THÌ THẦM (4) – Nguyễn Hữu Thục Vân

Nguyễn Bích Sơn

Candle

Thắp nén nhang lên bàn thờ, nhìn ảnh con lòng Mẹ đau quặng thắt… Không còn nước mắt để mà khóc cho con. Con ơi ! Mới đó mà đã 38 năm – 38 năm… Ngày con lìa bỏ cõi đời không có Mẹ Cha bên cạnh. Con như một đứa trẻ mồcôi – mặc dù con có đủ cả Mẹ lẫn Cha… Ôi ! Tội nghiệp Con tôi…
Nỗi buồn thương nhớ chợt vây quanh lấy Mẹ… Nhìn ảnh Con và Bố là Mẹ trở về với niềm cô đơn bất tận. Nước mắt Mẹ lưng tròng… Thước phim dĩ vãng lại quay về… Như thường lệ mỗi lần đi thăm nuôi Bố, Mẹ phải chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đem theo, nào là thức ăn, thuốc lá, thuốc tây… v… v… (cái gì cũng cần). Mẹ đang trộn những loại bột (ngũ cốc) lại với nhau để cho vào hũ nhựa ngày mai đi thăm Bố, thì từ đâu Con chạy lại, thò tay bốc nắm bột cho vào miệng, Mẹ la lên : “Ly (tên gọi ở nhà), không được ăn, để ngày mai Mẹđem cho Bố”, Con nhoẻ miệng cười rồi bỏ chạy… Mọi chuyện tưởng không có gì, nếu…

Hôm sau Mẹ đi thăm Bố cùng với cô Bé và nhóm bạn, đi được hơn nửa đường thì trời bỗng mưa như thác đổ, cơn mưa kéo dài, và trở nên lụt lội. Thường thì Mẹ đi về trong ngày, nhưng vì mưa lụt nên hôm sau mới về đến nhà.

Sau giờ thăm nuôi, bạn bè nói không có xe vô trong này, kiểu này chắc phải ngủ lại đêm nay mai mới về được, tự nhiên lòng Mẹ thấy nóng và bồn chồn khó chịu. Như có điều gì thôi thúc và xui khiến, Mẹ muốn về ngay; nên khi cơn mưa vừa dứt Mẹ nói với cô Bé : “Cô Bé về đi, mình đi bộ ra lộ chính rồi đón xe về. Sao chị thấy nóng ruột quá” – “Tùy chị chứ xa lắm đó”. Mẹ có rủ mọi người cùng đi, nhưng không ai chịu, họ cũng nói đường xa, đợi xe ngày mai hẳn về. Suy nghĩ một lúc rồi Mẹ quyết định đi, không hiểu sao, có gì thôi thúc. Mẹ nói : “Đi thôi cô Bé, không xa đâu, đợi xe biết chừng nào, ra lộ chính đón xe về kịp mà. Thế là Mẹ và cô Bé ra đi, mọi người nhìn Mẹ ái ngại, không cản được… Mẹcứ tưởng là gần, không ngờ đi hoài… đi mãi… không thấy đâu là đâu, cũng may là trời tạnh hẵn mưa, nhưng đường đất trơn trợt, Mẹ phải cất dép đi chân không, khi đi mấy ngón chân phải bấu chặt xuống đường, nếu không sẽ bị trợt té, cứ thế mà đi trên đường mòn trong núi không một bóng người. Đi được một đoạn thật xa thì gặp một người đàn ông, hỏi thăm : “Anh ơi ! Ra tới quốc lộ còn xa không Anh ? – “Còn xa lắm, sao hai chị gan vậy, con truông này cọp hay về lắm, hai chị đi nhanh lên, đến xóm nhà xin tá túc qua đêm, rồi sáng mai hãy đi” – “Cám ơn Anh”.

