Trong văn học, có những tác phẩm hay nhưng nếu chúng ta không đọc được thì cũng chả sao cả; nhưng có những tác phẩm khác, nếu không đọc thì lại là một mất mát rất đáng tiếc. Bài “Tau chưởi” của Trần Vàng Sao thuộc loại đó. Nghĩ vậy, cho nên, dù biết mấy ngày vừa qua đã có nhiều bạn đăng bài thơ ấy trên trang facebook, tôi cũng muốn đăng lại để một số bạn, vì lý do nào đó, chưa đọc, có thể đọc được. Với tôi, đây là một bài thơ có ý nghĩa khá đặc biệt:
Thứ nhất, không chừng đó là bài thơ chửi đặc sắc nhất trong văn học Việt Nam. Cho đến nay, hầu hết những bài văn chửi (chủ yếu là chửi mất gà) đều thuộc về văn học dân gian. Trong văn học viết, chúng thuộc hai loại: hoặc giai thoại (của Hồ Xuân Hương và Cao Bá Quát) hoặc chỉ là những tiếng chửi bóng gió nhẹ nhàng (như một số bài của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Văn Trị, v.v…) Bài “Tau chưởi” của Trần Vàng Sao khác hẳn: nó có tác giả với tên tuổi và thời điểm sáng tác đàng hoàng; hơn nữa, nó là một tiếng chửi trực diện, mạnh mẽ, chát chúa, như vỗ vào mặt những kẻ có quyền lực ăn gian nói dối.
Thứ hai, nhan đề “Tau chưởi” không thể không gợi nhớ đến bức thư ngỏ “Tôi tố cáo” (J’accuse) của Émile Zola đăng trên tờ L’Aurore ngày 13 tháng 1 năm 1898. Nếu bức thư của Zola được xem như một dấu mốc trong quá trình tham gia vào việc phản biện xã hội của người trí thức, bài “Tau chưởi” của Trần Vàng Sao không chừng sẽ là một dấu mốc lớn trong quá trình thức tỉnh của trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam trước các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp tại Việt Nam. Nó giống như một bản cáo trạng. Và là một bản cáo trạng bằng thơ. Thật hay. Tiếp tục đọc