HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN (Phần 2)

Nguyễn Đức Diêu

(tiếp theo)  HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN (Phần 1)

nhà ê đê 1

Tôi ăn cơm trưa với gia đình bà Trưởng Buôn Kôh. Đó là một đại gia đình, tổng cộng cũng phải gần hai chục người lớn nhỏ. Bữa cơm tuy chỉ có vài món, nhưng quả thật là rất ngon miệng. Cơm được nấu trong những ống tre bằng thứ gạo dẻo và thơm lạ lùng mà tôi chưa bao giờ thấy. Món ăn gồm món thịt rừng nướng chấm muối ớt và một món thịt chua có mùi là lạ, được ăn với rau rừng. Tôi thấy mọi người rất tự nhiên, nên tôi cũng không ngần ngại gì đá một bụng thẳng cẳng, từ hôm qua giờ chưa có cơm mà. Bữa cơm phải nói là quá ngon, thật là cám ơn ông bà chủ nhà.

 

Ba giờ chiều, một người con rể của ông bà Râysan, tên là Dam Mil đưa tôi đi gặp Nathalie. Chúng tôi đi bộ băng qua đường mòn trong rừng. Anh Dam Mil nầy khoảng ba mươi tuổi, tướng tá nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Anh ta cũng vui miệng, hay nói và hỏi tôi nhiều thứ như Thành phố Sài Gòn ra sao…Tôi thấy anh ta vui nên cũng bắt chuyện vui vẻ, nhưng khi tôi hỏi đến Nathalie thì anh ta im bặt một cách khó hiểu.

Sau hai tiếng băng đường rừng, một buôn làng lại xuất hiện. Nhìn sơ qua, tôi cũng biết là buôn nầy lớn hơn Buôn Kôh nhiều, có cả trăm dãy nhà sàn san sát nhau, phía trước là những hàng cây cảnh và bông hoa rất đẹp.

Dam Mil dẫn tôi đi dọc theo những căn nhà sàn dài vào tới giữa buôn và dừng lại trước một căn thật đẹp, nổi bật so với những căn khác. Nhà nào cũng có hai cầu thang hai bên trái và phải cùng kiểu cách như nhau, nhưng cái nhà này hai cầu thang thật đặc biệt. Không biết chúng bằng gỗ gì mà đen tuyền và láng bóng, bên cầu thang trái , hai chiếc nhũ hoa vun tròn ngửa lên đối diện trời xanh.

Từ cửa phía trái nhà, một người bước ra, một cô gái trong trang phục Êđê, cô nhoẻn miệng cười tươi rói:

– Chào mừng anh đã đến Buôn Klây.

Tôi ngây người, Nathalie đó sao ? Nàng như một đóa lan rừng xinh tươi, nổi bật trong bộ trang phục truyền thống Êđê.

– Chào em !

Tôi đã qua giây phút sững sờ và chào nàng, tôi rất muốn khen nàng đẹp lắm nhưng chưa dám vì có Dam Mil. Tôi bước lên trên sân gỗ và khi chỉ còn tôi với nàng, tôi thì thầm ” Em đẹp lắm ! ”

– Cám ơn anh ! Em đẹp hơn lúc ở Thành phố không anh ?

Nathalie cười và nói lớn không e dè chút nào, hình như đây là đặc tính của dân tộc nàng.

Bây giờ tôi mới quan sát nàng. Nathalie hôm nay búi tóc ra sau ót, tai đeo lủng lẳng đôi khoen bạc lấp lánh, trông nàng thật thanh lịch. Chợt, nàng bỗng ngồi xuống ngay … chân tôi và tay thì cởi giày cho tôi. Tôi vội nói:

– Để anh cởi em à.

– Anh là khách quý của em, nên em phải rửa chân cho anh, tục lệ đó anh .

Tôi hiểu ra và không phản đối nữa. Lúc này, tôi mới để ý tới cái sân sàn bằng gỗ bóng lưỡng. Sân này rộng và đẹp hơn sân nhà ông bà Râysan nhiều. Đứng trên sân nhà này nhìn ra chung quanh, tôi có cảm giác ở ngay vị trí trung tâm. Những căn nhà khác bao quanh rất cân đối, xen giữa những căn nhà là những cây cổ thụ phủ rợp bóng mát. Khói lam chiều bốc lên từ phần cuối những căn nhà sàn, khung cảnh đẹp như một bức tranh.

