CÔ GIÁO SAO MAI

Nguyễn Trí

SaoMai

Cơ ngơi của Sao Mai, giáo viên tiếng anh trường trung học X, không một giáo viên nào không ao ước.
Mấy giáo viên tập sự thích nhất cái sân nhà cô tổ trưởng bộ môn. Đủ cho tất cả các loài hoa. Hồng, thược dược, phong lan. Trong năm mươi mét vuông nối sân và nhà ở là hai mươi bộ bàn ghế, gian nầy mới là nơi thật sự làm ra của cải, và lấy đi của cô nhiều nước miếng nhất trong sự nghiệp giáo dục. Mười năm trong nghề, nhưng thực ra cô dạy ở nhà gấp ba thời gian ở trường. Một đến ba giờ một ca, ba đến năm ca nữa, bảy đến chín là ca cuối trong ngày. Anh văn sáu bảy tám chín cô nhai mười năm nhân ba, nhuyễn như cháo cúng thí.
Sao Mai tinh thông bộ môn lên hàng thượng thượng. Cái chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện là một minh chứng rõ nét. Và để có được nó, cô đã phải tham dự những ba năm. Vô lí mà một lô một lốc giỏi cấp trường mà khuyết cái huyện sao? Tất nhiên rồi, cứ một bài mà hát đi hát lại không ngưng nghỉ buộc phải tinh, mà tinh luôn đi với vinh như ông bà dạy. Đâu khơi khơi mà có, Sao Mai đã phải chiến đấu dữ lắm mới tồn tại, lơ mơ và không thông chữ Biết, theo ý nghĩa khôn chết dại chết biết sống dễ mà ra hôm nay.
Hồi mới vô xứ nầy với tấm bằng cao đẳng khoa tiếng anh. Nó chỉ không ngon lành ở cái hệ. Khi đi xin trường để tham gia giảng dạy, ba từ hệ tại chức nên mấy trường ở thị trấn, hoặc mấy xã trên lộ nhựa, đều khéo léo:
– Cô thông cảm, trường đủ giáo viên bộ môn rồi.
Gần hết hè mà vẫn không tìm đâu ra nơi để không ăn nhờ. Cậu e hèm:
– Mi vào trong sông tau giới thiệu cho, Hiệu Trưởng trong nớ là bạn tau. Xem như dạy tạm niên khóa ni, qua năm rồi tính tiếp.
Sao Mai phải khăn gói vô sâu xa. Đường sá nhìn là khỏi nhớ quê hương xứ sở. Cả thầy bà cũng đen nhẻm đen nhèm, trường lớp thì như câu đối của thầy Cao nhà trống ba gian một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Muốn qua sông phải đi đò, Sao Mai tưởng vào Nam ngon lắm, ai ngờ vẫn khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh, đành ngâm câu một duyên hai nợ âu đành phận. Trước mắt là vậy rồi sau tính tiếp.
Là cái trường nầy đây. Lúc ấy phôi thai lắm, một lớp chín, hai lớp tám, ba lớp bảy, bốn lớp sáu. Sao Mai được nhận vì, một là, mười lớp mà chỉ có hai ông già dạy tiếng anh với tư cách hợp đồng. Hai là, cô có cái bằng còn hai ông kia không một mảnh lận lưng. Tuy bằng cấp, nhưng học kiểu nghe qua phát thanh, tương đối khâu ngữ pháp nhưng phát âm cô chệch choạc, chẩu chàng lắm. Hai tay già hỏi vài câu xã giao, có câu cô không luận nổi để trả lời. Tuy nhiên họ không chấp mà chậc:
– Nay không giỏi, mai giỏi. Nay không hiểu, mai hiểu, nghề dạy nghề lo gì.
Anh văn có ba người nên ra một tổ. Tấn, nguời già nhất được phân làm trưởng nhưng ông lắc đầu, ông trẻ hơn tên Tùng cũng lắc, nói:
– Cứ để cô Sao Mai làm tổ trưởng anh văn, dù gì cô ấy cũng có cái bằng.
Vậy là cô ra tổ trưởng.
