Nguyễn Trí
Thứ năm, tên Tha, thường gọi Năm Tha. Cả hai vợ chồng lừng danh toàn cõi Xóm Bốn về cái tật ràm. Đến cái độ mà ai đó chỉ cần ràm sơ sơ là bị phán:
- Đừng có càm ràm như vợ chồng Năm Tha.
Cả vợ lẫn chồng dính chùm cái tật nầy luôn mới là đồng thanh tương ứng. Đặc biệt là ông chồng, chiều chiều bên chén rượu Năm Tha ràm. Nhà sát chân núi, kiếm ăn trên núi, mười người thì đúng mười dụng rượu để giải mỏi. Vậy là bên chai ba xị hai cha con Năm giải luôn buồn. Buồn lắm. Cứ nghĩ mà xem có ai mà thượng đế chơi khăm như gia đình nầy không? Hai vợ chồng có sáu mặt con vậy mà nuôi chỉ được hai đứa. Bất hạnh thay thằng lớn lại khờ khờ. Dân xóm gọi Cuội Khờ, mà không chừng nhờ cái khờ nầy mà Năm Tha có bạn để ràm. Cuội sẵn sàng ngồi nghe cha nói. Ông nói tui nghe, nghe cho đến khi già Năm ngã ngang ra cái phản gỗ, lúc đó bà xã sẽ buông mùng cho ông ràm tội nghiệp. Xứ núi muỗi con nào con nấy như con gà, ngủ không mùng là chúng rủ nhau khiêng ra nghĩa địa mất thôi.
Đứa con gái mới là nỗi buồn sâu thẳm thẳm. Ông trời rất nhiều khi tàn nhẫn đến hết thuốc chữa. Ông không cho cô gái tên Mai nầy tí ti gì gọi là nhan sắc. Cô lùn, đen, to ngang, đã thế lại không một chút duyên dáng. Cái mơ ước có cháu của cặp già khó mà thành trong kiếp nầy. Vậy nên Năm Tha ràm cũng phải thôi.
Xấu thì xấu, nhưng đâu ai cấm kẻ xấu yêu. Họ cũng lãng mạn đa tình, mà thử hỏi thế gian nầy ai chẳng đa tình lãng mạn? Bọn đàn ông lắm thằng vợ con đề huề mà vẫn cứ rong ruổi ngoài đường mà thả con bướm bay. Cái dòng bướm thì hoa thối, hoa thơm chi chúng cũng nhúng vòi vào. Còn nói người ta thích mình mà mình không thích lại là có tội. Thẩn cũng vậy. Thằng nầy trai lơ hết phép, với nó xấu đẹp đều là người. Thấy Mai mết mình nó không từ chối tình em. Cô đi ngang quán nhậu, Thẩn liền nổi máu ma bùn:
– Mai ơi, đứng lại anh nói nghe nè…
Cô gái tội nghiệp cũng thích lắm anh bô trai. Vậy là cùng anh đi dạo trên đường vắng, và tối thui. Anh rủ rỉ lời ong tiếng ve vào tai em. Bọn trai lơ nầy khi muốn nó nói thôi thì con kiến trong lổ còn bò ra vểnh râu nghe ngóng. Rất nhanh chóng trai lơ đạt được điều mong muốn. Và xưa nay ai cũng biết ái tình luôn là điều kỳ diệu và tất yếu của tình yêu trai gái là họ cùng nhau tạo ra con người. Kỳ diệu chưa? Khi cái bụng của Mai vun lên, bè bạn của Thẩn cả cười:
– Thẩn à – họ nói – mày là con cháu của Trư Bát Giới. Hèm cũng nuốt luôn.
Thẩn hềnh hệch cười. Thằng nầy thời chiến tranh có đi làm sở Mỹ nên võ vẻ Mỹ bồi:
– Nô lai thì năm bờ oan cũng xem xem như năm bờ ết. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh.
Nói rồi gã quăng cục lơ, chả ngó ngàng chi đến cô gái tội nghiệp. Vậy là vợ chồng Năm Tha tiếp tục ràm. Ràm, nhưng mà khoái. Bà Năm nói với bọn xấu mồm:
– Con gái tao dại tao có cháu ngoại tao ẳm.
Vậy là Mai đẻ và nuôi con. Con trai mới bảnh nghe. Thôi thì có cục vàng hủ hỉ cũng vui. Cô đặt tên con là Thơ. Cha Thẩn con Thơ. Thẩn Thơ kể cũng vần. Những tưởng vậy là vậy rồi, nào ngờ năm Thơ lên bốn tuổi Mai có chồng. *
Chồng của cô tên Hùng, thường gọi Hùng Đen. Trong xóm bốn có bốn gã tên Hùng, chơi với nhau từ thuở Mỹ tràn ngập Miền Nam. Cha của họ đều là hạ sĩ quan của triều cũ. Ông nào ông nấy cũng một lô, một lốc con cái. Thời cũ ngon lắm, cứ đẻ là có lương nên thi đua nhau sản xuất. Sau thống nhất các quý ông nầy thất sủng, thêm kinh tế tự cấp tự phát nên bị thiếu đói tấn công. Con cái của họ bò lên núi kiếm cơm, bữa đói bữa no, toàn bo bo độn mì. Ai đó nói tâm tính con người thường bộc lộ rõ khi say, nói vậy là thiếu, còn cả cái đói nữa. Khi đối diện với đói con người ta bần tiện lắm.
