MA RỪNG

.MA RUNG
Tác giả: Nguyễn Đức Diêu.
.
Trời cuối năm lành lạnh.  Lão Cốm khơi đống than đỏ, mùi khô nướng thơm ngào ngạt.  Lão bẻ miếng khô thơm phức nhai rồi rót miếng nước trà gừng nóng làm một hớp.  Lão bỏ cái đầu cá xuống cho con Mực, con chó đen trung thành của Lão nhai khô rau ráu trong khi lão vỗ vỗ đầu nó nhè nhẹ.
Lão Cốm và con Mực, một người một vật, lặng im cùng âm thanh của rừng.  Tiếng côn trùng rả rích, đâu đó vang lên tiếng mang tát lẻ loi bên tiếng róc rách của con suối Tre âm thầm chảy.  Lão Cốm nghĩ gì ?  Tháng sau, giỗ bà ấy, mới đây sắp tròn năm rồi !  Ngày vợ chồng Lão từ bỏ cái xóm Ninh Thọ nghèo hèn mà lắm chuyện để đi vào đây, cũng đã hơn hai năm.
Trong một lần mãi mê tìm chai, lão đã đi lạc cả buổi và đến con suối nầy.  Giữa rừng già hoang vắng, tiếng suối róc rách êm êm làm lão thấy tâm hồn thật thoải mái.  Lão bỗng chợt có một quyết định : tại sao mình không vào ở hẳn nơi đây ?  Thế là Lão về bàn với vợ, tả cảnh rừng bên suối cho vợ lão nghe.  Vợ lão đồng ý, từ xưa giờ vợ lão có bao giờ khác ý lão đâu.  Ở nửa đồng nửa tỉnh làm gì !  Thân chạy loạn, cơ nghiệp, ruộng vườn gì cũng không.  Hai đứa con trai thì đều mất cả, một thằng theo giải phóng còn một thằng nghĩa quân.  Trong một đêm tiếng súng ầm ì, tới sáng ra, hai vợ chồng lão mang xác hai đứa con về chôn cùng ngày.  Anh em nằm kế nhau không hận thù nhau nữa nghe chưa !  Tiếng khấn của bà vợ lão nghe đăng đắng, mằn mặn.  Lão ngước nhìn lên cụm mây trắng xa xa, lẻ loi cuối chân trời…
Chưa kịp đi thì bà vợ lại bệnh.  Ra bệnh viện, bác sĩ bảo là bà bị viêm gan B, giờ gan đã bị xơ, không còn thuốc gì chữa được nữa, thời gian còn lại của bà sẽ không quá sáu tháng.  Lão thật buồn, biết làm gì bây giờ ?
–  Ông à, mình vô suối Tre ở đi ông.  Tôi muốn ở đó, có chết tôi cũng chịu chết ở đó.  Tôi chán ở đây quá rồi !
 Vậy là hai vợ chồng già dắt díu nhau vào ở ẩn giữa rừng, bên con suối Tre (do lão đặt tên vì hai bên bờ nhiều tre).  Hai người chấp nhận sống những ngày cuối dời cùng rừng, chết sẽ làm ma bảo vệ rừng.
Lão làm một cái nhà sàn để ở và chặt tre để làm một cái sa bắt cá.  Hàng ngày, lão tìm cây chó đẻ về nấu nước cho bà vợ uống.  Lão phát rẫy, chặt những lùm tre dọc theo suối để chuẩn bị mưa xuống trỉa lúa và bắp .  Không biết là nhờ tinh thần thoải mái vì sống giữa thiên nhiên, không còn phiền lụy hay là nhờ ăn cá và uống nước suối nấu với ba cái bụi chó đẻ mà bà Cốm lại thấy khỏe ra.  Cái hạn sáu tháng của mấy ông bác sĩ trôi qua từ lúc nào hai vợ chồng cũng quên bẵng.  Bây giờ bà đã có thể phụ ông làm chồi, hái bắp…Cuộc sống hai vợ chồng già thật êm đềm với tình yêu thiên nhiên.  Tuy lão cũng có thể bẩy thú để ăn hoặc bán nhưng lão không làm, lão muốn tôn trọng sự tự nhiên, ít nhất là trong khả năng của lão.  Hàng ngày, lão thích được nhìn thấy những chú sóc tới ăn những hạt bắp lão rải bên nhà.  Lúc đầu, chúng còn thập thò nhưng rồi chúng quen dần, chẳng còn sợ sệt chi nữa.