Cô đến khổ với hai cha nội già nầy. Vì họ giỏi. Cả hai đàm luận với nhau bằng tiếng anh như hành vân lưu thủy. Sợ nhất tiết dự giờ để đánh giá tiết dạy. Họ thông cảm vì cô chưa qua sư phạm, chưa có kinh nghiệm đứng lớp, nhưng họ chê thẳng cánh khâu phát âm của cô. Không tiết nào cô được đánh giá khá, chỉ trung bình là hết mức. Chán quá, cuối niên khóa cô lại tiếp tục đi ra phố kiếm chỗ dung. Buồn thay. Có lẽ cô có duyên với sâu xa.
Hai tay già thì kiếm thêm tí chút khoản kèm cặp. Sao Mai nẩy ra ý định dạy thêm (vì không ai thuê kèm). Họp giáo viên toàn trường Tùng nói:
– Tôi nghĩ là thầy Hiệu Trưởng nên đình chỉ việc dạy thêm của các thầy cô trong trường vì dạy thêm dứt khoát sẽ phát sinh tiêu cực.
– Thế thầy và thầy Tấn dạy kèm thì sao? – Một giáo viên Toán hỏi.
– Kèm và thêm hoàn toàn khá xa nhau.. Chúng tôi kèm cho những người cần tiếng anh cho một mục đích khác. Thầy dạy thêm là thêm cái gì, xin phân tích cho tôi nghe.
– Thầy không thấy có những học sinh…
– Tôi thấy hết và thấy rõ nữa là khác, nhưng thầy cứ dạy cho hết bài trong tiết, đừng dạy làng nhàng rồi dùng áp lực bắt học trò học thêm chỉ vì tiền.
– Thầy nhầm rồi, tôi dạy thêm cho học trò yếu và không nhận thù lao.
– Đó là thầy nói, còn tôi và cả thiên hạ không ai có công mà không cần lộc. Dạy thêm đã và sẽ bị học trò coi thường. Khi một thầy cô giáo bất kì nào nhận tiền từ tay học trò, đã mặc nhiên xem như bán chữ, trong một chừng mực nào đó, trò đã hóa thành chủ. Và người nhận tiền, tuy không tớ nhưng suy ra cũng bằng. Tôi mong các vị hiểu cho?
Các thầy cô đang cải thiện đời sống bằng cách thêm bực lắm. Nghề giáo biết làm chi với tay trái? Xã hội luôn nhìn với đôi mắt kính nể. Không thể đưa vai và lưng để làm việc bình dân. Đồng ý không có nghề chi xấu, nhưng mà… Hiệu trưởng lên tiếng:
– Lương ngành của chúng ta nói chung là thấp, rất thấp. Trường ngơ cho các thầy cô kiếm thêm. Tôi mong các thầy cô hãy để yên việc nầy, tương lai chắc chắn sẽ có quyết định tối hậu của cấp cao. Theo tôi thì việc dạy thêm cũng không có gì xấu, nó giúp cho học sinh tiến bộ hơn.
Tấn cười nhạt:
– Tôi đồng ý rằng thêm không xấu, nếu thầy cô đó trong sáng, và phải thêm một cách có lương tâm. Tôi chắc thầy Hiệu Trưởng cũng có nghe tới một vài thầy cô dùng thủ đoạn như mắng mỏ, ai không học thêm là sẽ có vấn đề, đến nỗi đã có lời ong tiếng ve từ phía phụ huynh và cả học sinh nghe đau lòng lắm. Và đau lòng là chuyện nhỏ, học trò sẽ mất niềm tin vào thầy cô mới là vấn đề lớn.
Cuộc họp có phần căng thẳng. Tất cả yêu cầu Tấn nêu đích danh kẻ tiêu cực, nếu không Tấn là kẻ đầu têu phá hoại tính đoàn kết nội bộ. Tấn cười:
– Tôi có đủ chứng cứ để đích danh những kẻ tiêu cực trong vụ thêm thắt nầy. Nhưng lúc ấy các vị sẽ đòi tôi cung cấp những phụ huynh, học sinh nào đã phản ảnh, và chắc chắn sẽ có hậu quả cho học sinh đó, vì vậy, tôi xin từ chối đích danh ai. Tôi chỉ khuyên các bạn là đừng làm mất niềm tin của học trò bởi ba đồng bạc mọn, phải hiểu rằng, điều đó tai hại lắm. Nhân đây tôi cũng thông báo cho ban giám hiệu là tôi xin ngưng hợp đồng. Bắt đầu từ hôm nay.