– Anh thấy cảnh ở đây thế nào, anh thích không ?

Nathalie, đứng lên và hỏi tôi, làm như nàng đọc được ý nghĩ tôi vậy.

– Đẹp lắm em à ! Anh thích lắm !

Tôi tính ga-lăng nàng thêm một câu ” nhất là vì có em ” nhưng thấy nàng nhìn tôi cười hóm hỉnh, tôi lại thôi,

– Anh thích là tốt rồi !

Tôi nhìn vào mắt nàng, đôi mắt hồ thu như soi thấu tâm can tôi, tự nhiên cái cảm giác đắm say hôm nào ở giữa phố trở lại trong tôi. Nathalie yêu kiều quá, tôi thật là yêu nàng.

– Anh à, lát nữa, anh sẽ gặp mẹ em nhé ! Em cũng cho anh biết trước, mẹ em là Trưởng Buôn đó.

Tôi ” Ồ” lên một tiếng, hèn chi mà nhà của nàng nổi bật hơn hẳn những nhà khác. Tôi theo nàng vào bên trong nhà khách. Gian nhà khách thật dài, tôi ước phỏng cũng phải cỡ 25 m. Bên phía trái có đặt những hàng ghế cũng thật dài, cỡ 20m. Giữa nhà đặt một chiếc ngai lớn bằng gỗ, lên nước màu vàng nâu óng ánh. Vách cũng được làm bằng những tấm gỗ được ghép theo chiều dọc. Căn nhà nầy mà ở thành phố thì giá trị biết mấy, tôi thầm nghĩ.(sau nầy, nghĩ lại tôi mới thấy cái suy nghĩ nầy thật là thiển cận, chỉ là thói quen tính toán theo tiền bạc, những căn nhà sàn ở tại đây, đúng vào chỗ của nó mới thật sự có giá trị một cách tự nhiên).

Nathalie dẫn tôi đi một vòng để xem những đồ vật trên vách. Nguyên một bộ gồm cả chục chiếc chiên lớn nhỏ. Những cái khèn được làm bằng những ống nứa nhìn thật lạ mắt, có cả những ống sáo đủ màu sắc từ vàng tới đen, những chiếc nỏ đủ cỡ thật đẹp…Toàn là những thứ mà tôi chưa từng thấy, tôi thật là thích thú, tiếc là tôi không có máy chụp hình để ghi lại hình ảnh. Nathalie giải thích từng thứ một cho tôi hiểu qua cách sử dụng và ý nghĩa của những đồ vật, nàng tỏ ra hiểu biết rất nhiều. Tôi đặc biệt thích những cái chiên lớn nhỏ đủ cỡ được treo trên một cây cột. Nathalie đưa cho tôi một cây dùi to vừa tay cầm, bằng gỗ cứng và bảo tôi đánh thử vào chiếc cồng lớn nhất. Một âm thanh trầm ngân dài phát ra rền cả căn phòng .

– Đây là Cồng Mẹ. Khi biểu diễn, khi nào cồng mẹ và cồng cha cũng được đánh trước làm nền rồi mới tới những cồng con, cồng cháu . Nàng giải thích cho tôi.

Tôi lại đánh thử vào một chiếc cồng nhỏ, âm thanh nghe cao hơn. À, tôi hiểu rồi, cồng càng nhỏ thì âm thanh lại càng cao. Nathalie xách chiếc cồng bằng tay trái và tay mặt cầm dùi đánh lên một tiếng. Âm thanh cao vút phát ra và uốn éo kỳ lạ, tôi nhìn thấy ngón tay trái của nàng vuốt qua lại vào chiêng để thay đổi âm thanh giống như một nốt láy trong âm nhạc tây phương, cũng thú vị thật !

Rồi nàng đưa tôi lại ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà. Trên bàn có một cái giỏ mây xinh xắn đựng trái cây. Tôi ngắm chiếc giỏ hai đầu cong lên như chiếc thuyền, nó được đan thật đẹp.

– Em làm đó, đẹp không anh ?

– Ồ, vậy à ! Đẹp lắm , em hay thật !