Nỗi sợ hãi đến với Mẹ (chắc cô Bé cũng vậy) nhưng không ai dám nói ra điều này, đi trở lại chăng ? Không được, đi đã khá xa rồi, đành phải đi tiếp thôi , cứ vậy mà hai chị em lầm lũi, lầm lũi… bước đi không nói năng gì. Trời sắp tối, thấp thoáng thấy xóm nhà, hai Chị Em mừng quá, rảo bước nhanh hơn… Đến nơi Mẹ xin nghỉ chân qua đêm, không ngờ bị họ từ chối, nói là không dám chứa người lạ, sợ bị kiểm điểm… Hai Chị Em đành phải tiếp tục đi, Mẹ không hiểu sao lúc đó Mẹ lại mạnh, dẻo dai và sung sức như vậy, như có người phù hộ Mẹ ? Với những bước chân khập khểnh của Mẹ, Mẹ đã đi suốt một đoạn đường dài không biết mệt và cứ thế Mẹ đi tiếp… đi tiếp… , gặp xóm nhà thứ hai và Mẹ cũng vào xin như vậy, lại bị từ chối… Giọt nước mắt buồn tủi chợt lăn trên gò má, Mẹ đưa tay chùi nhanh và cố nén lại, nuốt ngược vào trong dòng nước mắt chực trào ra… Sao người ta lại nhẫn tâm như vậy ? – Thật không có tình người ! Trời đã chạn vạn tối, nỗi sợ hãi tăng dần… nhưng biết làm sao đây, phải tiếp tục đi thôi… Nhìn thấy bóng đèn nhà ai thấp thoáng từ xa, đôi chân khập khểnh của Mẹ lại rảo bước nhanh hơn suýt té mấy lần; Mẹ lâm râm cầu nguyện, xin Chư Phật xót thương…

Trời không phụ lòng người, có tiếng chó sủa, Mẹ bước vào sân, người đàn ông trung niên từ trong nhà bước ra, hỏi : “Chị hỏi ai ?” – “Dạ… Chị Em tôi đi thăm nuôi chồng ở tù, vì không có xe nên lỡ đường, xin Anh cho Chị Em tôi tạm nghỉ chân ở đây vài giờ, sáng sớm chúng tôi ra lộ đón xe về”. Anh ta vui vẻnhận lời ngay và mời vào nhà, vào trong Anh ta giới thiệu Bà cụ trong nhà là Mẹ Anh ta. Mẹ chào và nói : “Cũng may có Anh và Bác cho ở nhờ, nếu không Chị Em tôi không biết phải làm sao, trời tối đi đường vắng sợ quá, chúng tôi có vào xin mấy nhà trước mà họ không cho, họ nói sợ chứa người lạ. Anh ta nói : “Họ sợ bị phê bình kiểm điểm, có nhà là V C nằm vùng, sức mấy mà họ cho. Tui cũng là lính VNCH, không cấp bậc gì nên không bị cải tạo, và tui cũng cóc sợ ai. Hai chị cứ nghỉ ở đây, mai sáng rồi đi, ra tới ngoài lộ đón xe cũng còn mấy cây số nữa. Mẹ ngồi xuống tấm phản gỗ, lúc đó Mẹ mới thấm mệt và mệt mỏi vô cùng, hai chân mỏi nhừ, sưng vù, lật dưới lòng bàn chân thì thấy rướm máu. Đã ngồi xuống rồi thì Mẹ không cách nào đứng dậy nổi…

Con biết không, đây là lần đầu tiên trong đời, Mẹ đi bộ lại đi chân không với đôi chân tàn tật nữa thì làm sao không mệt hả con ? Nhưng nghĩ đến Bố, đến sự chịu đựng khổ nhục, ăn không no, mặc không ấm, lao động cực nhọc của Bố thì so với Mẹ có là bao! Có lần Bố nói với Mẹ : “Nếu không có Em và Con, chắc Anh không chịu đựng nổi”. Cũng vì thế mà Mẹ tự nhủ với lòng sẽ không bỏ sót kỳ thăm nuôi nào, dù đường đi có cực khổ bao nhiêu Mẹ đều không bỏ cuộc… Bây giờ nhớ lại, thấy mình cũng giỏi thật, với đôi chân khập khểnh này mà vượt qua được ba mươi bảy cây số đường. Ôi ! Sức mạnh của tình yêu… !