Một tháng sau Tấn nghỉ. Niên khóa kế Tùng cũng theo chân. Một bằng C anh văn khác xin hợp đồng, phòng giáo dục điều về hai giáo viên khác. Đương nhiên Sao Mai trở thành lão làng của bộ môn.
Ai cũng biết rõ, rất rõ, năm nầy đến năm khác, cả ty tỷ lời ong tiếng ve cho thêm thắt, có cả cấm luôn. Thoạt tiên Sao Mai cũng sợ. Nghĩ dùm đi, lương hiện tại, sâu xa nên thêm phụ cấp đất đỏ tổng bốn triệu. Trong khi đó, mỗi lớp cô dạy thêm ba mươi em, mỗi em hai trăm nghìn một tháng (tuần hai buổi) là sáu triệu. Cô có sáu lớp thêm như vậy, là bao nhiêu? Không cho dạy, lương có thêm mười triệu một tháng cô cũng không ham. May quá, nói cấm nhưng làm sao cấm. Cấm là giáo viên bỏ lớp liền.
Ủa mà sao cô có nhiều lớp dạy thêm vậy? Thì đó, cô dạy hai lớp sáu và hai lớp chín. Mấy cô giáo kia nếu muốn thêm như cô phải giới thiệu học trò qua, bằng không, dạng mới về trường dù anh chị có tốt nghiệp cỡ nào, muốn biên chế, phải hợp đồng trước đã, và trong thời gian ấy, phải thật sự giỏi mới được tổ trưởng bộ môn đề nghị. Muốn giỏi ư? Phải biết. Khôn cũng chết mà dại thì phải chết.
Thấy Sao Mai không? Chỉ có cái tại chức. Vậy mà cô bình như vại suốt từ bấy nay, vì cô biết. Cô biết vợ thầy Hiệu Trưởng cần chi, nhà cô Hiệu Phó chuyên môn thiếu tiện nghi gì. Trên tất cả cô biết ai cũng thích nghe lời nói nịnh. Quan trọng là phải biết nói làm sao để lọt đến xương cùng.
Vậy mới nên nhà nên cửa, nên nhiều thứ lắm. Thậm chí đến chồng, tuy chỉ bảo vệ trường, nhưng học trò vẫn gọi thầy nầy thầy nọ.
Nhưng Sao Mai không vui. Cô buồn. Rất buồn. Sợ. Rất sợ và hằn học nữa.
********
Nhà cửa, tiền tài, địa vị, thiếu cái chi mà tâm trạng thế?
Sao Mai hối không kịp khi lấy một nát rượu làm chồng. Thực ra thì chồng cô mới bê tha đây thôi. Trước, Minh cũng đàng hoàng lắm. Sao Mai thuận là vợ Minh đồng nghiệp lắm kẻ bỉu môi. Họ chê gì nhỉ? Có gì đâu, cái thói đạo đức giả đâu cũng có, ai cũng cho rằng không nghiệp chi xấu trừ bán trôn nuôi miệng, nhưng chả thần tiên nào thích bằng hữu với ma quỷ. Trí thức ít ai hạ mình chơi với ít chữ. Bảo vệ trường sánh duyên cùng cô giáo ư? Chính Sao Mai còn có cảm giác hạ mình nói chi ai.
Thực ra Sao Mai cũng thích lắm một bờ vai để tựa, khốn nổi, nhan sắc cô dạng tầm tầm, không động đậy một trái tim si nào. Minh thất nghiệp, tán tỉnh trăng gió cho vui. Ngờ đâu duyên bén quá nên đá vàng trọn kiếp. Sao Mai hết cái cô đơn ngồi đếm tiền một mình. Lấy nhau rồi cô xin chân bảo vệ cho chồng. Bảo vệ ư? Nhàn lắm. Đánh trống chào cờ, trống vào lớp, trống tiết, trống ra chơi, đi loanh quanh và đời không mỏi mệt. Nhàn nên Minh lai rai đôi sợi. Chuyện nhỏ thôi mà, đôi khi thầy giáo còn có mùi hèm nói chi bảo vệ. Tuy nhiên người ta rượu lễ rượu nghĩa, còn Minh luôn hò ra tới Huế.
