Dáng xưa

Nguyễn huy Cường

Huy Cường

Nhà báo Nguyễn huy Cường hiện đang sinh sống và làm việc tại  Sài Gòn .Đến với trang nhà trong tình bằng hữu , giao lưu. Mong được các bạn nồng nhiệt đón nhận anh Cường.

BBT.

 

Buổi ấy anh về thăm quê nội
Nay vắng hương sen níu giữ con ngòi
Cũng không còn
Vuông cỏ mềm
Để anh cởi giày ào xuống chơi bóng bưởi
Đâu tiếng tàu than xưa tha thiết hú còi? .

Nay quê lúa mà ruộng ngày hẹp lại
Đâu con rô đồng khẽ món cạnh cầu ao?
Đâu lời tỏ tình vừa thơ vừa vụng?
Đáy nước lặng lờ
Hai đứa đếm sao…
Ai dám trách khi người đông đất chật
Nhưng sao nhớ những đêm xưa đập lúa sân đình
Lũ trẻ cà kê chuyện yêu chuyện ghét
Thoáng cái, con gà vỗ cánh gọi bình minh
Thoáng cái các em thành bà, thành mẹ
Nét tảo tần nhăn trên đuôi mắt, đầu mi
Phiên chợ khuya căn cơ lời mặc cả
Nặng vết chân trần in nẻo những lối đi
Thương mái cọ năng mưa mòn cũ
Mái tóc hanh khô bởi sương sớm gió tà
Cô giáo trẻ cất Kiều vào tủ
Còng lưng tôm cuốc thửa đất sau nhà
Ai bảo em cứ một đời giống mẹ
Như con cò mỏi cánh vẫy bao la
Đổi tuổi trẻ lấy nắm tép, mớ ngô
Lấy nhọc nhằn áo vá
Mồ hôi mặn dần trên cánh đồng Ba
Con gà mẹ co mình cây rơm ướt
Có gì đâu mà cộc tác đầu sân
Đôi trẻ hôm qua gượng cười trong ảnh cưới
Nay thâu đêm tính chuyện nợ nần
Thương nải chuối cỗi cằn không mọng nổi
Bàn tay em thon thả hôm xưa
Nay bươn bả sớm hôm đầu đường cuối chợ
Tay em khô như nải chuối trái mùa
Đất quê mình xưa
Nơi bến Chùa chợ Rằm bao thuyền neo đậu
Điệu dân ca Phú Thọ bắc qua chiều
Nơi gạo trắng nước trong
Con gái Lưu Phương xưa ngọt ngào dải yếm
Và mái đình xưa rộn rã nhịp trống chèo
Nếu một bận anh được mơ thấy Bụt
Chỉ một điều tha thiết với bề trên
Xin cho em
Trước khi trở thành Bà, thành Mẹ
Phải có một thời
Em được chính là Em.

Phương Xá-Cầu Tây tháng Ba năm Đinh Hợi

∞∞∞

17 bình luận

Filed under Nguyễn huy Cường, Tác Giả, Thơ

17 responses to “Dáng xưa

  1. Chào anh Nguyễn Huy Cường, nghe anh nói về Phú Thọ bất giác Gấu nghĩ đến quê mẹ, dù chưa một lần được đặt chân đến.
    “Đất quê mình xưa
    Nơi bến Chùa chợ Rằm bao thuyền neo đậu
    Điệu dân ca Phú Thọ bắc qua chiều
    Nơi gạo trắng nước trong
    Con gái Lưu Phương xưa ngọt ngào dải yếm”
    G. tưởng tượng một thời thanh bình êm ả, đất rộng người thưa…Và bây giờ, qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm cuộc đời, Gấu cũng từng muốn
    “Phải có một thời
    Em được chính là Em.”
    Gởi anh lời chào (lần 2) thân mến khi anh đến vui chơi cùng trang nhà.

  2. Tham ai chao anh Huy Cuong .Mot nguoi ban moi đa vao choi trong Tramg nha chung ta Sang nay đoc bai tho cua anh that hay va cung that ray rut .Bai tho chp ta tro ve lai nhung ngay than ai cua tuoi tho ;nhung ky uc ngot ngao cua lang que yeu dau ;cua tuoi tho đong đay ky nirm. Khi ta ve .tat ca đa kg con gi nua .
    canh cu chieu que ,nhung buoi chieu tren minh trau lo lung tieng sao dieu nhung tro choi cung ban be tuoi dai đa kg con .Hinh anh lang que xua ,gio chi con trong ky niem ,voi noi nho thupng ngut ngan ,xot xa ray rut .That buon vi gio đay lang que đa len pho ,đau roi bong dang cuainh ngay xua cua nhung ngay tuoi dai chan chat ,ngay ngo …Gio đay tim ve chon que xua voi bao đoi thay moi tham thia noi buon va nho thupng quay quat cua nhung ky niem ngay xua than ai ,trong đo hinh anh cua em kg bao gio mo phai trong toi ..
    Con đau mot thuo ngay xua ..
    Cung bao ban nho tam mua tron tim
    Ve que xua bao noi niem .
    Nho em ,nho ban biet tim noi nao .
    Nho trua tieng me ngot ngao
    Au o me hat thoi vao giac con .
    Nho tung tieng de ni non ..
    Nho con ca nho ,nho con trau gia .
    Nho tung nam ot ,dia ca ..
    Canh que mot bat đam đa tinque …
    Than chuc anh Vui .Khoe …Mong se con gap anh thuong xuyen tren Trang nha cua chung ta ..Than ai ….

