhì thì thấy con đường chỉ cách chỗ mình hồi nãy cỡ chừng 25 mét.

Người ta bảo có ma rừng không biết có nên tin hay không?

(Lúc đó mình không dám kể cho bà xã nghe câu chuyện này.)

Càng vào sâu cây mình muốn tìm càng nhiều và cao 5 cho đến 7 mét chen với những cây to, thân suông đuộc.

Mình ngẫm nghĩ trong điều kiện bị che khuất bởi những tàn cây lớn những cây nhỏ muốn sống phải vượt lên thật cao để lấy không khí và ánh sáng.

Mình cứ vậy mà chặt, được một hai vòng tay ôm lại kéo ra xếp bên cạnh đường. Một lần đi một lần khó nên bảo bà xã ráng chờ thêm tí nữa, chẳng biết thời gian bao lâu khi ra ngoài lần cuối thì mới biết là…quá tải!!!!!

Nhìn thấy vợ mồ hôi mồ kê thấm ướt mái tóc, kiên nhẫn chờ đợi trong không khí oi bức không kêu than, lòng thấy thương quá!

Mình cứ thế mà cột vào bằng dây leo đã chặt trong lúc đốn cây, nhìn lại chẳng thấy cái xe đạp đâu mà chỉ thấy một núi cây.

Lầm lũi đẩy về, bà xã lếch thếch theo sau với cái bụng có vẻ lớn hơn ngày mới đến.

Trời có vẻ tối nhanh, chẳng biết giờ giấc như thế nào. Trong lòng cũng hơi lo là có về kịp trước khi quá tối hay không?

Quay lại nhìn bà xã lững thững đi theo có vẻ mệt nhọc. Mình vội chống xe dừng lại.

_ Có mệt không em, hay mình ngồi nghỉ một chút đi nhé!

Uống mấy ngụm nước, rồi ngồi phắt dậy vì sợ trễ,

_Mình về nhé!

Thấy bà xã uể oải đứng lên như không muốn nổi, mình vội kéo tay đỡ lên.

_Em mệt lắm phải không?

_ Chút chút thôi anh, dạo này cái bụng hơi nặng.

_Hay em leo lên đống củi này anh đẩy về.

_ Nặng quá cho anh không?

_ Không sao đâu, em hãy yên tâm.

Mình vội chặt thêm mấy cây ven đường chống xe cho chắc, đỡ bà xã leo lên ngồi chễm chệ, ngất ngưỡng trên đống cây rừng, trông như đang ngồi trên lưng con lạc đà.

_ Em bám cho chắc, ngã không phải là một người đâu nhé. Anh đẩy tiểu thư về!

Cứ thế mà đi, thỉnh thoảng cũng có người đạp xe vào ngược chiều. Từ xa họ đã thấy…chuyện lạ hay sao mà cứ lom lom nhìn tụi mình.

Thật khó hiểu!?

Đến lúc vô tình quay lên nhìn bà xã thì mới vỡ lẽ:

Đây là vùng KTM hình như ai cũng mặc đồ sẫm mầu, những bộ áo quần bà xã đem về từ Sài Gòn toàn là những bộ đồ bộ bông hoa, hôm ấy bà xã lại mặc bộ đồ bộ trắng có hoa đỏ to như bàn tay, ngồi ngất ngưởng trên cao, bật lên giữa nền xanh của cây lá, cộng thêm những tia sáng chiếu xuống nhìn cứ như tiên nữ giáng trần.

Hàng rào được làm xong sau vài chuyến nữa, gà không còn bị mất.

Bà xã sau mấy tháng gia đình hai bên kêu về lại Sài Gòn, để lo cho đứa cháu tương lai.

Mình và em trai thay nhau đi than và nuôi gà.

Mỗi lần về thăm hai bên cũng rất tiện. Bà Xã mình ở bên ngoại, hai nhà cách nhau chỉ có mấy mét.

Có lần đi bán than trong hẻm ở chợ Tân Định. Trên đường ra, vô tình thấy con gà ô, gà đòn đứng cao hơn cái bội của nó, mình thấy lạ quá nên tò mò dừng xe ghé xem. Xem tướng, xem vẩy, xem chân, xem đầu, xem cánh, càng xem càng thấy mê mẩn vì đây chính là linh kê.

Bèn gõ cửa nhà, hỏi xem có bán không?

Con gà mắc quá, tiền lời trong túi không đủ mua nên nói với chủ gà mình sẽ quay lại.

Ra ngay tiêm vàng gần đó lột ngay chiếc nhẫn cưới, thế là quành lại ôm con gà ra đi.

Về nhà hí hửng khoe ngay với bà xã, thao thao giải thích về con..linh kê này.

Bà xã nghe xong hỏi:

_ Đắt thế lấy tiền đâu mà mua?

_ Thì anh phải bán chiếc nhẫn cưới mới đủ đó!

Bà xã tái hẳn mặt, nhìn xuống ngón tay của mình bây giờ chỉ còn là cái vòng nhỏ mầu trắng trên da.

Lột ngay chiếc nhẫn trên tay, quay phắt bước ra khỏi nhà, trên đường bước ra ném tọt ngay vào lỗ cống trong hẻm, trước sự ngỡ ngàng của mình.

( sau này mình có mua lại cặp nhẫn khác, đã 2 lần mua nhưng bà xã nhất định không đeo nữa vì cho rằng không có ý nghĩa!?)