Cha của Hùng Đen luôn ngồi than thân trách phận, tiếc cái thời no đủ khi Mỹ còn tại vị, chao ôi là bánh mì và thịt hộp, bơ đường sữa ặp ụa khắp nhà. Có ba giọt rượu là ông ta quay qua chửi bới bầy con. Chửi và kể lễ:
– Đù… bọn bây là một lũ vô dụng. Tao đẻ tụi bây ra cho ăn đi học, cơm trắng cá tươi, mà nay bữa ăn của tao toàn củ mì…
Nghĩ cũng lạ, cha mẹ đẻ ra, nuôi con là bổn phận lại kể là sao? Anh của Hùng là Mẫn cự lại:
– Thời khó phải ráng chịu. Bọn con bò lên núi cũng khoai lang và củ mì ba ơi.
Vậy là cha con cự um sùm sùm. Mẫn nói:
– Ông khó vừa thôi, khó kiểu đó không ai ở được với ông.
– Mầy cút đi, tao không cần mày.
Buồn tình. Đủ thứ tình, trong đó có người yêu đi lấy chồng. Vụ nầy cũng tội nghiệp Mẫn và cô bồ lắm. Cả hai yêu nhau tha thiết, nhưng mẹ của cô chê anh trên răng dưới dép. Sợ con bà sẽ sa chân vô chốn cái bang nên dứt khoát không cho yêu, lại sợ trái lựu đạn nổ bất tử với thằng đẹp trai nên bà gã gấp. Cô gái đành nuốt lệ làm vui. Ngày cưới cô phát thiệp mời Mẫn. Buồn quá Mẫn uống đến say khướt cò bợ, lúc về té ngang đường cả thân thể đè lên bãi cứt chó. Hôm sau trong quán nhậu bình dân, đã đã rượu một thằng bạn nói:
– Ê, Mẫn cứt chó…
Mẫn lừ mắt:
– Mày nói gì?
– Hê hê hê hôm nay tao sẽ gọi mày là Mẫn Cứt Chó…
Chả nói chả rằng Mẫn vung hổ quyền thoi một trái trí mạng vô cái miệng thằng bạn. Thằng nầy vốn bị gãy một cái răng cửa, vậy là theo đà năm cái khác rớt theo, thêm cái miệng đầy máu. Trong lúc thằng kia ôm mặt Mẫn vỗ bàn:
– Thằng nào nói bậy tao bêu đầu cả lũ.
Gia đình thằng bị đánh lôi con đến nhà mắng vốn đòi bồi thường cơm thuốc và trồng răng. Cơm đói áo rách ở đó mà răng với cỏ. Mẫn nói tại nó nói bậy nên không thường bồi gì sất. Phía bên kia tuyên bố sẽ kiện. Tội đánh người không duyên cớ là cải tạo chắc luôn. Sợ bị bắt Mẫn ta lên đường biệt cố hương.
Rồi có lẽ chán đời hay sao đó không rõ. Mà nghĩ cũng chán cho Hùng Đen lắm. Cuộc sống chi mà cứ sáng trưa chiều tối ăn ngủ đi làm, vậy mà vẫn không đủ đâu ra đâu. Bộ tứ Hùng, gồm Hùng Đen, Hùng Trắng, Hùng Sanh( con ông Sanh) và Hùng Thành( tên khai sanh là Thành) cùng nhau viết quyết tâm thư xin đi bộ đội, lúc mà Khờ me đỏ xâm lược Tây Nam.
Thiên hạ đi lính vì Tổ Quốc thân yêu, riêng bốn thằng nầy đi là vì muốn tránh cái nhàm chán đơn điệu và khó khăn của miếng ăn, thực vậy. Bằng chứng là sau một tháng đời lính chúng mò về với ba lô và quân phục, gia đình hỏi thì cả bốn trả lời rằng đơn vị cho đi công tác nhận lương thực nên tranh thủ ghé thăm nhà. Cả bốn nhà vui quá giết một con chó mở tiệc ăn mừng. Có rượu vô bốn cu cậu khai là đào ngủ. Có chết không?
Sau đó là một chuỗi những ngày trốn chui trốn nhủi như chuột. Chính quyền địa phương yêu cầu gia đình đưa con em ra trình diện, ai cứng đầu thì vác khăn gói đi học tập. Hãi quá bốn ông con lại lên đường. Lần nầy thì đâu ra đó. Cùng nhau lên K, cùng nhau trở về sau ba năm sáu tháng. Và em nào cũng có giấy xuất ngũ trong tay.