Và nếu chỉ chừng đó thì Sao mai cũng có thể cho qua, vì đời ai chả có một cái gì đó để mê. Nhưng Minh cũng như bao kẻ vì rượu khác trên đời. Tự ái lắm khi bè bạn nói mày được vợ nuôi. Trước, họ xa xôi về những cái không hay không phải của những thầy cô dạy thêm. Sau, chắc là do rượu, họ bảo con vợ mày cũng chẳng tốt lành gì. Nhà tao chạy gạo chết mẹ mà không học thêm con vợ mày, tức cô Sao Mai ghẻ lạnh, thậm chí sỉ nhục con tao trên lớp. Minh nghe mà chả chống chế chi được. Anh ta văng tục, chửi thề. Cô nhịn, Minh lấn tới. Bức bối Sao Mai cự lại, hắn bạt tai vô mặt vợ. Đỉnh điểm, cô vất ra cái giấy li hôn yêu cầu Minh kí. Giáo viên mà đi đến quyết định như thế là cực đoạn lắm, nhưng cả thiên thần cũng bó tay nếu bay trong hỏa ngục.
Nhưng rồi cô phải tự tay xé tờ li hôn dù phải viết lại những ba lần. Lần thứ nhất, Minh xé bỏ kèm ỉ ôi năn nỉ. Lần thứ hai, lần thứ ba. Nhưng đến lần thứ tư Minh kí. Anh ta cười khẩy:
– Mày – Minh gọi vợ bằng mày – tưởng tao hèn lắm sao? Sống với mày vinh lắm chắc?
– Không lẽ nhục?
– Chính xác là rất nhục. Mày tự đóng khung vào trong cái vó trí thức rỡm, đâu có biết bên ngoài kia, thiên hạ nói gì về bản thân mày.
– Anh đi nghe thiên hạ, thì lấy của thiên hạ mà nhậu.
– Tao sẽ nhậu bằng cái của tao làm ra, hơn là ăn cái của mày.
– Của tôi thì sao?
– Của cô ấy à? Cô có nghe thiên hạ nói sao không? Họ bảo cô là con đỉa rút máu học trò. Đứa nào không học thêm cô đì bằng cách mắng mỏ ngay tại lớp vì dốt, cô dạy thêm bằng cách dạy trước cái sẽ học, người ta bảo cô không có lương tâm. Làm giáo viên mà bị đánh giá không có tâm cô nghĩ sao?
– Anh biết gì về Tâm mà lớn giọng? Tâm của anh là ba giọt rựợu và cái vũ phu kìa.
– Tôi không nói tôi mà tôi đang lập lại lời thiên hạ nói về cô và những thầy cô giáo dạy thêm khác. Họ và cô không xứng để học trò noi theo.
– Chúng tôi dạy thêm không bất hợp pháp, thiên hạ ghen ăn tức ở, mặc kệ họ.
– Những ông thầy bà cô dạy thêm kia thì không nói, riêng cô thì khác đấy.
– Tôi thì sao?
– Vì bằng cấp của cô là bằng mua…
– Cái cao đẳng của tôi mà mua à? Anh nghe ai nói thế?
– Tôi không nói cái cao đẳng, tôi nói cái bằng sư phạm của cô, cô qua sư phạm lúc nào mà có để vô biên chế? Bà Vân hiệu trưởng cũ tuy hưu, nhưng chưa chắc đã yên đâu. Cô liệu hồn đấy.
Sao Mai rúng động. Nhưng cô tự trấn an mình, dễ gì người ta biết để truy. Mà nếu có truy thì sẽ bể ra từng cụm dây mơ rễ má, họ sẽ bưng lại cho kín. Không sao, trong ngành dễ gì họ giết nhau, ừ dễ gì…
Cô bâng khuâng nghĩ tiếp. Lỡ bể ra thì sao nhỉ? Rõ cái bằng của cô không biết từ đâu mà hiệu trưởng cũ có để giúp cô. Hiệu trưỏng có thể không sao, vì đã hưu rồi. Nhưng còn cô? Chuyện truy căn đâu có khó. Cô bị đuổi khỏi ngành là cái chắc.
Sao Mai sợ. Ai cấm đựợc gã say bên chén rượu huỵch tẹt chuyện nầy. Nó sẽ lọt tai mấy kẻ đố kị trong trường, một lá đơn có chữ kí của vài giáo viên đề nghị xem lại tất cả các cái về cô là sạch.
Cô xé bỏ tờ đơn li hôn mà khó khăn lắm gã chồng mới kí. Đành thôi vậy. Nhịn một tí cũng chẳng chết. Không lí là chồng mà nó đi khai chuyện không phải để sụp đổ sự nghiệp của vợ sao? Cô giận dữ chửi thầm :
– Đồ súc sinh.
Nhưng súc sinh không chịu, gã viết lại tờ đơn li hôn. Sao Mai thật sự ngạc nhiên. Cô hỏi:
– Anh muốn gì?
– Tôi muốn cô bỏ cái vụ thêm bớt đi, bằng không chúng ta chia tay nhau.