Đêm đó Mẹ không ngủ được, cứ trông trời mau sáng để mà đi, lòng bồn chồn khó chịu, rồi Mẹ liên tưởng tới Bố… Mới ngày nào đó một chàng Không Quân oai hùng… bây giờ vóc dáng tiều tụy, ốm, đen, đôi mắt trủng sâu, nét mặt buồn bã, Mẹ bật khóc trong nghẹn ngào, uất hận… Thương quá Nghề ơi ! Cũng tại Em mà Anh kẹt lại…

Tờ mờ sáng Mẹ vùng dậy và ra đi sau khi ngỏ lời vô cùng cám ơn Mẹ con Anh chủ nhà. “Hai chị đi cẩn thận cũng còn khá xa, chị đi cho kịp chuyến xe của các phiên chợ”. Mẹ nghe tiếng Bà Cụ nói : “Tội nghiệp đã vậy mà còn đi thăm nuôi chồng”. Ra tới lộ chính thì trời sáng hẵn. Mẹ đón xe về Qui Nhơn, đến gần trưa thì về tới. Vừa bước xuống xe thì đã thấy Dì Hoa (con Ông Chú) ra đón : “Sao giờ này Chị mới về ?” – “Trời mưa lụt không có xe nên bây giờ mới về, sao hôm nay tốt với Chị vậy ?” – “Thường Chị đi về trong ngày, mà nay Chị mới về nên Bác lo, biểu Em lên đón Chị”. Rồi Dì Hoa giành xách những giỏ không cho Mẹ. Khi đi ngang qua hàng mấy bà bán gánh trái cây hằng ngày, thấy Mẹ họ đứng lên nhìn Mẹ với đôi mắt ái ngại thương cảm. Mẹ nghe tiếng ai đó nói : “Cảnh gì mà tội quá, đi thăm nuôi chồng ở tù, ở nhà con chết”, Mẹ giật thót người vụt quay qua hỏi Dì Hoa : “Ai chết Hoa ?” : “Đâu có ai !”, Mẹ bước nhanh qua góc đường, nhìn về hướng nhà mình, thấy có đông người đứng phía trước, Mẹ lại hỏi Dì : “Sao có đông người đứng tụ tập trước nhà mình vậy Hoa ? Bộ có chuyện gì hả ?” – “Đâu có gì đâu, thôi đi nhanh về nghỉ Chị”. Dì Hoa vịn tay Mẹ dìu đi. Mẹ thoáng nghĩ có điều gì đó bất an, Mẹ bước vội, nếu chân Mẹ chạy được là Mẹ đã chạy rồi đó Con biết không ? Gần tới nhà, thấy những khuôn mặt quen thuộc của chòm xóm, Mẹ bước vào ngang cửa, Ông Bà Ngoại vừa thấy Mẹ oà khóc nức nở, mặt Mẹ xây xẩm, thân hình chao đảo, có ai đó vịn Mẹ dẫn vào nhà, Mẹ trông thấy trên đi-văng con của Mẹ nằm đó thẳng băng với bộđồ trắng xoá. Mẹ chưa xác định được đứa nào, Chị Hai hay là Con ? Mẹ chồm tới khuỵu xuống và ngất đi, mọi người đỡ lấy Mẹ khiêng vào phòng. Dự đoán được điều này nên Ông ngoại đã nhờ bác sĩ quen lo cho Mẹ…