Đến lúc ấy mà kinh tế gia đình vẫn không khởi sắc. Từ chiến trường về, Hùng Đen lại theo em út lên non cao kiếm sống. Ông cha thì đã qua đời vì bạo bệnh, ông anh tên Mẫn nghe nói vượt biển chết mất xác đâu đó trên biển cả. Hùng đi ngang nhà Năm Tha, vợ chồng ông càm ràm kêu vô làm chén rượu. Say quá Hùng ngủ luôn. Nửa đêm mò dậy đi ngoài, Hùng nhác thấy một phụ nữ đang ngồi trông trăng. Má ơi, nói thiệt cho mà nghe, đêm, một thiếu nữ xõa tóc ngắm trăng trông đẹp mê hồn. Hùng Đen lân la gợi chuyện. Anh ta kể chuyện Campuchia, chuyện trăng bay trên hàng cây thốt nốt. Cô gái một con cũng trò chuyện lại, chả hiểu là nói cái giống gì mà sau đó Hùng nhờ mẹ qua nhà Năm Tha nói một tiếng để anh ta sống với cô Mai. Bà mẹ đang ngần ngừ vì ngô khoai còn không đủ, lấy đâu mà hỏi vợ cho con thì điều kỳ diệu đến. Ông anh tên Mẫn nghe đồn chết trên biển mò về. Ôi vui quá xá là vui.
Thay mặt mẹ, gã anh bụi đời mua cặp rượu, cặp trà nói chuyện cùng vợ chồng Năm Tha.
Vậy là cũng vợ chồng như ai. *
Cả hai lao lên núi kiếm cái ăn và cho cu Thơ học. Hùng là dân sức dài vai rộng, chí lớn tầm thái sơn. Anh ta đâu thể chấp nhận để cái sự nghèo đè đầu cưỡi cổ. Một hôm kia nghe đồn trên bãi vàng khả năng làm giàu lớn và nhanh như thổi bong bóng. Hùng liền từ giã vợ con lên đường mong kiếm cái vinh quang. Anh ta đi. Đi mãi, hết ngày dài rồi lại đêm thâu lậm qua tháng. Sau ba tháng, tưởng ngon lành lắm. Hùng mò về trên ngón tay chỉ vẻn vẹn cái khâu năm phân vàng. Nói chung là sau chừng ấy thời gian mà thu nhập chừng ấy thì thà ở nhà chặt củi đốt than còn hơn.
Như bao nhiêu thằng đàn ông đội vợ lên đầu khác. Về lại xứ núi Hùng không ghé thăm mẹ mà đi thằng đến nhà mình, tức nhà của cô Mai. Lúc ấy là ba giờ sáng. Định trong bụng là sẽ cho vợ một bất ngờ đầy thú vị. Chà chà, ba tháng mới gặp nhau thì trên cả thú vị đi ấy chứ… Nhưng Hùng ta quên mất là xứ núi nhà nào cũng nuôi chó. Anh đi lâu quá nên con chó nhà quên luôn chủ, nó xồ ra mà gấu gấu inh củ tỏi. Hùng nép vào bờ dậu và khẻ huýt sáo, con chó bắt đầu nhớ hơi, thì cửa nhà cũng mở. Hùng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy kẻ xô cửa bước ra sân không phải Mai mà là thằng Hòa, bạn cùng xóm. Rồi tới phiên Mai. Họ đứng bên nhau. Bà nội mẹ nó, thiệt là tình… cái nầy là ăn quen mà nhịn không quen đây chớ gì? Đúng là con đàn bà khốn nạn. Thấy không có chi động dạng gian phu mới ẳm dâm phụ vào nhà. Lúc nầy Hùng Đen mới trở lui gõ cửa nhà mẹ đẻ. Ông bà dạy nóc nhà xa hơn chợ quả không sai.
Bà mẹ già thấy con trai về mừng ơi là mừng. Nó lại cho mẹ cái khâu, chao ôi quý. Đang thiếu thốn mà nó cho như ri là qúa có hiếu. Bầy em cũng xúm xít quanh anh mà méc, chúng méc rằng bà vợ của anh ở nhà cũng ba trời ba đất lắm, chúng nghe thiên hạ kháo là bà chị có giao hàng cho ai đó vân vân… Chuyện nầy chúng méc cũng bằng không, ai chứ Hùng thì chứng kiến tận mắt rồi. Anh ta cười cười chả nói chi hết. Sau đó thây kệ vợ Hùng Đen tiếp tục lên đường. Đúng là dân bãi vàng có khác, xem chuyện đó đây là trò vặt.
Hùng đi một mạch cả năm sau mới trở về. Trông cũng rách chứ không ra thể thống gì. Ghé mẹ ở được ba hôm thì cô vợ tên Mai ẳm con đến. Cô ta bảo là con của Hùng, trách móc rằng sao mà bạc bẽo thế. Hùng không nói, chỉ cười cười đưa cho Mai ít tiền, rồi lại ra đi. Cũng thông cảm cho Hùng. Tận mắt thấy người được gọi là vợ ngủ với trai. Bây giờ bảo là con mình thì oan cho Hùng quá. Biết có thật con anh ta không? Mà nếu thật đi nữa, bây giờ vác thân ra chịu thì thằng Hòa khốn kiếp kia cười cho thúi mũi. Cô ta đã lăng loàn thì bây giờ phải ráng mà lãnh đủ. Nghĩ vậy nên Hùng lại tiếp tục bôn ba trên vạn lí. Và trên con đường ấy anh ta gặp và gá nghĩa với một sương phụ chồng chết có hai con.