Nathalie sung sướng, nàng ngước cặp mắt xanh biếc lên nhìn tôi:

– Anh ăn trái cây nhé. Rồi nàng đưa cho tôi một trái cây màu vàng, lớn cỡ trái chanh. Tôi cầm lên, thấy nó mềm mềm.

Nàng cũng lấy một trái rồi lột vỏ, tôi cũng làm theo, bên trong là những múi thịt trắng muốt, trông giống như múi măng cụt, nhưng nhỏ hơn. Tôi ăn thử, khá chua, nhưng có vị thơm . Nathalie nhìn tôi nhăn mặt, nàng lại cười:

– Chua phải không anh, nhưng mà rất tốt cho sức khỏe. Anh thấy người Êđê khỏe mạnh không, là vì họ ăn trái cây có vị chua nhiều.

Là dân học y tế thì dĩ nhiên tôi cũng biết điều nàng nói là đúng, nhưng không lẽ chỉ ăn toàn đồ chua ?

– Trái nầy gọi là trái Gùi, nó là một loại trái thiên nhiên từ một loại dây rừng.
Anh à, tối nay, anh sẽ ăn cơm với gia đình em và những trưởng lão ở đây nhé, rồi anh sẽ ngủ ở ngay góc kia, kế phòng của em đó. Nàng nói và chỉ tay vào góc trái của nhà khách. Như vậy là Nathalie và tôi sẽ chỉ nằm cách nhau một bức vách mỏng mà thôi.

Buổi tối đó, tôi đã gặp mẹ của Nathalie , ăn cơm tối cùng bà và những Trưởng lão trong làng, là những phụ nữ lớn tuổi. Mẹ của Nathalie khoảng 50 tuổi, bà có vẻ đang bị bệnh, đi đứng đều được Nathalie dìu đỡ. Những người phụ nữ nầy hỏi thăm về gia đình tôi và lạ một điều là họ dường như có vẻ rất kính cẩn đối với tôi, không biết tôi có chủ quan không? Hay đó chỉ là vì lòng hiếu khách của dân tộc Êđê ?

Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ. Nàng giải thích cho tôi nhiều điều , như hai cái cầu thang, bên phải là cầu thang “Đực”, dành cho nam giới và bên trái là cầu thang “Cái” dành cho nữ giới.

Cầu thang “Cái”, phía trên có hai nhũ hoa phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của người Êđê, cũng là tượng trưng cho người Mẹ, đi đâu rồi khi bước chân về nhà, đặt chân lên cầu thang cũng nhớ Mẹ trước tiên, Mẹ là nguồn gốc của sự sinh tồn…

Đêm đó, tôi nằm buâng khuâng, rồi chợt nghĩ đến câu hát ” Ước gì nhà nàng chung vách. Hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Không biết Nathalie có thức hay không, phần tôi thì trằn trọc khá lâu trước khi chìm vào giấc ngủ say.

Những hôm sau, Nathalie dẫn tôi đi thăm Buôn, gồm khu nhà ở cũng như nương rẫy và ruộng lúa. Người Êđê vừa làm ruộng nước vừa làm rẫy trên đất khô. Cánh đồng ruộng khá lớn nằm phía cuối buôn. Lúa thật tốt, cả cánh đồng xanh mướt . Tuy là ở trên cao nguyên nhưng cảnh đồng lúa cũng không khác gì dưới đồng bằng, chỉ có khác chút là ở đây người ta dẫn nước vào ruộng bằng một hệ thống ống máng tre, nước chảy róc rách liên tục nghe rất vui tai.

Nathalie giải thích cho tôi biết nguồn gốc của ngôi nhà sàn dài, nghe cũng thú vị lắm. Dân tộc Êđê có nguồn gốc từ những đảo Mã lai, Polynesie… và đã đổ bộ nhập cư lên đất liền từ cả ngàn năm trước. Lúc đầu người Êđê còn ở dưới đồng bằng, sau vì bị sức ép của người Chiêm thành nên phải di cư lên cao nguyên. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn người Êđê, vẫn tồn tại nét văn hóa của người dân biển đảo, nên những căn nhà sàn thấp và dài, có hình dáng giống như những chiếc thuyền. Tiếng nói, ngôn ngữ Êđê bây giờ vẫn còn nhiều tiếng giống y hệt hoặc chỉ biến đổi đôi chút tiếng Mã lai hay Indo.