Nơi hai vợ chồng lão ở, cách biệt hẳn với làng xóm.  Nơi gần nhất có người ở cũng phải sáu bảy cây số.  Sáu bảy cây số đường rừng là một khoảng cách rất lớn, hầu như chẳng ai mò vào tới chỗ của vợ chồng lão.  Tuy ở rừng nhưng vợ chồng lão không thiếu lương thực.  Cá ăn không hết, làm khô để dành,  bắp lúa cũng đầy đủ.  Lão đã có hai công ruộng lúa cặp bờ suối.  Mùa mưa vợ chồng lão trỉa lúa rẫy tốt mịt mù.  Lão đốn cây đẽo cối và tự giã lúa để làm gạo, trở lại như mấy chục năm trước, lúc lão còn nhỏ.  Thỉnh thoảng, người ta lại thấy một ông lão với búi tóc dài mang mật ong ra chợ Bàu Cỏ đổi đường, muối…chẳng ai biết ông lão ở đâu ra cả !
Mỗi năm, hai ông bà đều về thăm mộ hai con ở một nghĩa trang nằm bên rìa Thị xã.  Nhưng năm nay, cảnh vật đã hoàn toàn đổi khác.  Nghĩa trang không còn nữa !  Thay vào đó là một công trường đang xây cất.  Hai người hỡi ôi, không tin vào mắt mình nữa.  Hỏi thăm những công nhân đang làm thì được biết là nghĩa trang đã được giải tỏa và những ngôi mộ vô chủ còn sót lại thì máy ủi đã san bằng tất cả.  Bà lão nghẹn ngào trong âm thầm “ Con chết rồi vẫn không yên ! “.  Ông lão ngậm ngùi “Đúng là cát bụi, tất cả rồi cũng về cát bụi ! “.
Sau chuyện đó, bà lão suy sụp hẳn.  Nhiều đêm bà trông thấy thằng Hai, thằng Ba về gọi Mẹ, “ Mẹ ơi, con lạnh lắm ! “.  Một đêm mưa, bà lão không dậy nữa, trên tay vẫn nắm chặt tấm hình duy nhất của hai con trai từ lúc nhỏ.
Ông chôn vợ sau cuối rẫy, trên triền đất hơi cao và xa con suối vài chục thước.  Ông cũng đắp hai nấm mộ cho hai con kế bên, dù bên dưới chỉ là tấm hình cắt đôi, bên trên có bia mộ bằng cây, khắc tên họ đầy đủ.  Ông lại làm sẵn một bia mộ với tên họ của mình, dựng kế bên mộ vợ.  “ Bà nghỉ với hai con nhé !  Rồi sau nầy tôi cũng nằm bên bà.  Cả nhà mình cũng sum họp thôi “.
Tuy buồn, nhưng ông vẫn sống.  Ông lão cho cuộc đời là tự nhiên, khắc thế.  Có sinh, có tử.  Đã sinh thì phải sống tự nhiên hợp với trời đất cho đến khi nào ra đi.  Chung quanh, vạn vật cũng như ta cả thôi !  Ông vẫn hàng ngày nhìn những chú sóc nhảy nhót với những hạt dẻ rừng hay ngắm những con két xanh đỏ thật đẹp trên cây bứa sau nhà.  Đi đâu thì đã có con Mực quấn quit bên mình.
Hôm nay ông Lão đi tìm mật ong rừng.  Trong rừng có nhiều loại ong cho mật như ong lỗ, ong mật…nhưng ông vẫn thích nhất là ong mật.  Tổ chúng thường lớn cả thước vuông như một tấm vải mền treo lủng lẳng trên cành cây.  Loài ong mật nầy khá hiền và sợ khói.  Ông chỉ việc leo lên với một cây đuốc chai ủ lá tươi, khói ra nhiều và ong sẽ bay hết.  Lấy ong, nhưng ông không đụng tới ong chúa và chẳng bao lâu sau thì chúng sẽ xây dựng lại tổ khác, ở một nơi khác.
Ông gặp một vài tổ nhưng còn khá nhỏ nên ông không đụng tới, ông tiếp tục đi về hướng Đông Bắc.  Rừng xanh muôn đời vẫn thế.  Tiếng chim hót lảnh lót đâu đó giữa những chùm phong lan trắng muốt trên cao.  Cây vên vên chúa đây rồi !  Đây là một cây vên vên rất lớn, đường kính phải cỡ hai mét, lớn nhất khu rừng mà ông từng gặp nên ông đặt tên nó như vậy.  Đi về hướng nầy, thì nó như một điểm để ông định hướng đi về các hướng khác.  Đi thêm một lát nữa thì ông đã thấy một tổ ong mật khá lớn treo lủng lẳng cách mặt đất khoảng năm thước.  Ông ngồi nghỉ hút điếu thuốc, ngày mai ông sẽ mang mật ra chợ đổi ít dầu, đường, muối.  Ông đã leo lên tới tổ ong với cây đuốc khói tuôn mịt mù bảo vệ ông, lũ ong bay tán loạn.  Bỗng ông nghe có tiếng rào rào là lạ, ông nhìn về phía trước mặt : một cây lớn đang lung lay theo chiều gió rồi ngã rào xuống.  