Sương phụ nầy tuy buôn bán trên bãi vàng, nhưng là con nhà có danh chứ không phải vất vơ. Hùng về và yêu cầu mẹ lên xứ của cô nói đôi câu với họ mạc nhà cô để hai người nên đôi lứa. Bà mẹ thật khó xử, một người đem cháu tới bắt kêu bằng bà nội, tuy không cưới nhưng cũng là dâu con, nay đi nói vợ khác cho con chẳng khác nào chửi vô mặt mình. Đúng lúc ấy ông anh trai tên Mẫn sau một thời bôn ba lại ghé về thăm mẹ. Tạc thù bên chén rượu, anh giang hồ hỏi em sông nước:
– Sao chú bỏ con Mai?
Không dấu diếm, em cho anh tỏ ngọn ngành cái đêm hôm ấy. Nghe xong anh nói:
– Chú mày đúng là không biết sống, chỉ biết mình mà không biết người. Con Mai có cặm sừng lên đầu chú cũng phải. Vì sao? Vì bản năng cô ta thức dậy mà không có chồng thì buộc phải thế. Nay chú bỏ người ta là không phải. Lấy vợ khác lại càng không phải. Chú bảo thằng Tâm không phải con, vậy nó là con thằng Hòa, nhưng thằng Hòa lại không nhận. Trước mắt mọi tội lỗi thiên hạ sẽ đổ lên đầu chú và gia đình nầy. Nên thật là khó khi tôi hoặc bà già đi hỏi vợ cho chú lần nữa.
Ông anh nói đúng quá. Và đang trầm ngâm tìm cơ gỡ rối thì cô Mai lại xách thằng cu ba tuổi tên Tâm ra nhà nhờ bà nội nuôi giúp. Vì sao? Hỏi ra mới biết, ông cố nội Thẩn cha thằng Thơ chả hiểu sao lại quay về nối lại tình xưa. Thẩn khốn nạn lắm, nó ghét cu Tâm. Mai thương con nên đem ra giao cho bà nội. Thật tiến thoái đều khó vì em út của Mẫn Và Hùng không thừa nhận cu Tâm là cháu. Đúng lúc ấy giang hồ Mẫn nói:
– Được rồi, để đó tao nuôi cho.
Vậy là vẹn tất cả đường. Bên có vợ, bên có chồng, thằng cháu được bác nuôi. Bà nội hỏi thằng con giang hồ:
– Rồi vợ mày nó có chịu không?
Giang hồ Mẫn nâng chén cười khà khà rằng vợ anh ta là con quan thuở trước. Cha cô ta sau thời gian cải tạo được nhà nước Mỹ bốc đi. Cô ta đi luôn vì yêu thì có yêu nhưng yêu mà không có cái đút vào mồm thì yêu yếu lắm. Nay anh ta độc thân, buồn nên nhận thằng nầy làm con cũng tốt.
Nghĩ đời cũng lắm cái buồn cười.
Và vụt vụt thời gian trôi. *
Tất nhiên là thời gian trôi đến đâu, dâu bể cũng theo mà rắn hóa rồng và ngược lại. Ai cũng có phần đời nấy, cũng nhuốm ít nhiều bi kịch qua những quyết định của mình. Hùng Đen và hoàn cảnh của anh ta cũng tương đối gọi là bi đát.
Sương phụ hai con gắn đời mình vô đời Hùng, cương quyết không đẻ với anh ta thêm mụn con nào. Mỗi khi dẫn vợ về thăm nhà, bà mẹ vẫn khuyên Hùng nên có lấy một đứa, trai gái chi cũng được để có mà sai vặt. Hùng tứ xứ hạt sen nên qua quýt cho xong chuyện. Còn cô vợ thì nói với bạn rằng, hai dòng con ba bữa sẽ không hay lắm trong phân chia tài sản. Hùng hơi lép một tí khi chọn quê vợ làm quê mình. Khi lấy sương phụ nầy Hùng kiết xác mồng tơi, nhờ vốn liếng của vợ mà Hùng được thiên hạ kính trọng gọi bằng ông. Anh có xe tải, có đất đai, có tiền mang về cho mẹ và em út, có cả cái vũ phu, sẵn sàng thượng cẳng tay với vợ khi trái ý mình. Cô vợ biết chồng thèm lắm một đứa con, nhưng cô sợ hai đứa con riêng, chúng sẽ ra sao khi có thêm em, và em lại có cha? Cuối cùng Hùng đành xem con vợ như con mình. Vì sao? Vì anh yêu sương phụ nầy, sẵn sàng làm tất cả vì cô.
Thôi thì con ai cũng vậy, ta có chăm, có nuôi. Gieo hạt lành ắt phải có trái ngọt đó là tất yếu. Ừ, phải vậy thì tốt quá. Hai thằng con được ăn học hẳn hoi, kẹt cái không thằng nào vô được đại học, chúng quyết đứng lên bằng cách làm cái chúng thích. Hai thằng đòi hai nghiệp khác nhau và nghiệp nào cũng cần có vốn. Bà mẹ móc hầu bao mà không bàn với chồng. Mà tại sao lại phải bàn? Xưa nay mọi cái trong nhà nầy không phải do bà quyết định đấy sao? Cả cái chủ hộ và bao nhiêu của nổi chìm đều do bà đứng tên. Vậy bà có quyền cho con cái bà thích. Hùng bực bội khi bị qua mặt, công sức và trí tuệ anh đổ ra không ít. Vậy mà vợ coi chẳng ra chi. Tất nhiên thằng nào chả đổ khùng lên.