Người Êđê cũng có nét văn minh trong vấn đề vệ sinh. Trong khi nhiều dân tộc khác sống trên nhà sàn và nuôi trâu bò bên dưới, thì người Êđê lại làm chuồng trâu, bò, gà, lợn riêng biệt. Người Êđê còn trồng cây bông vải và tự dệt vải mặc, loại vải mà ta hay gọi là thổ cẩm, đẹp và chắc.

Tôi thật là vui và thích thú trong những ngày ở đây, vì biết thêm được nhiều điều mới lạ mà nhất là được kề cận Nathalie mỗi ngày. Nathalie cũng vui lắm, hầu như nàng luôn quanh quẩn bên tôi, chắc là nàng sợ tôi buồn và có lẽ nàng cũng thích vậy.

Nathalie bảo tôi muốn dạo chơi chỗ nào cũng được, chỉ trừ một nơi, nàng nói tôi đừng bao giờ vượt qua giới hạn đó và nàng còn bắt tôi phải hứa nữa. Nơi đó nằm về phía trái của buôn, có một cánh cổng và được rào kín bằng những khóm tre già dày đặc. Tôi hỏi nơi đó là gì thì nàng nói nơi đó chỉ giành cho một số người của buôn mà thôi.

Tôi và Nathalie thích dạo ra cánh đồng phía cuối buôn vào buổi chiều tà, ngồi tựa vai nhau để nghe hương lúa thơm ngào ngạt. Tiếng nước chảy róc rách từ những máng tre dẫn nước từ nguồn suối, từng đàn cò trắng nhởn nhơ khắp cánh đồng…

Một hôm, tôi được Nathalie dẫn đi ăn cưới một gia đình trong buôn. Người phụ nữ Êđê cưới chồng, lễ cưới được tổ chức bên nhà vợ và người chồng phải ở rể, con sinh ra sẽ mang họ mẹ.

Tôi thấy rất thích thú được xem nghi lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ. Hai người ngồi trên chiếu trải giữa nhà khách. Những đôi khoen bạc và đồng được hai người mang cho nhau trước sự chứng kiến của dòng họ. Rồi một người phụ nữ lớn tuổi, Nathalie cho tôi biết đó là thầy cúng, hòa rượu với tiết heo và đọc thần chú, vảy vào các xó xỉnh trong nhà để trừ tà và xin ông bà chấp nhận cho con rể mới.

Người Êđê quan niệm tự do trong hôn nhân ” Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên” . Những người thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu và đến với nhau, cha mẹ không can dự vào. Đây thật sự là một nét tiến bộ trong văn hóa dân tộc Êđê.

Sáu người phụ nữ đánh chiêng và cũng sáu cô gái khác múa nhịp nhàng theo tiếng chiêng. Tiếng chiêng nhanh, mạnh và vui tươi tạo nên cho người tham dự thêm phấn khởi.

– Đây là bài chiêng đám cưới, có nhiều bài chiêng khác nữa.

Nathalie giải thích cho tôi biết như vậy.

Sau đó là nhập tiệc. Thịt heo, gà ê hề, ché rượu cần cả dãy, và đặc biệt là món cà đắng truyền thống không thể thiếu của người Êđê. Cà đắng là một đặc sản của Tây nguyên. Trái cà lớn hơn trái cà pháo một chút nhưng dài ra chứ không tròn. Cà đắng được nấu với cá tươi hoặc khô, hoặc thịt. Vị ngọt của cá thịt sẽ thấm vào vị đắng của cà tạo nên một hương vị thật đặc biệt, tôi thấy còn ngon hơn cả món khổ qua dồn thịt của người mình.

Người Trưởng Buôn được mời uống rượu đầu tiên, mẹ Nathalie bệnh nên nàng là người đại diện, sau đó đến các già làng rồi mới đến nữ chủ nhân của gia đình, lại đến người trong dòng họ. Rồi tất cả mọi người nhập tiệc, chủ khách cùng uống rượu vui vẻ. Những ché rượu cần được cắm những ống hút vào, khi rượu đã vơi thì nước suối lại được châm vô, phải nói cái hay của rượu cần là ở chỗ rượu không bao giờ hết, uống hoài có hoài. Tôi cũng được mời tham gia, tôi thấy rượu cần nước đầu rất ngon, thơm và không mạnh nên ngưới ta có thể uống cả đêm là vậy. Qua những lần châm nước sau thì rượu nhạt dần đi và những ché rượu mới lại được mang ra.