ΦΦΦ

20 bình luận

Filed under Nguyễn Trí, Tác Giả, Truyện Ngắn

20 responses to “CÔ GIÁO SAO MAI

  1. Nguyên Thủy

    Anh Nguyễn Trí thân mến..
    Câu chuyện với bối cảnh ở một trường cấp hai ở vùng sâu và việc dạy thêm của cô giáo Sao Mai…Tưởng đơn giản, nhưng không..câu chuyện cưu mang toàn cảnh của một bức tranh với nhiều chi tiết cần sửa hoặc bỏ đi và không biết phải bắt đầu chỉnh lại ở điểm nào…!
    Từng nhân vật được mô tả sắc nét và thực. Tâm lý nhân vật được vẽ theo kểu thời thế bây giờ; ở bầu thì tròn , ở ống thì dài.
    Thích nhất là đoạn tả anh chồng của Sao Mai…Có bao nhiêu trìệu người như vậy trên đất nước Việt Nam bây giờ..?Qua đó có thể thấy được tương lai….
    Câu cuối cùng:”Tôi muốn cô bỏ cái vụ thêm bớt đi, bằng không chúng ta chia tay nhau.” có vẻ như không đúng với tính cách của nhân vật này…?
    Cảm ơn anh Nguyễn Trí đã cho đọc một truyện ngắn hay.

    • nguyễn trí

      Khi ngày nào cũng bị sĩ nhục bởi bè bạn thì gã chồng cúng có thể bức xúc mà ra vậy Nguyên Thuỷ ạ

      • Chích Chòe

        Cái nầy tạm gọi là ” lươn chê chạch dài…” nhưng dù muốn hay không thì cái ” gã súc sinh ” như lời cô giáo Mai gọi gã thì…vẫn còn chút lương tâm…xấu hổ NT ạ !