Hôm ấy ôm con gà đạp xe về lại Long Thành mà lòng buồn vời vợi, chỉ còn biết chia sẻ với anh Sang ngoài quán bên đường.

Thời gian cứ thế trôi qua, từ ngày bà xã về lại Sài Gòn cây cỏ hoang lại phát triển, đàn gà dạo này coi bộ kha khá. Hôm nào rỗi lại lang thang vào rừng tìm ổ mối về cho chúng nó ăn, hôm nào có mưa đất mềm thì đánh vồng, tiện thể cho mấy con gà ăn giun, tụi nó háu ăn lắm đang cuốc mà cứ nhào vào giành nhau con giun, tai nạn không cách gì tránh khỏi. Lâu lâu cũng có con tự dưng dẫy đành đạch nhìn kỹ mới thấy nhát cuốc vô tình đã làm mất cái đầu, tiếc lắm nhưng không nỡ ăn lấp luôn làm phân. Con nào còn sống thì lớn nhanh như thổi.

Đôi khi có dịp rỗi lại xách gà về Sai Gòn xổ với những gà trong xóm, chưa đầy mấy phút là gà đối phương bỏ chạy vì đau đòn hay chủ gà nhảy vào ôm gà ra vì sợ hư gà. Tiếng đồn bay xa là mình có gà giống tốt nên ngõ ý muốn mua gà con.

Bà xã đã hết giận về chuyện chiếc nhẫn cưới.

Con gái đầu lòng ra đời, khi con bé chập chững biết đi bà xã lại bế con về lại KTM. Ngày nàng đi thì cây cối vườn tược xanh um, lần này về thì tranh đã tơi tả, mái lá đã dột nát, ban ngày nằm nhìn lên thấy bao nhiêu mặt trời nhỏ lớn chiếu từng tia xuống nhà , ban đêm thì có chỗ nhìn thấy sao trời, hôm nào mưa thì nghe tiếng tí tách ngay sát bên cạnh chỗ nằm. cũng nhờ tấm poncho treo ngay trên mùng nên cũng có thể nép vào chỗ khô mà ngủ.

Bấy giờ đàn gà cỡ 50 con vừa lớn vừa bé. Cứ bằng nắm tay là có người ở Sài Gòn đặt mua, không nhớ là bán bao nhiêu nhưng giá trị ngày đó coi bộ cao. Bà xã về thì đàn gà lại theo chân như ngày trước có lẽ vì cho nó ăn hằng ngày, còn con bé gái thì chập chững cứ lẽo đẽo đi theo bố quanh nhà.

Áo quần làm rẫy bây giờ rách nhiều, bà xã lấy những cái quần cũ của nàng cắt ra vá lại cho mình, phần còn lại làm quần đùi.

Nhớ mãi hình ảnh giữa trưa mình đang đánh đất để trồng đậu, mồ hôi mồ kê nhễ nhại chống cuốc nghỉ ngơi, chợt bắt gặp hình ảnh bà xã đang ngồi khâu vá trên giường bên kia liếp cửa, hình ảnh thật nhẹ nhàng và dễ thương của một người phụ nữ Việt Nam in sâu vào trong tâm khảm của mình, giá mà ngày đó biết chụp hình có khi đã là phó nhòm nổi tiếng.

Bà xã thấy đàn gà lớn nhanh như thổi thích thú và say mê cho chúng nó ăn vả lại đem về Sài Gón bán được tiền nên chuyện chiếc nhẫn không thấy nhắc đến.

Gà nhiều nên mình nới thêm cái chuồng cho to ra, làm thêm chỗ cho gà đậu, làm thêm chỗ cho gà mái ấp trứng.

Đàn gà cứ thế tung tăng nổi tiếng trong vùng, mình nói với bà xã chỉ cần một năm nữa gà nhà mình bán không kịp cho Sài Gón luôn đó!

Trên đó đặt nhiều quá bao nhiêu cũng không đủ. Tính ra tiền thì xem như “ngồi mát hưởng bát vàng”.

Trong lúc ước mơ và tương lai cứ lớn dần theo đàn gà thì đồng thời mình cũng thấy một vài người lạ hay đạp xe ngang trước nhà, những người này không ở cùng ấp. Sáng thấy đi qua hai chiếc xe đạp có rựa như đi vào rừng, chiều cũng hai người này đi về chẳng thấy củi cung gì cả, vì nếu đi rừng thì không đi con đường trước nhà mình mà phải đi con đường phía sau như những lần mình đi đốn củi. Sự thắc mắc rồi cũng qua đi, theo ngày mưa nắng.

Hôm nào trời mưa, nằm sát lấy nhau mà ngủ cho khỏi bị mưa dột. Hôm nào trời nóng thì đẩy hết liếp cửa lên mà ngủ, gió lùa vào mát rười rượi, khó ngủ cách mấy cũng phải..đi.

Hạnh Phúc ngày đó thật là giản đơn cho đến một hôm!

Mình căm thù cái câu ” cho đến một hôm” này lắm vì khi đọc đến đây ai cũng biết là sẽ có chuyện gì xẩy ra, đúng không?

Ở KTM đi ngủ sớm như….gà, gà vào chuồng là con người cũng bắt đầu lo xong công việc để đi ngủ.

Đêm ấy không hiểu sao con bé cứ trằn trọc khó ngủ rồi lại khóc cả đêm, hết mẹ dỗ rồi lại bố dỗ cứ thế thay phiên nhau.