Về đêm, khi âm thanh đã lắng dịu, các cô gái, các chàng trai bắt đầu ca Aday, là loại dân ca trữ tình được đệm bằng khèn và sáo. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy Nathalie thổi sáo rất hay. Tiếng ca của thanh niên nam nữ hoà quyện cùng âm thanh trầm bổng khèn sáo giữa núi rừng thanh vắng thật mê hồn người.

Rồi khi trời về khuya, là giờ kể Khan, tức là Trường Ca Sử Thi của người Êđê, như Khan Dam San, Khan Dam Thi… Thường chỉ có những già làng mới thuộc những Khan nầy, nhưng hôm đó, Nathalie đã được yêu cầu kể Khan cho mọi người và nàng đã kể rất hay, dựa vào sự say mê, cuốn hút mọi người mà tôi biết dù là tôi không hiểu. Đặc biệt là tiếng chiêng được đệm vào trong lúc nàng kể chuyện. Tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng lúc nhanh lúc chậm tùy theo từng đoạn Khan : “đánh cho khỉ trên cây cũng phải rơi xuống đất, cho quân thù phải sợ hãi chạy mất, cho voi kia cũng phủ phục quanh mình…”, tiếng chiêng quả đã ăn nhập thâm sâu vào văn hóa, tâm trí, tư tưởng người Êđê.

Mà quả thật, giữa chốn núi rừng cô quạnh, chỉ có âm thanh của cồng chiêng mới vang vọng, ngân rền mãi xa để thông linh, giao hòa cùng trời đất, giúp con người không cảm thấy đơn độc, nhỏ nhoi giữa thiên nhiên kỳ vĩ.

Mỗi tiếng cồng vang lên, tôi lại thấy tâm hồn mình như bay bổng hòa nhập cùng trời đất…

Ở nơi đây, tôi hầu như quên hết thời gian, cái đồng hồ cũng trở nên vô tích sự và tôi đã bỏ vào túi xách. Mới đó mà đã gần hai tuần lễ, ngày vui thật qua nhanh !

Nathalie cho tôi biết là sắp tới ngày hội Krôn Phia, là ngày hội cầu được mùa, được tổ chức vào đầu tháng sáu âm lịch. Người Êđê không ăn Tết năm mới như người Việt mà lại tổ chức những lễ hội theo thời vụ mùa màng, Lễ hội cúng nước, Lễ hội cầu mùa, Lễ ăn cơm mới …

Những người trong buôn dần cũng đã biết tôi, hầu hết mọi người đều rất vui vẻ và thân thiện với tôi. Cũng có khi Nathalie bận việc gì đó, tôi đi lang thang một mình, ai gặp tôi cũng đều niềm nở mời tôi vào nhà uống cà-phê. Tôi thường thích nhất là đi xem họ dệt thổ cẩm và làm đồ gốm. Tôi thấy người Êđê rất khéo tay và có nghệ thuật thẩm mỹ khá cao. Chỉ vài nét khắc vẽ đơn giản là những bình, hũ … của họ đã nổi bật lên đẹp mắt.

Hôm đó, Nathalie đi công việc đâu đó, tôi ra đồng tham gia bắt cá và cũng tóm được ít con hí hửng xách về.
Bước vào nhà, chút nữa tôi té ngửa- Một cô đầm tóc nâu vàng đang ngồi uống cà-phê nơi phòng khách ! Cô nhoẻn miệng cười và xổ ra một câu …tiếng Việt :

– Chào anh !

– Chào…. Tôi lúng túng không biết phải gọi là gì.

– Em là Estelle, em của chị Nathalie.

Thì ra là nàng, Nathalie có cho tôi biết nàng còn một người em gái học ở tỉnh. Nhưng tôi không ngờ Estelle lại giống như một cô đầm thứ thiệt như vậy, điều nầy làm tôi thật là thắc mắc.