Lúc tỉnh dậy, xung quanh Mẹ có bạn bè và chòm xóm, có ai đó đưa Mẹ ly sửa và nói : “Uống đi cho khoẻ Em”. Mẹ thấy nghẹn ở cổ họng, không biết chuyện gì đã xãy ra ? Chặp lâu Mẹ hỏi Bà Ngoại : “Má, đứa nào chết ? Và tại sao chết ? Hôm con đi, đâu có đứa nào đau yếu hết mà, TiTi , Lyly ?”. Tự nhiên Mẹ nghĩ tới Chị Hai con, Chị ốm yếu lại bị bệnh suyển, chứ Mẹ đâu có ngờ lại chính là Con, đứa con gái trắng trẻo, mập mạp của Bố Mẹ. Trời ơi ! Sao lại như vậy ? Con đang khoẻ mạnh, mập mạp sao lại chết đi ? Sao con chết đi lúc không có Bố Mẹ ở nhà ? Sao con ra đi một cách tức tưởi vậy hả Con ? Sao Con không đợi Mẹ về. Con ơi là Con ! Mẹ khóc, Mẹ gào không thành lời, lòng Mẹ tan nát, xót xa đau khổ tột cùng. Sao những nỗi bất hạnh cứ dồn dập bủa vây lấy đời Tôi ? Người Anh trai duy nhất chết đi, Tôi bị VC pháo kích mất đi đứa con trai bé bỏng và một phần thân thể của mình. Bây giờ chỉ cách một đêm, một đêm thôi, Tôi lại mất đi đứa con gái chưa tròn năm tuổi, còn chồng thì đang bị nhốt trong chốn lao tù Cộng Sản… Con ơi, rồi đây Mẹ phải nói gì với Bố ? Mẹ phải làm sao đây hả Con ?

Hình ảnh con chập chờn trong trí Mẹ… Mẹ nhớ có lần mấy chú ở cạnh nhà (VC chiếm căn nhà kế bên làm trụ sở Đoàn Thanh Niên CS HCM ) , mấy chú hỏi con : “Cháu ăn gì mà “ốm” vậy ?” (con mập mấy chú hỏi ngược lại). Vì Bố bịđi tù nên Mẹ và Ông Ngoại dặn các con có ai hỏi gì cứ trả lời không biết chứđừng nói bậy bạ. Vì ở kế bên, mấy chú thấy con dễ thương nên thường hay chọc ghẹo, đùa giỡn, cũng câu hỏi đó : “Cháu ăn gì mà “ốm” vậy ?”, cứ hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần, con bực tức trả lời : “Ăn củ mì”. Con bị Ông la quá trời, dọa đánh, có lần bị Ông Ngoại đánh thật vì mấy chú cứ theo hỏi : “Bố cháu lái máy bay gì ?”. Con nói : “Máy bay bỏ bom”, (lúc đó có Ông và Mẹ đứng trước sân). Ông Ngoại và Mẹ thật bất ngờ, có ai bày con biểu Con nói vậy đâu, con chưa đầy năm tuổi thì làm sao biết bom với đạn ? Ông lôi Con vô nhà la : “Mày muốn Bố mày ở tù mút chỉ hả, ai bày mày nói tầm bậy ?”. Con bị Ông nổi nóng quất cho mấy chổi lông gà, Mẹ khóc thầm không dám bênh Con, lại còn phụhoạ la thêm để cho Ông dịu xuống. Thật tội cho Con, Con còn nhỏ đã biết gì… Còn đang mơ màng suy nghĩ về Con thì : “Sơn, Sơn, uống sữa đi rồi ra thăm con ,sắp tới giờ đi chôn rồi”. Mẹ như trong cơn mê chợt bừng tỉnh… hất vội tay ai đó, đứng vụt dậy đi ra ngoài, nghe có tiếng ai : “Giữ nó lại cho nó ra làm gì !” – “Để nó ra nhìn mặt con nó lần cuối”. Mẹ không nghe, gạt tất cả, bươn ra lao vào ôm lấy thân xác cứng đờ lạnh ngắt của Con mà gào thét mà vật vã… cho tới khi tỉnh dậy…

