MƯA KHUYA – Phần I

Nguyễn Đức Diêu

Mua_khuya2
Cường lầm lũi bước. Mưa xối xả. Những giọt nước thổi vào mặt hắn ran rát. Nước mưa chan hòa lên đầu cổ, mình mẩy, áo quần hắn. Hắn ướt nhẹp và cảm thấy thích thú. Thật đã! Mười năm nay hắn mới có được cái cảm giác như thế này – cảm giác của một con người tự do trong mưa gió.
Đêm đã khá khuya. Phố vắng, đêm tàn…Về đâu, về đâu?(*). Những con đường bập bềnh sóng vỗ, chỉ còn ta xào xạc bước chân khuya…
Hắn rảo bước về hướng Gò Vấp, nơi người anh cùng cha khác mẹ của hắn ở trong một con hẻm nhỏ.
Mười năm qua, vật đổi sao dời ! Nhưng Cường vẫn nhận ra con hẻm nhỏ hun hút sâu. Có lẽ, con hẻm cũng không mấy thay đổi, như cuộc đời những cư dân của nó. Quẹo trái một ngã tư, cột điện thứ hai. Đây rồi! Căn nhà nhỏ kế cột đèn, có bề ngang ba thước và chiều dài sáu thước với gác gỗ. Bất giác Cường ngước nhìn lên trên, nơi hắn đã nhiều lần qua đêm hơn mười năm trước. Hàng lan can gỗ trầy trụa, loang lỗ dưới ánh đèn vàng như nói lên cuộc sống đạm bạc của gia đình anh hắn. Dù sao, thì đây cũng là gia đình người thân duy nhất của hắn ở thành phố nầy. Ra khỏi nhà tù, hắn như muốn chia sẻ niềm vui cùng người anh, dù anh em trước kia cũng không thật sự tâm đắc.
Có tiếng động trong nhà. Rồi tiếng người nói, có vẻ gắt gỏng :
– Ông đừng nói tui không biết. Tui nghe hết rồi. Lúc nầy ông bày đặt hư hỏng, mê con nầy con nọ. Tui nói thiệt, mấy cái con bia ôm đó nó moi tiền ông chứ không tiền coi nó thèm không cho biết.
– Đừng có mà nói xàm. Bày đặt nghe lời người nầy người nọ nói bậy bạ. – Anh của hắn chống trả yếu ớt.
– Bậy gì ! Không thì tiền bạc đi đâu hả ? Tui mà thấy ông lẹo tẹo với con nào, tui chém cho biết tay.
“Ồ! ”. Hắn chợt thấy buồn chán. Buồn cho anh hắn đã sa vào những đam mê tầm thường nhưng khó tránh khỏi của cuộc sống. Buồn cho chị dâu hắn đã bị cơn lốc đời cuốn trôi hết cả những hiền dịu ngày xưa.
Cường lắc mạnh đầu. Những giọt nước mưa vung vãi tung tóe như nỗi lòng tan vỡ của hắn. Một cơn gió thoảng qua, Cường thấy lạnh- cái lạnh từ trong lòng lạnh ra. Niềm vui hội ngộ tưởng như sắp có bỗng chốc xa vời. Cuộc sống sao luôn phức tạp với những bất ngờ không mong đợi. Cường quay ngược ra khỏi con hẻm. Tiếng bước chân buồn buồn vang lên đều đều, nhè nhẹ. Phố vắng, đêm tàn…Về đâu, về đâu…?