Ông vội vàng gỡ tổ ong rồi tụt xuống, cho tất cả vào cái giỏ mây rồi cùng con Mực đi về hướng tiếng cây đổ lúc nãy.  Ông muốn biết ai đã vào đây hạ cây, để làm gì ?  Ông vỗ vỗ con Mực, ra hiệu cho nó im lặng.  Con Mực đã đánh hơi được người lạ nhưng nó hiểu ý chủ, chỉ hực hực lên nho nhỏ.  Núp sau một lùm cây, ông quan sát : một nhóm người lố nhố bên cây sao vừa mới hạ.  Rừng nầy không có danh mộc như các loại cẩm lai, giáng hương…nhưng lại có nhiều nhất là vên vên rồi đến sao, chò, gõ, dầu…Sao là loại cây gỗ để đóng ghe tàu rất tốt, thứ đến là chò. Gõ (phần lõi) thì thường được làm cột nhà, làm ván nằm…đến khi lên nước trông bóng luỡng rất đẹp.  Đúng ra, ngày xưa cũng có Cẩm lai mà ở đây gọi là Căm xe( vì được dùng làm căm bánh xe bò, rất chắc và đẹp ), nhưng đã bị khai thác hết từ hồi nào không biết.  Ông nghe tiếng được tiếng mất “ Hạ thêm cho khá đi, ngày mai xe bò vô đưa ra “, một người đàn ông đứng chỉ chỏ nói với mấy người kia.  Vậy là nhóm người nầy tới khai thác cây rồi !  Rừng nầy là rừng cấm, họ chỉ có thể khai thác lậu mà thôi.  Lại có tiếng nói “ Có khi nào kiểm lâm vô đây không đó ông ?” . “ Không có đâu mầy, tao bao hết rồi.  Bảo đảm với tụi bây luôn đó, có gì tao chịu cho.  Tao đâu có điên mà đổ công , đổ của vô không không hả ? “.  Ông lão tự nhiên buồn rời rợi.  Những cây rừng xanh tươi từ hàng trăm năm rồi sẽ bị đốn ngã, rừng xanh sẽ chảy máu.  Cánh rừng mấy năm qua mà ông yêu quý như khu vườn nhà đang bị xâm hại bởi nhóm người tham lợi.  Trời đất, thiên nhiên đã cho ta rừng, cây xanh và muôn chim thú, là nơi cân bằng đời sống vạn vật, sao con người lại nỡ phá đi !
Tốp thợ rừng gồm sáu người, hầu hết còn trẻ chỉ có một người trưởng toán khoảng gần năm mươi.  Họ dựng một cái lán nhỏ gần trảng để ở.  Nơi đó, họ có thể đào một cái giếng chỉ sâu khoảng một thước để lấy nước dùng.  Rừng ở đây có những trảng thông với nhau.  Hết rừng rồi đến trảng, hết trảng lại đến rừng.  Trảng là vùng đất thấp hơn rừng, mùa khô chỉ có cỏ mọc, mùa nước thì ngập trông như hồ nước lớn.  Đầu mùa mưa, cá dưới suối đi ngược lên trảng để đẻ nên trảng thường có rất nhiều cá.  Cuối mùa khô thì tụ lại những chỗ thấp nhất gọi là bàu và người dân hay tát bàu bắt cá vào thời gian này.  Đó là một đặc điểm của rừng miền Nam và cũng từ đó mà miền Nam có nhiều địa danh là Trảng hoặc Bàu như Trảng Bàng, Trảng Lớn, Trảng Bom, Bàu Đồn, Bàu Cá…
Tốp thợ rừng mỗi sáng dậy nấu cơm rồi mang theo ăn trưa.  Những thợ rừng tìm những cây sao, gõ hay vên vên lớn nhất để hạ.  Sau đó, họ lại cắt thành từng khúc dài khoảng sáu thước cho xe bò vào di chuyển ra bìa rừng.  Từ đó, những khúc gỗ sẽ được xe be đến mang đi vào giấc nửa đêm.
Ông Huyên, trưởng toán – cũng là chủ cùng với người em chạy vòng ngoài- là một thợ rừng lâu năm.  Phải nói ông là ông thầy rừng.  Thử hỏi bất cứ cây nào, sợi dây nào trong rừng ông cũng biết tên và cả công dụng nữa.  Như dây “Chiều”, dây này rất nhám, nếu đi sơ ý, bị cạ vào người thì da sẽ bị trầy như chà giấy nhám, nhưng nếu cần nước thì có thể chặt ngang dây, nước trong dây sẽ chảy ra rất nhiều và uống được.  Hay dây “Ký- ninh”, lõi màu vàng đậm, nấu nước uống để trị bệnh sốt rét rất công hiệu.  Chính ông đi tìm cây và cắt cử thợ để hạ.  