Sao yên tĩnh qúa ! Đầu óc Mẹ lúc đó vừa lâng lâng vừa trăm nghìn ý nghĩ phức tạp. Mẹ thật rã rời, một hai người bạn, vài người hàng xóm. Mẹ hỏi : “Đâu hết rồi Thím ? Ba Má con đâu ? Con con đâu ?” – “Mọi người đưa tiển cháu đi hết rồi”. Mẹ oà khóc : “Sao không cho cháu tiển đưa con cháu lần cuối hả Thím ?” – “Cháu ngất xỉu giờ mới tỉnh dậy mà đưa với tiển gì, uống ly sửa đi cho khoẻcháu, lỡ bệnh là khổ cho Ba Má cháu nữa. Tội nghiệp Ông Bà, hôm qua giờ cứlo, nếu cháu không về kịp, ở nhà cũng không biết tính sao, tội qúa !” – “Sao chôn gấp vậy Thím” – “Coi được ngày, với lại phường họ không cho để lâu”.

Mẹ thật buồn… thật trống vắng… Con gái của Mẹ, mới hôm qua đây Con còn bốc bột ăn bị Mẹ la, mà bây giờ… Nếu biết trước Con chết như vầy thì Mẹ đâu có la Con, Mẹ sẽ để cho Con ăn thoải mái. Sao lúc đó Con không vòi vĩnh, không khóc lóc mà lại nhoẻn miệng cười bỏ chạy ? Để đến bây giờ bao nhiêu năm rồi mỗi khi nghĩ về Con Mẹ đều bị dày vò day dứt, hối hận vì đã đối xử với Con như vậy, Con có buồn giận Mẹ không Con ? Con cho Mẹ xin lỗi…

Sau khi chôn cất Con xong về Bà Ngoại kể : “Hôm con đi, sáng nó dậy theo Má” (đêm đó Con ngủ với Ngoại vì Mẹ đi sớm ), Má nói tiếp : “Cháu ngồi đây Bà quét sân xong rồi lấy cháo cho ăn, nó dạ, khi hôm ngủ Má rờ trán nó thấy hanh hanh rồi. Quét sân xong Má vô thấy mặt nó đỏ và có vẻ mệt, Má rờ thấy trán nó nóng qúa mới kêu ông Ngoại lấy thuốc cho nó uống. Má múc cháo đút nó mà nó không ăn, nằm vật ra đó, Má nói với Ba thôi để nó ngủ thêm chút nữa .Nó nằm gần đến trưa ,kêu nó không thưa, người nóng quá lại ỉa trong quần. Má hết hồn kêu Ba, lại thấy người nó co giựt, Ba Má liền đem nó vô nhà thương, nhập viện, người ta chuyền sérum cho nó và lấy máu xét nghiệm. Tội nghiệp Ông Hai (Bà con với Bà Ngoại là Bác sĩ làm trong bệnh viện) cũng lo dữ lắm, Ông nói : “Chuyền nước biển cho cháu và cho thuốc cắt cơn co giật, nếu cơn co giật không bớt thì rất nguy vì cháu quá nhỏ sợ không chịu đựng nổi. Đến chiều Ba Con thấy nó không xong rồi, Ổng muốn đưa nó về nhà. Bác sĩ nói : “Còn nước còn tát”. Ổng lớn tiếng : “Nó chết rồi còn tát gì nữa”, Ổng ôm lấy nó ra khỏi phòng và kêu xích lô đi về. Về đến nhà người nó còn ấm, Ba con sợ cháu chết đường tội nghiệp”. Nói xong Bà Ngoại khóc, Mẹ khóc theo… Con chết rồi mới có kết quả xét nghiệm : viêm não cấp tính (năm đó có dịch viêm não). Con chết giống y chang cậu Bồng, Cậu cũng co giật như Con, chuyền chưa hết bình sérum thì Cậu Con cũng qua đời tại bệnh viện GRAL Sài Gòn. Ông phải bao nguyên chiếc máy bay Air Viet Nam đưa Cậu Con về Qui Nhơn chôn ở nghĩa địa Phật Giáo.

Con ơi ! Đã mấy mươi năm trôi qua, giờ hồi tưởng lại, Mẹ không thể nào quên được khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng hồng và cái lém của Con được (trong bốn chị em , con có nước da trắng giống Mẹ nhất , còn chị Thục Viên hai em Thục Vy, Hữu Vinh lại giống Bố).