Chợp đi lúc nào không biết, cỡ 3 giờ sáng con bé lại khóc, mình dỗ mãi không được, bà xã nóng ruột ôm con bé vào lòng.

Không ngủ lại được mình mở cửa ra phía sau nhóm lửa nấu miếng nước, qua ánh lửa bập bùng trong khi chờ đợi, mình nghiêng người nhìn vào chuồng gà thì không thấy mấy con gà nằm trên cây gác ngang như mọi hôm, tò mò lấy thanh củi đang cháy soi vào thì hỡi ôi, chẳng còn con nào cả, lớn bé như bị ai hóa phép biến đi không một dấu vết, soi lại lần cuối tự dưng cơn giận bốc cao ngùn ngụt vào nhà lấy ngay cáí rựa dài to nhất, tay dắt chiếc xe đạp cải tiến và cái đèn pin phóng ngay ra ngõ không quên nói với thằng em:

_ Đàn gà bị ai ăn cắp hết rồi. mày dậy phụ anh chạy đi tìm nhanh lên, anh chạy ra chợ đây!

Mình chạy khắp các con đường mình biết cho đến khi trời sáng hẳn vẫn không thấy bất cứ dấu tích nào về một đàn gà nhiều như thế.

Thất vọng não nề, cơn giận vì mất đi một tương lai huy hoàng đổi đời trước mắt làm cho mình như muốn gục đổ xuống .

Vừa thể xác vừa tinh thần làm cho mình như người mất hồn, bà xã bế con ngồi trông chồng, mất ngủ vì con, mất đi những người bạn hằng ngày ngồi rầu rĩ trông như cái xác, chẳng ai nói với ai tiếng nào.

Sợ rằng chỉ một hơi thở mạnh sẽ làm cho tất cả mọi sự òa vỡ.

Chẳng bao lâu sau người em cũng về tới, nhìn nét mặt mình cũng biết là không có tin tức gì.

Mình lẵng lặng đứng dậy với tay lấy chiếc xe cải tiến cầm ngay lấy cái rựa nhỏ trên tay người em dắt vào bên cạnh xe, phóng lên xe đạp nhanh ra con đường mòn vào phía rừng như một người điên….

Đâu đó văng vẳng tiếng kêu gào tha thiết phía sau..

_ Anh ơi….đừng anh ơi..!!!!

Cứ vậy mình đạp mãi vào những con đường mòn mà mình tin là 2 người mình thấy mấy tháng trước đã đi qua, mình đạp qua bao nhiêu người đi rừng bằng xe đạp cùng chiều ai mình cũng chậm lại ngó, còn người ngược chiều thì ai nhìn được ánh mắt mình lúc ấy cũng mơ hồ thấy được nguy hiểm nên tự động tránh qua cho mình chạy, chạy và chạy. Hết trưa rồi lại chiều, tự dưng thấy con đường dẫn về nhà trước mặt, uể oải chán nản thả chiếc xe đánh rầm xuống đất, lững thững thả người lên giường muốn khóc mà không khóc được, chỉ thấy nghẹn nghẹn và tức tức ở vùng ngực,muốn hét lên một tiếng thật to cũng không thể hét được.

Mình quay mặt vào vách, nước mắt lăn theo cùng với tiếng thở dài!

Những ngày sau đó mình cứ đem cái rựa đi lang thang khắp huyện Long Thành, ngày nào cũng ghé qua chợ để hy vọng người ta có đem ra đấy bán hay không?

Người em cũng vậy nó cũng thương mấy con gà như chị nên buồn lắm.
Ngày nào sáng tờ mờ là mình lấy rựa cặp xe đạp đi lang thang như người mất hồn, hai tuần trôi qua mình đã đi những chỗ xa hơn vẫn không thấy tăm hơi một con gà nào dẫu là gà nhỏ vì giống gà mình nuôi nên nhận biết rất dễ. Hy vọng tìm lại được chỉ một con để lần ra đầu mối, bây giờ gần như tuyệt vọng.
Buồn! không ăn được cộng với đạp xe liên tục không ngừng mỗi ngày khiến mình gầy rộc hẳn đi.

Mình nói với bà xã:

_ Anh đưa em và con về lại Sài Gòn, ở đây không còn gì cho mình níu kéo nữa em ạ.

Tất cả ước mơ của hai vợ chồng mình xem như hết rồi…. từ đây!

TB: Người em trai sau đó bi bắt đi nghĩa vụ quân sự, đúng ra qua Miên thì lại qua tới trại Paulo Bidong.

Năm sau nữa đến phiên mình bị gọi nghĩa vụ mà mình hoàn toàn không biết, cho đến khi lên ấp lấy dầu.

Bà trưởng ấp nhớ nhầm tên em trai đã đi nghia vụ, nên báo cáo mình đã trình diện năm vừa rồi.

Đàn gà mãi mãi không bao giờ tìm ra!

Nghe nói ấp mình ở ngày xưa bây giờ có đường nhựa và nhà lầu cao đẹp, đất không còn khô cằn bụi bặm nữa mà mang một mầu rất đẹp và quyến rũ: Đất Vàng!