Thằng bãi vàng một thời oanh liệt, dọc ngang nào biết ai ở trên đầu. Hùng Đen văng tục chửi thề. Bà vợ cũng từng lăn lê bò toài trên bãi cũng đâu sợ chi. Mồm loa mép giãi rằng Hùng lấy bà chả có chi trừ cái các tút. Càng nói càng đỏ mặt tía tai, nguyên nhân của cái sự đỏ nầy là do cao máu, đôi khi buồn buồn nó lên những hai trăm. Bác sĩ dặn cố tránh sự căng thẳng.
Trong cơn giận Hùng Đen thằng một bạt tai vô mặt vợ. Chỉ một bạt tai, Hùng bị dính năm năm tù giam vì đánh người đến bán thân bất toại. Sau tù, Hùng không còn cửa để vào cái nơi từng là chủ. Anh trở về với xứ núi xưa, mẹ già đà xanh cỏ, bầy em ai nấy đều có gia đình riêng, chúng cho cái sạp tre. Trên cái sạp ấy anh uống rượu tiêu sầu. Và một hôm kia Hùng chợt nhớ đến ông anh không bến không bờ tên Mẫn.
Để xem tay Mẫn nầy giờ ra sao?
Hùng cực ngạc nhiên khi anh trai sống độc thân.
Suy cho cùng chuyện cũng chẳng chi lớn. Tuy anh em ruột nhưng gian khó quá nên chả quan tâm đến cuộc sống của nhau nhiều lắm. Tay Mẫn nầy khi Sài Gòn khi khắp xứ trời ơi, hắn ta về nhà thì mới biết còn sống, còn đi là như chim biền biệt mù khơi. Thậm chí bà má qua đời mới thấy mặt, xong là đi. Hùng hỏi:
– Sao anh không lấy vợ?
Mẫn kha kha cười. Ôi dào, hắn nói giọng đầy khinh bạc:
– Đàn bà đầy ra trên thế gian nầy. Vợ làm chi cho nhọc xác. Tao ở với thằng Tâm là tốt rồi.
Nghe nhắc đến Tâm, Hùng lại hỏi?
– Tôi chả thấy thằng Tâm đâu, nó ra sao rồi?
– Vẫn bình thường, đang trên thị trấn.
– Nó vợ con gì chưa?
– Rồi. Một vợ hai con. Trai gái đủ, kể cũng đẹp.
– Bà xã của anh có khi nào về thăm anh không?
Lại cười cả tràng. Mẫn ừ có chứ. Cô ấy đưa cả con về thăm tôi. Tôi với chú chung một cái hận là bị đàn bà đạp cho bấy cả đời. Và chả có cái hận nào giống nhau cả. Nếu chú bị mất hết thì tôi cũng mất tương đương. Khi tôi lấy vợ nào có cái gì, cả cái giấy lận lưng. Vậy nên khi con tôi ra đời khai sinh thuộc về nhà cô ấy. Tôi không ngờ có cái hát ô hô, mà cũng không phải ô hô, ô hiếc mà vì cái lòng người chú ạ. Vì nghèo nữa. Cô ấy sống với tôi thiếu lắm, ở Sàigòn cái xích lô đâu đủ cho như cầu tối thiểu. Cô ấy mang con theo gia đình ra đi… Tôi cũng đồng ý vì lời hứa sau đó sẽ bảo lãnh. Ngờ đâu một năm sau nường lấy một thằng Mỹ. Lúc ấy tôi mới nhớ, mẹ nó, đàn bà mà không tiền là không được, không tình dục lại càng không được hơn. Như chú và con Mai chả hạn, chú bỏ nó phòng không thì nó có giao hàng cho thằng Hòa thì cũng chẳng có chi đáng trách. Tôi nói vậy không phải đúng mà quá đúng. Cả cuộc đời nầy thiên hạ tranh nhau chẳng qua chỉ để phục vụ cho tứ khoái. Một đôi khi ngẫm đời mà tội nghiệp cho chính mình. Rồi xét rộng ra lại thấy chú là người tội nghiệp nhất. Chú nuôi con vợ từ thuở chúng bé như tôi nuôi thằng Tâm. Vậy mà vì vật chất chúng đã đang tâm phản bội chú… Bây giờ chú thật sự thân bại danh liệt. Nhưng khổ cái là trong thâm tâm chú không có thằng Tâm. Nếu có thì rất chi hời hợt. Tôi nói vậy là vì tôi đã bước qua cái bước chú đang bước. Chú biết không? Qua Mỹ vợ tôi lấy ngay một anh da trắng và con tôi nhập ngay vào cộng đồng Mỹ. Ngày trở về thăm quê tôi và thằng con không hiểu nhau vì ngôn ngữ bất đồng. Mà không vậy chúng tôi cũng rất xa vì chừng ấy năm xa cách là một vời vợi đến muôn trùng… Tôi cô đơn lắm, may mà có thằng Tâm con chú nên tôi có cái để lao vào ăn thua đủ với đời sống. Vậy mà nó không qua nỗi cái lớp chín chú ơi…
Bên vợ Mẫn cũng chả tàn nhẫn chi, nhưng trước khi rời nước mẹ ruột sang mẹ nuôi, họ bán sạch của nả. Cái nhà bà con thân hưởng sái. Mẫn còn lại cái xích lô, vậy là hai bác cháu ra phòng trọ. Cũng không chết vì Mẫn thương khó lắm. Sáng anh uống li cà phê đen tự chế, hút điếu thuốc lá đen. Và Tâm đến trường trên xích lô của ông bác.