Ngày hôm sau, Cường tìm qua quận 9 để thăm mẹ của Bồng- thằng em kết nghĩa trong tù. Trong mười năm tù tội, Cường đã qua nhiều trại giam. Hắn cũng đã gặp rất nhiều bạn tù gồm đủ hạng người- giang hồ, nông dân, sinh viên, công nhân… Có nhiều người sa chân lỡ bước vào đường xấu, nhưng cũng có người chỉ vì một phút nông nổi, như hắn, hay đơn giản hơn, chỉ vì số phận không may mắn phải đành chấp nhận sự nghiệt ngã của cuộc đời. Tuy gặp nhiều người, nhưng Cường chỉ kết nghĩa anh em với một người duy nhất, chính là Bồng. Hắn đã hứa nếu được tự do trước thì hắn sẽ tới thăm mẹ của Bồng.
Quận 9, một quận mới của thành phố được tách ra từ Thủ Đức cũ. Những năm trước, nơi đây vẫn còn là thôn quê với ruộng lúa và sông rạch, dừa nước khắp mọi nơi. Cảnh quan lúc này đã thay đổi nhiều. Hàng quán, nhà cửa mọc lên dọc theo những con đường mới mở đã tạo cho vùng đất có bộ mặt và luồng sinh khí mới.
Ngồi trên xe buýt chạy dọc theo đường Nguyễn Duy Trinh, Cường nhìn những bảng hiệu bên đường. “À ! Còn quận 2…” Lời của Bồng, Cường vẫn nhớ rõ :” Đầu đường Nguyễn Duy Trinh, xe buýt chạy lên 5 cây số, tới trạm…thì xuống”.
Sau khi hỏi thăm tới người thứ ba thì Cường cũng tới được nhà bà Tám Chỉ, mẹ của Bồng. Một căn nhà lá ven con rạch với bóng dừa bao quanh mát rợi. Tiếng chó sủa, rồi một người con gái bước ra. Cường nhìn sững, “Giống thằng Bồng như đúc, Bồng đẹp trai nên cô nầy cũng xinh “. Đối diện Cường là ánh mắt có vẻ như ngỡ ngàng của cô gái không quá trẻ.
– Chào cô! Có phải là nhà của Dì Tám, mẹ của Bồng không à? – Cường lên tiếng, phá tan sự im lặng.
– Chào anh! Có phải…anh là…anh Cường không ?
Đến lượt hắn ngỡ ngàng vì ngạc nhiên:
– Sao cô biết vậy ?
– Mời anh vô nhà đã. – Cô gái không trả lời ngay câu hỏi của Cường mà miệng lại mỉm cười như muốn gợi tò mò thêm cho hắn.
– Má ơi! Đây là anh Cường lại thăm má đó .
– Trời đất ơi! Cường về rồi đó hả con. Thiệt là tạ ơn trời Phật mà !
Người đàn bà, khoảng hơn sáu mươi, bước tới nắm tay Cường, như một người mẹ mừng vui đón con trở về. Cường xúc động, nhưng không khỏi sững sờ :
– Sao Dì lại biết con vậy ?
– Con ngồi nghỉ đi đã. Thu, lấy nước anh uống con. – Bà kêu con gái.
Rồi bà Tám bắt đầu kể :
– Tháng rồi, Dì nhận được thư của thằng Bồng. Thiệt mừng ghê luôn! Dễ gần cả năm rồi có thấy tin gì nó đâu. Lúc trước, còn ở trại cũ thì Dì có đi thăm. Nhưng lần đó lên thăm thì người ta nói nó đã chuyển trại rồi, nói Dì về chờ thư. Thư cũng chẳng thấy, mà Dì lên đó hỏi thì người ta nói không rõ ràng gì hết. Bởi vậy nhận được thư, biết nó ở trại đó là mẹ con Dì đi thăm nó liền.Lên gặp, nó mới kể chuyện con giúp đỡ nó trong đó. Thằng Bồng nó nói con là người cứu sống nó, đã vậy còn hướng dẫn cho nó hiểu để còn đường về làm lại cuộc đời. Nó cũng nói là kết nghĩa anh em với con nữa. Thiệt là mẹ con Dì cám ơn con hết sức !