Toronto, 10pm, 15/05/2018

120 bình luận

Filed under Tác Giả, Từ Mạnh Long, Truyện Ngắn

120 responses to “Từ giã Kinh Tế Mới Long Thành

  1. Phượng Lầu

    DĨa cơm 2 quả trứng, 2 miếng sườn hấp dẫn quá làm Quan ăn rất ngon, nhưng vừa ăn vừa bị chi phối bởi suy nghĩ đến chuyện phải trả tiền, hay phải mất phần thịt bồi dưỡng cho vợ đang mang thai, nên ắt hẳn không thể nào Quan có thể tập trung tư tưởng tận hưởng như PL nè!

    Hồi PL và 2 em đi vượt biên bị bắt, ngày được thả ra 3 chị em đói quá nên ghé quán ăn ở Bắc Mỹ Thuận, 3 chị em mà chỉ dám kêu 2 dĩa cơm thịt heo giả cày, 1 dĩa cho đứa em trai, 1 dĩa cho PL và đứa em gái. Lúc đó quá đói nhưng không dám xài tiền vì còn phải để dành tiền đi xe từ Bãi Giá về đến Sài Gòn. Chao ôi nữa dĩa cơm thịt heo giả cày sao tuyệt vời chưa từng thấy!!!

    PL đưa muỗng cơm có miếng thịt heo giả cày
    màu vàng nghệ đầy hương vị thơm ngon vào miệng mà mình không muốn nhai…, nhai mà không muốn nuốt…, nuốt rồi vẫn không muốn uống nước…, vì sợ những hương vị ấy sẽ trôi theo ngụm nước theo cổ họng lăn vào bao tử….

    Mấy chục năm sau PL trở lại VN để thăm quê hương và cố tình đi tìm cho ra món thịt heo giả cày để ăn cho nó đã!!! Nhưng hỡi ơi! Hương vị thơm ngon của dĩa thịt heo giả cày ngày ấy không bao giờ tìm lại được!!!

  2. tucumi

    “Cóc chế”, thân mến tặng anh Từ:

    “Tư tui cuốc đất ăn sùng
    Anh Từ lỡ vận lên rừng đốt than”

    • từ mạnh long

      😊😊😊😊😊😊😀

    • Nguyên Thủy

      Ngày ngày ăn mỗi củ mì
      Anh Tư thấm thía ước gì có cơm
      Xe than chở xuống Sài Gòn
      Đắng cay Từ biết con đường nào đi…

      • từ mạnh long

        Nhớ những ngày đầu đạp chiếc xe than vượt qua cầu Sài Gòn, lang thang mong tìm được chỗ bỏ than sống qua ngày, vậy mà ngừ ta hỏng mua!
        Thật là hoang mang!
        May trời và người thương, chỉ có bọn cắp gà là…..khốn nạn thâu!

        • Phượng Lầu

          Em thấy Quan xách rựa đi lùng kiếm bọn ăn cắp gà mà bà xã với theo ơi ới, em cũng run vì sợ sẽ có áng mạng xẩy ra!!!

      • Phượng Lầu

        Anh Hai Sông Bé nữa chi!
        Ba anh chụm lại viết thì quá hay!
        Tỏ tường đời đổi đắng cay,
        Viết trang hồi ký ngắn dài sử ghi…

        PL xin lỗi hình như chị Thuỳ Dương (hay chị nào đó trong sân) cũng là nạn nhân KTM?
        PL mong nghe bài thơ của chị để hiểu biết thêm và thông cảm hơn với hoàn cảnh của những nạn nhân chiến cuộc.

  3. Phượng Lầu

    Quan ơi Quan cho PL tò mò hỏi nhỏ thêm 1 câu nữa nè:
    PL nghe Quan kể Tiểu Thư Công Chúa của Quan lúc đó còn ngây thơ quá?
    Bộ Quan dụ dỗ gái vị thành niên hay sao mà Nàng còn non nớt thế Quan?
    Hihihi!!!

  4. Phượng Lầu

    Quan ơi Quan cho PL tò mò hỏi nhỏ chút nha!
    Sao PL thấy Quan và bà xã có đeo nhẫn mà?
    Vậy cặp nhẫn này là cặp…thứ mấy vậy Quan?
    Hihihi!!!

  5. tucumi

    Hầu nào giờ tucumi tui cứ kiu KTM là… Khổ Thí Mẹ đó!

    • Phượng Lầu

      Còn Sướng thì…Thấy Cha hở anh tucumi?
      Còn thế nào thì…Thấy Tucumi?
      Hahaha???

      • tucumi

        Hehe… Đi cuốc đất là… Thấy Củ Mì đó!
        Không những thấy củ mì mà thấy luôn mấy con sùng cỡ bằng ngón tay trắng na trắng nỏn, thấy luôn dế cơm, nhái mén… Quăng vào lửa, lát sau có ngay món “bồi dưỡng quàng tráng”… Sướng kể gì… Quynh quang kể gì!

        • Phượng Lầu

          Hahaha!!!
          Vậy mà từ hồi nào đến giờ PL cứ ngỡ là anh lấy tên …Tây!
          Hahaha!!!

        • Phượng Lầu

          Cuộc đời những thay đổi biển dâu,
          Cái ngày KTM còn đâu!
          Khóc sầu theo con tàu định mệnh,
          Nay hết rồi những tháng ngày đau…

          Chúc anh sống tiếp những ngày vui và khỏe!
          Nhưng hết Củ Mì rồi thì đổi thành Seafood đi!
          Hihihi!!!