Tờ mờ sáng hôm ấy Mẫn sai Tâm đi mua lạng cà phê và gói thuốc. Con gái chủ quán là bạn cùng lớp với Tâm. Chả hiểu ra làm sao mà sau đó Tâm không đi học nữa, có trời đất gì nó cũng quyết nghỉ. Mãi về sau ông con mới tâm sự rằng, ông đến quán thì chả thấy ai, hộc đựng tiền thòi ra mấy tờ giấy bạc mệnh giá lớn. Tham nổi lên, nghía kĩ càng Tâm liền ra tay. Nó lấy một gói thuốc, một lạng cà phê và sau đó tuồn vào túi một nắm giấy bạc. Chưa kịp tẩu đà vi thượng thì chủ quán xuất hiện cả cô bạn cùng lớp. Thật là nhục nhã.
Mẫn phải rời thành phố về xứ rẫy kiếm miếng đất làm nông nghiệp kiếm cơm. Thằng cu bò lên thị trấn chạy bàn cho quán lẫu bò. Và từ cái quán nầy đời Tâm sang trang.
Cô con gái rượu của ông bà chủ quán đắm đuối thằng ở đợ làm thuê nầy. Đúng là không giầu thì phải đẹp trai. Thằng Tâm đẹp rờ rỡ, nó giống cha Hùng Đen ở cái tướng cao ráo, giống ông bác phong trần bụi bụi và sâu đậm cái bất cần đời. Vậy là người đẹp mê anh, cho anh tất cả cái em có. Tâm ta rất chi chung tình, yêu ai chỉ một mà thôi, và ông bà già vợ sẵn sàng giao cơ ngơi cho đôi trẻ. Tâm ung dung lên chủ. Lại bò lên thị trấn khác dựng một lẫu bò khác. Nói tiếng lẫu nhưng lại bán tất cả thức nhấm cho rượu và bia. Một chi nhánh vậy ít cũng mười em bồi bàn. Tâm tậu một chiếc bốn bánh để đi thực tế quán và cùng vợ con du lịch bốn hướng mười phương:
– Vậy đấy – Mẫn tiếp tục – tụi nó làm ăn ngon lắm, giờ năm bảy cái nhà hàng đặc sản. Nghe chú mày vô thăm chắc nó mừng lắm đây. Để tao gọi điện để nó chở vợ con về ra mắt ông nội.
– Thôi khỏi đi anh. Em còn mặt mỏng mặt dày nào để gặp nó?
– Tại sao không? Làm thằng người ai chẳng tham sân si hỉ nộ ái ố? Vợ ngủ với người khác trước mặt mình mà không chấp thì thần kinh có vấn đề. Tôi cũng có nói chuyện chú cho thằng Tâm nghe mà, yên tâm đi. Với lại chú đến đây để thăm tôi, đâu vì cái gì khác mà ngại với ngùng.
Tâm nghe thoại của ông bác vội trên Mẹc-xê-đì về nhà. Ai chứ ông bác nầy là hồn linh của sự sống Tâm. Nghe nói có cả cha mình đang hiện diện, vợ và con cái anh cùng trực chỉ. Và đúng là đàn ông, tất cả đều đã trưởng thành. Kẻ thua cuộc cờ, người thắng nước, chung nhau một chiếc ly chia nổi vui buồn thế thái. May quá, rượu ngoại nên không đến nổi phải vỗ đùi cho men trôi. Gã thất bại Hùng Đen ngậm ngùi:
– Ba đã thật không phải với con, chừng ấy năm mà ba đã không ngó đến, thật là không xứng để làm người.
Thành đạt đưa mắt nhìn bạt mạng Mẫn. Mẫn cả cười:
– Chú đừng có ủy mỵ. Việc gì qua hãy cho qua, vất đao sẽ thành phật, quay đầu là thấy bờ, phải không?
Tâm tiếp:
– Bác Ba nói đúng đó ba, trước sân si, con người ta ai chẳng vấp. Con đây còn bị dính chấu, nếu không có bác ba đời con chả biết phải về đâu.
Và đúng là đàn ông dạng hảo hớn, họ cho qua mọi chuyện. Hùng Đen từ giã anh trai về với xứ núi. Khi đi bằng xe đò, lúc về Hùng ung dung trên tay ga đời mới nhất. Thằng con chả tiếc với cha chiếc xe trăm triệu. Và nhiều thứ linh tinh lai tai trên cổ, trên tay và trên ngón tay.
