Mai Trần
– Tặng KIM HOA
Chiều xuống. Chiều chớm đông se se lạnh, Nàng ngồi mông lung tận đâu đó cuối chân mây. Con tim nhói lên, hơn năm mươi tuổi con tim đã không còn êm ái nữa. Nhịp đập hình như vấp lỗi tựa cung đàn lỡ, đôi lúc nó làm Nàng xây xẩm, buôn buốt trong lồng ngực. Đứa con gái đầu lòng của Nàng thỏ thẻ “con yêu rồi mẹ ơi”. Nàng có cảm giác mất mát điều gì không rõ. Ừ thì nó đã hai mươi hai rồi còn gì. Nàng vuốt tóc con và nhìn trong đôi mắt nó: đầy ắp mùa xuân xanh ngập đầy hoa mộng. Con ra sau nhà, tự dưng con tim Nàng trở chứng như muốn tắt hơi ngộp thở.
Gần ba mươi năm bỏ miền quê thân thương lên Tây Nguyên lăn lóc kiếm sống. Chưa bao giờ Nàng quên quê hương có dòng sông sau nhà, có khu vườn ăm ắp buồn vui, có hàng Sứ nghiêng chao trước sân nhà rực nắng. Chưa bao giờ nàng quên mối tình xa xưa với người ấy. Nhớ lúc nắm tay ngồi chung trên cây dừa nghiêng lã ra bờ sông. Hai đứa soi bóng giữa trưa hè, Ngồi nghe ve ru, tiếng khuấy nước con thuyền ai đó chèo qua. Nhớ thềm giếng rong rêu nơi Nàng hay nấu nước Bồ Kết gội đầu. Hương Bồ Kết thoang thoảng luôn khiến người mơ màng khi Nàng ngồi hong tóc. Một cơn mê đôi mươi thời bình yên. Trong cơn mơ Nàng cố vói hái chùm Sứ trắng, thì lại thấy người ngồi kết hoa Sứ thành hình nón có tay cầm đưa tặng Nàng.
Người học tập ở thị xã cách quê khoảng hơn mười cây số. Nhưng chẳng mấy khi người ở lại. Sớm tinh mơ đạp xe đạp ra đi, xâm xẩm tối lại về. Cái thời gian chờ đợi ngày ngày luôn nôn nao, vẩn vơ, luôn hạnh phúc như giấc mộng thời con gái đôi mươi. Chỉ mỗi chủ nhật là niềm vui vỡ òa. Nàng chưa bao giờ rời tay người. Rôm rả nói chuyện qua hàng rào Dăm Bụt, gọi vọng sang gởi nhau từng trái xoài chua, từng chùm nhãn lồng mát ngọt. Ba mẹ Nàng , ba mẹ người đều hạnh phúc ngời ngời nhìn hai đứa. Người lớn đã định rồi mà. Duyên may vẫn mênh mang trên ngày tháng đó…
Thế rồi chiến tranh khốc liệt, người phải đi lính trong giọt lệ bất lực của gia đình, trong tiếng nấc nghẹn của Nàng. Vừa ra khỏi quân trường chưa kịp ngày đính hôn, người đã buông bỏ kiếp đời trong viên đạn lạc vô cớ. Chưa chồng Nàng đã mang tang. Vết tang trong tim len lén cháy trong hồn. Ngày ấy Nàng thẩn thờ hoang tưởng: mỗi chiều hình bóng người quấn quít bên Nàng. Nàng nấu nước Bồ Kết hòa giọt lệ biến thành vị thuốc bi thương điên dại.
Bây giờ con gái Nàng đã vô tình yêu bộ đội hải quân. Ngoài khơi xa kia, Hoàng Sa- Trường Sa đang mù khói xâm lăng. Nàng tưởng như ngày ấy, cái ngày đỏ lửa, cái ngày chồng chưa cưới tức tưởi giã cõi nhân gian. Giấc mơ hoang đưa Nàng lạc lõng trong rừng Sứ trùng trùng điệp điệp… Nàng ngơ ngác loay hoay nơi ấy, mỏi mệt kiếm tìm hình bóng đã trở thành thiên thu kỷ niệm. Nàng luôn lạc lõng, luôn sai lối mòn định mệnh. Liệu đứa con gái thân quí có nối tiếp định mệnh như Nàng không? Thầm nhủ trong lòng khiến hồn Nàng rơi rơi chìm xuống đáy vực trắng xóa sương mù, nơi có người đang co mình đón đợi. Bao nhiêu năm là bấy nhiêu cơn mê sảng đời Nàng. Nàng buông bỏ tình trong gian nan kiếm tìm miếng sống nuôi con, nuôi gia đình. Không bao giờ ngơi nghỉ vì ngơi nghỉ là Nàng lại sống chết với cơn mê.