– Có gì đâu Dì! Con với Bồng là anh em mà. Tụi con chung cảnh ngộ nên phải thương nhau thôi.
– Bồng nó có nói, anh Cường về sẽ lại thăm má. Nên khi thấy anh tới thì em biết liền là vậy đó, vì có ai mà kiếm mẹ con em đâu. – Cô gái tên Thu, chị của Bồng tiếp lời mẹ.
Trưa hôm đó, bà Tám Chỉ bắt Cường ở lại ăn cơm trưa nói chuyện. Cường thấy mẹ con bà Tám thật tình quý mến hắn dù chỉ mới lần đầu gặp mặt nên cũng cảm động. Hắn như tìm thấy lại được tình cảm gia đình từ lâu đã mất.
– Con với Bồng làm như có số gặp nhau hay sao đó. Hiếm có ai mà ở tù lại có hai lần chung trại, chung phòng như tụi con lắm.
Cường kể tới đó thì bỗng dưng ngừng lại. Đôi mắt hắn như nhìn đâu đâu, khúc phim ngày cũ đang lướt qua trong đầu hắn với bao thương đau…
* * *
“Trời cũng đã gần tối. Phòng vừa ăn cơm chiều xong. Gần bốn chục con người trong căn phòng 50m2 chia thành từng nhóm nhỏ ngồi nói chuyện. Thỉnh thoảng, tiếng rít thuốc lào vang lên giữa dòng âm thanh rì rào, đều đều quen thuộc.
Bóng người đi tới, rồi tiếng mở cửa lách cách. Một người bước vào rồi tiếng cửa đóng lại. Qua ánh đèn vàng vừa thắp sáng, một thanh niên trẻ, chỉ khoảng mười bảy mười tám còn đang bỡ ngỡ thì đã có tiếng nói :
– Lại trình diện anh Hai đi mầy !
Bồng, tên người thanh niên vội bước tới góc phải của căn phòng. Dù mới vô tù lần đầu nhưng nó cũng hiểu luật lệ nơi chốn đặc biệt nầy, qua lời những thằng bạn khác kể trước đây. Bồng bước tới ngay trước mặt một người ở trần, với hình xâm con cá sấu há miệng dài suốt trên tay phải mà hắn biết ngay là “Đại bàng” của phòng. Còn đang xớ rớ thì Bồng đã lãnh ngay một cái tát chúi nhủi, mắt nổ đom đóm.
– Quỳ xuống !
Khi Bồng đã quỳ xuống, một cú đánh nữa vào vai làm nó gập người xuống oằn oại.
– Tội gì? Tó lúc nào? – Anh Hai lên tiếng.
– Dạ! Giựt giản. Mới bị lúc chiều.
– Sao mầy lại vô đây? Đâu rồi, đưa đây.
– Dạ vì đang có chiến dịch mà em lại chơi trúng ngay con “rít” Nhựt, nhưng lúc bị rượt em xềnh cho thằng bạn rồi.
Một cú tát vào mặt làm nó như bật ngửa ra, máu rỉ một bên khóe miệng.
– Xử nó đi !
Cả phòng lặng im – muốn hay không- thì mọi người cũng phải xem khúc phim sắp diễn ra, không phải lần đầu. Mấy tên đàn em quậy một ca nước xà-bông và bắt Bồng uống. Chỉ vài phút sau, Bồng đã nôn thốc nôn tháo ra những gì trong bao tử nó.
– Sao?
– Dạ! Không thấy gì hết anh Hai.
– Cho nó uống thêm nữa đi.
Lúc này, Bồng trông đã như một xác chết. Mặt xanh nhợt, tay chân run rẩy, ngồi không muốn nổi. Tên đàn em cầm ca nước xà-bông kê ngay miệng Bồng, nhưng nó đã mím miệng lại thật chặt.