Đối với thợ rừng thì hạ cây không có gì là khó, nhưng họ sợ nhất là gió và cây bị dây leo quấn trên ngọn.  Khi hạ cây, nếu có gió mạnh thì cây có thể bị thay đổi chiều ngã đã được định trước và gây nguy hiểm cho người thợ.  Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là dây leo.  Khi cây bị dây leo quấn trên ngọn, người thợ không thể biết được.  Khi cây đã được cưa hay đốn ngã, cây đứt gốc nhưng không ngã được vì dây leo giựt ngang trên đầu làm cho cây bật lên và tạt ngang rất nguy hiểm, nhiều người đã mất mạng vì chuyện nầy.
Đám thợ rừng làm tới xế chiều khoảng bốn giờ thì trở về lán.  Dụng cụ, cưa búa họ để lại chỗ làm vì chẳng ai vào đây mà sợ mất.  Hôm nay ông Huyên dự tính cho hạ một cây sao và một cây gõ mật mà ông đã tìm được từ hai ngày trước.
Thằng Dênh và Năm Đẩu đang hạ cây sao lớn.  Cây này đường kính cỡ bảy tấc, một người ôm không hết.  Cây sao nầy ở đây thì thấy tầm thường nhưng về được miền dưới rồi thì phải biết, chừng vài cây thì đã đóng được chiếc tàu biển giá trị.
Hai người đã định hướng cho cây ngã (theo tàng cây) và đã mở miệng theo hướng đó.  Chỉ còn cưa bên lưng, cao hơn bên miệng khoảng một gang tay, vô chừng nửa cây nữa là cây sẽ ngã đúng hướng.  Hai người đã cưa vào được gần nửa cây thì ”rắc“một tiếng, lưỡi cưa bỗng gãy hai.
          Lạ há !  Lưỡi cưa mới mà sao gãy, đồ dỏm chắc !   –  Năm Đẩu càu nhàu, rồi tiếp:
          Phải xài búa rồi, mệt ghê !
Búa hoặc rìu cũng có thể hạ cây được nhưng phải ra sức nhiều hơn là cưa, nhất là những cây lớn quá thì khó mà hạ bằng búa nổi.
Cuối cùng thì hai người cũng hạ được cây sao xuống khi trời đã quá trưa.  Như vậy thì hôm nay sẽ không kịp tỉa cành, cắt khúc như đã định rồi.
Hai cặp thợ, bốn người nhưng chỉ còn một cây cưa, cặp làm thì cặp nghỉ vì cắt khúc thì bắt buộc phải dùng cưa rồi.
Khuya hôm đó, chủ Thoan cho xe bò vào nhưng chỉ chuyển được một cây ra bìa rừng.  Xe be thì đã hẹn trước nên cuối cùng cũng phải chấp nhận cho chở đi dù không đủ chuyến.  Như vậy là chuyến nầy lỗ vốn, vì phí chuyên chở rất nặng gồm đủ loại phí, kể cả bôi trơn.
Vài hôm sau nữa, cưa lại gãy !  Tư Huyên và đám thợ rừng yêu cầu chủ Thoan đổi hiệu cưa khác.  Được vài hôm lại gãy nữa.  Rồi Năm Đẩu lại bị cây rớt trúng chân bị thương, may mà còn mạng.  Cái việc “Nhứt phá sơn lâm” nầy thường nhiều rủi ro và thợ rừng cũng rất tin vào những chuyện huyền bí.  Mọi người bắt dầu thấy lo lắng.  Tại sao cưa gãy hoài, rồi thợ rừng lại bị thương nữa.
          Ông Huyên ơi !  Chắc hết đợt nầy, tụi tui nghỉ ông ơi !
          Sao vậy ?
          Ông thấy đó !  Toàn chuyện gì đâu không à, phải nghỉ thôi !
Huyên cũng không biết nói sao.  Anh ta cũng là một thợ rừng nên anh hiểu nỗi lo của những người thợ rừng nầy.  Khi có điều gì xảy ra, người làm rừng thường hay nghĩ đến chuyện xúi quẩy, động rừng, bị quở phạt…vì không biết lý do tại sao.  Huyên cũng vậy, nhưng lần nầy anh ta lại nghĩ khác.  Hình như có kẻ nào đó phá hoại !  Không có lý nào cưa lại gãy hoài.  Nhưng ai ?  Ai vào đây phá, và vì lý do gì ?  Từ vài tuần nay, có thấy bóng ai ngoài đám thợ rừng nầy đâu.
Chiều nay, lúc ra về, Tư Huyên lên tiếng :
           Đem đồ về lán hết đi !
          Sao vậy ?  Sáng lại mắc công vác vô.
Tư Huyên tính nói gì đó, nhưng nghĩ sao ông ta lại bảo :