        • Phượng Lầu

          Muỗi kêu êm tựa tiếng sáo diều,
          Huống gì tiếng thỏ thẻ người yêu!
          Huống chi giọng hát người ru ngủ,
          Ôi Kinh Tế Mới đẹp mỹ miều!

          Lắm đĩa lềnh khênh tựa bánh canh,
          Ngon như vớ được mãnh chiếu manh,
          Nằm mơ thấy Giáng Tiên trong mộng,
          Óc tưởng tượng giàu quá hở anh?

          Tư Củ Mì tựa tucumi,
          Thằng Tây nó nghe chẳng hiểu chi?
          Phượng Lầu tưởng anh mang tên Mỹ?
          Ai dè anh Tư ăn củ mì!
          Hihihi!!!
          PL
          June 30, 2018. 8:40 pm

    • Tào Lao

      Hí hí ,, đi KTM dzui lém đó anh Tucumi ạ
      Ờ mà hầu đó anh Tucumi có được đi KTM không vậy 🤪🤪🤪

      • tucumi

        Ở chỗ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” đó tucumi tui chịu hổng thấu mới trốn dìa Sè Ghềnh, lang thang lếch thếch kéo lê kiếp không nhà không nghề, xơ rơ xác rác một thời gian khá dài… Thế là… Khổ Thí Mẹ tập 2!

        • Cà Kê Dê Ngỗng

          Ủa ,, dzậy hầu đó anh Tucumi hổng nhậu móm mắt muỗi sao ? Nghe nói Mao chủ tịt hầu đó chuyên ăn món mắt muỗi nên thức trắng 07 đêm liên tiếp cũng ko xi nhê gì ,,,
          Còn món đỉa làm bánh canh cũng hết sẩy luôn , dzẫy mà trốn dzìa Xì Gòn uổng thiệt !!!

        • Phượng Lầu

          Mèn ơi!!!…. Lòi ra thêm một ông KTM?
          Hahaha!!!
          Phen này phải nói Từ Quan kể thêm nhiều chuyện nữa để coi có thêm bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc???
          Hihihi!!!

          • Phượng Lầu

            Em cười là tại vì em thấy anh Tucumi nếu giễu có duyên quá hà!
            Hihihi!!!

            • tucumi

              Chời quơi… Lần đầu trong đời có ngừ khen tucumi tui nói chiện có diên kìa… Xhướng Thí Mẹ đó! – Cảm ơn PL.

              Tucumi làm Tây Ba Lô
              Trên quê hương Tư – chốn giang hồ
              Nhưng vẫn giữ mình luôn ngay thẳng
              Không cong quẹo trong cảnh xô bồ

              Bởi thế nên cứ đói nhăn răng
              Sáng trưa chiều tối dạ chẳng căng
              Lưng lửng trong bụng vài ba củ
              Chỉ đủ vừa cho… kín kẽ răng

              Hehehe… !

    • từ mạnh long

      😀😀😀😀😀😀
      Cây Ti Em đúng là Khổ Thí Mẹ…he….he….
      Học được thừ mới, thén kìu cái đùng Tucumi!

  6. Phượng Lầu

    Má ơi đừng gả con xa!
    Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
    Gả con hàng xóm biết nhau,
    Ngờ đâu cũng bước qua cầu đắng cay.

    Nước nhà giải phóng rồi đây?
    Khoai lang mì sợi độn ngày nắng mưa.
    Về Kinh Tế Mới rừng thưa,
    Ruồi bu muỗi đốt rệp ưa máu người.

    75 thời thế đổi dời,
    Con quan nhà ngụy đổi đời lầm than.
    Nay lòng còn chút ngổn ngang,
    Lệ rưng tơ rối thương đàn gà nuôi.
    PL
    June 27, 2018. 9:55pm

    • từ mạnh long

      😀😀😀😀

    • tucumi

      Ở KTM Dương Minh…
      Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh

      • Tào Lao

        Bây giờ ở quê nhà nẫu nhậu món đỉa ngon và bổ lém đoá ,,, cỡ đại gia mới dám chơi món nầy 👍👍👍

      • Phượng Lầu

        Tucumi hỡi Tucumi!
        Anh đi KTM mà chi?
        Nuốt trợn trừng củ mì củ sắn!
        Rồi mệnh danh là Tucumi!

        Anh đi KTM Dương Minh,
        Anh ngoảnh mặt bỏ đi lặng thinh.
        Rời nơi muỗi kêu như sáo thổi,
        Nơi đĩa lềnh khênh tựa bánh canh…

        Phận cơ hàn đơn bóng mong manh,
        Thân lang thang lếch thếch đầu gành,
        Kéo lê thê một thời phiêu bạc,
        Một thời đành homeless chiếu manh.

        Đời biến anh thành Tây Ba Lô,
        Quá khứ đã đi vào hư vô,
        Hơn nữa đời người anh kham khổ,
        Bây giờ anh biết mình đi mô?
        Hihihi!!!
        PL
        June 28, 2018. 10:30pm

  7. Phượng Lầu

    Con là trai lớn trong gia đình,
    Là người con Bố đặt niềm tin,
    Quyền huynh thế phụ con nhớ lấy!
    Gạt nước mắt nhìn con xin vâng!

    Mẹ còn hiu quạnh lại một thân,
    Vận mạng miền Nam chuyển xoay dần,
    Con quan nhà lính thành dân ngụy,
    Ngụy quân ngụy quyền lụy xác thân.