– Cho nó đi tàu lặn! – Tên anh Hai quát lên.
Hai tên đàn em ép Bồng trồng cây chuối, chống hai tay xuống đất, hai chân lên trời dựa vào vách, ngay chỗ tắm rửa. Rồi, một tên bịt mũi, một tên đổ nước xà phòng vào miệng Bồng. Vì ngộp thở nên Bồng phải há miệng thở và uống nước xà-bông vào miệng, hai tay chống xuống đất nên cũng không thể chống cự, cựa quậy gì được.
Thật ra, đây chỉ là một cách hành hạ, tra tấn. Cái cảnh tượng nầy đã diễn ra nhiều lần nơi đây và những ai trông thấy lần đầu không khỏi khiếp sợ. Một số ít thì bất nhẫn giữa hành vi của con người đối xử với con người, nhưng cũng đành im lặng. Trong phòng, lúc nào cũng có một băng “Đại bàng”, gồm năm sáu tên làm chúa trùm, và chúng tự đặt ra những luật lệ riêng của chúng. Ví dụ như luật cấm tập thể dục, chỉ bọn chúng được tập thôi, như vậy, ngoài chúng ra thì không ai có đủ thể lực để chống lại chúng. Hoặc là vào những ngày được thăm nuôi, thì sau khi nhận “giỏ tắc “ và mang vào phòng rồi, thì chúng sẽ xét lại và lấy những gì chúng thích-dĩ nhiên là những thứ ngon, bổ và chỉ chừa lại những thứ tầm thường cho người tù vừa được gia đình thăm nuôi. Tóm lại, chúng là “vua” trong phòng tù và chúng làm những gì chúng muốn. Gặp người nào dám phản đối, chúng sẽ chơi đòn hội đồng. Ngay cả gặp tay võ nghệ chúng không chống cự lại nổi thì ban đêm chúng sẽ đốt “hỏa tốc” nhỏ vô mắt, khi người đó ngủ.
Bồng không chịu nổi nữa. Nó ngã vật xuống, ói liên tụ, mắt trắng dã.
– Không có thì đập cho nó một trận. Đù..mà. nó làm mắc công tao quá!
Cả phòng im thin thít. Nhưng bỗng có tiếng nói cất lên :
– Vừa phải thôi mấy ông! Đã không có thì tha nó đi .
Mọi khuôn mặt đổ dồn về phía người vừa lên tiếng. Không ai khác. Chính là Cường Mỏ-lếch, một bạn tù mới vào phòng chỉ một tuần. Tuy là người mới chuyển vô, nhưng Cường mỏ-lếch lại được mọi người trong phòng vị nể, ngay cả băng Đại bàng cũng vậy. Chúng vị nể Cường không phải vì Cường mạnh hơn chúng, nhưng là vì cái tội của Cường nặng hơn chúng nhiều. Trong phòng, hầu hết là tội phạm hình sự mà đa số là bộp nhơ, chỉa đổng, quái xế, nhập nha, quậy súp… Ngay cả tên Đại bàng, anh Hai cũng chỉ mới là tội hành hung gây thương tích nên khi biết tội danh của Cường ai cũng phải nể mặt : Tội Giết Người.
Dù không ai biết rõ trường hợp của Cường như thế nào, nhưng trong thế giới tù, luật giang hồ hiểu ngầm với nhau như vậy. Tuy là luật giang hồ nhưng cũng có cái lý của nó: đã giết người thì còn sợ ai nữa! Đừng có mà chọc vào! Với lại, trong giang hồ, những kẻ như vậy phải được tôn lên một bậc, không phải ai cũng có gan làm chuyện đó.