    • Cảm ơn nhiều về sự chia sẻ của bạn hữu. Mình gốc Bắc nhưng có rất nhiều bạn hữu ở Quảng Ngãi, Bình Định nhất là lớp trung niên trên 50, mình học được rất nhiều ở người đất võ và còn được biết đất này qua những vần thơ từ thủa vỡ lòng ” em sinh ở Tam Quan- Giữa miền Nam ruột thịt- Quê em dù xa tít- em vẫn nhớ, vẫn thương…” Giờ đây, mỗi lần đi công tác, vẫn ghé Tam Quan, Hoài Ân, Quy Nhơn …như tìm về nhà quê của mình.
      Tháng trươc bọn mình mới về trao quà là nhiều thiết bị phục vụ học tập ở Trường chuyên Lê Quý Đôn, ngôi trường đẹp ơi là đẹp!.
      Siết chặt tay các bạn.

  3. Nguyên Thủy

    Chào mừng anh Nguyễn Huy Cường đến với trang nhà.
    Những câu thơ xót lòng…Sau bao năm trở lại làng quê xưa, những cô bé ngày nào trong trắng ngây thơ mà bây giờ..

    “Thoáng cái các em thành bà, thành mẹ
    Nét tảo tần nhăn trên đuôi mắt, đầu mi”

    Hoặc thật đắng lòng khi biết…
    “Cô giáo trẻ cất Kiều vào tủ
    Còng lưng tôm cuốc thửa đất sau nhà”
    Hình ảnh này nói lên nhiều điều đáng suy nghĩ để sửa đổi hơn là cảm thương..?

    Và cuối cùng, tác giả mơ ước…
    “Xin cho em
    Trước khi trở thành Bà, thành Mẹ
    Phải có một thời
    Em được chính là Em.”

    Người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại đều đáng thương và đáng trân trọng. Có biết bao nhiêu hội thảo, lễ lộc về phụ nữ nhưng chỉ mang tính hình thức, nhưng kết qủa thì sao..?
    Mong được đọc thêm nhiều bài nữa của anh…

  4. TT Hiếu Thảo

    Thơ tự do nhưng mang nhiều hình ảnh và ngôn ngữ cuả thi ca .

  5. Mây Lang Thang

    Em xin chào chú Nguyễn Huy Cường,,,

  6. Chào Quý bạn.
    Cảm ơn Quý bạn đã chia sẻ với tác giả đôi vần. Bài thơ này mình viết khi xa quê mươi năm vào Sài Gòn sinh sống, trở về Phú thọ khi ấy, vùng quê nghèo như nghèo hơn và lớp bạn khi ấy chừng dăm chục tuổi mà già rất nhanh bởi cuộc mưu sinh. Đất đai thì đem làm CNH một phần, nên nhìn toàn cảnh, thấy thật buồn nhưng nỗi buồn lớn nhất là những người phụ nữ cùng thời hầu như chẳng khi nào được vui, được làm duyên, đợc thật sự hạnh phúc…
    Đó là xuất xứ bài thơ.
    Rất mừng được tham gia vào sân chơi đằm thắm tình người, chững chạc và nghiêm túc của các bạn.
    Tác giả: Nguyễn Huy Cường.

  7. Trần Mỹ Thắng

    Bài thơ có chút nuối tiếc nuối xót xa về một “dáng xưa” nào đó, một tình yêu quê hương ,,,làng quê, và nhiều thứ tình yêu khác nữa,,,
    Bài thơ nghe ngọt ngào làm sao ấy anh Huy Cường !
    Xin chào anh đã vào sinh hoạt với trang nhà , chúc anh vui 😀

  8. Nhỏ

    Dáng xưa. Một cảm xúc rất thật và rất ngọt ngào của người xa quê khi trở về . Tình yêu Quê hương mới làm cho lời thơ thiết tha sâu lắng đến thế phải không anh Huy Cường ? Chia sẽ cùng anh . Thân mến