Cái giá rét của Tây Nguyên khiến má môi se lại, máu như đông cứng thành quá khứ. Nàng mỏi mòn nhưng thấy con gái mình yêu thương kiếm tìm hạnh phúc. Ơn trời sao cho nó không như duyên phận của Nàng. Sợ hãi vô cớ chăng? Có lẽ! Chỉ thầm cầu mong sao con mình có tình yêu viên mãn. Chiều Tây Nguyên luôn đem ngu ngơ tới hồn Nàng. Cứ mỗi khi chiều xuống Nàng lại quay quắt nhớ viễn vông đủ chuyện. Biết bao nhiêu chiều không khóc nhưng giọt lệ thấm đẫm gối đêm đêm. Mang giấc mơ muôn trùng xa cách. Ơi… thôi… chiều cứ xuống đi cho Nàng một lần ấp ủ bình yên vuông tròn chuyện tình yêu mà con Nàng đang có… đang chờ đợi.
Pleiku 12-2014
Viết giống giọng văn của một nhà văn nữ trước 75 quá. Hình như là Nguyễn Thụy Hoàng thì phải. Hay lắm.
!!!!!! không biết phải nói sao !!!!!
Nghe giọng văn này quen quá và té ra là Thiên Di.
Thơ cũng như văn tác giả viết chứa nhiều lắng sâu trong hồn người.
Bài viết mượt, dòng xúc cảm thật mảnh liệt…
Chào Huyên, sao lâu nay ít thấy trên tang tvqn.info vậy?
Công nhận tác giả là nam mà viết bài này thật lạ và hay.
Hiếm có ai đào sâu tâm tình người nữ như bài viết này…
Về quê khi nào vậy???
Tôi là phụ nữ nên đọc bài viế này tôi cho rằng tác giả viết về tâm tư phụ nữ hết chê.
Viết như vậy mới là văn chương đúng nghĩa…
Đừng khen như vậy!!!
Như dòng tâm tư chảy ngược về quá khứ của một góa phụ sống đầy trăn trở muộn phiền.
Tác giả đưa người đọc lắng sâu trong hơi thở của Nàng làm lòng buồn buồn theo cảm xúc riêng Nàng.
Đúng là nhà văn có khác: đặt mình vào tâm sự của Nữ trong khi mình là Nam… hay thật.
Câu truyện buồn mà không buồn bởi nó toát lên nét nhân sinh quan rỏ nét càng đọc càng thích. MAI TRẦN hay là THIÊN DI khéo tay lắm, mong đọc tiếp phần hai của anh.
Đừng đưa anh lên ngọn cây cao quá anh mà té em chịu trách nhiệm…
Thật khéo léo khi dựng nên câu truyện này.
Văn phong mượt, dẩn dắt người đọc vào vùng suy tưởng của mình thật dể chịu, tôi thích cách viết như thế.
Cám ơn anh Dân
Ba mươi năm xa xứ “lăn lóc kiềm sống”- không- Có lẽ Nàng trốn chạy bến nước, dòng sông xưa, nơi đong đầy những kỷ niệm đầy thi vị của mối tình tuổi đôi mươi nhiều chua xót!
Trốn đâu cho thoát? Khi lòng chưa nguôi ngoai! Mỗi khi chiều xuống, nhất là chiều của Tây nguyên mờ sương se lạnh… Tác giả Mai Trần quá khéo đề thu xếp câu chuyện.
Cái khéo nữa, Tác giả dùng hình ảnh tình yêu người lính của con gái để dẫn dắt “chuyện xưa” lắm ngậm ngùi của mình. Thật ý nhị.
Mai Trần, tôi mong được đọc truyện tiếp theo của bạn.
Thân mến.
Ý bình của anh khiến tôi không bình nữa vì anh đã bình hộ tôi mất rồi…
Bình ké hả cô em!
Ừ bạn cứ chờ đọc phần 2 nghe
Cách viết lôi cuốn lạ kỳ.
Lâu lắm tôi mới đọc một bài viết như thế này
Tác giả khá cứng tay. Chúc sức khỏe.
Chào bạn, dạo này ra sao?
Một bài viết thật mượt mà…
Dòng tâm tư của người phụ nữ nghĩ về mối tình xa xưa nơi quê nhà và buổi chiều buông khiến nàng vẫn vơ đủ chuyện. Nhưng dòng tâm tình thể hiện thật xúc cảm vô cùng. Văn viết hay quá dể ru lòng người.
He he he ,,, Mai Trần viết bài nầy để gợi nhớ ngừ xưa của mình đó !
Đúng ra người xưa mình tâm tình đó
Cám ơn Nhã Đoan
Tự nhiên cám ơn ai vậy