Cái linh tinh ấy làm chấn động xứ núi. *
Và chả hiểu Hùng Đen đã tâm sự với em út mình thế nào. Có lẽ khoe mình cũng có con trai như ai và con đang thành đạt. Cũng nên thông cảm cho gã thất bại đời nầy, đang ngập ngụa trong vũng tuyệt vọng, hốt nhiên hóa thành người. Bao nhiêu đau đớn phút phủi sạch ai chẳng muốn tung hô mà vạn tuế cuộc đời… Thế là lời tục truyền thế nầy thế nọ. Xứ núi buồn teo qua rồi thời gian khó, thiên hạ đã biết túm năm tụm ba bên cà phê cóc, rượu đế ôm bàn cái sự đời. Cái thằng Hòa nay đã nên ông cũng lắng nghe. Rồi một hôm hắn đích thân làm một chuyến tư du, để khi chết xuống dưới âm ty có cái mà khoe với cô hồn các đảng rằng ta đây cũng xứ nầy xứ nọ. Nơi Hòa đến là nhà riêng của Mẫn. Kể ra thì cũng quen chứ không hề lạ. Có cái hơi lạ là trong nhà Mẫn cũng có một thằng, chả hiểu đến làm chi. Nó là Thơ. Con trai Thẩn và là anh em cùng mẹ khác cha với Tâm.
Ông Mẫn đâu có biết Hòa là ai. Chuyện ba chục năm có thánh mà nhớ được. Với lại ông đâu có trang lứa với Hòa mà để nhớ hay không. Cầm chén rượu, phải nheo mày nhíu trán một lúc lâu ông mới à:
– Ra chú mày là Hòa đây hả? Sao biết tao ở đây mà đến? Rồi rồi… Tao nhớ rồi… thằng em tao có kể lại. Mày là cái thằng bạn khốn kiếp đã ôm con Mai khi nó đi làm bãi vàng đây chớ gì? Kể ra mày cũng bản lĩnh, chơi với bạn, lấy vợ bạn đúng là đồ có hạng… Khà khà khà… tính tao nó vậy, có sao là nói vậy người ơi, mất lòng thì ráng chịu… Mà tới đây có chi không?
Hòa bị phủ đầu, nhưng hắn nhẫn nhịn thấy rõ:
– Anh Mẫn à… Tôi giờ cũng gần với đất lắm rồi… Nghĩ chuyện mình khi xưa tôi ân hận lắm. Tôi biết anh nuôi thằng Tâm từ bấy đến nay. Anh có thể cho tôi gặp nó không?
– Chi vậy?
– Tôi nghĩ rằng nó là con tôi.
– Cứ cho là chắc chắn con của mày thì mày sẽ làm gì?
– ….
Hòa ngẩn người ra. Hắn ngước mặt nhìn thằng Thơ. Thằng Thơ đăm đăm nhìn hắn.
Ừ nhỉ. Nếu là con của mình thì Hòa sẽ làm gì?
ΦΦΦ
Câu chuyện đọc một lần qủa nhiên rối rắm..!Nhưng đọc lại lần nữa mới thấy những lý lẽ cuộc đời đằng sau mỗi số phận…
Nhân vật “thấp thoáng” nhưng là “tâm” của câu chuyện là Mai…
“Ông không cho cô gái tên Mai nầy tí ti gì gọi là nhan sắc. Cô lùn, đen, to ngang, đã thế lại không một chút duyên dáng. Cái mơ ước có cháu của cặp già khó mà thành trong kiếp nầy”
Vậy mà lại có 3 đời chồng, hai đứa con trai là Tâm và Thơ
Hùng nhân vật chính của câu chuyện..
“Hùng là dân sức dài vai rộng, chí lớn tầm thái sơn.
Thằng bãi vàng một thời oanh liệt, dọc ngang nào biết ai ở trên đầu..”
Cuối cùng không còn gì cả, chiều chiều ngồi trên sạp tre uống rươu tiêu sầu..!
Tâm đứa con không biết rõ ai là cha, được người bác “ba chìm bảy nổi” nuôi lớn, gặp thới lại ăn nên làm ra…
NT cảm nhận được những điều này muốn chia xẻ vói tác giả và mọi người:
Cuộc sống có lý lẽ riêng không thể nào biết được.
Tính cách của mỗi cá nhân quyết định số phận của họ.
Luật nhân qủa chẳng cần đợi đến kiếp sau.
Đàn ông thiệt là khổ sở với đàn bà….
Một số chi tiết hơi thiếu tính khách quan, nhưng câu chuyện vẽ nên toàn cảnh của miền Nam sau 1975: màu xám, tình người phôi phai, đói, bỏ nước, trại cải tạo….
Cảm ơn tác giả Nguyễn Trí- một truyện ngắn hay.
Cám ơn Nguyên thuỷ đã đọc đến tận chân truyện nầy. Tôi sẽ cố khách quan cho những truyện sau.
Cám ơn góp ý chân tình của anh
Hễ nói đến xóm nghèo thi nơi đâu cũng thương xót & tôi lắm, nhất là dân mình ,, truyện nói những sự thật mà có khi xã hội cố che phủ đi, mình thích những truyện như thế nấy lắm bạn Nguyễn Trí …
Tôi thích truyện của Nguyễn Trí vì luôn muốn nói ra sự thật những mảng tối của xã hội. Cuộc đời luôn có những khía cạnh tốt , xấu , quan trọng là chúng ta có dám nhìn vào sự thật hay không ?