Nhưng bữa nay, Cường đã phạm vào một luật bất thành văn khác: “ tôi không đụng anh, anh cũng đừng đụng tôi “. Đại bàng bị ê mặt vì có người dám lên tiếng với hắn. Hắn gầm lên :
– Đù..mà. Mầy là gì mà dám lên tiếng hả ?
Cường không nói, nhưng hắn ném một cái nhìn khinh bỉ vào mặt tên Đại bàng bỉ ổi. “Thứ này, tao chẳng coi vào đâu !”, tên Đại bàng đọc được cái thông điệp đó trong ánh mắt của Cường. Hắn đã không còn kiềm chế được cơn giận dữ trước kẻ dám thách thức hắn. Hắn lao vào đánh Cường với ý định cho Cường một bài học. Cường, một thanh niên lớn con, cao gần mét bảy, nặng hơn sáu chục ký lô, chống trả kịch liệt. Cường tuy không có võ nghệ, nhưng là dân lao động. Mười sáu tuổi đã học nghề thợ máy, tay chân hàng ngày làm nhiều công việc nặng nên rất mạnh mẽ rắn chắc. Cường đã cho tên Anh Hai một quả đấm giữa mặt khiến hắn bật ngửa, nhưng những tên đàn em khác đã nhảy vào. Cường vẫn chống trả, nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ “. Một mình chống cự bốn tên, Cường đuối lần. Đúng lúc đó, một tên đàn em của Đại bàng bỗng hự một tiếng rồi ngã nhào xuống- Bồng- chính là Bồng, đạp bồi thêm nó một phát vào bụng. Rồi những tiếng hét đồng loạt nổi lên: ba bốn người nữa nhảy vào vòng chiến, đánh lại băng Đại bàng. Sự uất hận lâu nay đã nhân dịp này bùng phát và nhiều nạn nhân của chúng đã đồng loạt vùng lên tấn công chúng. Bốn tên bị đòn hội chợ nhừ tử và trận chiến kết thúc bằng sự có mặt của quản giáo trại: Tất cả những người tham gia đều phải đi biệt giam!
Sau đó, khi trở lại phòng tập thể thì băng Đại bàng không còn đó nữa, có lẽ đã chuyển phòng, Cường sau đó chuyển qua khám lớn,..
Những tù nhân, ngoài một số ít được thả về vì thiếu chứng cứ buộc tội, còn thì chung một số phận: chờ ngày ra tòa lãnh án. Cường cũng vậy, nhưng số phận dường như đã không quá khắc nghiệt và đã cho hắn cơ hội để làm lại cuộc đời. Nạn nhân của hắn cuối cùng đã qua cơn nguy kịch và hắn nhận bản án 8 năm tù với sự bãi nại của gia đình nạn nhân cộng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đứng trước vành móng ngựa, Cường đã khóc. Khóc thật tình, khóc vì hối hận, khóc vì mừng cho nạn nhân của hắn, và khóc vì hình ảnh còm cõi của mẹ già đang gục vào đôi vai gầy guộc của con gái bên dưới. “
* * *
– Thiệt Dì không biết nói sao, chắc là ông bà đỡ cho thằng Bồng nó gặp con. Lần đầu nó vô rồi gặp con đó, nó bị xử một năm, nhưng nó chỉ ở chín tháng rồi được về. Mà thiệt khổ hết sức, Dì nói nó không nghe ! Ra tù rồi thì được đâu cũng một năm lo làm ăn. Sau đó lại gặp bọn cũ rủ rê, lại đi chơi, quậy phá làng xóm. Cuối cùng rủ nhau làm chuyện bậy bạ để phải trả giá như vậy đó!