          Ừ ! Thôi để lại đi !
Đi một đoạn, Tư Huyên lại nói :
          Bun ở lại với tao, cần chút.  Mấy người kia về lo cơm nước trước đi.
Khi mọi người đi khuất, Tư Huyên lủi vào một bụi rậm và kéo ra một cây súng săn cùng cây đèn pin lớn trước con mắt ngạc nhiên của Bun.
          Mình đi săn hả anh Tư ?
          Ừ, nhưng mà…
 Tư Huyên thì thầm vào tai Bun.  Chỉ thấy hắn gục gục đầu, rồi hai người quay trở lại lối bãi làm lúc nãy.   Lúc còn cách chỗ làm lúc chiều khoảng một trăm thước, hai người tiến tới thật chậm, núp sau những lùm cây một.  Lúc này trông hai người không khác gì hai chiến binh đang phục kích giặc giữa rừng.  Cuối cùng, hai người chọn một chỗ cách bãi làm khoảng ba chục thước, núp sau một thân cây lớn và chờ đợi.  Trời bắt đầu tối, những đàn muỗi vo ve trên đầu hai người, may mà y phục hai người khá dày nên không đến nỗi, nhưng hai tay vẫn xoa muỗi trên mặt không ngừng.
          Tối rồi, làm sao thấy được gì ?   –  Bun thì thầm.
          Chờ chút nữa.
Một lát, Bun lại kêu :
          Muỗi cắn quá !
Bỗng Tư Huyên bóp vai Bun:  Một ánh lửa nhấp nhoáng từ hướng bãi làm.
Bun nghe lành lạnh nơi xương sống dù nó cũng là dân gan lì.  Nó hầu như không dám thở mạnh.
Rồi bắt đầu tiếng kim loại siết nhau nghe càng rợn người giữa đêm đen tịch mịch.  Bun nổi da gà, nó nghĩ tới những chuyện quái đản núi rừng.  Nhưng Tư Huyên đã thì thầm, “Đúng rồi !  Mình tiến tới đi ! “.  Hai người một súng một rựa tiến tới gần và qua ánh lửa leo lét cả hai cùng khiếp đảm :  một thứ gì đó- có lẽ là người- đang ngồi trên một khúc cây, chỉ thấy mái tóc dài phủ xuống, từ đó phát ra tiếng kêu siết của kim loại nghe rợn người.
Tư Huyên vùng dậy và quát lên :
           Ê ! Làm gì đó ?
Ánh lửa bỗng tắt phụt kèo theo tiếng loảng xoảng.  Nhưng ánh sáng từ chiếc đèn pin Bun cầm đã quét tới cùng với tiếng súng của Tư Huyên.  Một tiếng thét rồi bóng người thấp thoáng mất hút vào đêm đen.
Tư Huyên và Danh tiến tới.  Qua ánh đèn pin, một dấu máu nhỏ trên khúc cây, đỏ tươi .
          Đuổi theo, nó bị thương rồi !
Hai người soi đèn lần theo dấu máu.  Nhưng, một tiếng gầm gừ vang lên, Tư Huyên hét lên một tiếng đau đớn, cây súng rơi xuống đất.  Bóng đen lại chồm qua Danh… cây đèn pin rơi xuống chiếu ánh sáng leo lét vào một gốc cây dầu…
Chỉ một phút sau, tất cả lại im lặng.  Bun đã nhặt được cây đèn lên, hắn ôm tay lên tiếng :
           Có sao không anh Tư ?
          Tao không sao !  Mẹ nó, con chó đó dữ quá chứ không thì mình bắt được nó rồi.  Thôi mình về , mai hãy tính.
Hai người về lán, mọi người vội băng bó tay cho Bun rồi hỏi chuyện, ai cũng thắc mắc về chuyện gì đã xảy ra.  Tư Huyên lên tiếng :
           Mấy hôm nay, tui nghi có người phá rồi .  Cưa gì mà gãy hoài, mỗi lần tui để ý thấy có dấu lưỡi cưa bị đục rồi mài lại, phải nhìn kỹ mới thấy.  Có điều là chẳng hề thấy ai vào vùng rừng nầy, kể cũng lạ thiệt.  Hôm qua, tui mới kêu thằng Thoan gởi lên cho cây súng săn.  Tui nhứt quyết bắt cho được kẻ phá hoại nầy.  Bởi vậy, lúc chiều về rồi tui mới kêu thằng Bun ở lại với tui.  Tui với nó mới lấy cây súng rồi quay lại gần chỗ để đồ núp rình.  Đúng như tui nghĩ thiệt mà !  Khi trời vừa tối, thì có ánh lửa rồi nghe tiếng động.  Tui với thằng Bun sấn tới thì thấy nó ngồi một đống, tóc phủ tới đất nhìn phát ghê !