Estelle mời tôi uống cà-phê và cho tôi biết vừa mãn khóa học nên về nhà. Vừa uống ly cà-phê tôi vừa thầm quan sát Estelle. Estelle quả thật là đẹp, da nàng trắng, khuôn mặt thanh tú, mắt cũng xanh biếc như mắt của Nathalie. Nhìn nàng có vẻ đẹp sắc xảo hơn cả Nathalie, nhưng sao tôi có cảm giác không được thoải mái lắm khi nói chuyện với nàng, có một điều gì đó làm cho tôi hơi e ngại.

Estelle nói chuyện với tôi cũng rất tự nhiên và tôi thấy sự hiểu biết của nàng cũng không thua Nathalie, nàng còn có vẻ khôn ngoan, lém lỉnh hơn cả Nathalie nữa. Tuy là nàng có vẻ giống Tây như vậy, nhưng nàng lại thích nói chuyện về người Êđê, về văn hóa Êđê và những quá khứ vinh quang của dân tộc Êđê. Những điều nầy, Nathalie lại ít nói với tôi, mặc dù tôi nghĩ là nàng cũng hiểu biết không kém cô em. Dù sao thì nói chuyện với Estelle cũng rất thú vị vì nhờ nàng tôi biết thêm được nhiều điều hay của người Êđê nữa. Tôi nghĩ hai chị em như hai đóa hồng lọt vào giữa một rừng mắc cỡ, hoa lớn hơn, đẹp hơn và chắc là gai cũng nhọn hơn.

Chiều hôm đó, tôi nêu thắc mắc với Nathalie. Nàng dẫn tôi vào phòng của nàng, đây là lần đầu tiên tôi vào phòng nàng. Có một cửa sổ nhìn ra bên trái nhà, không có giường, một cái kệ với khá nhiều sách vở và một cái bàn thấp, cũng không có ghế.

Trên bàn, hình một người đàn ông Tây đang nhìn tôi chằm chằm.

– Đây là Cha của em.

Dù là tôi cũng đã nghĩ tới nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên :

– Vậy à ?

– Cha em là người Pháp, là một nhà nhân chủng học. Ông đi nhiều nơi để nghiên cứu về các dân tộc, nơi cuối cùng là ở đây.

– Rồi ông gặp Mẹ em ?

– Không anh à !

Rồi trước sự ngạc nhiên của tôi, nàng kể tiếp :

– Cha em đến đây và gặp Dì của em, tức là chị của Mẹ em và yêu Dì. Dì em là Trưởng Buôn lúc đó, Dì em rất đẹp.

Rồi nàng lại mở một cuốn tập và chỉ cho tôi hình một cô gái trẻ. Cô gái trắng trẻo, gương mặt thật thanh tú. Anh biết bức tượng phụ nữ thờ ngay gian nhà khách là ai không ?

– Dì em à ?

– Không, đó là tượng của H’Drah Jan Kpă , tức là Công Chúa Hạt Mưa, người đã về làm Hoàng Hậu của vua Chế Mân, là Hoàng Hậu cuối cùng của nước Chiêm Thành. Khi vua Chế Mân chết và được hỏa táng thì Hoàng hậu đã nhảy vào lửa chết theo chồng. Gia đình em là dòng dõi của Bà, cũng xem như là Hoàng Tộc của người Êđê, dù là không có nước Êđê. Như bây giờ, Mẹ em là trưởng buôn nầy nhưng cũng là Trưởng của tất cả các buôn khác trong tỉnh Darlac, tuy là chỉ mang ý nghĩa tinh thần.

– Ồ, vậy à. Rồi Dì em đâu ?

– Dì em đã mất và theo tục nối dây của người Êđê, cha em lấy em gái của vợ, tức là mẹ em bây giờ.

– Dì em không có con à ? Tôi thắc mắc .

– Dì em cũng có một người con gái .

– Vậy à , rồi giờ người đó ở đâu ?

– Lúc trước chị vẫn ở đây, nhưng từ khi Cha em mất, chị cũng bỏ đi luôn. Rồi đột ngột cách đây vài tuần, chị trở về và chỉ ở lại một ngày. Ngày hôm sau chị đi cũng là lúc Mẹ em bắt đầu bị bệnh.

– Nghĩa là sao… ? Chị có liên quan đến việc Mẹ em bị bệnh à ?