Tiếng nói của Dì Tám kéo Cường trở về thực tại.
– Thiệt má em khổ vì nó quá chừng! Nó đã không lo làm ăn gì hết, mà cứ về nhà moi móc bả. Mà má có làm gì ra tiền. Ruộng đất lúc trước của ba để lại bán lần lần, mà cứ mỗi lần nó nghe là nó đòi tiền. Riết rồi má em sợ luôn, còn được mấy công không dám bán nữa. Vậy mà mới bữa trước thăm nó, thấy nó đổi khác lắm, như có phép màu thay đổi nó vậy. Nó nói nhờ anh mà nó mới được vậy, thiệt là em và má không biết làm sao để tạ ơn anh nữa. – Thu tiếp lời mẹ khi thấy bà đã dừng lại vì xúc động.
– Được cô và Dì coi tui như gia đình là vui rồi. Thật ra, tui cũng không biết vì sao tui lại thấy thương thằng Bồng như em mình vậy. Nên khi gặp lại nó lần sau ở trại…tui cố gắng hướng dẫn nó tránh bị sa đà vào con đường xấu. Vì nhiều người ở tù ra thì lại càng tệ hơn nữa.
– Là vì sao vậy anh? – Thu thắc mắc.
– Là vì, khi vào đó thì sẽ gặp những bạn tù khác. Mà đa số là thứ trời ơi đất hỡi không à. Rồi chúng lại cấu kết với nhau, dạy “nghề” cho nhau, rồi hẹn nhau ra tù là “làm ăn” chung. Bởi vậy, có nhiều người vừa ra tù là đã có phe đảng để quậy là vậy đó.
– À , thì ra là vậy! – Bà Tám và Thu giờ mới hiểu ra.
– Thật là đã sẩy chân một lần vào tù rồi thì khó lắm, nếu mình không cứng rắn, thì khó mà rút ra được cái vũng lầy tiếp theo. Con định về quê thăm mộ mẹ rồi sẽ lên đây tìm việc làm. Con có nghề sửa xe hơi và Honda, chắc cũng sống được.
Thu thầm khen cho chàng thanh niên vừa được tự do. Cường thật có bản lĩnh, bao nhiêu năm tù tội vậy mà vẫn giữ được ý chí làm lại cuộc đời. Phải chi chồng mình được như vậy! Thu chợt thở dài, buồn cho thân phận mình.
Bà Tám và Thu cũng ngậm ngùi cho Cường khi được biết Ba của Cường mất từ lâu và Mẹ cũng đã mất cách đây hơn năm năm. Lúc nghe tin mẹ bệnh nặng, Cường đã trốn trại về thăm mẹ, nhưng chưa về tới nhà thì đã bị bắt lại và bị chồng án thêm hai năm nữa.
– Xong rồi con lên đây rồi hãy tính nghe. Cứ coi như gia đình con vậy, thằng Bồng nhận con làm anh thì cũng là con trong nhà mà.
– Dạ !
Thật ra Cường cũng không muốn làm phiền mẹ con Dì Tám, nhưng với tấm chân tình của hai người, hắn khó lòng từ chối được.
Ngồi trên xe về miền Đất Đỏ, Cường thấy bồi hồi không tả. Bao năm rồi mới lại về quê với một tâm trạng mông lung như thế này. Vui vì đã được trở lại cuộc đời tự do, nhưng buồn cũng thật nhiều khi mẹ hiền không còn nữa.