          Ừ !  Tui thiệt cũng lạnh xương sống !  Một mình cho vàng tui cũng không dám tới .  Công nhận anh Tư gan thiệt !
          Tao cũng nhờ cây súng thôi.  Lúc tui la lên hỏi nó làm gì, mình tính bắt nó thôi.  Không ngờ nó tắt đèn, chạy nên tui phải nổ súng, tính hù cho nó đứng lại, không ngờ nó lại trúng đạn.  Tui tính theo dấu máu bắt nó, chẳng dè con chó đen ở đâu tấn công.  Con chó dữ dằn quá !  May chứ nó mà cắn nữa có nước chết !
Đám thợ rừng nghe xong câu chuyện có phần lạ lùng, kỳ bí nầy thì lắc đầu, chép miệng.  Ai cũng cảm thấy ngại khi phải tiếp tục công việc.  Tư Huyên lại tiếp :
           Sáng ra, mình phải theo dấu máu tìm cho ra coi thử nó là ai ?  Tại sao phá mình mới được ?
Buổi sáng, Bun phải ra đón xe về Thị xã để chích ngừa.  Mọi người còn lại thì theo Tư Huyên vô rừng tìm dấu vết kẻ lạ.  Tư Huyên vác súng, những người khác đều thủ dao, rựa, mọi người bắt đầu từ khúc cây đêm qua kẻ lạ đã ngồi đó.  Lần mò cả mấy cây số đường rừng, có lúc tưởng đã mất dấu, nhưng rồi lại tìm thấy dấu máu.  Mãi tới xế chiều, mọi người nghe tiếng nước chảy róc rách.  Một khoảng đất trống hiện ra cùng căn nhà sàn nhỏ bên bờ suối.
Mọi người dừng lại quan sát.  Kế bên nhà sàn là một giàn mướp xanh tươi, những bông mướp vàng mơn mởn trong nắng chiều.  Dọc theo suối, những gốc rạ nằm ủ rũ theo cảnh vật im lìm.  Dường như không có dấu hiệu của người trong lúc nầy.  Mọi người thận trọng tiến lại căn nhà sàn.  Dấu máu khô lại xuất hiện dẫn vào căn nhà.  Bỗng một tiếng gầm gừ nổi lên rồi một bóng đen phóng ra làm mọi người hốt hoảng.
           Đúng con chó đen nầy rồi !    –  Tư Huyên hừm mũi súng vào con vật đang nhe nanh sẵn sàng tấn công kẻ nào bước vào nhà.
          M…ực !   –  Một tiếng nói nhỏ- tiếng thều thào thì đúng hơn, phát ra từ căn nhà sàn.
Con vật lại phóng vào trong.  Mọi người lại vừa tiến lên vừa thủ thế .  Trong ánh chiều lờ mờ, một người đang nằm co ro trên cái sạp tre trong nhà.  Mái tóc dài xõa ra che phần nào khuôn mặt, nhưng mọi người cũng thấy đó là một ông lão.
Ông lão có vẻ mệt lắm, nhưng cặp mắt vẫn còn nhận thức.  Ông rên khe khẽ, trên đùi ông, máu đã đen đặc nơi vết thương.  Tay ông đặt lên chân con chó đen nằm phủ phục kế bên, miệng vẫn gầm gừ đám khách lạ.  Nhìn cảnh một ông già bị thương, nằm một mình trong rừng vắng, đám thợ rừng động lòng.  Rồi có người nói :
          Ông già nầy, tui nhớ có lần thấy ổng bán mật ong ngoài chợ.
          Ông có một mình à ?   –  Tư Huyên hỏi.
Ông già chớp mắt như gật đầu, bờ môi ông mấp máy :
          Đừng… phá… rừng…
Tuy tiếng nói ông rất nhỏ, nhưng mọi người vẫn nghe rõ tuy chưa hiểu tại sao ông lại nói vậy.
          Ta…chết…chôn… cạnh… ba… mộ…
Tiếng chim chiều lạc bạn rúc lên nghe buồn não nuột như lời than thở của rừng đêm.
Cánh rừng chỉ vài năm sau là trơ trụi những gốc cây nham nhở.  Cây lớn giá trị đã bị cưa đốn hết.  Rồi đến những cây tạp cũng được dân làm củi, đốt than chiếu cố.  Rừng xanh một thủơ nay còn đâu !
Bên triền suối, bốn ngôi mộ cỏ phủ xanh, những bia mộ sậm đen, xiêu vẹo.  Bên ngôi mộ thứ tư, vài cái xương động vật nằm vương vãi, dường như là xương của một con chó.
Suối Tre vẫn róc rách như bao giờ.