– Rất có thể, vì chị đã nghĩ rằng Mẹ em đã hại Mẹ chị ấy. Nhưng Mẹ em đã nói với em rằng Mẹ không có làm chuyện đó, chỉ là tin đồn của kẻ xấu thôi.

Tôi đã hiểu ra mọi chuyện, câu chuyện của gia đình nàng cũng khá đặc biệt.

– Vậy là em sẽ kế tục mẹ em để làm Trưởng Buôn ?

– Đúng vậy anh à. Thật ra em cũng không thích làm lắm đâu, nhưng đây là tục lệ.

– Còn cha em, mất khi nào vậy, ông bị bệnh à ?

– Cha em…phải, bị bệnh mất…

Nàng trả lời không được suông sẻ lắm trong câu nầy, không biết có phải vì xúc động khi nhớ đến cha hay không.

– Cha em đã dạy em và Estelle tiếng Pháp cũng như những hiểu biết về văn hóa tây phương. Em thì muốn học về y tế để giúp dân trong buôn, nhưng Estelle thì lại thích và giỏi về chính trị, tổ chức hơn em, có lẽ nó giống cha em hơn.

Thảo nào mà nàng giỏi tiếng Pháp, giờ tôi mới hiểu ra.

Đúng như tôi nghĩ, Estelle sắc xảo, khôn ngoan hơn cả Nathalie nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn ở cô em này.

– Sắp tới, sẽ có Lễ hội cầu mùa và tháng sau nữa, sẽ là Lễ Chây Prun.

– Chây Prun, là lễ gì vậy em.

Nathalie nhìn tôi rồi nàng từ từ nói :

– Đó là một Lễ rất quan trọng, giống như lễ phong Thái Tử của các vua Việt nam xưa vậy.

– Ồ, vậy là em sẽ được phong vào tháng tới?

– Phải anh à, và chức nầy chỉ phong cho người con gái khi chưa có chồng mà thôi. Sau lễ nầy thì người đó có thể có chồng. Lúc nầy mẹ em bị bệnh nên Hội đồng già làng quyết định phong chức sớm cho em là vậy.

– Em à, nhưng mẹ em bệnh gì vậy, sao em không đưa mẹ đi chữa bệnh.

Khuôn mặt Nathalie bỗng trầm xuống :

– Bệnh nầy không chữa được anh à .

– Sao vậy ?

– Anh có nghe về bùa ngải, thư ếm không ?

– Anh cũng có nghe, mà sao hả em ?

– Mẹ em đã bị ếm và không giải được, người ếm đã quá cao tay. Lúc đầu em cũng đưa mẹ đi khám tìm bệnh nhưng không tìm thấy gì khác lạ.

– Ồ, có thật vậy sao ?

Tôi nghe mà nửa tin nửa ngờ. Trước giờ tôi cũng nghe chuyện thư ếm nhưng mà không tin lắm. Bây giờ mới chính thức nghe một người là y sĩ như Nathalie nói và xác nhận. Hay là do nàng cũng đã bị nhiễm vào tư tưởng từ lúc còn nhỏ ? Tôi vẫn thấy nghi nghi làm sao ấy !

Sau bữa đó, tôi mới hiểu rõ hơn về gia đình của Nathalie, thảo nào tôi thấy cứ vài hôm là có người của các buôn khác đến viếng với nhiều lễ vật.

Vậy là chỉ còn vài tuần lễ nữa là Nathalie sẽ được phong là người kế nhiệm Trưởng Buôn Klây, đồng nghĩa như Nữ hoàng của dân tộc Êđê. Tôi cảm thấy phân vân, khi lên đây thì tôi chỉ muốn gặp Nathalie theo tiếng gọi con tim, tôi đâu ngờ nàng lại có một vị trí như vậy, tôi cũng không biết mình phải làm gì ! Về hay ở lại dự Lễ tấn phong của nàng, rồi sau đó thì sao ? Thật tôi không tìm được câu trả lời, nếu đi thì sợ nàng buồn, mà ở lại và biết nàng sẽ là Trưởng buôn thì tôi cũng đâu còn hy vọng gì nữa, một người Trưởng Buôn Klây, Nữ hoàng của dân tộc đâu thể bỏ buôn để đi theo chồng ! Nghĩ tới đó tôi thấy thật thất vọng.