    Vượt nghìn dặm đến Hoàng Liên Sơn,
    Đày cho thân xác gục tiêu dần,
    Chông gai cơ cực dồn cay đắng,
    Cải tạo tai ương họa hiểm thân.

    Thân Cha vai gánh nặng non sông,
    Đời trai chẳng thẹn chí tang bồng,
    Nay bị đoạ đày vô phương chống,
    Cứu Cha giảm tội con xung phong.

    Bỏ cửa bỏ nhà dọn phương xa,
    Tâm hồn non nớt lẫn thật thà,
    Đi Kinh Tế Mới con tự túc,
    Giữ nhà, yên phận gia đình ta.

    Một thời Công Tử chốn giàu sang,
    Một thời Tiểu Thư lắm huy hoàng,
    Nay tay con cày sâu cuốc bẩm,
    Đời biến con thành kẻ bán than.

    Ngày nào con mặc đẹp ăn sang,
    Ngày nay con vác củi chở hàng,
    Cơ cực lầm than bao năm tháng,
    Được dĩa cơm sườn trứng…quá sang!

    Trở về thăm Mẹ lòng ngổn ngang,
    Chẳng nhìn ra con Mẹ ngỡ ngàng,
    Nhận ra ôm nhau tràn nước mắt,
    Chỉ còn biết ôm hận khóc than!

    Mẹ dãi dầu buôn bán thuốc rê,
    Thành phần tệ nạn Cách Mạng chê,
    Lê thân bươn chãi tìm phương sống,
    Nữ trang xe tủ đi khỏi về…

    Tiểu Thư đài các phận mỏng manh,
    Quấn quít yêu thương mộng ước lành,
    Theo về tổ ấm Kinh Tế Mới,
    Hai quả tim vàng túp lều tranh.

    Theo chồng hớn hở ngỡ như tranh,
    Quấn quít bên nhau chốn an lành,
    Nhà đây bếp đó mình quanh quẩn,
    Ủa nhưng mà …cầu tiêu đâu anh?

    Thế là sau cái túp lều tranh,
    Anh em đào cái lổ thật nhanh,
    Cậu em hăng hái đào quên nghỉ,
    Lổ sâu kêu la cứu em, anh!

    Thế rồi mọi việc cũng tạm xong,
    Bán than trồng trọt nuôi gà giòng,
    Gà đông phải xây hàng rào chống,
    Kẻo gà mất tích uổng cái công.

    Vào rừng tìm đốn cây thẳng cao,
    Đem về xây cất cái hàng rào,
    Lỡ gà lao xao rồi lạc mất,
    Chặt cây một đống chất thật cao.

    Trời chiều chạng vạng nắng nhạt mau,
    Ngại lạc rừng sâu tựa hôm nào,
    Tới đâu cũng chặt cây làm dấu,
    Để về chẳng lạc hướng bên nhau.

    Thấy thương vợ lẻo đẻo theo sau,
    Lững thững chân đi với bụng bầu,
    Mồ hôi nhuể nhoải nhem mái tóc,
    Chẳng hề than thở đợi anh lâu.

    Đỡ nàng để ngồi ngất ngưỡng cao,
    Giống trên lưng lạc đà không nào?
    Trên cao Tiểu Thư ngồi chiểm chệ,
    Tiên Nữ giáng trần giữa rừng sâu.

    Bụng em càng lớn sắp sanh con,
    Anh đưa em trở lại Sài Gòn,
    Nội ngoại cách nhau vài ba mét,
    Để em tiện việc sanh nở con.

    Bán than hẽm Tân Định một hôm,
    Bổng thấy chú gà ô, gà đòn,
    Trổ tài xem tướng chân đầu cánh,
    Phải mua cho được linh kê con.

    Tiền lời không đủ mua linh kê,
    Lòng rộn ràng quá đỗi đam mê,
    Đành bán đứt đi chiếc nhẫn cưới,
    Ôm gà hớn hở suốt đường về.

    Ngờ đâu bán chiếc nhẫn hẹn thề,
    Mua con gà đắt giá đam mê,
    Vợ tức quăng luôn chiếc nhẫn cưới,
    Giận chồng bán chiếc nhẫn phu thê.

    Ngỡ vui nào ngờ lại buồn ghê!
    Tìm đến anh Sang ruột não nề,
    Tìm đâu đôi nhẫn trao ngày cưới?
    Dẫu tình vẫn chất ngất mân mê.

    Rồi con gái đầu lòng ra đời,
    Mới còn chập chững biết đi thôi,
    Ôm con quay về Kinh Tế Mới,
    Sum họp vợ chồng con vui tươi.

    Ngày em đi vườn tược sum suê,
    Em về nhà cửa ôi thảm thê!
    Đêm nhìn sao sáng qua trần rách,
    Ngày thì nắng rọi ngập phủ phê.

    Vào những đêm mưa tí tách reo,
    Chiếc poncho che cái mùng treo,
    Ôm em sát cánh nơi khô ráo,
    Cũng cho anh giấc mộng say vèo!

    Nhớ mãi một buổi trưa hôm nào,
    Đánh đất gieo trồng đậu cho mau,
    Nghỉ tay mồ hôi ôi nhễ nhại,
    Bắt gặp hình nàng tay vá mau.

    Áo quần làm rẫy rách tả tơi,
    Em khâu em chấp vá nhiều nơi,
    Hình ảnh nhẹ nhàng dễ thương quá!
    Ước gì chụp kỷ niệm tình ơi!