Con gái của Mẹ, bây giờ Con ở đâu ? Con có nhớ thương và hờn trách Mẹkhông Con ? Mẹ thì thương yêu Con vô cùng và cũng nhớ Con vô cùng, thương Con từ khi Con còn nằm trong bụng Mẹ, cho đến bây giờ và mãi mãi… mặc dù Con không còn hiện hữu trên cõi đời này…

Con yêu dấu của Mẹ ! Một ngày nào đó rồi Mẹ cũng phải bỏ lại sau lưng những cay đắng muộn phiền, những kỷ niệm đau thương, những nhớ nhung luyến tiếc… để đi vào nơi chốn nào đó, ở đó Mẹ sẽ gặp lại Bố, Anh Con và Con… Mong lắm thay !!!

 

Người M Bt Hnh

Nguyn Bích Sơ

(Đêm Lnh Houston, Nov. 12/2013)

23 bình luận

Filed under Nguyễn Bích Sơn, Nhật ký, Tác Giả

23 responses to “THÌ THẦM (4) – Nguyễn Hữu Thục Vân

  1. Mất con thơ là cái đau xé lòng của người mẹ. Xin gưi lờ chia buồn muộn màn đến BS.

  2. Lien Duong

    Chị ơi, những mất mát đau thương của chị làm người đọc không cầm được nước mắt,em đã từng ngưỡng mộ một tình yêu son sắt của một người Vợ dành cho Chồng …và bây giờ lại càng ngưỡng mộ với lòng yêu thương ,sức chịu đựng phi thường của một người Mẹ…Mong rằng khi viết ra được chị sẽ cảm thấy vơi bớt phần nào những buồn thương….
    Em xin lỗi vì đã vào com hơi chậm trễ.
    Chúc chị và các cháu một mùa xuân ấm áp ,tràn đầy yêu thương.

    • Liên Dương mến !
      Mỗi người có một phần số mà em … Chị trải lòng mình và được nhiều ACE đồng cảm chia xẻ nên chị thấy an ủi và vơi đi nhiều những buồn thương … Chị thật ấm áp trong thương mến của mọi người …
      Một Năm Mới trong bình an và hạnh phúc nghen Liên Dương .

  3. Chị Bích Sơn ơi, “Thì Thầm 4- Nguyễn Hữu Thục Vân”, như những lát cắt hồi ức bi thương, nghiệt ngã của đời chị về những năm tháng ấy thật xói lòng, ngậm ngùi, và buồn quá chị ơi! Em xin chia sẻ nổi buồn cùng chị, Thôi,”hãy để gió cuốn đi” bao đau thương ngày cũ cho lòng thanh thản mà sống chị nhé!
    Năm mới 2015, chúc chị và gia đình luôn dồi dào sức khoẻ, an vui và hạnh phúc.

    • Chào NNT !
      “Hãy để gió cuốn đi” , chắc phải dzậy thôi em , cuối năm rồi mong gió lớn cuốn đi tất cả những buồn phiền nghiệt ngã … Và chị đang đón luồng gió mới đây , hy vọng luồng gió mát đến để chị vui sống cuối đời …
      Chúc em và gia quyến Năm Mới tràn đầy sức khỏe – tràn ngập yêu thương và tập thơ đầu tay “Vỡ Màu Ký Ức” của em được nhiều người ủng hộ …CHÚC MỪNG ! CHÚC MỪNG …!!!
      Quý mến em Ngọc Thơ !