  9. Chào anh Nguyễn Huy Cường,
    Đọc bài “Dáng xưa” của anh, Nguyet Van cảm nhận đâu đó, một chút cảm xúc thương cảm pha chút tiếc nuối xót xa về một quãng đời của một “bóng hồng” nào đó trong một lần gặp lại.
    “Buổi ấy anh về …
    ….tha thiết hú còi”
    Bài thơ mở ra, bằng một buổi anh về thăm quê nội. Có lẽ đây là lần anh trở lại thăm quê, sau nhiều năm xa cách ….bởi không gian vùng quê nội hôm nay, dưới góc độ nhìn của anh đã ít nhiều thay đổi “vắng hương sen…; không còn vuông cỏ mềm…Để anh cởi giày ào xuống chơi bóng bưởi”. Mùi hương sen không còn thoang thoảng làm dịu lòng người để rồi có đi xa bao lâu vẫn không làm sao quên được….rồi lại còn vuông cỏ mềm như nhung … đã không biết bao lần , anh đã “ào” xuống đây chơi bóng bưởi, từ ào diễn tả sự di chuyển rất nhanh và mạnh, ở đây chỉ sự thoải mái, ngã lưng lên thảm cỏ mềm mà như đang đắm mình xuống làn nước mát … Còn nữa ,” tiếng còi hú của những chuyến xe than” ngày nào , giờ chỉ còn trong kí ức…
    “Nay quê lúa mà ruộng ngày …
    … người đông đất chật”…
    Đi dọc theo con đê vào nhà nội, tôi chợt chạnh lòng…bởi hình ảnh, ruộng lúa “cò bay thẳng cánh” , giờ đã thay đổi ,nhiều khoảng ruộng đã lên đất vườn, có chỗ lên hẳn đất thổ cư…phần ruộng trồng lúa bị thu hẹp lại, đứng khiêm tốn trông thật buồn “quê lúa mà ruộng ngày hẹp lại”…thử hỏi còn “Đâu con rô đồng khẽ món cạnh cầu ao ?”.Trong cái lẩn khuất của quá khứ, tôi bỗng nhớ lại một thời trẻ dại, tiếng nói yêu “vừa thơ vừa vụng “…”Đáy nước lững lờ …hai đứa đếm sao”…Bây giờ, tất cả đã thay đổi và nguyên nhân” ….người đông đất chật”…
    Lý do chính đáng…
    “Nhưng sao nhớ…
    ..nải chuối trái mùa”
    Tôi cũng biết, sự đổi thay của làng quê do hoàn cảnh xã hội thay đổi nhưng không hiểu sao nếp sinh hoạt của quê nhà ngày trước, vẫn còn nguyên trong trí nhớ…Đo là những đêm “đập lúa trước sân đình” , còn lũ trẻ ngồi cà kê chuyện yêu, chuyện ghét ….Thoang, giờ các em thành bà, thành mẹ…Ở các em, anh vẫn thấy được sự lo toan của một đời lam lũ ” Nét tảo tần nhăn trên đuôi mắt, đầu mi”, “phiên chợ khuya căn cơ lời mặc cả”, “Nặng gót chân trần in nẻo những lối đi”, “Mái tóc hanh khô bởi sương sớm gió tà”…Nhin em , anh chợt nghe lòng trĩu nặng bởi người phụ nữ trước mặt anh xuất thân cũng là một cô giáo. Ấy vậy mà “Cô giáo trẻ cất Kiều vào tủ”, “Còng lưng tôm cuốc thửa đất sau nhà”. Cuộc sống mưu sinh đã biến người trí thức thành người lao động thuần thục…Tôi thật sự thương tội cho em nhưng không hiểu sao, tôi lại buông lời “Ai bảo em cứ một đời giống mẹ”, ” Như con cò mỏi cánh vẫy bao la”, “Đổi tuổi trẻ lấy nắm tép, mớ ngô”, “Lấy nhọc nhằn áo vá”, “Mồ hôi mặn dần trên cánh đổng Ba” . Nói là nói thế nhưng tôi thấy lo, thương cho sự vất vả cùng cực của em đến nao lòng ! Rồi còn phải chăm chúc cho con…cho gia đình. Dường như trong em chỉ có ngày vui độc nhất, đó là ngày cưới !….Sau đó thì “Bàn tay thon thả hôm xưa, nay bươn bả sớm đầu đường cuối chợ”, “Tay em khô như nải chuối trái mùa” Hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó…
    “Đất quê mình xưa…
    … chính là em.”
    Vùng đất quê mình….Nơi bến Chùa, chợ Rằm bao thuyền neo đậu, nơi có điệu dân ca Phú Thọ bắc qua cầu….Nơi gạo trắng nước trong, nơi có người con gái Lưu Phương xưa ngọt ngào dải yếm…và mái đinh xưa rộn rã nhịp trống chèo. Vâng, quê hương tôi đấy, tôi luôn tự hào nơi mình được sinh ra và lớn lên…Nhưng sao lòng vẫn đau đáu nghĩ về em…Và giá mà tôi có dịp mơ thấy Bụt, tôi “chỉ một điều tha thiết với bề trên, xin cho em “Trước khi thành bà, thành mẹ – phải có một thời em được chính là em”
    Bài thơ thể hiện suy nghĩ cảm xúc rất thật về làng quê, về hình ảnh người phụ nữ với những vất vả trong cuộc mưu sinh cùng sự sẻ chia đầy tính nhân văn…
    Cám ơn tác giả đã chào sân với một bài thơ hay. Chúc vui khỏe.
    Thân ái.

Hãy gởi những lời bình luận thân thương đến với mọi người.

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.