24 bình luận

Filed under Truyện, Truyện dài

24 responses to “MA RỪNG

  1. Anh Diêu thân,
    Câu chuyện “”Ma rừng” của anh, đưa ra một vấn đề vốn đã gây nhức nhối cho xã hội trong nhiều năm qua, đó là nạn “khai thác gỗ lậu” của một số người , họ vì quyền lợi mà để lại hệ quả khôn lường cho đất nước….nạn lũ lụt trên thượng nguồn đổ xuống..ngày càng nhiều gieo biết bao hệ lụy, biết bao nỗi thống khổ cho người dân…, chính quyền cũng đã vào cuộc nhưng xem chừng … rừng xanh xuyên suốt chiều dài, chiều rộng đất nước vẫn còn “chảy máu”.
    Trong câu chuyện , tác giả đã vận dụng ngôi kể thứ ba , vừa kể ,vừa giới thiệu , đan xen vào là giọng tả kết hợp tình tiết được tác giả dàn trải thật lôgich khiến cho câu chuyện khá hấp dẫn, thu hút được đọc giả ,từ đầu đến cuối . Nội dung xoay quanh gia đình ông Cốm…cảnh nhà ông thật buồn, hai đứa con trai duy nhất và bà vợ lần lượt rời bỏ ông… còn lại một thân , một mình ông vẫn phải lao động để tự nuôi thân….rồi một lần, gặp bọn khai thác gỗ lậu, ông hoàn toàn không đồng tình với việc làm trên của bọn chúng nhưng sức yếu thế cô, trong lần chạm mặt, ông bị trúng đạn…đành chấp nhận cái chết, trong giây phút cuối đời, ông cũng không quên thể hiện quan điểm qua đôi môi mấp máy : “Đừng…pha…rưng”. Câu nói rõ gọn trong hơi thở đứt quãng….nghe sao mà thương, sao mà tội ! thể hiện một suy nghĩ , một quyết tâm đúng đắn nhưng hoàn toàn bất lực…
    Kết thúc câu chuyện thật buồn. Hình ảnh ông Cốm … cũng ví như lực lượng kiểm lâm cũng xông xáo vào cuộc để tiêu diệt nạn phá rừng nhưng kết quả thì sao chứ ! cho đến nay, vấn nạn này vẫn còn…
    Cậu chuyện nói đến một vấn đề, mang tính thời sự nhưng lôi cuốn người đọc bởi tác giả biết xây dựng tình tiết hợp lý kết hợp cách kể là sự đan xen của thể loại kể, tả, cảm.
    Chúc tác giả vui, khỏe, hp nhé !
    Thân ái.

  2. Thỏ con

    Bài viết thật cảm động rất lôi cuốn người đọc. Thật đáng thương cho Lão Cốm (cũng như những con người yêu và biết giá trị của thiên nhiên của rừng cây dzí dụ như Nguyễn Đức Diêu) trong thoi thốp tiếng thì thào “đừng phá rừng” như tiếng nói bất lực của những con người hiểu tai họa cho việc này như thế nào!
    Truyện ngắn rất thành công.

  3. Nhỏ

    Cái ánh Diệu nhà mình mà ko làm cho bạn đọc đau tim hay lên ruột thì ăn cơm ko ngon hay sao í….Nhưng phải công nhận….càng đọc càng hay và hồi hộp. Nhưng tiếc quá , phải chi dùng bắn nhầm Lao Cơm thì ….tốt biết mấy. Tôi quá .Truyện ngắn rất cảm động. Thân mến

  4. Một bài viết của Diêu chan chứa tình người ,một ông già Cốm ,một con chó Mực trung thành ,,Một mình ông già Cốm thì làm được gì bây giờ ,Rừng xanh bây giờ tất cả đã trở thành đồi trọc ,chim muông ,thú quý hiếm cũng kg còn ..Loài người chún ta phải chịu những trận lũ lụt kinh hoàng cũng vì kg còn rừng giữ đất ,ngăn nước nữa rồi .Nhưng một Đông KI Sốt với cái Cối xay gió như ông Già Cốm thì làm sao xoay chuyển được gì ..Thật tội nghiệp cho tấm lòng yêu rừng của ông .Tác giả đã đưa người đọc đến với bài viết với những kiến thức thật phong phú về cuộc sống ,cuộc sinh hoạt của rừng xanh ,phong phú về cốt chuyện xẻ gỗ ,vận chuyển gỗ và còn lại là những nấm mồ xanh cỏ úa tàn theo thời gian của một gia đình nghèo ,nhưng tấm lòng với rừng thì kg bao giờ và mãi mãi kg nghèo ..Một bài viết thật ấm lòng và cũng thật cảm động ,chứa chan tình người để chúng ta cùng đọc và suy gẫm .Hay lắm Diêu ạ ..Thân ái …..