  4. Trúc Sơn

    Một hồi ức thật đau lòng! Một lối viết như kể, chân phương nhưng thật nao lòng!
    Câu kết” Mong lắm thay!!!”, nghe mà đứt ruột! Nỗi nhớ của một người vợ, nỗi đau của một người Mẹ, thật bao dung! Ai lại mong được chết vậy hè?! Khoan đã chị Bích Sơn ạ. Chị có biết các cháu còn lại đang cần Mẹ, đang cần chị không? Đành rằng bao tiếc nuối, bao nhớ nhung… đang hằng hằng bủa vây chị mỗi khi ngồi tĩnh lặng nhớ đến- em hiểu.
    Triết lý còn là “Sinh ký- Tử qui” vẫn còn giá trị hằng hữu, chị nhỉ? Anh Nghề và bé Ly đã “về” rồi đấy! Em tin, dù hai phương trời dương gian nhưng có lẽ là một Cõi Vĩnh Hằng. Hy vọng nơi ấy anh và cháu đã hôi ngộ và dắt tay nhau vui vầy nơi chín suối. Mong lắm thay!
    Em đồ chữ “Mong lắm thay” của câu kết bài viết của chị. Nhưng có lẽ nó nhẹ nhàng và có lý hơn bản gốc của chị- chị há?
    Vậy đi.
    Chúc chị nhiều khỏe và tâm thượng lạc.
    Thân mến.

    • Trúc Sơn nè !
      Nói thì nói dzậy thôi , chứ không ai muốn mà được , chị còn nặng nợ trần gian , nghiệp chướng nặng nề nên chưa chết đâu em , chị đang vui vẻ để trả cho xong cái “nghiệp” này mới thanh thản ra đi …không biết đến bao giờ , biết đâu sớm mai không thức dậy ? Đã tin vào phần số thì thôi để cho định mệnh an bài …chị đang vui với hiện tại , mặc dù không như ý , thời gian không là bao , nhưng như vậy cũng đủ rồi – hạnh phúc cuối đời rồi TS … Mọi đau khổ làm chị “chai” rồi , không còn gì làm cho “gục” nữa , sống an nhiên tự tại thế mà dzui ?
      Chúc TS an vui bên cạnh người thân yêu và bạn hữu .
      Chị BS .

  5. Trần Mỹ Thắng

    Mỗi câu chuyện của chị là mỗi niềm đau , không biết sao đời chị nhiều nỗi bất hạnh, em xin chia sẻ cùng chị ,,, mong điều lành đến với chị !

    • Thắng ơi ! Chắc kiếp trước chị vụng đường tu nên bây giờ gặp nhiều bất hạnh ? thôi thì vui vẻ trả xong nợ cho rồi Thắng hén …Cám ơn T . chia xẻ cùng chị , chị thấy nhẹ bớt một phần …
      Tình thân .

  6. Chị Bích Sơn thương,
    Sau một thời gian vắng bóng , nay chị trở lại với “Thì thầm (4)-Nguyễn Hữu Thục Vân. Bài viết của chị, khiến em không cầm được nước mắt…và dòng cảm xúc của em cũng cứ trôi theo từng sự việc , theo từng dòng suy tư cảm xúc của người mẹ lăn tròn , xuyên suốt bài viết để rồi em thấy được hình ảnh người vợ, người mẹ trong chị thật đẹp , thật ngời sáng bởi đức tính hi sinh chịu đựng gian khổ cùng với tấm lòng yêu thương chồng con vô bờ bến…đó cũng là nét tính cách tuyệt vời của người phụ nữ VN mà người đời thường ca ngợi…Vơi chị, nỗi thương nhớ về đứa con vắn số vẫn luôn đau đáu trong lòng … không nguôi…
    Chị ơi, nỗi lòng của chị, em rất hiểu nên em thương chị lắm ! Tuy nhiên, tất cả đã qua, em mong chi hãy lạc quan vui sống chị nhé !
    Chúc sức khỏe chị.

    • Nguyệt Vân mến !
      Cám ơn NV hiểu thấu lòng chị . Đúng đấy NV , tất cả đã qua , đã trở thành quá khứ , chị phải “buông” để dựa vào niềm vui mới , sống cho hết quãng đời còn lại …không biết có được không đây ? Thôi , xuôi theo tự nhiên , tuỳ duyên vậy …
      Chúc điều tốt đẹp đến với NV .