    Thế rồi ngày đến lại ngày qua,
    Gà đẻ lắm con chạy đầy nhà,
    Một hôm có hai tên mặt lạ,
    Ra vào với cái rựa lâng la.

    Rồi vào một đêm cũng không xa,
    Con gái cưng yêu cứ khóc oà,
    Nhóm lửa đun nước 3 giờ sáng,
    Phát giác chẳng còn một con gà!?!?

    Ngỡ ngàng lẫn tức giận thế là,
    Tay cầm rựa chân đạp thật xa,
    Tìm gà mà lòng như tan rã,
    Nghẹn cổ tràn hông tức mất gà!

    Mỗi ngày đều ra chợ tìm gà,
    Mỗi ngày đạp xe đạp gần xa,
    Đảo điên đưa mắt tìm kẻ trộm,
    Não nề thất vọng tiếp ngày qua…

    Gia tài dành dụm cũng như không,
    Ước mơ thành vô vọng viễn vong,
    Bỏ Kinh Tế Mới, Sài Gòn sống,
    Nước mắt tuôn ngoài, quặn đau trong…
    PL

  8. Tào Lao

    Có cái câu nầy dí dỏm nè ,,,
    Mẹ và các em ở lại Sài Gòn, mỗi lần về thăm thì lại thấy trong nhà đồ đạc cứ vơi đi.
    Hầu đó mình thường nghe người ta nói “nếu cột đèn biết đi thì nó cũng đi ,,, “
    Bây giờ nghe TML kể là đồ đạc trong nhà cứ vơi đi , vậy là đồ đạc cũng biết đi luôn 🤪🤪🤪

    • từ mạnh long

      Dzẫy là hầu đó ngừ ta chưa biết đồ đạc cũng biết đi hén Tào Lao….he…..he…..

      • Cà Kê Dê Ngỗng

        Ờ hén , vậy mà đồ đạt hổng đi thẳng qua trời Tây luôn cho sướng đời ,,, để ở lại chịu mọi điều đắng cay 😎

  9. Trầm Tưởng-NCM

    Hai Chai nói rất đúng! Bác Từ kể chuyện rất hay, lôi cuốn người đọc thích thú hồi hộp theo từng dòng chữ: Từ cảnh đi bán than nhem nhuốc tới cảnh nhà phất lên nhờ nuôi gà chọi giống rồi cũng vì đàn gà mà tan gia bại sản. Thật là tậu cho thân bác Từ. Mà bác Từ cho TT hỏi nhỏ nghen: khi bà xã lột nhẫn của bả vứt xuống lỗ cống, bác kg tiếc của hay sao mà kg chịu khó mò tìm lại hè???Để mất luôn uổng dữ dzẫy!!!

    • Phượng Lầu

      Hihihi!!!
      Nói nhỏ anh Trầm Tưởng nghe nhe!
      Hồi PL đọc tới chỗ bà xã Công Tử Từ quăng chiếc nhẫn, PL thấy bả bảnh quá! Phải chi PL có ở đó là PL …mò cống lượm của đi vượt biên rồi!
      Uổng thiệt!
      Hihihi!!!
      Hôm nay mà Công Chúa đọc bài này chắc thấy thương Công Tử đứt guột, tẹt tẹt…!!! Biết đâu tối nay ổng bả kiếm thêm 1 đứa quốc tịch Canada đó!
      Hahaha!!!

    • từ mạnh long

      Ờ hầu đó sợ…..dơ tay….he…..he……

  10. maylangthang

    Anh Từ ơi may mắn là Mây còn biết mặt con bò,tuy hình dáng giống nhau nhưng con trâu đáng yêu hơn con bò nhiều vì trâu có bộ lông vàng rất dễ thương!

  11. Nguyên Thủy

    Anh Từ bán than hồi đó…hèn gì lâu lâu nghe ảnh than thèm gà tơ wá…?

  12. Nguyên Thủy

    Chuyện kể rất hay và cảm động. Hơn 40 năm rồi mà qua lời kể của tác giả mọi sự kiện như mới xảy ra hôm qua…Đó là khỏang thời gian đau buồn nhất cho đa số người miền Nam…Hệ qủa là họ phải bỏ quê hương mà đi dù biết những hiểm nguy đang chờ ngoài biển…Cảm ơn anh Từ đã kể lại giùm cho biết bao người đi KTM…Nhớ kể tiếp nghen anh…

    • Thuỳ Dương

      Thuỳ Dương cũng có ý nghĩ dúng Nguyên Thuỷ dzị đó , anh Từ cứ tiếp tục viết thật nhiều đi, biết đâu mai mốt sẽ có một tác phẩm để đời ,chương trình đẩy dân đi KTM cũng là một cột mốc quan trọng sau năm 75 mà thế hệ sau này cũng cần biết, phải hông nè?

    • từ mạnh long

      Cám ơn NT và TD, kỷ niệm về KTM trong bao năm khó có thể gom lại trong vài trang giấy.
      Nếu viết nữa thì sợ sẽ thành truyện dzài nhiều tập sẽ làm cho các bạn nhàm chán vì dzài quá thời giờ đâu mà đọc.
      Thâu thông càm nhen. He….he….