    • Hè hè , nhậu thịt rừng không Nam THu ? Còn lụt vẫn là còn may Phước đấy NT ơi ! Chỉ sợ sau nầy không còn nước mà lụt nữa. Khắp nơi hầu như chỗ nào mực nước ngầm cũng cạn dần, chỉ có nước biển là dâng cao thôi !

      • Hi hi .Thì lúc đó tha hồ cho Diêu đưa ra cả ngàn câu chuyện Sơn Tinh ,Thủy Tinh cho bạn bè ,anh em đọc mệt nghỉ ,ngồi trên ghe nước dâng cao ,lai rai vài xị rượu chay ,(vì đã hết thú rừng nhậu rồi ) đọc truyện thì cũng ấm lòng chiến sĩ lắm đó Diêu hè ..Hê hê …

  5. Trúc Sơn

    Tội nghiệp lão Cốm! Đọc xong truyện, tôi ngồi thừ một lúc lâu mới thò tay được vào bàn phím. Yêu rừng để rồi lão Cốm ôm lụy vào thân!
    Cho dù “mãnh hổ” còn không địch nổi “quần hồ”, huống chi với lão?
    Con chó Mực đúng là nghĩa tình! (Không bù với con Sư tử ó đâm, trong bài Con chim gõ kiến, đăng cách nay mấy ngày!!!)
    Truyện viết lôi cuốn, chứng tỏ Tác giả có dư kinh nghiệm về “nghề” đi rừng, cả vấn đề mưu sinh thoát hiểm trong rừng lẫn kỹ thuật đốn ngã cây rừng v,v….Tôi phúc sát đất.
    Thế là rừng vẫn trìu mến ôm ấp nắm xương tàn của vợ chồng lão Cốm. Thế là “Rừng xanh một thưở nay còn đâu” và “Suối Tre vẫn róc rách như tự bao giờ” !!! Nghe mà não nuột làm sao!
    Hén Diêu thân mến?

    • NĐ D

      Máy bị hư rầu, khổ ghê , giờ phải mượn iPad của nhóc bị cự quá trời …hic hic. Lão Cốm hỏng liệu thân dám cự lại trào lưu hiện đại , cuối cùng phải làm Ma rừng là đúng rầu phải không Trúc Sơn ?

      • Trúc Sơn

        Chẳng sai chút nào Diêu ơi. Một khi cái ác, cái sai trái cứ an nhiên tồn tại và lớn mạnh! Chao ôi!!!
        Có khi nào lũ tứ trên nguồn về cuốn trôi cái nhà ở Quân 9 của anh chàng Diêu hông ta? hà hà…

        • Hi hi .Lão Khà đừng trù mạt như dzậy mà tậu cho bạn hiền của tui ..Gia tài chỉ còn nhiêu đó thâu mà lão Khà nghĩ như dzậy hổng thấy tậu nghiệp cho Diêu tui sao lão Khà hè .. .Hê hê .. ..

          • Khà Khà

            Ai biểu hắn hổng chịu dzìa chơi dới tui chi?!…khà khà…

            • Hi hi .Lão Khà thông cởm cho bạn tui ,hắn đang chạy sô quá cỡ thợ mộc để nuôi một mớ tàu há mồm đang chf sung rụng ở nhà ,giống như em Mây lang Thang dzậy đó Khà hè ,có rảnh đâu mà dìa chơi với Khà cùng bạn bè được hè ..Có phải như dzậy kg bạn hiền Đức Diêu của tui hè …,,,Hê hê …

              • Khà Khà

                Hình như hai giả một bè
                Nên tui đụng tí là hè….binh nhau!?………..gốm thiệt!?……khà khà…

                • Hi hi ..
                  Khà bạn cũng như Diêu thâu ..
                  Có gì rấu rắm ,binh nhau làm gì ,,
                  Bạn bè vui vẻ thầm thì ..
                  Vui nhau một chút ,dễ gì gặp nhau ..
                  Cùng trà mạn ,cùng đêm thâu ..
                  Niềm vui đối ẩm ,hát câu tương phùng …
                  Dzậy hé Khà hén ,,dễ gì có dịp bạn bè cùng nhau đối ẩm ,cứ dzui hết mình dzới bạn bè là thấy sướng rầu hén Khà Khà ui …Hê hê …

            • Dzìa sao được Khà Khà ? Dì…Diêu đang lo chuẩn bị tiếp nhận thêm “thành viên” mới nên có thì giờ đâu ? Tậu lém ngừ ơi !!! ( cho bỏ tật ham dzui phải không Khà? )

  6. Nhỏ nhẻ

    Dòm cái tựa sợ quá, thâu để đấy mai đọc!

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.