  7. Nguyên Thủy

    Cảm ơn chị Bích Sơn đã thật can đảm kể lại chuyện buồn đứt ruột dù bao năm sau đi nữa..Em xin chia xẻ với chị…Muốn hỏi chị thêm chi tiết này, nếu tiện thì chị trả lời còn nếu không thì như em không có hỏi..”Cô Bé” trong câu chuyện là người bà con hay người bạn cùng đi thăm nuôi tên Bé..?
    Chúc chị năm mới 2015 sức khỏe và an vui.

    • Hi Nguyên Thuỷ !
      Cám ơn NT đọc và chia xẻ bài viết cùng chị . Chị trả lời câu hỏi của em : Cô Bé là cô ruột của cháu ( em ruột chồng chị ) Bé tên gọi ở nhà , có gì không em ? Và tại sao nói chị “can đảm” ? Chuyện chị viết hoàn toàn sự thật hết đó Thuỷ , chị ghi lại về thời điểm lúc đó . Một kỷ niệm vậy thôi …
      HAPPY NEW YEAR : bình an – hạnh phúc đến Nguyên Thuỷ .

      • Nguyên Thủy

        Kính chị Bích Sơn,
        Em nói chị can đảm vì chuyện buồn qúa, nhắc lại sẽ làm chị buồn hơn.
        Em hỏi vì biết đâu em biết người tên Bé trong câu chuyện..nhưng câu trả lời của chị là rõ rồi..Chỉ trùng tên và cùng hoàn cảnh

  8. TT Hiếu Thảo

    Nhật ký buồn ray rức chị BS, xin chia sẻ…..hãy vui lên chị nhé Happy new year

    • Nguyễn Bích Sơn

      Cám ơn HT đã chia xẻ cùng chị … Cố vui để đi tiếp quảng đường còn lại .
      HAPPY NEW YEAR – Hiếu Thảo !

  9. Nhỏ

    Chị ơi. Nhỏ rất vui khi gặp lại chị trên trang, Nhưng chị BS ơi, Trang Nhật ký nào của chị cũng đẩm đầy nước mắt ? Chia sẽ cùng chị Tình Yêu của một người Mẹ . Chúc chị Khỏe và An vui . Nhỏ

    • Chào em Nhỏ ,
      Có một vài việc riêng nên vắng trang nhà đó em . Cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui nên cũng ảnh hưởng đến bài chị viết em à … Hy vọng những ngày còn lại chị sẽ vui … nếu … Hì ! !! …
      Chúc em vui và trẻ mãi nghen Nhỏ .

  10. Chị Bích Sơn ơi .Bài viết của chị thật xót xa và cảm động NT đọc mà thấy bùi ngùi .Ngày xưa thật khổ quá chị nhỉ .Cũng vì vậy mà chị đành mất đi
    đứa con yêu dấu của mình .Ba mươi tám năm kg nguôi nỗi nhớ thương chị nhỉ .Xin chia sẻ nỗi buồn này với chị .Giờ cháu chắc cũng đã phiêu lãng mà đi vào kiếp khác hạnh phúc và sung sướng rồi chị j .ạ /Chúc chị vui ,khỏe ..Thân ái ..

    • NAMTHU56 !
      Cám ơn em chia xẻ bài viết của chị … Mỗi khi quay lại nhìn về quá khứ đau buồn thì không thể nào quên được những người thân yêu đã bỏ ta đi em à … nhưng biết làm sao hơn ? Tất cả đều VÔ THƯỜNG , nghĩ vậy đi , cho bớt đau khổ và tự an ủi lấy mình mà sống tiếp …vậy thôi !
      Chúc NT vui khỏe và như ý trong Năm Mới nha .

  11. Chính xác là nỗi lòng của một người Mẹ đáng khâm phục chị Bích Sơn à

    • Chào Dzạ Lữ !
      Có gì mà khâm phục DL hè ? Người làm Mẹ nào cũng vậy thôi , sao mà không thương đứa con mà mình cưu mang chín tháng mười ngày hả DL ?
      Rồi bỗng dưng lìa bỏ mình ra đi ? Đau lòng lắm DL biết không …Híc ! Híc !!!…

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.