  13. Phượng Lầu

    Từ giả Bình Sơn huyện Long Thành,
    “Hai quả tim vàng túp lều tranh”,
    Ngày đêm muỗi đốt ruồi bu đậu,
    Nhện kiến rệp vương vấn tình sầu.

    Quan còn thương nhớ lắm đàn gà?
    Mê gà nhẫn cưới đành cởi ra,
    Vợ giận mê gà hơn mê vợ?!?!?!
    Quăng nhẫn dạy chồng bài học nha!
    Quan thuộc bài chưa?
    Hihihi!!!
    PL
    June 25, 2018. 6:07pm
    Ps: HUYỆN Long Thành đúng hôn Quan?

  14. Phượng Lầu

    Cố đuổi đau buồn chóng qua mau,
    Đậm sâu ký ức chửa nhạt màu,
    Uất hận khắc ghi vào tâm khảm,
    Nuốt nghẹn tuôn theo giọt lệ trào…

    43 năm ngỡ mới hôm nào,
    Còn nghe cay đắng lẫn thương đau,
    Vết hằn trên trán sầu khắc khoải,
    Cả một giấc mơ đổ dốc cầu…
    PL
    June 25, 2018. 5:31pm

  15. maylangthang

    Anh Từ thích gà như vậy khi qua Canada anh có nuôi gà lại hông?

  16. Hai Chai

    Anh Từ ơi!
    Điều đầu tiên Hai Chai muốn nói là anh viết văn quá hay, lời dẫn truyện dí dỏm lôi cuốn người đọc theo dỏi từ đầu đến cuối câu chuyện mà không thấy nhàm chán!
    Thứ hai là trí nhớ của anh quá tuyệt vời, điều đó chứng tỏ rằng những kỷ niệm ấy đã in sâu vào ký ức không thể nào quên được phải không?
    Đọc bài của anh HC thấy thấp thoáng có cuộc đời của mình trong đó! Cám ơn anh đã gợi lại những ngày tháng đó!

    • Phượng Lầu

      Anh Hai Chai nói đúng!
      Từ Quan…
      Kể chuyện có duyên, ngắn, gọn gàng,
      Văn chương trôi chảy nối từng trang,
      Lắm khi rượu viết thay Quan viết,
      Cà phê thuốc lá chẳng thiếu hàng…
      Phải vậy không Quan?
      Hahaha!!!

    • Phượng Lầu

      Anh Hai Chai ơi! Anh nói anh thấy có thấp thoáng anh trong đó. Em đang nhìn hình Ác chụp anh đây, nhưng…

      Làm sao thấy được anh Hai Chai?
      Đang lợp lá hay cầm cây dài?
      Đứng ngồi phải trái đang hăng hái?
      Lợp nóc xây nhà cho ngày mai.

      Nhìn hình sao kiếm được Từ Quan?
      Tay đang cầm gậy đẩy rơm vàng?
      Quan đang trên nóc hay dưới đất?
      Cất nhà cho Hai hay cho Quan?
      PL
      June 25, 2018. 5:48pm

    • từ mạnh long

      Cám ơn HC, nhớ tới đâu thì mình KỂ tới đó, chớ có được …..dzăng chương chữ nghĩa như ngừ ta đâu!
      Thấy các bạn cứ nói VIẾT VĂN làm mình thiệt là ngại ngùng, mơi mốt hỏng dám…múa rìu qua mắt thợ nữa đâu, trang nhà thiếu gì nhà dzăng!

    • từ mạnh long

      Khó quên lắm HC, miếng ngon nhớ lâu, cái đau nhớ đời là vậy đó!
      Bây giờ cũng có nhiều chuyện để…nhớ nữa đó, nhưng không dám kể mô…he….he…..

      • Hai Chai

        Hai Chai biết nè, có muốn HC noái thử hơm anh Từ?

        • từ mạnh long

          Để si nghĩ thiệt kỹ rầu mới trả lời nhen….he…..he…..

        • Phượng Lầu

          Anh Hai Chai ơi!
          Đường tơ sợi tóc vướng gót chân,
          Vướng đã bao năm đã bao lần?
          Đến nay con tim còn vương vấn,
          Bao mối chìa lìa bao ái ân?

          Tóc đã bạc màu sắp tàn Xuân,
          Cớ sao duyên phận chửa chịu dừng?
          Máu đỏ buồng tim còn luân chuyển,
          Máu nóng nguội dần vẫn chuyển luân.

          Có những mối tình ngại ái ân,
          Trốn Chạy Ka Tê hỏng dám mần,
          Trước ngã ba đường bừng tỉnh dậy,
          Sợ bãi tình trường…đành rút quân!
          Hihihi!!!
          PL
          June 29, 2018. 10:00am

        • Phượng Lầu

          Anh Hai Chai ơi!
          Đường tơ sợi tóc vướng gót chân,
          Vướng đã bao năm đã bao lần?
          Đến nay con tim còn vương vấn,
          Bao mối chìa lìa bao ái ân?

          Tóc đã bạc màu sắp tàn Xuân,
          Cớ sao duyên phận chửa chịu dừng?
          Máu đỏ buồng tim còn luân chuyển,
          Máu nóng nguội dần vẫn chuyển luân.

          Có những mối tình ngại ái ân,
          Trốn Chạy Ka Tê hỏng dám mần,
          Trước ngã ba đường bừng tỉnh dậy,
          Sợ bãi tình trường…đành rút quân!
          Hihihi!!!
          PL
          June 29, 2018. 10:00am

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.