  2. Trần Cát Lân

    Chào bạn Nguyễn Trí.
    Bài CÔ GIÁO SAO MAI hôm nay ” mịn ” hơn CHUYỆN DỮ Ở XÓM SÔNG. Nhưng là mịn hơn chút đỉnh thôi chớ thật ra nó cũng là gai góc của chuyện giáo dục của “đời này”!
    Chuyện mua bắng, mua chức v,v… có nghĩa là mọi cái “mua” nó đã dường như trở thành bình thường! Mà có người “bán” thì người ta mới “mua” đươc chứ? Phải vậy không Trí hè?
    Thứ nữa, là mặt bằng lương bỗng của giới “khai man trí hóa” theo tôi là bất cập! Mà cái gì bất cập thì người ta phải tìm lối sạch nhất để cân đối cuộc sống khả dĩ chứ?
    Chuyện dạy thêm không phải hoàn toàn là tốt nhưng ít ra nó là việc làm không chứa đựng ác đức. Tôi bỗng nhớ câu của người xưa: “Đói thì đầu gối phải bò.” Trong đó sao lại không trách người làm “đói” hè???
    Thôi nói tới đó được rồi Nguyễn Trí hén? Nói thêm: Phiền!
    Còn đoạn bạn viết về khả năng Anh ngữ của Cô Giáo Mai: ” Tuy bắng câp, nhưng học kiểu nghe qua phát thanh, tương đối khâu ngữ pháp nhưng phát âm cô chệch choạc, chầu chàng lắm.”. Tôi hiểu là Nguyễn Trí muốn diễn tả kiểu tiếng Anh làng nhàng của Cô Giáo Mai. Nhưng theo tôi thì sự lý giải đó chưa được thuyết phục cho lắm. Vì khi học ngoại ngữ thì việc nghe nhiều (cho dù là qua đài phát thanh) thì phần phát âm sẽ chuẩn hơn, sẽ vững hơn là “khâu ngữ pháp”. Không biết Nguyễn Trí thấy sao? Trong tình thân nên thấy gì thì tôi mạo muội nói nấy. Cho dù có chưa đúng mong bạn không buồn nghen.
    Thân mến.

    • nguyễn trí

      Anh Lân thân mến.
      Tôi viết chính xác đến một trăm phàn trăm về trình độ nghe và nói của cô giáo nầy. Chúng ta biết nghe đọc nói viết là thế nào. Nghe đọc qua phát thanh thì muôn đời không tiến nổi. Ngoại ngữ không thục tập là chết anh Lân ạ. Với lại thời tôi đi dạy thì dạy cho chính người dạy là chính xác.
      Thân mến

  3. Tào Lao

    Cuộc đời nầy ít khi được trọn vẹn , có đôi lúc thành công mặt nầy, nhưng lại thất bại ở mặt khác , đây là trường hợp điển hình ,,
    Hay có người bảo là quả báo chăng ???

  4. An Khê

    Chào nhà văn Nguyễn Trí
    Tôi không ” soi ” được những điều anh viết trong ” CÔ GIÁO SAO MAI ” vì nằm ngoài khả năng của mình nhưng…đã một thời làm ” phụ Huynh ” nên tôi hiểu và…ngậm ngùi cho nền giáo dục nước nhà ! Nhất là những vùng sâu vùng xa. ” Sâu…” thường tìm những nơi hẻo lánh để chui vào ( nhất là ” sâu ” giáo dục . Điển hình là cô giáo Sao Mai) ! Nói vậy không có nghĩa ở t/p là ” an tòan” hơn nhưng phải nói ” tinh vi ” hơn thì mới đúng vì họ là…dân trí thức thực thụ mà khi trí thức bị ” đứt dây thần kinh xấu hổ ” thì…mánh khóe tinh xảo hơn nhiều ! Thành ra, tôi không ngạc nhiên khi xã hội có những ” sản phẩm ” đại diện cho hai chữ trí thức nhưng thiếu tri thức… Tràn ngập mọi ngành nghề ! Càng đau lòng hơn khi ” người tốt ” sẽ bị cô lập thành một nhóm nhỏ và cuối cùng…họ phải kiếm nghề khác mà làm !
    Về gia đình cô giáo Sao Mai. Tôi ngậm ngùi cho ” đôi đủa lệch “! Lệch về cách sống, cách suy nghĩ. Xã hội VN hoán đổi vai trò sao quá chông chênh cho người phụ nữ ! Hai chữ ” bình đẳng ” thực sự chưa ổn…
    Tôi thương cô giáo Mai và thương luôn cái ” gã súc sinh ” Gía như…

    • nguyễn trí

      An Khê thân mến.
      Tôi cám ơn khi truyện tôi viết được phản hồi bằng sự chân thật. Tôi oqwr sâu xa nên cảm nhận vần đè nó vậy đấy. Nếu tôi viết luôn cả những loạn bình của học sinh và phụ huynh dành cho không riêng một Sao Mai thì đau lòng lớn lắm.
      Xã hội chúng ta bây giờ vậy đó An Khê ạ.

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.