Chào nhà văn Nguyễn Trí
Đọc xong ” CẠN CHÉN ĐỜI” tôi thở dài…định đi luôn vì không biết còm như thế nào vì ( theo năm tháng đời đã dạy tôi rằng MACKENO) nhưng…với bản tánh không thích ” phù thịnh không phù suy ” nên mạn phép có vài ý
– Nói thật với nhà văn, bác viết truyện nầy tôi không thích lắm ! Nó, ” trần trụi ” đến độ lũng cũng! Đọc xong…mệt quá 🙂 ( xin lỗi nha, đó là ý riêng của tôi thôi ! )
– Có lẽ nhà văn đi nhiều, lăn lóc nhiều nên ” mảng tối ” trong xã hội bác hiểu và biết nhiều . Nhưng khẳng định các ông VNCH cứ việc đẻ vì…có đẻ là có lương ! Theo tôi thì…không hẳn như vậy đâu, hồi đó y học chưa tiến bộ như bây giờ nên vấn đề ngừa thai rắc rối lắm mà lỡ có bầu thì sợ tội ( tâm linh ) nên cứ…đẻ ( có lẽ nhờ vậy mà con người hồi đó…thủy chung hơn, tình nghĩa hơn ? )
Ý cuối cùng- Xã hội bây giờ tệ hơn nhiều…hôm nào quỡn…bác ” mổ xẻ ‘ qua ngòi bút sắc bén… cho bà con có cái mà so sánh 🙂
Chào nhà văn, nếu có gì không phải xin bác thông cảm và…bỏ qua 🙂
Cám ơn An Khê đã rất chân tình quá cái còm nầy. Và chả có gì phải xin lỗi ai khi ta nói lên một chính kiến là thích hay không thích một điều chi đó. Người viết, hay dỡ đan xem là chuyện tất yếu. Người đọc có quyền nói lên suy nghĩ của mình một cách chính xác. Vậy nên ý cỉa An Khê Trí tôi đây xin cám ơn thêm lần nữa.
Lại cám ơn vụ có đẻ là có lương. Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi cái đã trải nên hồ đồ một tí, nhưng trong một chừng mục nào đó thì có An Khê ạ.
Ý thứ ba là xã hội bây giờ tệ hơn xưa… thì tôi đang viết đây. viết xong tôi sẽ trình làng. mong An Khê ghé mắt nhé.
Bài truyện ngắn này HP đã đọc xong. Lòng bồi hồi nghỉ đến tội nghiệp cho dân “xóm nghèo” của mình. Thời nào cũng có. Tệ nạn triền miên. Bạn đã diễn tả được một góc cạnh của xã hội. Hay lắm Nguyễn Trí.
Cam ơn anh Hoàng Phong đã đọc và đã nói: ” Hay lắm Nguyễn Trí.”
Đúng là cuộc đời của “quí anh hào hảo hớn” ở xứ núi thiệt lộn tùng phèo! Đó là chỉ nói về khía cạnh an bình của tính “chính chuyên”. Nhưng mà dường như đạo lý và nhân cách cũng thường bị hoàn cảnh và xã hội chi phối? Khi mà cuộc sống quá bần cùng thì đạo lý dễ rơi vào tình trạng lỏng lẻo, chưa kể chuyện giáo dục của xã hôi lại thơ ơ… thì chuyện “lộn tùng phèo”, chuyện sống theo bản năng như là một sự tất yếu!
– Trách ông bà Năm Tha ư?
– Trách Thẩn ư?
– Trách Mai ư?
– Trách Hòa ư?
– Trách vợ của Mẫn ư?
với tôi thì trách họ cũng không có gì sai. Nhưng nghĩ lại cho cùng thì mỗi người có một hoàn cảnh riêng và như thế mở lòng một chút cũng có thể cảm thông được. Nếu loại trừ biến chuyển hoàn cảnh xã hôi.
Hai anh em Mẫn và Hùng đen, nhất là Mẫn kề ra cũng “ngon” trong cách xử sự. Đã dược Trời thương mà ban thưởng “Phúc- Lạc” cho tuổi xế chiều.
Ít ra thì “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy” chứ Nguyễn Trí nhỉ?
Câu kết:
“Hòa ngẩn người ra. Hắn ngước mặt nhìn thằng Thơ. Thằng Thơ đăm đăm nhìn hắn.
Ừ nhỉ. Nếu là con của mình thì Hòa sẽ làm gì? ”
gọn mà mang nhiều triết lý! Hòa là cha của Tâm, cha của bản năng nhục dục rồi bỏ Tâm lớn lên như cây cỏ. Giờ “đưa con cây cỏ” thành đạt- rồi đòi gặp! Gặp để làm gì nhỉ???
Truyện viết đan xen rối như canh hẹ, coi mêt quá ông bạn của tui ơi!
Thân mến.
Đời mình vốn rối như canh hẹ anh Lân ạ. Mình đi qua nhiều nơi. vừa kiếm cái ăn vừa ngắm nhìn thiên hạ… và mình thấy rõ rằng đời rói như canh hẹ. Gỡ nó ra ư? Không được. Vì càng gỡ cáng rối. Thôi thì có sao ta viết vậy hầu chư vị quan nhân của trang CĐNTH.
Các anh em nếu có thấy rối hay mệt thì, ít ra, mình cũng làm được cái riêng rằng đọc truyện của trí phải chuản bị …sức khoẻ. Lôi cả cuộc đời váo vái nghìn chữ thì nó nặng nề là phải rồi anh Lân ơi.
Thân ái.