(Còn tiếp)

45 bình luận

Filed under Nguyễn Đức Diêu, Tác Giả, Truyện Ngắn

45 responses to “MƯA KHUYA – Phần I

  1. Đang chờ phần kết của câu chuyện đây , lè lẹ nghen NĐD .

  2. Nguyên Thủy

    Trong chốn giang hồ hiểm ác: khôn cũng chết, dại cũng chết, mạnh cũng chết, yếu cũng chết..Chỉ kẻ biết là sống sót…
    Chuyện thực tế về những trại tạm giam…
    Truyện háp dẫn..Chờ đọc phần tiếp đó anh Diêu

  3. VOQUANGHIEN

    …. Đang chờ đọc tiếp phần 2 của Mưa khuya đây . Xong phần một tui cứ ngỡ nhân vật Cường là NĐD . Và thắc mắc không biết Cường có tiếp bước với Thu không ? chắc câu chuyện sẽ còn nhiều tình khúc éo le cay đắng … Hồi hộp đang chờ đây nghen tác giả .

  4. Nhỏ

    Anh Diêu ơi , Chuyện thật là ….đời thường , nhưng lôi cuốn ….rứa mà còn tiếp . Nhỏ đang muốn biết nhìu về anh Cường và chị Thu, vì mới đọc sơ sơ , Nhỏ đã thấy …nghi nghi .Tôi ráng chớ hen ?

  5. Meocon

    MƯA KHUYA nhưng cũng ấm lòng khi có được một nơi …..anh Diêu hén?Chúc anh khỏe để viết những câu chuyện thực có hậu nha anh!

  6. Anh Dieu
    Câu chuyện của anh gần gũi cuộc sống đời thường, mang hơi thở của xã hội đương đại…gốc khuất mà anh đề cập đến là thế giới của những con người lầm lỗi … Và ở đây, trong cái thế giới đen đó, anh đã thổi vào một luồng gió…đánh động làm thức tỉnh lương tâm con người, thêm vào đó là chất liệu ngọt ngào của tình người đan xen… làm cho câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn…Cám ơn anh đã mang đến cho Trang nhà một câu chuyện hay đầy ấp tình người …

    • NĐD

      Cám ơn Nguyệt Vân đã đọc và chia sẻ nghen ! Đúng như NV nói, xã hội giờ nhìn quanh đầy dẫy những chuyện …không muốn nghe, có điều, ta phải gắng nhìn vào sự thật !

  7. Gà Ri

    Chuyện đang đọc thiệt lôi cuốn tự nhiên ” còn tiếp”, dzậy thì lần sau đọc tiếp , còm tiếp nghen tác giả, hi hi …

  8. Mây Lang Thang

    Câu chuyện rất gần gũi trong đời thường ngày & rất tình cảm ….
    Anh NĐD có nhiều tài qúa,,, nào là nhạc, thơ, văn & nghe nói bóng bàn nữa (ĐA TÀI), em ngưỡng mộ, nhưng hổng biết có đa thê hông nữa , em sợ !

  9. Diêu ơi ,thật lâu rồi mới đọc một bài viết của bạn tui ,bài viết thật sự lôi cuốn Diêu chỉ mới gửi đăng Phần 1 thôi nhưng mình cũng mong một kết thúc có hậu cho câu chuyện này ,,đó là Cường một con người lầm lạc vì có án ,mới ra tù sẽ làm lại được cuộc đời sẽ tìm đc hạnh phúc bên Thu người con gái cũng chịu nhiều bẽ bàng đau khổ vì chồng con ,,một cuộc sống hạnh phúc đơn sơ nhưng đúng nghĩ của hai tâm hồn .hai con tim đã chịu quá nhiều đau khổ và Cường đã tìm đc một mái ấm gia đình với Thu ,với bà mẹ Bống đầy tấm lòng nhân ái và phúc hậu ..Mong dduocj kết cục thật nồng nàn ,đầy hạnh phúc như vậy nha tác giả Nguyễn Đức Diêu ..Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc thật nhiều bên mái ấm gia đình thân thương nhen ..Thân nhiều ….

    • NĐD

      Cá Thu ơi hỡi Cá Thu !

      Cô Thu đang kiếm Cá Thu kia kìa !

      • Hê hê .Diêu ui …
        Cô Thu thì mặc cô Thu ….
        Cổ kiếm thì kiếm Thu thì hổng ham ..
        Tự nhiên phá đám tèm lem ..
        Cường Thu Diêu kể sao dèm qua Thu ..
        Hê hê sao tác giả lại cho nhân vật của mình đi lạc đè dzậy hè ,Tự nhiên cô Thu là của nhân vật Cường sao lại đem bán cái qua cho Cá Thu hỡ trời ..Bà con xem tác giả chơi dzậy có đc hông hè ,kết thúc câu chuyện phải có hậu chứ .Sao lại Đem râu ông nọ mà cắm cằm bà kia hè …Hi hi ..Chơi dzậy sao bền Diêu ui ….

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.