Đêm hôm sau là đêm trăng rằm. Sau buổi tối cùng đi dạo với Nathalie dưới ánh trăng, tôi trở về trằn trọc với bao ý nghĩ. Ngày tôi thấy lòng mình càng yêu Nathlie vì nét trong sáng, vui vẻ nhưng dịu hiền của nàng, nhưng rồi cuộc tình của tôi sẽ đi đến đâu. Có lẽ Nathalie cũng thấu hiểu điều đó nên nàng hay nhắc đến cha nàng, đã vì tình yêu mà chấp nhận ở lại sinh sống nơi đây. Phải chăng nàng muốn tôi cũng như vậy ? Điều nầy thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ tới !

Tôi trằn trọc không ngủ được, trời cũng đã khá khuya. Bỗng tôi thấy có bóng người đi ra cửa. Tôi giả vờ nằm im như ngủ rồi, tôi thấy người đó đầu quấn khăn, khẽ nhìn tôi rồi chậm rãi đi ra cửa, dáng vóc rất giống Nathalie, thật ra tôi cũng không phân biệt được đó là Nathalie hay là Estelle, vì cả hai rất giống nhau, nhưng Nathalie mới đội khăn, tôi chưa thấy Estelle đội khăn bao giờ. Nếu là Nathalie, nàng đi đâu giờ nầy ?

Tôi thực sự tò mò, chờ cho tiếng bước chân đã xuống cầu thang, tôi chồm dậy đi theo. Nhờ ánh trăng, tôi thấy người đó đi về phía trái buôn, tôi cũng âm thầm theo xa xa phía sau. Rồi cuối cùng, người đó dừng lại ở ngay cái “chỗ cấm”, nơi mà Nathalie đã bắt tôi hứa là không được vào. Tôi há hốc miệng, suýt kêu lên một tiếng khi thấy người đó bước vào cổng đã mở trống và bắt đầu …cởi trang phục và vắt lên một cây sào ngang, rồi biến mất vào bên trong.

(Còn tiếp)

ΦΦΦ

75 bình luận

Filed under Nguyễn Đức Diêu, Tác Giả, Truyện Ngắn

75 responses to “HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN (Phần 2)

  1. Meocon

    câu chuyện ghật ly kỳ lôi cuốn Meo đọc một lèo hồng ngừng hồng nghỉ để rồi đột ngột dừng lai….ghét anh Diêu ghê…..chỗ đang hay lại…còn nữa…….Xí quắc hà!

  2. từ mạnh long

    Diêu nè, có người ngoài sân trường nhà mình coi ké HRCN của NĐD mê quá chời và “ly-kỳ” quá, còn hỏi mình chừng nào ra tập 3?
    Thôi cho Estelle tắm lẹ lẹ rồi viết tiếp cho xong nhen, ai cũng nôn hết nè..hè..hè..hè..!!!!

  3. Bậm Trợn

    Hình như có ai đang giữ trang phục mà nẫu cởi và vắt lên một cây sào ngang á ?

  4. Nhỏ

    Hừ hừ…cái khúc uống CF thân tình với Esteiie , rồi cái khúc đi dạo dưới trăng thơ mộng sao Tào lao dzà anh Từ hổng chịu diễn tả, canh me cái khúc ….Tôi há hốc miệng……rùi lại trông mong…Tậu thiệt nhưng đừng có mà mơ , Nhỏ .dám chắc là anh Diêu sẽ dấu bớt cái đoạn cao trào cho mà xem…..

  5. Mỹ Thắng

    Đọc dang dở câu chuyện cùa Nguyễn Đức Diêu hấp dẫn quá , hôm nào pà con trang mình nhờ Diêu dẫn đi mạo hiểm HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN cho thoả ước mơ nghen !!!

  6. Tào Lao

    Trời ơi là trời…tự nhiên cởi trang phục và vắt lên một cây sào ngang, rồi biến mất vào bên trong. chờ chừng nào mới thấy đây ???

  7. từ mạnh long

    Trời ơi là trời!!!
    Sao cắt ngang cái chỗ không nên cắt vậy Diêu, lại phải chờ vài ngày nữa mới…thấy Estelle à. Thất vọng quá!
    Be..he..be.heeee!!!!

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.